Một số biểu hiện cơ bản ở trí thông minh của học sinh lớp 4

Một phần của tài liệu Trí thông minh của học sinh lớp 4 ở một số trường tiểu học (Trang 40 - 45)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ THÔNG MINH CỦA HỌC SINH LỚP 4

1.3. Trí thông minh của học sinh lớp 4

1.3.3. Một số biểu hiện cơ bản ở trí thông minh của học sinh lớp 4

Trong đề tài này, chúng tôi nhìn nhận biểu hiện trí thông minh của học sinh lớp 4 ở các phẩm chất tư duy (chỉ số biểu hiện sự phát triển trí thông minh) như tính định

hướng, tính khái quát hóa và tính tiết kiệm của tư duy trong quá trình giải quyết nhiệm vụ nhận thức.

1.3.3.1. Tính định hướng

- Là một phẩm chất tư duy. Ở mỗi học sinh khác nhau, tính định hướng sẽ khác nhau.

- Tính định hướng liên quan đến khả năng xác lập mối quan hệ giữa cái quen thuộc (mẫu) với cái mới (yêu cầu mới, nhiệm vụ mới), tái hiện mẫu đã biết, chọn lựa được những kiến thức để giải quyết vấn đề, nhiệm vụ đặt ra một cách chính xác, hiệu quả [1, tr.44].

- Tính định hướng được xem xét theo hai tiêu chí: đúng, nhanh.

+ Tiêu chí đúng: Học sinh nhận diện mối quan hệ giữa nhiệm vụ mới (cái mới) và mẫu (tri thức cũ); tái hiện được mẫu, áp dụng mẫu để giải quyết thành công nhiệm vụ nhận thức (đúng đáp số, đúng kết quả).

+ Tiêu chí nhanh: Nhanh chóng nhận diện mối quan hệ giữa cái mới và mẫu, tái hiện mẫu, áp dụng mẫu để giải quyết nhiệm vụ đặt ra,…

- Tính định hướng của học sinh lớp 4 có thể được phân thành các mức độ sau:

+ Mức 1: Tính định hướng ở mức cao

Học sinh có tính định hướng ở mức cao là những trẻ: nhanh chóng xác lập mối quan hệ giữa cái mới và mẫu, tái hiện mẫu, vận dụng mẫu để giải quyết nhiệm vụ nhận thức một cách chính xác, hiệu quả.

+ Mức 2: Tính định hướng ở mức TB

Học sinh có tính định hướng ở mức TB là những trẻ: xác lập được mối quan hệ giữa cái mới và mẫu nhưng thường cần nhiều thời gian và đôi khi cần phải có sự hướng dẫn, gợi ý từ giáo viên. Khi đã xác lập được mối quan hệ này trẻ sẽ cần thời gian để tái hiện mẫu và vận dụng mẫu để giải quyết nhiệm vụ nhận thức. Ở đây, có hai trường hợp có thể xảy ra: một là trẻ vận dụng được kiến thức (mẫu) để giải quyết nhiệm vụ một cách chính xác; hai là trẻ vận dụng được mẫu để giải quyết nhiệm vụ nhưng chưa chính xác (có thể do thiếu cẩn thận, tính toán chưa chính xác,…).

+ Mức 3: Tính định hướng ở mức thấp

Học sinh có tính định hướng ở mức thấp là những trẻ không có khả năng xác lập mối quan hệ giữa cái mới và mẫu dù trẻ có dành nhiều thời gian cho việc này cũng như khi đã được giáo viên gợi ý, hướng dẫn. Do đó, trẻ gặp khó khăn và thường không thể giải quyết đúng đắn nhiệm vụ nhận thức [1, tr.44].

