Về việc công khai hoá thông tin liên quan đến hợp đồng có giá trị lớn

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 78 - 83)

CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT RỦI RO ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ GIÁ TRỊ LỚN TRONG CÔNG TY

1.2. Một số vấn đề lý luận về cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn

1.2.5. Nội dung pháp luật về cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn

1.2.5.3. Về việc công khai hoá thông tin liên quan đến hợp đồng có giá trị lớn

Cổ đông phải biết được những thông tin tối thiểu về tình hình hoạt động của công ty để kịp thời hành động69. Trong khi đó, thông tin liên quan đến hoạt động của công ty lại chủ yếu nằm ở bộ máy điều hành. Bộ máy này sẽ cung cấp thông tin cho ĐHĐCĐ, HĐQT, HĐTV. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin cần phải được quy định một cách cụ thể để chủ sở hữu công ty có được những thông tin chính xác, đầy đủ và tin cậy nhất phục vụ cho việc ra quyết định của mình đối với hợp đồng có giá trị lớn.

“Chúng tôi đồng ý rằng người điều hành, với tư cách là người đại diện của công ty, có nghĩa vụ công bố thông tin trọng yếu để HĐQT có khả năng ra quyết định có đầy đủ thông tin liên quan đến các giao dịch thôn tính lớn”70

Theo OECD, một trong các quyền cơ bản của cổ đông là quyền được tiếp cận các thông tin liên quan và quan trọng về công ty một cách kịp thời và thường xuyên71. Các thông tin liên quan và quan trọng về công ty thường là thông tin gắn

69 Phạm Duy Nghĩa, tlđd, tr.234.

70 Xem vụ việc Potter v. Pohlad tại trang web:

Courtlistener.com/opinion/1801748/potter-v-pohlad/

71 Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, tlđd, tr. 34. Theo OECD, cổ đông có 6 nhóm quyền cơ bản bao gồm: (1) đảm bảo phương thức đăng ký quyền sở hữu; (2) chuyển nhượng cổ phần; (3) tiếp cận các thông tin liên quan và quan trọng về công ty một cách kịp thời và thường xuyên; (4) tham gia và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông; (5) bầu và miễn nhiệm các thành viên HĐQT; (6) hưởng lợi nhuận của công ty.

với những thay đổi cơ bản của công ty như: sửa đổi các quy định, điều lệ của công ty hay các văn bản quản trị tương đương của công ty; hoặc việc cho phép phát hành thêm cổ phiếu; hay các giao dịch bất thường, bao gồm việc chuyển nhượng tất cả hay một phần lớn tài sản của công ty dẫn tới việc bán công ty72. Để đảm bảo được quyền cơ bản đó của chủ sở hữu công ty, pháp luật công ty và các quy định nội bộ của công ty thường đưa ra những quy định về các vấn đề sau:

Thứ nhất, về chủ thể có quyền thu thập thông tin

Chủ sở hữu công ty phải có quyền được phép thu thập thông tin về hoạt động của công ty với nhiều ý nghĩa khác nhau, ví dụ như: chủ sở hữu cần biết thông tin về tình hình của công ty để xem việc đầu tư của mình có hiệu quả hay không? Tình hình tài chính hiện tại của công ty như thế nào?... và đặc biệt họ là những người có thể ra quyết định, quyết sách với công ty nên buộc họ phải có thông tin đầy đủ về tình hình của công ty để đảm bảo rằng các quyết định của họ là chính xác dựa trên sự tin cậy của các thông tin được cung cấp. Đối với hợp đồng có giá trị lớn, các chủ sở hữu công ty thường sẽ là những người đưa ra chấp thuận giao dịch để cho người đại diện của công ty ký kết hợp đồng. Vì vậy, họ càng cần phải là những người có thông tin đầy đủ về các vấn đề liên quan đến loại hợp đồng này.

Pháp luật của một số quốc gia phân biệt quyền tiếp cận đối với các nguồn thông tin khác nhau dựa trên tỷ lệ sở hữu vốn của chủ sở hữu công ty nhưng cũng có những quốc gia không phân biệt quyền tiếp cận thông tin của chủ sở hữu công ty dựa trên tỷ lệ vốn góp của họ vào công ty. Có nghĩa là đối với cổ đông, dù chỉ sở hữu một cổ phiếu trong công ty cổ phần cũng hoàn toàn có quyền được yêu cầu công ty, người quản lý công ty cung cấp cho họ những thông tin mà họ cần.

