Bối cảnh tâm lí – xã hội, “trường văn học”, và nội dung, cảm hứng sáng tác về đề tài chiến tranh dưới hình thức diễn ngôn

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 23 - 28)

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.2. Bối cảnh tâm lí – xã hội, “trường văn học”, và nội dung, cảm hứng sáng tác về đề tài chiến tranh dưới hình thức diễn ngôn

1.2.1. Bối cảnh tâm lí – xã hội của sự ra đời nền văn học chiến tranh Tiến trình lịch sử của nhân loại gắn liền với những cuộc chiến tranh. Vì thế nguồn cảm hứng về chiến tranh trở thành một đề tài quen thuộc trong văn chương thế giới nói chung. Và đề tài chiến tranh lại càng trở thành một nỗi ám ảnh trên nhiều trang viết của những nhà văn Việt Nam, bởi lịch sử nước ta gắn liền với lịch sử của những cuộc chiến tranh khốc liệt giành hơi thở của độc lập, tự do. Cảm hứng anh hùng ca, cảm hứng lịch sử dân tộc qua những cuộc chiến tranh đi từ truyền thuyết, sử thi cổ đại trong nền văn học dân gian đến văn học trung đại, nhưng chỉ đến khi văn học chuyển mình sang một bước tiến mới, văn học hiện đại hình thành và phát triển thì nền văn học yêu nước viết về đề tài chiến tranh với cảm hứng anh hùng ca mới thật sự đánh một mốc son đậm trong lịch sử văn học Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám 1945 đã phá bỏ xiềng xích nô lệ cho cả một dân tộc, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: độc lập, tự do. Những tiền đề xã hội – chính trị ấy đã tác động mạnh mẽ đến văn học. Nó mở ra một giai đoạn mới, một cái nhìn mới, một hướng đi đúng đắn cho thế hệ các nhà văn. Suốt ba mươi năm (1945 – 1975), nước ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và chống Mỹ. Đến năm 1978 và 1979, Việt Nam lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây – Nam và biên giới phía Bắc.

Khoảng thời gian ấy, nước ta không ngơi tiếng súng, tiếng bom rơi và cả tiếng khóc đau thương. Những nỗi đau, những mất mát ấy càng làm dâng lên lòng căm thù, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Văn học cách mạng ra đời phát triển trong điều kiện bất thường ấy với tốc độ vượt bậc với sứ mệnh tuyên truyền, cổ vũ chiến đấu. Văn học cách mạng khẳng định chính nghĩa dân tộc, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, củng cố niềm tin và vực dậy ý chí quyết tâm, lòng yêu nước cho cả dân tộc. Đề tài chiến tranh là một trong những đề tài then chốt của nền văn học cách mạng. Viết về hiện thực chiến tranh: những trận chiến cam go, tội ác, nỗi đau, sự sống và cái chết,…;

văn học chiến tranh là những diễn ngôn về chiến tranh: diễn ngôn về ý thức hệ, diễn ngôn về lòng tự hào dân tộc,…

Sống và chiến đấu trong những năm tháng bom rơi, đạn xéo, những nhà văn – chiến sĩ đã hòa mình vào cái không khí khốc liệt ấy. Chu Cẩm Phong viết trong nhật kí: “Chưa có lần nào ngồi viết và làm tạp chí lại vất vả và cực khổ như lần này. Đói. Mệt. Thiếu thời gian. Và bị chi phối nhiều chuyện khác của cơ quan. Ăn ngày hai bữa 0,8 lon gạo với thân cây dớn, bụng sôi sùng sục, cồn cào.

Mấy đêm liền, mỗi đêm chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ…” [49]. Chiến trường là nơi đã mang đến cho tác phẩm của họ những trang viết sinh động về hiện thực kháng chiến. Rồi khi hòa bình lập lại, chiến tranh đã lùi về dĩ vãng nhưng vết thương thời chiến vẫn như viên đạn còn nằm sâu trong cơ thể của những người bước qua cuộc chiến. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại nhói lên. Dư âm về thời chiến mãi vẫn là những kí ức mãi không thể quên của những con người từng sống trong khói lửa. Đề tài chiến tranh vẫn là một đề tài mà các nhà văn đã dành nhiều trang viết tâm huyết. Từ độ lùi hiện thực, điểm nhìn về chiến tranh cũng đã có những thay đổi. Diễn ngôn về chiến tranh không chỉ là diễn ngôn về ý thức hệ, diễn ngôn về lòng tự hào dân tộc mà còn chú trọng đi sâu vào những khuất lấp phía sau: nhân tính, tính dục, hạnh phúc cá nhân,…

1.2.2. “Trường văn học” và nội dung, cảm hứng sáng tác dưới hình thức diễn ngôn chiến tranh và hòa bình

Nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930 – 2002) là người khai sinh ra lý thuyết về trường (champ), một trong những phát hiện quan trọng của xã hội học văn học trong thế kỷ XX.

Trườngở đây được hiểu là trường vực có nghĩa lĩnh vực có hấp lực. Theo P. Bourdieu, trường vực bao gồm một tập hợp nhiều người, và xã hội chính là gắn kết nhiều quan hệ giữa các trường vực với nhau. Mỗi trường vực là một không gian đặc biệt, có những quy tắc và quy luật khác nhau, nhưng giữa chúng có mối liên hệ tương đối thống nhất. Theo cách hiểu của Phạm Xuân Thạch:

Trường là một không gian xã hội có tính tự trị một cách tương đối (văn học, nghệ thuật, triết học, chính trị – quyền lực…) xuất hiện dọc theo lịch sử. Nó là một thứ thiết chế (l’institution) nhưng không hữu hình như hệ thống giáo dục hay luật pháp mà là một thứ thiết chế “ảo” với tư cách là một cấu hình (configuration) những mối quan hệ giữa các tác nhân (l’agent) tham gia vào trường [134].

P. Bourdieu cho rằng: Cũng giống với với tất cả trường khác, trường văn học cũng liên đới với quyền lực (ví như quyền được phát biểu hoặc từ chối xuất bản), cũng liên quan với tư bản được xác nhận của nhà văn,... Từ đây, cũng như với các trường khác, người ta có thể thấy những quan hệ, sách lược của quyền lực và lợi ích,... Trường văn học là một trường của sức mạnh, cũng là một trường tranh đấu. (Các khái niệm cơ bản về xã hội học văn hóa của P. Bourdieu) Có thể nói, những cuộc đấu tranh giữa những hệ thống thứ bậc trong một trường là cơ sở để xác lập quyền ấn định giá trị của một trường. Với lịch sử nghiên cứu văn học, lý thuyết về trường văn học có thể mang đến hai đóng góp cơ bản: Sự hình thành của trường văn học có thể được xem như một dấu hiệu của quá trình hiện đại hóa văn học, là cơ sở để phân kì lịch sử văn học; Sự hình

thành của trường văn học được xem như sợi dây liên kết lịch sử văn học để thấy được sự tiếp nối lẫn nhau về mặt lịch sử của các tác phẩm văn học.

Trở lại vấn đề văn học cách mạng Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám, chúng ta có thể nhận thấy tiến trình phát triển của nền văn học cách mạng với những sáng tác dưới hình thức diễn ngôn chiến tranh và hòa bình như một trường văn học. Bởi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc kéo dài đến mấy chục năm đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam dù được sinh ra trong thời bình hay thời chiến.

Thời chiến, đề tài chiến tranh giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong văn học với sứ mệnh tuyên truyền, cổ vũ chiến đấu. “Nếu tính từ năm 1954 đến 1975, thì đề tài chiến tranh được đề cập đến ở một số lượng tác phẩm khá lớn so với các mảng đề tài khác: 115 tập truyện kí, 74 tập tiểu thuyết trong tổng số 397 tập truyện kí, 173 tập tiểu thuyết đã in…” [74, tr.108].

Giai đoạn 1945 đến 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp được tái hiện trong mọi thể loại văn xuôi. Trong đó, kí, tùy bút và truyện ngắn đạt được mùa bội thu trong việc tái hiện hiện thực chiến tranh. Song, tiểu thuyết còn rất hiếm hoi, tiêu biểu chỉ có Xung kích (1951) của Nguyễn Đình Thi.

Giai đoạn 1955 – 1964 là thời kì phát triển chín muồi của tiểu thuyết với nhiều mảng đề tài. Có nhà văn đi ngược về quá khứ, tái hiện lại bức tranh lịch sử trước cách mạng tháng Tám 1945, có người lại hướng vào sự đổi thay của đất nước, của con người trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đề tài chiến tranh vẫn được là đề tài có vị trí quan trọng hơn cả. Số lượng lẫn chất lượng tác phẩm đều vượt trội. Tiêu biểu là những tiểu thuyết: Đất nước đứng lên (1954) của Nguyên Ngọc, Vượt Côn Đảo (1955) của Phùng Quán, Mùa hoa dẻ (1957) của Văn Linh, Một truyện chép ở bệnh viện (1958) của Bùi Đức Ái, Bên kia biên giới (1958) và Trước giờ nổ súng (1960) của Lê Khâm, Cao điểm cuối cùng (1960) của Hữu Mai, Sống mãi với thủ đô(1961) của Nguyễn Huy Tưởng, Phá vây (1961) của Phù Thăng, Đất lửa (1963) của Nguyễn Quang Sáng,…

