Định nghĩa trí tuệ, trí thông minh

Một phần của tài liệu Trí thông minh của học sinh lớp 4 ở một số trường tiểu học (Trang 25 - 30)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ THÔNG MINH CỦA HỌC SINH LỚP 4

1.2. Trí tuệ, trí thông minh

1.2.1. Định nghĩa trí tuệ, trí thông minh

Trí tuệ là một lĩnh vực có cách nhìn khá đa dạng, phong phú.

+ Theo Từ điển Hán Việt của tác giả Nguyễn Lân: Trí là hiểu biết, tuệ là thông minh. Do đó, trí tuệ là thông minh, hiểu biết [20].

+ Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông: Trí tuệ là khả năng nhận thức đạt đến một trình độ nhất định [36].

+ Trong Tiếng Anh, trí tuệ là Intelligence có nghĩa là khả năng hiểu, suy nghĩ về điều gì đó và là khả năng tiếp thu, sử dụng kiến thức [47].

+ Trong Tâm lý học, có nhiều định nghĩa khác nhau về trí tuệ nhưng có thể khái quát thành ba nhóm quan điểm sau:

* Nhóm 1: Coi trí tuệ là khả năng hoạt động lao động và học tập của cá nhân.

Ở nhóm quan điểm này có một số tác giả tiêu biểu như: B.G. Ananhiev, V.V.

Bogoxlovki, Wiliam Bernard và Jules Leopold,….

- Tác giả B.G. Ananhiev xem trí tuệ là đặc điểm tâm lý phức tạp của con người mà kết quả công việc học tập và lao động phụ thuộc vào nó [24, tr.41].

- Theo V.V. Bogoxlovki: Năng lực trí tuệ là năng lực chung, bao gồm một hệ thống thuộc tính trí tuệ của cá nhân giúp cho việc lĩnh hội tri thức dễ dàng và có kết quả [1, tr.35].

- Wiliam Bernard và Jules Leopold khẳng định: Có mối liên hệ giữa trí tuệ và sự học tập của cá nhân [12, tr.237].

Như vậy, ở nhóm quan điểm xem trí tuệ là khả năng hoạt động lao động và học tập của cá nhân, hầu hết các tác giả nhận thấy có sự liên hệ giữa trí tuệ với khả năng học tập của cá nhân, song mối liên hệ này không phải tương ứng 1 – 1 (giống quan niệm của A. Binet: những học sinh học kém do lười hoặc có thể do những nguyên nhân khác) [24, tr.42].

* Nhóm 2: Coi trí tuệ là năng lực tư duy trừu tượng của cá nhân.

Ở nhóm quan điểm coi trí tuệ là năng lực tư duy trừu tượng của cá nhân có một số tác giả đại diện như: L. Terman, X.L. Rubinstein, N.A. Menchinxcaia…

- Tác giả X.L. Rubinstein xem hạt nhân của trí tuệ là các thao tác tư duy [1, tr.37].

- N.A. Menchinxcaia xem đặc trưng của trí tuệ là sự tích lũy vốn tri thức và các thao tác trí tuệ để con người tiếp thu tri thức [1, tr.36].

Như vậy, các tác giả ở nhóm quan điểm thứ 2 đã vạch ra yếu tố hạt nhân của trí tuệ là tư duy trừu tượng.

* Nhóm 3: Coi trí tuệ là năng lực thích ứng của cá nhân.

Đại diện nhóm quan điểm này có một số tác giả tiêu biểu như W.B. Stern, J. Piaget, D.

Wechsler, …

- J. Piaget quan niệm bất kỳ trí tuệ nào cũng đều là một sự thích ứng [24, tr.42].

- Theo Stern: Trí tuệ là năng lực chung của cá nhân đặt tư duy một cách có ý thức vào những yêu cầu mới. Đây là năng lực thích ứng tinh thần đối với nhiệm vụ và điều kiện mới của đời sống [34, tr.8].

- Sternberg xem trí tuệ là sự thích ứng có mục đích với môi trường, có ý nghĩa quan trọng với đời sống của cá nhân [1, tr.38].

- Tác giả D. Wechsler coi trí tuệ là khả năng tổng thể để hoạt động một cách có suy nghĩ, tư duy hợp lý, chế ngự được môi trường xung quanh [24, tr.42].

- Theo F. Raynal và A. Rieunier: Trí tuệ là khả năng xử lý thông tin để giải quyết vấn đề và nhanh chóng thích nghi với tình huống mới. Còn N. Sillamy quan niệm trí tuệ là khả năng hiểu các mối liên hệ sẵn có giữa các yếu tố của tình huống và thích nghi để thực hiện cho lợi ích của bản thân [24, tr.42].

