I. Những kết quả nghiên cứu về cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty trên thế giới và ở Việt Nam sẽ được kế thừa trong luận án
Từ việc khảo sát các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài Luận án có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Một là, tính đến thời điểm hiện tại, theo khảo sát của tác giả luận án, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt về hợp đồng có giá trị lớn và kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn. Đặc biệt là công trình nghiên cứu về kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020.
Hai là, về nhận diện hợp đồng có giá trị lớn trong công ty.
Các học giả Việt Nam trong các công trình nghiên cứu của mình đều áp dụng quy định của Luật doanh nghiệp để nhận diện hợp đồng có giá trị lớn. Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định đối với công ty cổ phần tỷ lệ này là 35% hoặc ở một tỷ lệ hay giá trị khác do Điều lệ công ty quy định; đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh tỷ lệ này là 50% hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định. Trong khi đó ở hệ thống pháp luật khác, việc nhận diện một hợp đồng có giá trị lớn không chỉ bởi ở tiêu chí giá trị mà còn ở nhiều tiêu chí khác. Vì vậy, nghiên cứu sinh cũng xác định phải nghiên cứu làm rõ những tiêu chí nào có thể được cân nhắc để xác định một hợp đồng là hợp đồng có giá trị lớn.
Ba là, cách tiếp cận để đặt ra cơ chế kiểm soát đối với hợp đồng có giá trị lớn Khi xem xét các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả luận án nhận thấy có ba xu hướng chính trong việc tiếp cận và kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn. Xu hướng thứ nhất, các học giả Việt Nam thường tiếp cận hợp đồng này dưới góc độ là một loại hợp đồng hoặc giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi và thường đặt ra cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng theo hướng kiểm soát đối với các giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi. Pháp luật của một số quốc gia như New Zealand coi hợp đồng có giá trị lớn là các giao dịch trọng yếu của công ty.
Trong khi đó xu hướng thứ ba, ví dụ quan điểm của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) thì coi đây là một loại giao dịch bất thường trong công ty và cần phải có sự kiểm soát.
Bốn là, cách thức xác định giá trị của hợp đồng
Hiện nay trong các công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam đều để ngỏ vấn đề cách thức xác định giá trị của hợp đồng. Hàng loạt vấn đề liên quan đến việc xác định giá trị hợp đồng như: làm thế nào để xác định giá thị trường của giao dịch? ai là người quyết định giá? cơ sở của việc quyết định giá là gì? nếu có định giá thì sử dụng kết quả định giá như thế nào? trách nhiệm của tổ chức định giá khi định giá sai?
Năm là, thẩm quyền xác lập hợp đồng
Về thẩm quyền xác lập hợp đồng, các học giả trong nước và quốc tế đều thống nhất khi cho rằng những giao dịch có giá trị lớn phải do chủ sở hữu công ty quyết định. Đây cũng là nội dung sẽ được tiếp tục kế thừa trong luận án.
Sáu là, trình tự thủ tục giao kết hợp đồng
Trong các công trình nghiên cứu của các tác giả hiện nay hầu hết không đề cập cụ thể đến trình tự, thủ tục giao kết hợp đồng có giá trị lớn mà chỉ quy định chung chung là những hợp đồng này phải chấp thuận hoặc quyết định bởi chủ sở hữu công ty. Đây cũng là một điểm cần phải được nghiên cứu bổ sung vào công trình luận án.
Bảy là, về vấn đề tiếp cận thông tin của chủ sở hữu công ty về hợp đồng có gía trị lớn.
Quyền tiếp cận thông tin luôn là một quyền cơ bản của chủ sở hữu công ty.
Đối với hợp đồng có giá trị lớn, chủ sở hữu công ty sẽ là chủ thể có thẩm quyền quyết định việc xác lập hợp đồng. Vì vậy, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của chủ sở hữu công ty nhằm giúp chủ thể này đưa ra quyết định chính xác nhất về hợp đồng, đảm bảo tránh rủi ro có thể xảy ra là yêu cầu quan trọng trong kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn. Các thông tin được cung cấp phải đảm bảo tính chính xác và kịp thời.
