Về quyền khởi kiện của cổ đông/thành viên công ty

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 154 - 158)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT RỦI RO ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ GIÁ TRỊ LỚN TRONG CÔNG TY VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH

2.7. Về quyền khởi kiện của cổ đông/thành viên công ty

Quyền khởi kiện của chủ sở hữu công ty là một cơ chế rất hữu hiệu được áp dụng để kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn đặc biệt trong trường hợp có những vi phạm trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng.

LDN năm 2020 không có quy định trực tiếp về quyền khởi kiện của thành viên công ty hợp danh đối với công ty và người quản lý công ty. LDN năm 2020 chỉ quy định Chủ tịch HĐTV hoặc Tổng giám đốc/Giám đốc công ty có quyền đại diện cho công ty với tư cách nguyên đơn trước Trọng tài, Toà án.172 Như vậy, có thể hiểu chỉ có Tổng giám đốc/ Giám đốc hoặc thành viên hợp danh là Chủ tịch HĐTV của CTHD mới có quyền thay mặt công ty khởi kiện tại Toà án. Điều này xuất phát từ bản chất đối nhân của loại hình doanh nghiệp này. Các thành viên hợp danh của công ty đều là người đại diện theo pháp luật của công ty, tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, nhân danh công ty ký kết các hợp đồng, giữa các thành viên hợp danh có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ cả về trách nhiệm và lợi ích. Vì vậy, LDN năm 2020 không cần quy định về quyền khởi kiện của thành viên hợp danh đối với công ty, thành viên công ty như là một công cụ giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người quản lý công ty. Còn đối với thành viên góp vốn, thành viên không tham gia quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, họ không được trao quyền khởi kiện đối với người quản lý công ty. Thậm chí thành viên góp vốn mặc dù có quyền tham gia họp HĐTV nhưng họ chỉ được tham gia biểu quyết những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ trong công ty. Việc thiếu vắng quy định về quyền khởi kiện của thành viên hợp danh không là Chủ tịch HĐTV hoặc thành viên góp vốn đối với người quản lý công ty có thể coi là một khiếm khuyết, bất cập. Bởi lẽ, thành viên hợp danh được quyền nhân danh công ty, sử dụng tài sản của công ty để tiến hành kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán, ký kết hợp đồng, giao dịch với tư cách công ty.

Khi một thành viên hợp danh tiến hành hoạt động kinh doanh với tư cách đại diện công ty thì công ty sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ từ hoạt động kinh doanh đó. Các thành viên hợp danh sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp công ty không thể thanh toán hết tất cả các khoản nợ. Như vậy, nếu một thành viên hợp danh vi phạm các quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty trong khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thì các thành viên hợp danh khác

172 Điểm đ Khoản 4 Điều 184 LDN năm 2020 .

phải có quyền thay mặt công ty khởi kiện thành viên hợp danh đã tiến hành giao dịch nhằm bảo đảm lợi ích của công ty thì mới thật sự hợp lý.

Việc không quy định quyền khởi kiện cho thành viên góp vốn cũng rất bất cập vì thành viên góp vốn không có quyền quản lý, điều hành công ty, bản thân họ cũng chỉ có quyền cho ý kiến, biểu quyết về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên. Tuy nhiên, đối với hợp đồng có giá trị lớn, nếu thành viên hợp danh giao kết hợp đồng có thể gây ra rủi ro cho công ty cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên góp vốn.

Trường hợp này việc cho phép thành viên góp vốn được quyền khởi kiện mới thật sự hợp lý. Kinh nghiệm của Hoa kỳ cho thấy trong mô hình công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn, mô hình công ty có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn, các thành viên góp vốn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. 173

- Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên

Về quyền khởi kiện của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, Khoản 1 Điều 72 LDN năm 2020 quy định, thành viên công ty tự mình, hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác do vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý trong các trường hợp sau đây:

+ Vi phạm quy định trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, Giám đốc/Tổng giám đốc và người quản lý khác, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;

+ Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của HDTV đối với quyền và nghĩa vụ được giao;

+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty

Như vậy, trong trường hợp hợp đồng đã giao kết mà không có được sự chấp thuận hay thông qua của chủ sở hữu công ty theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty thì căn cứ để thành viên khởi kiện chính là Khoản 1 Điều 72 LDN năm 2020.