Thứ hai, nhóm các thông tin được quyền thu thập

Như đã nói ở trên, chủ sở hữu được quyền thu thập các thông tin về công ty. Pháp luật của các quốc gia đều tiếp cận theo hướng quy định chủ sở hữu công ty có quyền tiếp cận đối với các thông tin về công ty, bao gồm nhưng không giới hạn các thông tin như: (1) Thông tin trung thực và đầy đủ về tình hình kinh doanh và tài chính của công ty; (2) Các giấy tờ của công ty; (3) Danh sách các thành viên/ cổ đông và người quản lý công ty; (4) Điều lệ và chứng nhận thành lập công ty cùng với những

72 Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, tlđd, tr. 34.

văn bản sửa đổi, bổ sung; (5) Thông tin đầy đủ và chính xác về lượng tiền mặt; văn bản thoả thuận của các bên về việc định giá tài sản; (5) Thông tin khác.

Đối với hợp đồng có giá trị lớn, với mục đích nhằm đưa ra một chấp thuận đối với dự thảo hợp đồng, các cổ đông/thành viên công ty buộc phải có tất cả các thông tin xoay quanh hợp đồng đó. Điều này đòi hỏi các cổ đông/thành viên, một mặt nghiên cứu kỹ các thông tin được các nhà quản lý, điều hành công ty cung cấp. Mặt khác, các cổ đông/thành viên phải chủ động tìm kiếm, yêu cầu được cung cấp thông tin mà bản thân họ cảm thấy cần thiết hoặc hữu ích nhằm mục đích đưa ra quyết định có thông qua hợp đồng hay không?

Thứ ba, quyền từ chối cung cấp thông tin

Đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của chủ sở hữu công ty là một trong những trách nhiệm của người quản lý công ty. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho một hoặc một số cổ đông/thành viên trong một số trường hợp có thể gây thiệt hại cho công ty. Hơn nữa, có nhiều trường hợp, chủ sở hữu công ty yêu cầu cung cấp thông tin cũng không phải nhằm mục đích liên quan đến các hoạt động hoặc quyết định của họ tại công ty. Trong những trường hợp này, người quản lý của công ty có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cổ đông/thành viên. Các thông tin bị từ chối cung cấp thường là các bí mật thương mại hoặc thông tin khác mà người quản lý tin rằng nếu tiết lộ sẽ không đem lại lợi ích tốt nhất cho công ty hoặc có thể gây nguy hại cho công ty hoặc công việc kinh doanh của công ty hoặc những thông tin đó phải được bảo mật theo quy định của luật hoặc yêu cầu của một bên thứ ba trong một thoả thuận với công ty. Một cổ đông của công ty cổ phần rượu, bia yêu cầu công ty cung cấp thông tin về quy trình sản xuất, công thức để sản xuất sản phẩm bia tươi của công ty thì đó quả là một yêu cầu phi lý và chắc chắn nhà quản lý không thể đáp ứng được. Hay một ví dụ rất nổi tiếng là vụ State ex rel Pillsbury v.

Honeywell tại Hoa kỳ năm 1971. Trong vụ kiện này Pillsbury, một cổ đông, yêu cầu công ty Honeywell cung cấp cho ông một danh sách cổ đông với mục đích vận động các cổ đông này tác động để Honeywell dừng sản xuất bom mà Mỹ dùng để thả trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Honeywell đã từ chối cung cấp danh sách cổ đông theo yêu cầu. Pillsbury khởi kiện Honeywell tại toà vì vi phạm quyền tiếp cận

thông tin của cổ đông nhưng Toà án tối cao bang Minnesota đã quyết định trong trường hợp này việc từ chối cung cấp thông tin của Honeywell là hoàn toàn hợp lý vì đơn giản yêu cầu của Pillsbury không có mục đích liên quan đến công ty73.

Pháp luật công ty của hầu hết các quốc gia đều có quy định tương đối cụ thể về việc nhà quản lý được phép từ chối cung cấp thông tin, ví dụ: Điều 51a Luật công ty TNHH của Đức – GmbHG quy định “Giám đốc có quyền từ chối cung cấp thông tin hoặc quyền tiếp cận thông tin của thành viên công ty nếu cho rằng thành viên sẽ sử dụng thông tin đó không phải với mục đích cho công ty và bởi vậy sẽ đặt công ty hoặc công ty đối tác vào tình thế bất lợi”74. Đồng thời, để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của thành viên công ty hài hoà với việc đảm bảo quyền của công ty, việc từ chối cung cấp thông tin cho thành viên phải được thể hiện qua nghị quyết của HĐTV công ty.

