Chương 3 CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM –
3.1. Diễn ngôn người kể chuyện – những phát ngôn nhân danh cộng đồng
3.1.1. Vấn đề điểm nhìn, ngôi kể trong diễn ngôn người kể chuyện
Cùng với diễn ngôn của nhân vật, diễn ngôn của người kể chuyện là một
trong hai bộ phận quan trọng tết dệt nên văn bản ngôn từ của tác phẩm tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Diễn ngôn người kể chuyện là ngôn từ của người kể chuyện sử dụng trong tác phẩm để dẫn dắt câu chuyện; thuật lại những sự kiện, biến cố; khắc họa hành động và tâm lí của nhân vật. Nó bao gồm tất cả những phát biểu trần thuật kể câu chuyện hoặc những lời đánh giá, diễn giải của người kể chuyện.
Có thể nói, vấn đề mà bất kì một nhà nghiên cứu nào cũng quan tâm đối với một tác phẩm tự sự không phải ai là người viết nên truyện kể ấy, mà là vấn đề ai kể chuyện và câu chuyện được kể như thế nào. Người kể chuyện có thể mang điểm nhìn của tác giả, song tác giả không phải là trung tâm của truyện kể.
Điểm nhìn và người kể chuyện trở thành hai phương diện không thể tách rời.
Theo Tự điển thuật ngữ văn học, điểm nhìn là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm” [22, tr.112]. Điểm nhìn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm tự sự.
Pospelov từng khẳng định: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật, hay, nói cách khác, điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả” [83, tr.90]. Huỳnh Như Phương cũng từng nhấn mạnh:
Sự trần thuật câu chuyện bao giờ cũng được tiến hành từ một điểm nhìn nào đó. Kết cấu văn bản có liên quan mật thiết đến điểm nhìn đó, nó liên kết ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ trực tiếp của các nhân vật trong một mối thống nhất hỗ tương. Miêu tả mối quan hệ hỗ tương đó sẽ góp phần làm sang tỏ kết cấu ngôn từ của sự trần thuật [26, tr.201].
Điểm nhìn cho phép người kể chuyện soi sáng toàn bộ diễn biến câu chuyện, quan hệ các nhân vật, trình bày nội dung trong những phối cảnh được xem là hợp lí nhất. “Có thể nói rằng, chính điểm nhìn trần thuật của nhà văn trong tác phẩm là một phương tiện thể hiện đắc lực tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của tác giả. Sự lựa chọn điểm nhìn trần thuật của nhà văn quyết định một
phần lớn giọng điệu, sắc thái thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của tác phẩm” [112, tr.128].
Song song với việc xác định điểm nhìn là việc chọn ngôi kể (vai kể) để xây dựng cấu trúc trần thuật của người kể chuyện. Vấn đề lựa chọn ngôi kể gắn liền với sự biểu hiện của hình tượng người kể chuyện. G.Genette khẳng định: “Việc thay đổi ngôi, thực sự là sự thay dổi quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện của anh ta – nói cụ thể hơn, nó còn có nghĩa là sự thay đổi người kể chuyện” [101, tr.188]. Có thể nói, việc lựa chọn ngôi kể thể hiện một ý đồ nghệ thuật ngầm của nhà văn trong tác phẩm văn học.
Ngôi kể và điểm nhìn là hai yếu tố cấu thành phương thức trần thuật của một tác phẩm văn học. Tùy theo theo dụng ý nghệ thuật của tác giả, hoặc là người kể chuyện ở ngôi thứ ba với điểm nhìn“biết hết” bằng một thái độ khách quan; hoặc người kể chuyện ở ngôi thứ nhất nhưng lại trong vai trò của một người kể bàng quan, đứng ngoài; hoặc vừa là người kể chuyện, vừa là nhân vật trong truyện, trần thuật bằng điểm nhìn của người trong cuộc,… mà sự kết hợp giữa ngôi kể và điểm nhìn với nhau tạo thành các phương thức tự sự khác nhau với những khả năng khái quát hiện thực phong phú cho tác phẩm, đồng thời mở rộng những phương diện tiếp cận nghệ thuật đa dạng cho độc giả đối với thế giới hư cấu trong truyện kể.