Tám là, hiệu lực pháp lý và các hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng có giá trị lớn được xác lập không đúng thẩm quyền
Hiện nay, qua nghiên cứu các công trình khoa học của các tác giả Việt Nam và các tác giả nước ngoài, có thể thấy rằng có hai quan điểm về hiệu lực pháp lý của hợp đồng đã được xác lập mà không thông qua cơ quan có thẩm quyền quyết định trong công ty, cụ thể như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Hợp đồng đó sẽ bị coi là vô
Hầu hết các tác giả Việt Nam đều coi hợp đồng có giá trị lớn khi được giao kết mà không được sự chấp thuận, thông qua của cơ quan có thẩm quyền trong công ty thì sẽ vô hiệu.
- Quan điểm thứ hai: hợp đồng này sẽ không bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên, để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng, pháp luật cho phép công ty có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc công ty có thể tự mình hủy hợp đồng đó.
Vì những lý do nêu trên, việc nghiên cứu về hiệu lực pháp lý của hợp đồng cũng sẽ được nghiên cứu sinh đặt ra trong luận án.
Chín là, vấn đề trách nhiệm pháp lý của người giao kết hợp đồng không thông qua cơ quan có thẩm quyền của công ty.
Tác giả nước ngoài khi nghiên cứu về vấn đề này đều cho rằng người giao kết hợp đồng không thông qua cơ quan có thẩm quyền của công ty sẽ phải: (i) hoàn trả lại toàn bộ những khoản lợi thu được từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng; và (ii) bồi thường thiệt hại cho công ty. Cùng chung quan điểm này, các tác giả Việt Nam, trong các công trình nghiên cứu của mình cũng khẳng định nếu hợp đồng giao kết không có sự đồng ý, thông qua của cơ quan có thẩm quyền trong công ty mà gây thiệt hại cho công ty thì người đã giao kết hợp đồng phải bồi thường thiệt hại đó đồng thời phải hoàn trả lại những tài sản đã thu được từ giao kết và thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm quy định về kiểm soát giao dịch còn có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong thực tiễn thi hành, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của người xác lập và thực hiện giao dịch không có sự đồng ý, thông qua của cơ quan có thẩm quyền trong công ty, ví dụ như việc bồi thường thiệt hại phải giải quyết trong trường hợp này được xác định thế nào: xác định giá trị bồi thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng cá nhân.
II. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu đối với đề tài luận án
Trên cơ sở tình hình nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu của đề tài, Luận án sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm rõ một cách có hệ thống các vấn đề sau đây:
- Nghiên cứu và hệ thống hóa các vấn đề lý luận về cơ chế kiểm soát hợp đồng có giá trị lớn; làm rõ cơ sở kinh tế, pháp lý định hướng cho việc xây dựng các
quy định pháp luật cũng như các quy định trong nội bộ công ty về kiểm soát hợp đồng có giá trị lớn.
- Nghiên cứu thực trạng pháp luật về hợp đồng có giá trị lớn và kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn. Xác định cụ thể nội hàm và hệ thống quy phạm pháp luật về kiểm soát hợp đồng có giá trị lớn, bao gồm:
+ Nghiên cứu thực trạng pháp luật về nhận diện hợp đồng có giá trị lớn.
+ Nghiên cứu thực trạng pháp luật về kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn.
- Đánh giá tính hợp lý và bất hợp lý của pháp luật hiện hành về kiểm soát hợp đồng có giá trị lớn và sự cần thiết phải có những quy định điều chỉnh phù hợp nhằm vừa đảm bảo việc các công ty nắm bắt, tận dụng các cơ hội kinh doanh đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro đối với các hợp đồng có giá trị lớn đối với công ty.
- Đưa ra hệ thống quan điểm hoàn thiện và giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty từ đó xây dựng những quy định mà công ty có thể đưa vào quy định nội bộ nhằm kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn.