Về vấn đề hiệu lực pháp lý của hợp đồng

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 87 - 92)

CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT RỦI RO ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ GIÁ TRỊ LỚN TRONG CÔNG TY

1.2. Một số vấn đề lý luận về cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn

1.2.5. Nội dung pháp luật về cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn

1.2.5.5. Về vấn đề hiệu lực pháp lý của hợp đồng

Như đã phân tích ở trên, do tầm quan trọng đặc biệt, sức ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của công ty nên hợp đồng có giá trị lớn phải được chủ sở hữu công ty chấp thuận. Đây cũng là một điểm khác biệt trong quá trình giao kết hợp đồng có giá trị lớn với hợp đồng thông thường. Bởi vậy, khi xem xét về hiệu lực pháp lý của hợp đồng, tác giả luận án sẽ chủ yếu tập trung vào việc làm rõ hiệu lực pháp lý của hợp đồng khi hợp đồng đó giao kết mà không có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty.

Hiện nay, hiệu lực pháp lý của hợp đồng có giá trị lớn khi giao kết mà không được sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty được tiếp cận như sau:

80 German Corporate Governance Code (2017), Foreword.: The supervisory board appoints, supervised and advises the members of the Management Board, and is directly involved in decisions of fundamental importance to the company

81 Trương Quang Anh, (2019), "Quy chế pháp lí quản trị công ti cổ phần tại Vương Quốc Anh, Cộng Hoà Liên Bang Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam", Tạp Chí Luật Học, (2), tr. 11.

Thứ nhất, hợp đồng có giá trị lớn sẽ vô hiệu nếu pháp luật quy định quá trình xác lập hợp đồng phải có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty mà thực tiễn khi xác lập hợp đồng các bên vi phạm.

Pháp luật một số quốc gia quy định các tiêu chí để xác định một hợp đồng là hợp đồng có giá trị lớn (không dành quyền quy định về hợp đồng có giá trị lớn cho Điều lệ công ty). Đồng thời với việc xác định hợp đồng có giá trị lớn thì pháp luật cũng quy định các hợp đồng này phải có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty. Khi hợp đồng được xác lập mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu công ty thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu. Đây là cách tiếp cận của pháp luật công ty Hoa kỳ. Nếu nhìn vào quy định tại Điều 271 của DGCL hoặc Điều 122.02 của MBCA thì đều thấy các hợp đồng có giá trị lớn bắt buộc phải được được sự chấp thuận của các cổ đông công ty theo tỷ lệ đa số. Bởi vậy, trong các vụ tranh chấp liên quan đến hiệu lực của hợp đồng có giá trị lớn tại Hoa kỳ, các Toà án của Hoa kỳ sẽ đặt trọng tâm vào việc xác định hợp đồng đó có phải là hợp đồng có giá trị lớn hay không? Nếu đã xác định là hợp đồng có giá trị lớn thì hợp đồng đó bắt buộc phải có sự chấp thuận của chủ sở hữu công ty. Trường hợp người quản lý công ty xác lập hợp đồng không có sự đồng ý của chủ sở hữu công ty thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu. Vụ việc Katz v.

Bregman (đã phân tích tại Mục 2.1.2) là một ví dụ cho cách tiếp cận và giải quyết của Toà án Hoa kỳ: sau khi đã xác định hợp đồng bán một chi nhánh của công ty là hợp đồng có giá trị lớn Toà án đã ra phán quyết hợp đồng này vô hiệu với lý do hợp đồng này không có sự chấp thuận của cổ đông công ty.

Về cơ bản, theo quy định của DGCL và MCBA, hợp đồng có giá trị lớn khi giao kết không có sự chấp thuận, thông qua của các cổ đông công ty, những người có thẩm quyền, thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, pháp luật Hoa kỳ cũng quy định các ngoại lệ. Theo đó, một hợp đồng nếu tại thời điểm xác lập không có được sự chấp thuận, thông qua của các cổ đông công ty nhưng sau đó các cổ đông đồng ý phê chuẩn hợp đồng thì hợp đồng đã xác lập đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này được xác định dựa trên lý thuyết về đại diện tại Hoa kỳ. Đó là trường hợp đại diện thông qua phê chuẩn.

Đại diện thông qua phê chuẩn được hiểu là trường hợp mà một người nhân danh người khác xác lập giao dịch với bên thứ ba mà trên thực tế người này không có thẩm quyền đại diện. Tuy nhiên, sau đó, người được đại diện đồng ý phê chuẩn giao dịch thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực, có giá trị ràng buộc đối với người được đại diện.

Theo quy định của pháp luật Hoa kỳ, khi hợp đồng có giá trị lớn được giao kết bởi người quản lý công ty mà không có sự chấp thuận, đồng ý của cổ đông sẽ là trường hợp người xác lập giao dịch không có thẩm quyền đại diện. Bởi vì người quản lý công ty không có thẩm quyền quyết định việc xác lập hợp đồng này. Tuy nhiên, nếu sau khi hợp đồng được xác lập, chủ sở hữu công ty chấp nhận hợp đồng đó bằng việc phê chuẩn thì hợp đồng đó được coi là giao kết đúng thẩm quyền và vẫn có hiệu lực pháp luật.

Việc phê chuẩn của chủ sở hữu công ty sẽ chỉ có giá trị khi đáp ứng được các điều kiện sau:

(i) Người được đại diện phải là người thực hiện hành vi phê chuẩn;

(ii) Người được đại diện phải biết được tất cả nội dung liên quan đến giao dịch. Nếu người được đại diện phê chuẩn hợp đồng mà không biết được tất cả nội dung của giao dịch thì người được đại diện có quyền huỷ hợp đồng;

(iii) Người được đại diện phải chấp nhận toàn bộ hành động của người đại diện;

(iv) Người được đại diện phải có đủ năng lực pháp lý để uỷ quyền thực hiện giao dịch tại thời điểm người đại diện xác lập giao dịch và tại thời điểm người được

đại diện phê chuẩn giao dịch. Bên thứ 3 cũng phải có đủ năng lực pháp lý để xác lập giao dịch;

(v) Người được đại diện phải thực hiện việc phê chuẩn trước thời điểm bên thứ ba huỷ bỏ giao dịch;

(vi) Người được đại diện phải tuân thủ đúng hình thức khi phê chuẩn giao dịch82.

82 Kenneth W. Clarkson, Roger LeRoy Miller, Frank B. Cross, tlđd, tr. 644 .

Như vậy, nếu pháp luật quy định hợp đồng có giá trị lớn khi được xác lập phải có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty mà trên thực tế quá trình xác lập hợp đồng không có sự chấp thuận, thông qua đó thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu trừ trường hợp sau khi xác lập, chủ sở hữu công ty thực hiện việc phê chuẩn hợp đồng.

Thứ hai, hợp đồng có giá trị lớn có thể vẫn có hiệu lực hoặc vô hiệu nếu Điều lệ công ty qui định khi xác lập hợp đồng cần có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty nhưng thực tiễn xác lập các bên có vi phạm.

Trường hợp pháp luật công ty không quy định việc xác lập hợp đồng phải có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty mà quy định đó được ghi nhận tại Điều lệ công ty thì sẽ có hai xu hướng khi xác định hiệu lực pháp lý của hợp đồng.

Xu hướng thứ nhất: nếu điều lệ ghi nhận việc xác lập hợp đồng phải có sự chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu công ty mà trong thực tiễn, quá trình các bên xác lập hợp đồng không có sự chấp thuận đó thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Lý do hợp đồng vô hiệu là nếu xét theo lý thuyết đại diện thì người có thẩm quyền quyết định đối với hợp đồng là chủ sở hữu công ty. Hợp đồng phải được chủ sở hữu công ty chấp thuận. Nếu hợp đồng được xác lập bởi chủ thể khác không phải là chủ sở hữu công ty có nghĩa là hợp đồng được xác lập bởi người không có thẩm quyền và hợp đồng đó sẽ vô hiệu.

