Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ THÔNG MINH CỦA HỌC SINH LỚP 4
1.2. Trí tuệ, trí thông minh
1.2.2. Cấu trúc trí thông minh
Bàn về cấu trúc trí thông minh có nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể:
* Mô hình cấu trúc trí thông minh hai thành phần
- Mô hình trí thông minh của N.A. Menchinxcaia và E.N. Canbanova - Menle Theo các tác giả này, trí thông minh gồm hai thành phần: tri thức về đối tượng (cái được phản ánh là số lượng khái niệm khoa học, đây là nguyên liệu, phương tiện của hoạt động trí tuệ) và các thủ thuật trí tuệ (phương thức phản ánh là hệ thống các thao tác để giải quyết vấn đề). Quan niệm của các tác giả này có ý nghĩa thực tiễn nhất định, đã chỉ ra nhiệm vụ phát triển trí tuệ cho trẻ em không phải chỉ tăng số lượng tri thức mà cần quan tâm cả việc hình thành các thủ thuật trí tuệ. Song, mô hình trí thông minh này còn quá trừu tượng [24, tr.45].
- Mô hình cấu trúc trí thông minh của R. Cattel (1967) gồm: “trí lỏng” (Fluid Intelligence) có từ khi mới sinh, là cơ sở cho các khả năng tư duy, trí nhớ, lập luận,…và “trí thông minh tinh luyện” (Crystallzed Intelligence) bao gồm những kiến thức thu được qua học tập trong cả đời người [24, tr.45].
- Tác giả Hebb (1974) cho rằng mô hình cấu trúc trí thông minh gồm: “trí thông minh A” (là tiềm năng, có từ khi mới sinh và là nguyên liệu cơ bản cho sự phát triển các năng lực trí tuệ về sau) và “trí thông minh B” (là kết quả của sự tương tác giữa trí A với môi trường) [24, tr.45].
- Theo Nguyễn Khắc Viện: Trí thông minh gồm trí làm (giúp cho việc thích nghi với một tình huống cụ thể, tìm ra các giải pháp phù hợp với những thuộc tính cụ thể của sự vật) và trí nghĩ (trí tuệ trừu tượng, có sự tham gia của ngôn ngữ, dùng ký hiệu, tượng trưng để biểu hiện các vật và mối quan hệ giữa chúng) [24, tr.46].
Như vậy, các mô hình trí thông minh hai thành phần kể trên còn chung chung, trừu tượng.
* Mô hình cấu trúc trí thông minh đa nhân tố - Mô hình cấu trúc đa nhân tố của L.L. Thurstone
Tác giả L.L. Thurstone cho rằng có 7 yếu tố tạo nên trí thông minh đó là:
+ Khả năng hiểu và vận dụng số - yếu tố N (Number)
+ Hiểu được ngôn ngữ nói và viết – yếu tố V (Verbal comprehension) + Khả năng dùng từ ngữ chính xác và linh hoạt – yếu tố W (Word fluency) + Khả năng biểu tượng về vật thể trong không gian – yếu tố S (Space) + Trí nhớ - yếu tố M (Memory)
+ Khả năng tri giác – yếu tố P (Perceptual)
+ Khả năng suy luận – yếu tố R (Reasoning) [24, tr.47].
Mô hình trí tuệ đa nhân tố của L.L. Thurstone đã có đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu trí thông minh theo hướng phân tích nhân tố.
- Mô hình cấu trúc ba chiều của J.P. Guilford
J.P. Guilford đã xây dựng mô hình trí thông minh gồm có 3 mặt: thao tác, sản phẩm và nội dung. Mặt thao tác gồm có nhận dạng sự kiện, trí nhớ, tư duy hội tụ, tư duy phân kỳ và đánh giá. Mặt sản phẩm gồm đơn vị, lớp (loại), quan hệ, hệ thống, chuyển hóa và tổ hợp. Mặt nội dung gồm hình ảnh, biểu tượng, khái niệm và hành vi [24, tr.48].
- Mô hình cấu trúc trí thông minh của R.J. Sternberg + Cấu trúc: siêu cấu trúc, thực hiện và tiếp thu tri thức.