Trong dạy học, giáo viên cần xác định đúng đắn mức độ định hướng của từng học sinh. Đối với những học sinh có mức độ định hướng cao, giáo viên cần đưa ra những nhiệm vụ nhận thức không giống với mẫu và khuyến khích trẻ giải quyết để phát triển hơn nữa tính định hướng ở trẻ. Còn với những học sinh có mức độ định hướng TB, giáo viên cần động viên, khuyến khích, gợi ý, hướng dẫn kịp thời, giao nhiều bài tập nhận thức gần giống với mẫu để trẻ có thể nhận ra mối quan hệ giữa nhiệm vụ mới và nhiệm vụ quen thuộc, vận dụng kiến thức đã biết để giải quyết chúng một cách cẩn thận. Riêng đối với những trẻ có mức độ định hướng thấp, giáo viên cần dành nhiều thời gian, giúp trẻ lĩnh hội được tri thức (mẫu), phân tích nhiệm vụ mới, xác lập mối quan hệ giữa cái mới và mẫu, áp dụng mẫu để giải quyết nhiệm vụ cẩn thận, chính xác đồng thời xây dựng nhiều bài tập nhận thức tương đồng để trẻ rèn luyện nâng cao mức độ định hướng.

1.3.3.2. Tính khái quát hóa

- Là một phẩm chất tư duy. Ở mỗi học sinh khác nhau, tính khái quát hóa cũng khác nhau.

- Tính khái quát hóa liên quan đến khả năng khái quát các sự vật, hiện tượng cùng loại thành các nhóm sự vật hiện tượng có chung một số đặc điểm nào đó; khái quát các mối liên hệ cùng loại thành các quy tắc, quy luật và vận dụng các quy tắc, quy luật đã được khái quát hóa sẵn để giải quyết nhiệm vụ nhận thức [1, tr.52].

- Tính khái quát hóa cũng được xem xét theo hai tiêu chí: đúng, nhanh

+ Tiêu chí đúng: Học sinh xếp được các sự vật, hiện tượng cùng loại thành một nhóm; thiết lập đúng quy tắc, quy luật của các mối liên hệ cùng loại; vận dụng quy tắc, quy luật đã thiết lập để giải quyết đúng đắn nhiệm vụ nhận thức.

+ Tiêu chí nhanh: Nhanh chóng nhận ra đặc điểm chung, mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng cùng nhóm, thiết lập nhanh các quy tắc, quy luật cho các mối liên hệ

cùng loại ấy và áp dụng nhanh quy tắc, quy luật đã khái quát để giải quyết nhiệm vụ nhận thức.

- Tính khái quát hóa của học sinh lớp 4 có thể được phân thành các mức độ sau:

+ Mức 1: Tính khái quát hóa ở mức cao

Học sinh có tính khái quát hóa ở mức cao là những trẻ nhanh chóng: xếp được các sự vật, hiện tượng cùng loại thành một nhóm; vận dụng quy tắc, quy luật đã thiết lập sẵn để giải quyết đúng đắn nhiệm vụ nhận thức; thiết lập đúng quy tắc, quy luật của các mối liên hệ cùng loại.

- Mức 2: Tính khái quát hóa ở mức TB

Học sinh có tính khái quát hóa ở mức TB là những trẻ cần nhiều thời gian để xếp được các sự vật, hiện tượng cùng loại thành một nhóm. Sau khi trẻ phân nhóm thành công, có thể có hai trường hợp xảy ra; một là: trẻ biết vận dụng quy tắc, quy luật đã thiết lập sẵn để giải quyết đúng đắn nhiệm vụ nhận thức, thiết lập đúng quy tắc, quy luật của các mối liên hệ cùng loại; hai là: trẻ vận dụng được các quy tắc, quy luật đã được thiết lập sẵn để giải quyết đúng nhiệm vụ nhận thức nhưng chưa có khả năng tự xây dựng quy tắc, quy luật đúng để cho các mối liên hệ cùng loại tương tự.

+ Mức 3: Tính khái quát hóa ở mức thấp

Học sinh có tính khái quát hóa ở mức thấp là những trẻ không có khả năng xếp các sự vật hiện tượng cùng loại thành nhóm; không có khả năng vận dụng các quy tắc, quy luật đã được thiết lập sẵn để giải quyết nhiệm vụ nhận thức cũng như không có khả năng thiết lập các quy tắc, quy luật cho các mối liên hệ cùng loại [1, tr.52].

Trong dạy học, giáo viên cần xác định đúng mức độ khái quát hóa của từng học sinh để có biện pháp tác động cho phù hợp với từng đối tượng giúp khả năng này ở trẻ ngày một nâng cao.