Một câu chuyện hay không chỉ do cốt truyện mà còn do cách kể chuyện.
Qua lời kể, người kể chuyện có thể phản ánh cuộc sống hình tượng trong truyện, bên cạnh đó còn có thể thể hiện thái độ, tình cảm, tư tưởng, sự đánh giá, bình phẩm trực tiếp của mình đối với cuộc sống. Diễn ngôn người kể chuyện bao gồm: diễn ngôn kể, diễn ngôn tả và diễn ngôn bình luận.
Trở lại vấn đề điểm nhìn trong tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nếu như đa phần những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh trên thế giới, dung lượng miêu tả hai phe ta và địch thường như nhau và tác giả có sự thay đổi điểm liên tục nhìn giữa phe này với phe kia thì trong văn học cách mạng, tác giả
chỉ được phép đặt điểm nhìn từ phe cộng sản, từ đó nhân danh dân tộc để phê phán kẻ thù. Điểm nhìn của tác giả là điểm nhìn đơn tuyến của người trong cuộc, đối lập giữa ta – địch, giữa tốt – xấu. Tác giả nhìn ta với cái nhìn cận cảnh, nhìn địch với cái nhìn viễn cảnh nên bao giờ cũng có sự chênh lệch về dung lượng miêu tả, viết về ta nhiều hơn địch.
Trong tổng số sáu tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ, có đến bốn tiểu thuyết được kể theo ngôi thứ ba (Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy, Người cùng quê) với điểm nhìn “biết hết”. Bằng thái độ khách quan, người kể chuyện có thể phát huy tối đa sự can thiệp của mình đối với thế giới hình tượng, những chi tiết, tình huống, diễn biến, hành động của nhân vật,… Câu chuyện được tái hiện lại thông qua vai trò định hướng toàn năng của người kể chuyện. Nhưng khi chọn cách kể theo ngôi thứ ba với điểm nhìn bên trong, nhân vật trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ lại có thể bộc lộ ý thức cá nhân của mình và mang màu sắc cá tính rõ nét hơn. Tuy nhiên những đặc điểm này lại được bộc lộ trọn vẹn hơn cả trong các tác phẩm được trần thuật theo ngôi thứ nhất. Bên cạnh việc sử dụng phương thức tự sự truyền thống với ngôi kể thứ ba, Lê Khâm – Phan Tứ còn có hai tiểu thuyết được kể theo phương thức tự sự ở ngôi thứ nhất (Mẫn và tôi, Trại S.T.18) với điểm nhìn bên trong. Ở góc độ tiếp nhận, phương thức tự sự này tạo ra quan hệ gần gũi, chân thật. Người kể chuyện có thể dễ dàng thâm nhập vào trường nhìn của mình qua những tư tưởng, suy nghĩ của nhân vật. Dễ dàng nhận ra nhân vật “tôi” là cái loa phát ngôn của tác giả. Người kể chuyện là Thiêm (Mẫn và tôi), là Khang (Trại S.T.18) nhưng thật ra lời của tác giả chen vào khá nhiều, điểm nhìn trần thuật liên tục hoán vị. Lê Khâm – Phan Tứ nhập thân vào nhân vật, miêu tả sự vật qua điểm nhìn bên trong rồi chuyển qua điểm nhìn bên ngoài. Cách kể này thiên về bày tỏ cảm xúc chủ quan, đồng thời tạo khả năng đối thoại với độc giả.
Tuy nhiên, dù ở vị trí hay phương thức tự sự nào, ngôi thứ ba hay ngôi thứ nhất, diễn ngôn người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ cũng thể
hiện những cách nhìn rất riêng của nhà văn về hiện thực và con người trong chiến tranh.
Điều đáng nói là do bị quy định bởi khuynh hướng sử thi, người kể chuyện cũng như chủ thể phát ngôn thường đứng trên lập trường cộng đồng, nhân danh cộng đồng. Đặc điểm này đã chi phối sâu sắc cấu trúc và phương thức kiến tạo diễn ngôn trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ.