CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT RỦI RO ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ GIÁ TRỊ LỚN TRONG CÔNG TY VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH
2.1. Về nhận diện hợp đồng có giá trị lớn trong công ty cần kiểm soát
2.1.1. Hợp đồng có giá trị lớn do công ty tự quyết định và ghi nhận trong Điều lệ của công ty
Do các công ty rất khác nhau về tổng tài sản; các loại hợp đồng thường ký kết và nhu cầu kiểm soát các hợp đồng có giá trị lớn nên LDN năm 2020 quy định một hợp đồng có giá trị lớn trước hết hoàn toàn dựa trên sự quyết định của bản thân công ty.
Công ty sẽ tự xác định hợp đồng có giá trị lớn và ghi nhận trong điều lệ của mình.
(a) Đối với công ty hợp danh: Công ty có quyền tự đưa ra tiêu chí để xác định hợp đồng có giá trị lớn trên cơ sở so sánh giá trị của hợp đồng với vốn điều lệ của công ty. Tỷ lệ mà công ty đưa ra và ghi nhận trong Điều lệ phải bằng hoặc cao hơn tỷ lệ do luật quy định tại điểm e, g Khoản 3 Điều 182 Luật doanh nghiệp năm 2020 . Tỷ lệ đó là 50% vốn điều lệ công ty đối với hợp đồng vay, cho vay, huy động vốn và 100%
vốn điều lệ trở lên đối với hợp đồng mua, bán tài sản. Với cách tiếp cận của điều luật này, có thể hiểu rằng công ty được quyền quy định trong điều lệ của mình một hợp đồng vay, cho vay có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên là hợp đồng có giá trị lớn là phù hợp. Trường hợp nếu công ty quy định trong điều lệ của mình theo hướng một hợp đồng có giá trị từ 49% vốn điều lệ trở lên là hợp đồng có giá trị
lớn thì sẽ không phù hợp vì Điều 182 LDN 2020 hoặc Điều 177 LDN năm 2014 chỉ cho phép công ty tự quy định một tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ ghi nhận trong Điều luật là 50% vốn điều lệ;
(b) Đối với công ty TNHH: Công ty TNHH cũng có quyền tự quyết định tiêu chí để xác định một hợp đồng được coi là một hợp đồng có giá trị lớn. Tuy nhiên, trái với công ty hợp danh phải đưa ra một tỷ lệ hoặc giá trị cao hơn so với tỷ lệ do luật quy định, công ty TNHH lại bắt buộc phải đưa ra một tỷ lệ hoặc giá trị nhỏ hơn tỷ lệ do luật quy định. Theo đó, điểm d Khoản 2 Điều 55 và điểm e Khoản 1 Điều 76 LDN năm 2020 đều quy định tỷ lệ hoặc giá trị mà công ty đưa ra để một hợp đồng được coi là hợp đồng có giá trị lớn phải nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty;
(c) Đối với công ty cổ phần: CTCP cũng có quyền tự quyết định tiêu chí để xác định một hợp đồng có giá trị lớn. Điểm khác biệt trong việc tự quyết định tiêu chí hợp đồng có giá trị lớn của CTCP so với công ty TNHH và công ty hợp danh là ở chỗ: LDN năm 2020 cho phép CTCP được quy định giá trị của hợp đồng có giá trị lớn khác với giá trị được quy định trong luật nhưng không bắt buộc giá trị đó phải cao hơn hay thấp hơn giá trị được quy định trong luật99. Điều đó có nghĩa là CTCP được quyền tự do quyết định một hợp đồng là hợp đồng có giá trị lớn theo mức cao hơn hoặc thấp hơn so với quy định của Luật doanh nghiệp (35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty).
Với quy định như trên, chúng ta thấy rằng LDN năm 2020 cho phép các công ty được quyền tự quyết định tiêu chí để xác định một hợp đồng có giá trị lớn trên cơ sở giá trị mà luật quy định đối với từng loại hình công ty. Tuy nhiên, các quy định của LDN năm 2020 chưa thực sự có một hướng đi thống nhất khi cho công ty tự quyết định về tỷ lệ giá trị của hợp đồng với những giới hạn rất khác nhau, cụ thể:
đối với các công ty hợp danh thì cho phép công ty được đưa ra tỷ lệ cao hơn tỷ lệ do luật định trong khi đối với công ty TNHH thì tỷ lệ mà công ty đưa ra phải thấp hơn tỷ lệ luật định còn với CTCP thì không nói rõ tỷ lệ mà công ty đưa ra cần cao hơn hay thấp hơn tỷ lệ luật định.
