Những nghiên cứu về cách tiếp cận và nhận diện hợp đồng có giá trị lớn

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 20 - 23)

A. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án

I. Những nghiên cứu về cách tiếp cận và nhận diện hợp đồng có giá trị lớn

học giả đã tiếp cận hợp đồng có giá trị lớn dưới ba góc độ, cụ thể:

Thứ nhất, hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch trọng yếu, tức là giao dịch có vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của công ty.

Tác giả Anthony trong tác phẩm "Governance, Risk and Compliance Handbook" do nhà xuất bản John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jeysey xuất bản năm 2008 đã tiếp cận hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch trọng yếu của công ty.

Chia sẻ quan điểm này, trong bài viết "Directing the Diretors: The Duties of Directors under the Company Act 1993" tác giả Hon Justice Tomkin, chủ tịch danh dự Trường Đại học Waikato cũng coi hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch trọng yếu trong công ty. Các giao dịch trọng yếu này được xác định theo quy định tại Điều 129 Luật công ty năm 1993 của New Zealand, cụ thể là các giao dịch sau:

- Việc bán hoặc hợp đồng bán tài sản có giá trị lớn hơn 50% giá trị tài sản của công ty trước thời điểm bán;

- Việc mua hoặc hợp đồng mua tài sản có giá trị lớn hơn 50% giá trị tài sản của công ty trước thời điểm mua;

- Giao dịch ảnh hưởng hoặc có thể có ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hoặc phát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm với công ty, có giá trị lớn hơn 50% giá trị tài sản của công ty trước thời điểm giao dịch.

Thứ hai, hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch bất thường của công ty.

Quan điểm tiếp cận hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch bất thường của công ty có thể tìm thấy trong cách tiếp cận của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.

Trong cuốn "Các nguyên tắc quản trị công ty của OECD", do Tổ chức tài chính quốc tế IFC xuất bản năm 2004, OECD đã coi hợp đồng có giá trị lớn, cụ thể là các giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng tất cả hay một phần lớn tài sản của công ty được coi là giao dịch bất thường của công ty. Trong cuốn "Cẩm nang quản trị công ty tại Việt Nam", là một ấn phẩm được phối hợp xuất bản bởi tổ chức tài chính quốc tế IFC và Ủy ban chứng khoán nhà nước năm 2010 trong khuôn khổ Dự án Quản trị công ty tại Việt Nam do IFC triển khai tại Việt Nam kể từ năm 2008, IFC cũng giới thiệu cách thức tiếp cận của Nga đối với hợp đồng có giá trị lớn. Theo đó, tại Nga, hợp đồng có giá trị lớn cũng được coi là giao dịch bất thường trong công ty. Việc xác định một giao dịch bất thường (giao dịch có giá trị lớn) dựa trên nhiều tiêu chí: bản chất của giao dịch, giá trị của giao dịch, mối quan hệ của giao dịch với hoạt động kinh doanh thông thường của công ty, các giao dịch có liên quan đến nhau và các yếu tố khác quy định tại Điều lệ doanh nghiệp. Theo đó, ở Nga, một giao dịch có bản chất là mua, bán tài sản, cầm cố, bảo lãnh được coi là giao dịch bất thường hoặc nếu tiếp cận ở góc độ giá trị thì giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 25% giá trị sổ sách của tổng tài sản công ty theo báo cáo tài chính của kỳ báo cáo gần nhất, cũng sẽ được coi là giao dịch bất thường.

Thứ ba, hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi Nếu như ở nước ngoài, các học giả chủ yếu tiếp cận hợp đồng có giá trị lớn dưới góc độ là một giao dịch trọng yếu hoặc giao dịch bất thường của công ty thì ở

Việt Nam, hầu hết các công trình nghiên cứu đều tiếp cận hợp đồng có giá trị lớn dưới góc độ là một giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi và xếp chung với giao dịch với người có liên quan để nghiên cứu. Có thể kể ra một số tác giả tiêu biểu như TS. Lê Đình Vinh với bài viết "Kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp" đăng trên Tạp chí Luật học số 1/2004 từ trang 54 đến trang 58. Tác giả sử dụng khái niệm "hợp đồng liên quan đến tài sản có giá trị lớn của công ty" thay vì khái niệm hợp đồng có giá trị lớn trong công ty và xếp những hợp đồng này thuộc nhóm giao dịch tư lợi cần phải được kiểm soát nhằm đảm bảo lợi ích của chủ nợ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu công ty. Hoặc như tác giả Trần Thị Bảo Ánh trong bài viết Kiểm soát các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi theo Luật doanh nghiệp năm 2005 đăng trên tạp chí Luật học số 9/2010, trang 19- 27 cũng cho rằng giao dịch có giá trị lớn thuộc nhóm giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi và phải đặt giao dịch này dưới sự kiểm soát bởi ngoài nguy cơ phát sinh tư lợi thì giao dịch có giá trị lớn còn ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Tác giả cũng cho rằng giao dịch có giá trị lớn là giao dịch có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty2. Tác giả Nguyễn Thanh Lý với bài viết Pháp luật về kiểm soát giao dịch tư lợi trong công ty cổ phần3, đăng trên tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 3/2015, trang 33-38 cũng đồng quan điểm khi cho rằng hợp đồng có giá trị lớn là giao dịch có khả năng tư lợi.

Cùng chung quan điểm với các tác giả nêu trên, tác giả Võ Thị Thanh Tâm trong luận án "Giao kết trục lợi trong nền kinh tế thị trường ở nước ta và những giải pháp pháp lý nhằm hạn chế, khắc phục" bảo vệ ngày 30/11/2007 tại Đại học Luật Hà Nội đã đề cập đến hợp đồng có giá trị lớn khi phân tích về các dạng thức giao kết trục lợi. Theo tác giả, trong giao kết trục lợi bằng việc làm sai lệch giá cả, thường thấy hiện tượng gửi giá trong các hợp đồng mua máy móc với công ty nước ngoài mà đối tượng là những máy móc, tài sản có giá trị lớn. Vì vậy, các hợp đồng có giá trị lớn phải được xếp vào nhóm các giao kết trục lợi.

2Trần Thị Bảo Ánh, (2010), Kiểm soát các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi theo Luật doanh nghiệp năm 2005, Tạp chí Luật học, số 9, tr. 21.

3Nguyễn Thanh Lý, (2015), Pháp luật về kiểm soát giao dịch tư lợi trong công ty cổ phần, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 3, tr. 33-38.

Có thể thấy rằng, đã có các cách tiếp cận khác nhau của các học giả đối với hợp đồng có giá trị lớn, tập trung vào việc xem xét dưới ba góc độ: giao dịch trọng yếu, giao dịch bất thường và giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi. Các cách tiếp cận này là cơ sở để các tác giả đưa ra cơ chế kiểm soát đối với hợp đồng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(208 trang)
w