173 Luật hợp nhất về hợp danh hữu hạn năm 2001 của Hoa kỳ, Điều 1002 khoản 1.

- Đối với công ty cổ phần

Khoản 1 Điều 166 LDN năm 2020 quy định cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp: (i) người quản lý vi phạm trách nhiệm của mình; (ii) không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của HĐQT đối với quyền và nghĩa vụ được giao;

(iii) lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác và (iv)

các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Tuy nhiên, Điều 166 LDN năm 2020 giới hạn cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số chỉ được khởi kiện để yêu cầu người quản lý công ty hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại. Có nghĩa là đối với những vấn đề khác ngoài yêu cầu hoàn trả lợi ích và bồi thường thiệt hại, LDN để ngỏ và nếu theo tinh thần của Điều 166 LDN năm 2020 thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông khó có thể khởi kiện ngoài hai yêu cầu nêu trên.

Như vậy, căn cứ để cổ đông khởi kiện trong trường hợp hợp đồng đã giao kết mà không có được sự chấp thuận hay thông qua của chủ sở hữu công ty theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty chính là Điểm b Khoản 1 Điều 166 LDN năm 2020.

Theo quy định của LDN thì chi phí khởi kiện trong trường hợp thành viên, cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên, cổ đông khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện.

LDN năm 2020 đã có những tiến bộ nhất định trong việc mở rộng quyền khởi kiện của thành viên, cổ đông công ty đối với người quản lý công ty. Theo đó, không chỉ có quyền tự mình khởi kiện, thành viên, cổ đông công ty còn được trao quyền được nhân danh công ty khởi kiện (cơ chế kiện phái sinh) cá nhân người quản lý doanh nghiệp khi phát hiện người quản lý công ty có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho công ty để đòi bồi thường thiệt hại. LDN năm 2020 đã bãi bỏ điều kiện yêu

cầu cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn 06 tháng mới được khởi kiện là một bước tiến rất hợp lý, đảm bảo lợi ích chính đáng của cổ đông công ty.

So sánh với quy định của pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam không yêu cầu các cổ đông/thành viên công ty phải thực hiện một thao tác tiền tố tụng, ví dụ phải yêu cầu công ty khởi kiện trước, khi công ty không khởi kiện thì cổ đông/thành viên công ty mới tiến hành khởi kiện hoặc yêu cầu các bên trong tranh chấp phải tiến hành hoà giải trước khi khởi kiện. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam có quy định tại Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020. Theo đó, khi nguyên đơn khởi kiện vụ việc dân sự tại Toà án, Toà án sẽ áp dụng thủ tục hoà giải, đối thoại giữa các bên trước khi Toà án tiến hành thụ lý vụ việc trừ trường hợp không tiến hành hoà giải, đối thoại được. Việc áp dụng các quy định về hoà giải, đối thoại tại Toà án cũng sẽ tạo điều kiện các bên tranh chấp có thể giải quyết được vụ việc trước khi Toà án chính thức thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục tố tụng. Quy định này thực sự giúp cho các bên tranh chấp trong vụ kiện liên quan đến hợp đồng có giá trị lớn có thể giải quyết thông qua con đường hoà giải, rút ngắn quá trình tố tụng tại Toà.

Quyền khởi kiện và quyền tiếp cận thông tin có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong việc đảm bảo thực thi các quyền của thành viên, cổ đông công ty trong việc giám sát hoạt động của người quản lý công ty. Rõ ràng quyền khởi kiện là quyền tiếp theo nhằm hoàn chỉnh công cụ pháp lý cho thành viên, cổ đông. Nếu không có quyền khởi kiện, quyền tiếp cận thông tin sẽ không có ý nghĩa. Ngược lại, quyền tiếp cận thông tin sẽ hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi cho quyền khởi kiện. Bởi lẽ, việc thành viên, cổ đông công ty khởi kiện, bản chất là kiện dân sự nên thành viên, cổ đông phải có trách nhiệm chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Thông qua quyền tiếp cận thông tin, thành viên, cổ đông mới có thể thu thập thông tin, xem xét, đánh giá và chuẩn bị đủ các minh chứng cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty (Trang 154 - 158)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(208 trang)
w