1.3.3.3. Tính tiết kiệm tư duy

- Là một phẩm chất tư duy. Ở mỗi học sinh khác nhau, tính tiết kiệm tư duy khác nhau.

- Tính tiết kiệm tư duy liên quan đến tính chính xác; tính logic và sự ngắn gọn của các bước giải quyết vấn đề nhận thức.

- Tính tiết kiệm tư duy cũng được xem xét theo hai tiêu chí: đúng, nhanh

+ Tiêu chí đúng: kết quả giải quyết vấn đề phải đúng

+ Tiêu chí nhanh: nhanh chóng thiết lập logic giải quyết vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, hợp lý.

- Tính tiết kiệm tư duy ở học sinh lớp 4 có thể được phân thành các mức độ sau:

+ Mức 1: Tính tiết kiệm tư duy ở mức cao

Học sinh có tính tiết kiệm tư duy ở mức cao thường nhanh chóng thiết lập logic giải quyết vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, hợp lý và giải quyết nhiệm vụ nhận thức cho kết quả chính xác.

+ Mức 2: Tính tiết kiệm tư duy ở mức TB

Học sinh có tính tiết kiệm tư duy ở mức TB thường mất nhiều thời gian để thiết lập logic giải quyết vấn đề. Sau khi lập xong logic này, có thể có hai trường hợp xảy ra; một là: trẻ lập được logic giải quyết vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, hợp lý và giải quyết nhiệm vụ nhận thức cho kết quả chính xác và hai là: trẻ lập được logic giải quyết vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, hợp lý nhưng giải quyết nhiệm vụ nhận thức cho kết quả chưa chính xác (do sai sót, thiếu cẩn thận trong quá trình tính toán,…).

+ Mức 3: Tính tiết kiệm tư duy ở mức thấp

Ở mức độ này, trẻ chưa lập được logic giải quyết vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, hợp lý; số bước giải quyết vấn đề còn dài dòng. Việc giải quyết nhiệm vụ đặt ra cho kết quả có thể chính xác hoặc chưa chính xác.

Trong dạy học, giáo viên cần xác định đúng mức độ các phẩm chất tư duy của từng học sinh để có biện pháp tác động phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao hơn nữa mức độ này ở mỗi em, giúp hoạt động học tập của trẻ ngày càng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chúng tôi nhìn nhận rằng khả năng ngôn ngữ; trí nhớ; tư duy; tri giác,… đối với một số vấn đề liên quan đến nội dung học tập trong chương trình, sách giáo khoa lớp 4, những tri thức phù hợp với lứa tuổi,…cũng là những biểu hiện cơ bản ở trí thông minh của trẻ lứa tuổi này.

- Khả năng ngôn ngữ ở học sinh lớp 4 liên quan đến việc sử dụng từ cho sẵn điền vào chỗ trống để tạo thành một câu hoàn chỉnh, sắp xếp trật tự từ trong câu, xác định

hình thức chính tả của từ; phân tích cấu tạo từ, phân biệt loại từ, xác định nghĩa của từ, câu,….

- Khả năng trí nhớ ở học sinh lớp 4 liên quan đến việc ghi nhớ các tri thức trong nội dung học tập ở lớp 4 và một vài thông tin, sự kiện đơn giản, gần gũi với lứa tuổi này…

- Khả năng tư duy ở học sinh lớp 4 liên quan đến việc suy luận, tính toán (giải) những bài tập cơ bản ở các môn học trong chương trình sách giáo khoa lớp 4 và một số bài tập nâng cao phù hợp với lứa tuổi.

- Khả năng tri giác ở học sinh lớp 4 liên quan đến việc nhận ra điểm giống nhau, khác nhau giữa các đối tượng,….

Như vậy: Trí thông minh của học sinh lớp 4 có thể được nhìn nhận ở nhiều biểu hiện khác nhau. Việc xem xét kết hợp các biểu hiện cơ bản kể trên trong hoạt động học tập và một số hoạt động khác của lứa tuổi sẽ giúp ta nhiều căn cứ hơn, nhiều thông tin hơn để đánh giá trí thông minh của trẻ.

Một phần của tài liệu Trí thông minh của học sinh lớp 4 ở một số trường tiểu học (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(227 trang)