Như vậy, quan điểm về trí tuệ ở 2 nhóm trên thực chất là đồng nhất trí tuệ với trí thông minh, trí thông minh được xem là khả năng nhận thức và giải quyết các vấn đề mang tính phức tạp chủ yếu trong quá trình học tập. Còn nhóm quan điểm thứ ba được các nhà nghiên cứu ủng hộ nhất, cũng từ quan điểm về trí tuệ ở nhóm này đã tạo cơ sở ra đời của một số quan điểm mới về trí tuệ.

Ở góc nhìn trí tuệ theo quan điểm mới có một số tác giả tiêu biểu như Gardner, D. Goleman, Eysenck… Trong nghiên cứu của mình, các tác giả này khẳng định trí tuệ không chỉ được thể hiện trong việc giải quyết các nhiệm vụ hàn lâm, mà còn được thể hiện rõ nét ở việc giải quyết các nhiệm vụ của cuộc sống. Trí tuệ là kết quả tương tác của con người với môi trường sống và là tiền đề cho sự tương tác ấy. Sự tương tác của con người và môi trường phần lớn diễn ra trong quan hệ hoàn toàn khác với tình huống hàn lâm. Theo Neisse (1976) nếu đặt trí tuệ hàn lâm vào thực tế sẽ có một dạng trí tuệ khi thực hiện nhiệm vụ trong tình huống đời thường [33, tr.10].

Ngoài các nhóm quan niệm trên còn có nhiều cách hiểu khác về trí tuệ do hướng tiếp cận của mỗi nhà nghiên cứu.

- Dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, V.M. Blaykhe và L.F. Boulachuc (1978) xem trí tuệ là cấu trúc động, tương đối độc lập của các thuộc tính nhân cách, được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều kiện văn hóa, lịch sử quy định và chủ yếu đảm bảo cho sự tác động qua lại phù hợp với hiện tượng xung quanh, cho sự cải tạo có mục đích hiện thực ấy [1, tr.39].

- Tác giả Huỳnh Văn Sơn định nghĩa: “Trí tuệ - đó là một cấu trúc động tương đối độc lập của những khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo và khả năng làm chủ xúc cảm của cá nhân trong xã hội, được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều kiện văn hóa, lịch sử quy định và chủ yếu đảm bảo cho sự tác động qua lại phù hợp với hiện thực xung quanh, cho sự cải tạo, đổi mới có mục đích hiện thực ấy”

[28, tr.22].

- Theo nhóm tác giả nghiên cứu đề tài KX – 05 - 06 : “Trí tuệ là một thuộc tính của nhân cách có tính độc lập tương đối, có cấu trúc phức hợp, đa tầng, đa diện. Đó là tổ hợp các năng lực nhận thức, năng lực nhận cảm, điều khiển cảm xúc của cá nhân,

được hình thành và phát triển trong hoạt động, chịu sự quy định của điều kiện văn hóa – xã hội, đảm bảo cho sự tương tác phù hợp với hiện thực, cho sự cải tạo có mục đích hiện thực ấy nhằm đạt được các mục đích quan trọng trong cuộc sống của con người”.

Theo các tác giả này, cần xem xét thuật ngữ trí tuệ theo nội hàm mở rộng hơn quan niệm truyền thống. Tức là xem thuật ngữ trí tuệ có nội hàm mới bao gồm: trí thông minh (intelligence), trí sáng tạo (creativity), và trí tuệ cảm xúc (emotional intellience [19, tr.10].

- Vũ Thị Lan Anh quan niệm: “Trí tuệ là một cấu trúc bao gồm các thành phần tâm lý, trong đó hạt nhân cơ bản là các thành phần nhận thức, đảm bảo cho sự thích ứng của con người với môi trường xung quanh” [1, tr.41].

Như vậy: Có rất nhiều quan điểm khác nhau về trí tuệ nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau. Sự khác biệt giữa các quan niệm chỉ là ở chỗ khía cạnh nào được nhấn mạnh và nghiên cứu sâu hơn. Do vậy, để có cách hiểu bao quát về trí tuệ thì cần xét đến những đặc trưng của nó:

- Trí tuệ là yếu tố tâm lý có tính độc lập tương đối với các yếu tố tâm lý khác của cá nhân, được hình thành và biểu hiện trong hoạt động của chủ thể.

- Trí tuệ có chức năng đáp ứng mối quan hệ tác động qua lại giữa chủ thể với môi trường sống, tạo ra sự thích ứng tích cực của cá nhân.

- Sự phát triển của trí tuệ chịu ảnh hưởng của yếu tố sinh học và chịu sự chế ước của các yếu tố văn hóa – xã hội.

Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nghiên cứu trí tuệ của Tâm lý học, trong đề tài này chúng tôi tán thành định nghĩa trí tuệ theo tác giả Huỳnh Văn Sơn. Theo đó,

“Trí tuệ là một cấu trúc động tương đối độc lập của những khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo và khả năng làm chủ xúc cảm của cá nhân trong xã hội, được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều kiện văn hóa, lịch sử quy định và chủ yếu đảm bảo cho sự tác động qua lại phù hợp với hiện thực xung quanh, cho sự cải tạo, đổi mới có mục đích hiện thực ấy.”

1.2.1.2. Định nghĩa trí thông minh

Theo Từ điển Tiếng Việt, trí thông minh có hai nghĩa. Thứ nhất: Có trí lực tốt, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh. Thứ hai: Nhanh trí và khôn khéo, tài tình trong cách ứng đáp và đối phó [24, tr.40].

Trong Tâm lý học, trí thông minh được nhiều tác giả quan niệm khác nhau. Cụ thể như sau:

+ Tại hội thảo “Trí thông minh và đo lường trí thông minh” do ban biên tập của tạp chí Tâm lý giáo dục (The Journal of Educational Psychology) tổ chức vào năm 1921, 14 nhà tâm lý học nổi tiếng về lĩnh vực này tuy đưa ra các ý kiến cụ thể về trí thông minh có sự khác nhau nhưng lại có 2 điểm chung: Trí thông minh là năng lực học từ sự trải nghiệm và năng lực thích ứng với môi trường xung quanh [18, tr.7].

+ Theo Sternberg (1988): Trí thông minh là năng lực thích ứng với những tình huống mới hoặc không mong đợi; năng lực khái quát hóa những ý tưởng bất chợt xuất hiện trong đầu khi đang giải quyết các vấn đề; năng lực học trong hoàn cảnh thực tế chứ không phải trực tiếp từ việc giảng dạy ở nhà trường và năng lực thực hiện những nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc [18, tr.8].

+ Lý thuyết sinh thái của Ceci (Ceci et al, 1997) đề nghị xem trí thông minh như là chức năng của sự tương tác giữa các năng lực tiềm năng bẩm sinh, hoàn cảnh môi trường và động cơ bên trong chủ thể. Ceci tin rằng có những năng lực có tính tiềm năng bẩm sinh, chúng được nuôi dưỡng bởi hoàn cảnh cụ thể. Một cá nhân có thể mạnh ở một số năng lực nào đó và yếu ở một số năng lực khác [18, tr.9].

+ Gardner (1993) xem trí thông minh như là một năng lực hoặc một loạt các năng lực, chúng được dùng để giải quyết vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị cho ngữ cảnh văn hóa cụ thể [18, tr.9].

+ Bên cạnh các quan điểm kể trên thì có một số lý thuyết khác xem trí thông minh là một hệ thống phức hợp bao gồm sự tác động qua lại giữa các quá trình tâm lý, ảnh hưởng của hoàn cảnh và hàng loạt các năng lực [17, tr.39].

+ Tác giả Trần Bá Hoành (1995) xem trí thông minh là trí tuệ song ở mức độ phát triển cao. Cốt lõi của trí thông minh là phẩm chất tư duy tích cực, độc lập, sáng

tạo, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn, lý luận và liên quan chặt chẽ với trình độ văn hóa của mỗi người.

+ Theo giáo trình Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm (tác giả Nguyễn Thị Tứ (chủ biên), Nxb ĐHSP TP.HCM, năm 2012): “Trí thông minh là thuộc tính của trí tuệ, cần cho hoạt động nhận thức của con người. Người có trí thông minh thể hiện sự nhanh hiểu, nhanh tiếp thu, vận dụng tốt những kiến thức đã lĩnh hội, khi xử lý tình huống thường rất linh hoạt, nhanh chóng tìm ra giải pháp đúng và sáng tạo”

[32, tr.158].

Như vậy: Có nhiều cách hiểu khác nhau về trí thông minh. Mỗi cách hiểu có một ý nghĩa nhất định. Trong đề tài này, chúng tôi cho rằng trí thông minh là trí tuệ nhận thức, là thuộc tính (phẩm chất) của trí tuệ. Do vậy, chúng tôi định nghĩa trí thông minh ở 3 khía cạnh:

- Năng lực lĩnh hội nhanh chóng và hiệu quả - Năng lực tư duy trừu tượng

- Năng lực thích ứng với môi trường.

Một phần của tài liệu Trí thông minh của học sinh lớp 4 ở một số trường tiểu học (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(227 trang)