99 Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2020,
điểm d Khoản 2 Điều 138, điểm h Khoản 2 Điều 153.
LDN năm 2020 cho phép các công ty được tự quyền đưa ra tiêu chí xác định một hợp đồng là hợp đồng có giá trị lớn thể hiện tư tưởng tiến bộ của các nhà lập pháp trong việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của công ty. Công ty có quyền tự do lựa chọn một tỷ lệ hoặc giá trị khác với quy định của LDN để xác định hợp đồng có giá trị lớn và ghi nhận trong Điều lệ của công ty. Nếu so sánh giữa việc công ty lựa chọn quy định trong Điều lệ một tỷ lệ với việc công ty quy định một giá trị cụ thể thì việc lựa chọn một giá trị cụ thể xác định một hợp đồng có giá trị lớn sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bởi nếu tính theo tỷ lệ giá trị tổng tài sản của công ty sẽ đòi hỏi các bên phải có đầy đủ các văn bản như: Điều lệ công ty, báo cáo tài chính gần nhất của công ty để làm căn cứ tính toán giá trị. Điều này cũng gây ra những khó khăn ngay cả trong nội bộ công ty chứ chưa phải với đối tác bên ngoài. Bởi vậy, nếu thay bằng việc quy định tỷ lệ giá trị tổng tài sản của công ty, điều lệ công ty quy định một giá trị cụ thể của hợp đồng, ví dụ hợp đồng từ 10 tỷ trở lên sẽ do Hội đồng thành viên hoặc HĐQT quyết định thì ngay cả những người trong nội bộ công ty cũng dễ dàng nhận diện được những hợp đồng có giá trị lớn khi họ nhìn vào giá trị của hợp đồng sẽ tiến hành xác lập.
Như đã đề cập ở Chương 1, pháp luật Anh đưa ra cách nhận diện hợp đồng có giá trị lớn dựa trên giá trị của tài sản đã giúp cho các công ty dễ dàng nhận diện và kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng này. Ví dụ, ở Anh tài sản có giá trị trên một trăm nghìn bảng thì hợp đồng đối với tài sản đó sẽ phải được kiểm soát. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy việc nhận diện hợp đồng có giá trị lớn nếu dựa trên một mức giá trị cụ thể sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, ví dụ: theo quy định tại Nghị định 25/2016 ngày 06/4/2016 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thì Hội đồng thành viên của tập đoàn này có quyền:
“Quyết định phương án huy động vốn đối với từng dự án; chủ trương vay, thuê, cho thuê, mua, bán tài sản và các hợp đồng khác có giá trị không quá 30% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất của VNPT nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công”100. Nếu tính theo báo cáo
100 Chính phủ, Nghị Định 25/2016/NĐ-CP ngày 4/6/2016 của Chính phủ về Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam, khoản 19 Điều 43.
tài chính thì đến cuối năm 2018, tổng giá trị tài sản của VNPT vào khoảng gần 84.000 tỷ đồng (tám mươi tư ngàn tỷ đồng), thì một hợp đồng phải có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoảng 25.000 tỷ đồng (hai mươi lăm nghìn tỷ đồng) mới được coi là hợp đồng có giá trị lớn. Tuy nhiên, do giới hạn của quy định là Hội đồng thành viên không được quyết định đối với những hợp đồng quá mức vốn dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công, mà dự án nhóm B đối với lĩnh vực bưu chính viễn thông là dự án có mức đầu tư từ 80 đến dưới 1500 tỷ đồng101. Bởi vậy, Hội đồng thành viên của VNPT chỉ quyết định đối với những hợp đồng có giá trị dưới 1500 tỷ đồng. Và quy định này đã được áp dụng tương đối dễ dàng đối với các hợp đồng của VNPT cần có sự quyết định của Hội đồng thành viên vì các đối tác cũng như các bộ phận trong VNPT đều hiểu và nhận diện rõ Hội đồng thành viên chỉ được quyết định đối với hợp đồng dưới 1500 tỷ đồng.