Thứ tư, cách thức yêu cầu cung cấp thông tin

Yêu cầu cung cấp thông tin của cổ đông/thành viên công ty thường phải được trình bày bằng văn bản, trong đó cổ đông/thành viên phải nói rõ mục đích của việc yêu cầu cung cấp thông tin và các thông tin được yêu cầu. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của cổ đông/thành viên phải được gửi đến công ty và lẽ dĩ nhiên cần phải có một khoảng thời gian để công ty có thể chuẩn bị thông tin cung cấp cho họ hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để họ thực hiện các quyền tiếp cận thông tin.

Luật mẫu về công ty cổ phần của Hoa kỳ MBCA hoặc Luật công ty cổ phần của bang Delaware hay Luật công ty TNHH của bang Delaware đều quy định các cổ đông/thành viên công ty phải gửi văn bản yêu cầu đến công ty trước ngày muốn xem xét tài liệu ít nhất 05 ngày làm việc hoặc khoảng thời gian do Điều lệ công ty quy định.

Thứ năm, xử lý trong trường hợp không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác.

73 Xem vụ kiện State ex rel Pillsbury v. Honeywell, Inc. (291 Minn. 322, 191 NW.2d 406

(1971).

74 Limited Liability Companies Act of Germany (n.d.), Điều 51a quy định: "The directors may refuse to provide information or permit inspection if there is a concern that the shareholder may make use thereof for non-company purposes and thereby put the company or an associated company at a not insignificant disadvantage.”

Mặc dù quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của chủ sở hữu công ty nhưng trên thực tế thường xảy ra hiện tượng người quản lý, điều hành không muốn cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác cho các chủ sở hữu công ty với nhiều lý do khác nhau. Điều này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà ở cả các quốc gia phát triển như Hoa kỳ. Trong thời gian qua, nhiều công ty lớn của Mỹ như Enron, Worldcom đã bị phá sản do các thông tin không chính xác trong các báo cáo tài chính đã làm cho chủ sở hữu không thể biết được tình hình thực sự của các công ty đó.

Như vậy, đối với trường hợp người quản lý, điều hành không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác thì buộc phải có cách thức xử lý để đảm bảo quyền này của các cổ đông/thành viên công ty. Kinh nghiệm của Hoa kỳ cho thấy trong trường hợp công ty từ chối cung cấp thông tin cho thành viên hoặc không trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của thành viên trong thời hạn 5 ngày (hoặc theo thời hạn quy định tại Điều lệ công ty) thì thành viên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án buộc công ty phải cung cấp thông tin cho thành viên. Toà án là cơ quan có thẩm quyền duy nhất sẽ xem xét thành viên đó có quyền yêu cầu cung cấp thông tin hay không và thông tin được yêu cầu có được phép cung cấp hay không75? Trên cơ sở việc xem xét đó, Toà án sẽ đưa ra một trong các phán quyết: (i) cho phép thành viên được quyền xem xét, sao chép thông tin hoặc (ii) buộc công ty cung cấp thông tin cho thành viên đã yêu cầu hoặc (iii) đồng ý với việc từ chối của công ty.

Nếu Toà án buộc công ty phải cung cấp thông tin cho thành viên đã yêu cầu thì trong phán quyết của mình Toà án có quyền đưa ra những giới hạn hoặc điều kiện của việc cung cấp thông tin mà Toà cho là phù hợp đồng thời Toà án cũng sẽ quyết định thành viên đó phải trả cho công ty các chi phí phù hợp.

Quyền tiếp cận thông tin của chủ sở hữu công ty đã được ghi nhận từ lâu trong cổ luật Việt Nam, cụ thể: Đối với hội trách nhiệm hữu hạn, hội viên có quyền đòi

75 “Delaware Limited Liability Company Act,” Delaware Code § (n.d.), §18-305.

Trong trường hợp này, thành viên yêu cầu cung cấp thông tin sẽ phải chứng minh với Toà án về 2 vấn đề: (1) Người yêu cầu cung cấp thông tin đã thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin theo đúng hình thức và cách thức như quy định, và (2) thông tin mà thành viên yêu cầu cung cấp phù hợp với quyền lợi hợp pháp của thành viên công ty.

thông tri tại trụ sở hội các bản tổng kê, kê khai và phúc trình của hội đồng kiểm soát. Hội viên có quyền đòi thông tri bất cứ lúc nào. Và chỉ khi nào hội có trên 20 người, quyền thông trị mới bị hạn chế trong thời hạn 15 ngày trước khi họp đại-hội- đồng76. Các luật về công ty của Việt Nam cũng đều ghi nhận quyền này của cổ đông/ thành viên công ty như: Điều 53 LDN năm 1999; các Điều 41, 79, 98, 134, 140 LDN năm 2005 và sau này tiếp tục được ghi nhận tại LDN năm 2014, LDN năm 2020.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(208 trang)
w