Xu hướng thứ hai: một số quốc gia trên thế giới áp dụng nguyên tắc quyền suy đoán dựa trên luật pháp (staturory assumptions) hoặc nguyên tắc “việc trong nhà”

(indoor management rule) để xác định hiệu lực pháp lý và hậu quả pháp lý đối với những hợp đồng cần có sự chấp thuận của chủ sở hữu công ty theo quy định của Điều lệ công ty nhưng trên thực tế, khi giao kết không có sự chấp thuận của chủ sở hữu công ty. Theo đó, các hợp đồng này vẫn có hiệu lực pháp lý và có giá trị ràng buộc công ty. Theo quy định tại Điều 37 Luật công ty TNHH của Đức: “Giám đốc có trách nhiệm hành động tương ứng với giới hạn về thẩm quyền đại diện được quy định tại Điều lệ của công ty hoặc tại nghị quyết do các thành viên thông qua. Giới hạn quyền của giám đốc sẽ không có giá trị đối với bên thứ ba. Quy định này thường được áp dụng đối với các trường hợp giám đốc bị giới hạn đối với từng lĩnh vực hoặc trong từng tình huống hay trong khoảng thời gian hoặc ở những địa điểm

cụ thể hoặc giới hạn đối với một số giao dịch cần có sự thông qua của thành viên”.

Theo đó, đối với những giao dịch phải có sự thông qua của chủ sở hữu công ty, mà trên thực tế, khi xác lập hợp đồng chưa có được sự thông qua của họ thì hợp đồng đó vẫn có hiệu lực với bên đối tác và vẫn có giá trị ràng buộc công ty trừ trường hợp bên đối tác đã biết trước về sự giới hạn này.

Điều 53 của Luật công ty Canada cũng quy định: “Một bên khi tham gia giao dịch với một công ty sẽ không bắt buộc phải tìm hiểu xem công ty đó đã cho phép ban giám đốc xác lập giao dịch hay chưa hoặc có giới hạn nào về thẩm quyền của Ban giám đốc hay không hoặc Ban giám đốc có được uỷ quyền để làm việc đó chưa?”83. Với quy định này, Ban giám đốc được coi là đại diện của công ty và mọi giao dịch do Ban giám đốc xác lập sẽ có giá trị ràng buộc công ty, bất kể Ban giám đốc có được uỷ quyền để làm việc đó hay không?

Luật công ty của Úc cũng áp dụng nguyên tắc việc trong nhà để xác định hiệu lực của hợp đồng ký vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện. Theo đó, một hợp đồng của công ty cần phải có sự phê chuẩn, thông qua của chủ sở hữu công ty nhưng người đại diện của công ty đã ký mà không có sự phê chuẩn, thông qua đó thì hợp đồng vẫn có hiệu lực trừ khi bên giao kết hợp đồng đã biết trước rằng người đại diện của công ty không có đủ thẩm quyền để giao kết hợp đồng.84

Việt Nam có vẻ đã tiếp cận với nguyên tắc việc trong nhà nhưng chỉ ở phạm vi rất hẹp khi Khoản 1 Điều 184 Luật doanh nghiệp 2020 quy định các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Công ty hợp danh có quyền đưa ra những hạn chế đối với quyền đại diện, điều hành của thành viên hợp danh. Tuy nhiên việc hạn chế này chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi bên thứ ba biết về hạn chế đó. Có nghĩa là trường hợp bên thứ ba không biết về sự hạn chế quyền của thành viên hợp danh thì mọi hạn chế đều không có hiệu lực. Giao dịch do thành viên hợp danh xác lập mặc dù không có thẩm quyền đại diện vẫn có giá trị ràng buộc công ty nếu bên đối tác xác lập giao dịch không biết về việc hạn chế thẩm quyền nêu trên.

83 Canadian Company Act, Section 53.

84 Lê Văn Tranh, tlđd, tr. 65.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(208 trang)
w