Trong đó: siêu cấu trúc là thành phần điều khiển chức năng lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá các chiến lược giải quyết vấn đề của cá nhân. Thành phần thực hiện giúp cá nhân triển khai các chỉ dẫn của thành phần siêu cấu trúc. Thành phần tiếp thu tri thức chủ yếu liên quan đến khả năng tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ giúp ta nắm được ý của ngữ cảnh trong quá trình giải quyết vấn đề.
+ Kinh nghiệm: làm tăng khả năng giải quyết các nhiệm vụ mới và làm cho việc xử lý thông tin có tính chất tự động nhiều hơn.
+ Ngữ cảnh: mối quan hệ giữa các hành vi trí tuệ của cá nhân với hoàn cảnh bên ngoài.
Mô hình trí thông minh của Sternberg đã chỉ ra muốn biết một cá nhân thông minh như thế nào phải xem các kỹ năng xử lý thông tin, kinh nghiệm của họ và cả ngữ cảnh mà họ đang thực hiện giải quyết vấn đề [24, tr.53].
Như vậy: Các mô hình trí thông minh kể trên được tiếp cận theo phương pháp phân tích nhân tố cho thấy có nhiều yếu tố khác nhau trong cấu trúc trí thông minh, mỗi yếu tố được nhìn nhận dưới góc độ riêng, điều này đã tạo cơ sở cho việc phân tích, chẩn đoán cũng như đo lường và bồi dưỡng trí thông minh cá nhân.
Song, các mô hình trên cũng bộc lộ hạn chế nhất định: ít đề cập đến mối quan hệ giữa các yếu tố, khó phát hiện cơ chế hình thành và vận hành của trí thông minh trong từng thời điểm và trong quá trình phát triển của nó, chưa cho thấy sự chế ước của các yếu tố văn hóa – xã hội đối với sự phát triển trí thông minh của cá nhân [24, tr.56].
* Mô hình cấu trúc trí thông minh theo phương pháp phân tích đơn vị - Mô hình cấu trúc trí thông minh của L.X. Vưgôtxki
L.X. Vưgôtxki cho rằng trí thông minh con người có hai mức với hai cấu trúc: trí thông minh bậc thấp và trí thông minh bậc cao.
+ Hành vi trí thông minh bậc thấp là các phản ứng trực tiếp và không có sự tham gia của ký hiệu ngôn ngữ. Loại hành vi này có cả ở động vật và trẻ em. Nó có cấu trúc 2 thành phần gồm kích thích của môi trường và các phản ứng của cơ thể theo sơ đồ S ↔ R.
+ Hành vi trí thông minh bậc cao là các phản ứng của cơ thể mà ở đó có sự xuất hiện và tham gia của ngôn ngữ và vai trò của các công cụ tâm lý trong các thao tác trí
tuệ. Nó mang tính chất văn hóa, tồn tại quan hệ gián tiếp giữa kích thích đối tượng (A) với phản ứng (B) thông qua kích thích phương tiện (X) tạo nên cấu trúc 3 thành phần A ↔X và X ↔ B.
Mô hình cấu trúc trí thông minh của L.X. Vưgôtxki được xây dựng bằng phương pháp phân tích đơn vị và phương pháp công cụ có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn (cho thấy có mối liên hệ giữa trí thông minh cá nhân và đời sống xã hội, các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến sự phát triển, biểu hiện của trí thông minh cá nhân,…). Ông đã tách trí thông minh trẻ em ra thành hai mức với hai cấu trúc đặc trưng, mặc dù hai mức này khác nhau về chất nhưng chúng không hoàn toàn tách rời nhau. Trí thông minh bậc cao là sự cấu trúc lại các hành vi trí thông minh bậc thấp trên cơ sở sử dụng phương tiện tâm lý [24, tr.66].
- Mô hình nhiều dạng trí thông minh của H. Gardner
H. Gardner đã xây dựng mô hình nhiều dạng trí thông minh dựa trên phương pháp phân tích đơn vị. Cụ thể, năm 1983 Gardner đưa ra 7 loại trí thông minh gồm:
+ Trí thông minh logic – toán liên quan đến khả năng suy luận một cách logic cũng như tiến hành các hoạt động toán học. Người có trí thông minh này thường có thiên hướng học tập thông qua cách lập luận logic, thích toán học,…
+ Trí thông minh ngôn ngữ liên quan đến sự thành thạo về ngôn ngữ nói và viết. Những người có trí thông minh này thường có thiên hướng học tập thông qua nói và viết.