Giai đoạn 1965 – 1975, cả nước nổi dậy kháng chiến chống Mỹ, tiểu thuyết viết về chiến tranh thêm một lần bội thu. Nhiều nhà văn xông pha trên chiến trường, khói lửa chiến tranh đã giúp họ trưởng thành hơn và có một cái nhìn chính chắn hơn về hiện thực cũng như độ chín trên trang viết. Tiêu biểu là những tiểu thuyết: Hòn đất (1966) của Anh Đức, Rừng U Minh(1966) của Trần Hiếu Minh, Gia đình Má Bảy (1968) và Mẫn và tôi(1972) của Phan Tứ, Vào lửa (1966) và Mặt trận trên cao (1967) của Nguyễn Đình Thi, Cửa sông (1967) và Dấu chân người lính (1972) của Nguyễn Minh Châu, Đất Quảng (1970) của Nguyễn Trung Thành, Đường trong mâyChiến sĩ (1973) của Nguyễn Khải, Dưới đám mây màu cánh vạc (1973) của Thu Bồn, Những tầm cao (tập 1 – 1973) của Hồ Phương, Dòng sông phẳng lặng (tập 1 – 1974) của Tô Nhuận Vĩ, Sao Mai (tập 1 – 1974) của Dũng Hà, Vùng trời (tập 1 – 1772, tập 2 – 1974) của Hữu Mai,…

Sau chiến tranh, dù đất nước đã im tiếng súng nhưng dư âm và hậu quả của hai cuộc kháng chiến trường kì có thể nói vẫn là nỗi ám ảnh với người Việt Nam. Khi cuộc chiến đã lùi xa, đề tài chiến tranh không còn là mối quan tâm hàng đầu của người nghệ sĩ nhưng văn xuôi về chiến tranh vẫn có vị trí đáng kể trong nền văn học đương đại. Tuy nhiên, cách xử lí đề tài chiến tranh trong tác phẩm của các nhà văn đã linh hoạt hơn. Có tác phẩm trực tiếp viết về đề tài chiến tranh nhưng cũng có khi chiến tranh lại được lồng vào các đề tài khác, thậm chí hiện diện thấp thoáng trong tiểu thuyết mà thôi.

Những năm 1980, văn học bước vào giai đoạn đầu của quá trình đổi mới với những tác phẩm tiêu biểu: Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1978), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) của Nguyễn Minh Châu, Mùa lá rụng trong vườn (1985) của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu,…

Từ năm 1988 đến 1993, quá trình đổi mới trong văn học diễn ra càng đa dạng và phức tạp hơn. Có người đã nói đến một giai đoạn “văn học bước qua lời

nguyền”. Đa dạng về đề tài cũng như cách thể hiện. Những tác phẩm đáng chú ý: Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Quang Lập), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Góc tăm tối cuối cùng (Khuất Quang Thụy), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh),… Trong đó, sự ra đời của Nỗi buồn chiến tranhđã dậy lên làn sóng dư luận trái chiều.

Từ cái nhìn khái quát trên, ta thấy mảng tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh là một bộ phận quan trọng và của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến nay.

Có thể nói, văn học chiến tranh như một trường văn học kéo dài suốt mấy mươi năm trong lịch sử văn học Việt Nam. Và từ khi hình thành đến nay, văn học chiến tranh đã trải qua những chặng đường khác nhau với cùng với những sự biến đổi của văn hóa – lịch sử như một trường văn học. Viết về con người cũng như hiện thực trong chiến tranh. Vấn đề đặt ra không thể thiếu trong tiểu thuyết chiến tranh là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Dù nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp thì vấn đề chiến tranh và hòa bình luôn được các nhà tiểu thuyết hướng đến trong tác phẩm của mình dưới hình thức diễn ngôn. Quá trình giao tiếp giữa người phát ngôn và người tiếp nhận diễn ra thông qua cách nhà văn xây dựng hình tượng con người và thế giới quan bằng ngôn ngữ miêu tả, trần thuật, đối thoại, độc thoại,...

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 23 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)