+ Trí thông minh âm nhạc liên quan đến khả năng nhận thức, cảm thụ và sáng tác âm nhạc với những cao độ, nhịp điệu của âm thanh,…Những người có trí thông minh này thường có thiên hướng học tập thông qua các nốt nhạc, giai điệu, nhạc cụ,…
+ Trí thông minh không gian liên quan đến khả năng tri giác, định hướng tốt những chiều không gian. Người có trí thông minh loại này thường có thiên hướng học tập thông qua bản đồ, hình ảnh,…
+ Trí thông minh vận động liên quan đến khả năng điều khiển cơ thể, sử dụng những phần của cơ thể hoặc cả cơ thể để giải quyết vấn đề, tạo nên sản phẩm. Những người có trí thông minh loại này thường có thiên hướng học tập thông qua vận động, họ thích thú khi được vận động cơ thể,…như vận động viên, cầu thủ bóng đá,…
+ Trí thông minh liên nhân cách liên quan đến khả năng tạo ra các mối quan hệ với người khác và thấu hiểu người khác. Người có trí thông minh loại này thường có thể làm việc tốt với người khác. Họ thường thành công trong các lĩnh vực dạy học, tham vấn,…
+ Trí thông minh nội tâm liên quan đến khả năng hiểu chính bản thân mình và sử dụng thông tin đó để điều chỉnh bản thân một cách phù hợp nhất trong các tình huống, hoàn cảnh nhất định.
Năm 1998, Gardner đã đề xuất thêm hai loại trí thông minh là trí thông minh thiên nhiên và trí thông minh hiện sinh.
Theo Gardner người có trí thông minh thiên nhiên là người có khả năng nhận thức tốt về thiên nhiên, môi trường nơi họ sinh sống với sự đa dạng, phong phú của các loài động thực vật,…. Những người có trí thông minh loại này thường có thiên hướng học tập thông qua việc hoạt động ngoài trời, tìm hiểu thiên nhiên,…
Gardner cũng quan niệm người có trí thông minh hiện sinh thường quan tâm nhiều đến các vấn đề con người và vị trí, vai trò của con người trong cuộc sống. Họ thường đặt ra các câu hỏi như “Tôi có vai trò gì trong thế giới này?”; “Trong gia đình, tôi có vai trò gì?”,….
Theo Gardner, mỗi loại trí thông minh trên đây đều có thể đo lường được. Ông khẳng định: “Sự độc quyền của những người tin vào trí thông minh tổng quát đơn lẻ đã đến hồi kết thúc” [45].
Như vậy: Ở hướng đề xuất cấu trúc trí thông minh theo phương pháp phân tích đơn vị, Vưgôtxki đã đưa ra mô hình trí thông minh bậc thấp và trí thông minh bậc cao;
còn Gardner đã chỉ ra các dạng trí thông minh đặc trưng ở mỗi cá nhân. Các mô hình cấu trúc trí thông minh theo hướng tiếp cận này đã mở ra cái nhìn mới mẻ hơn về cấu trúc trí thông minh của con người.
Tóm lại: Có nhiều mô hình cấu trúc trí thông minh. Mỗi mô hình đều có những thành tố cụ thể riêng. Trong đề tài này, chúng tôi xét cấu trúc trí thông minh gồm các thành tố sau:
- Thành tố ngôn ngữ - Thành tố trí nhớ
- Thành tố tư duy - Thành tố tri giác
Chúng tôi cho rằng, việc xem xét trí thông minh theo cấu trúc này sẽ giúp ta có cái nhìn khá toàn diện về các thành tố trong trí thông minh con người - với ý nghĩa là năng lực lĩnh hội nhanh chóng và hiệu quả; năng lực tư duy trừu tượng; năng lực thích ứng với môi trường để từ đó có sự phân tích đầy đủ, sâu sắc từng thành tố ấy và có biện pháp phát hiện, đo lường, bồi dưỡng chúng một cách tốt nhất.