Hai bút danh – Hai chặng đường tiểu thuyết của nhà văn Lê Khâm –

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 36 - 41)

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.5. Hai bút danh – Hai chặng đường tiểu thuyết của nhà văn Lê Khâm –

Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, con thứ 4 trong gia đình, nguyên quán xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha là Lê Ấm, từng làm Đốc học ở trường Quốc học Huế, mẹ là Phan Thị Châu Liên – con gái đầu của nhà Chí sĩ Phan Châu Trinh. Tuy sinh ra ở Bình Định nhưng suốt thời gian niên thiếu, Lê Khâm – Phan Tứ lại sống ở quê cha, xã Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Bản thân ông từ nhỏ đã giỏi về môn văn và tiếng Pháp.

Lê Khâm – Phan Tứ là một trong những nhà văn trưởng thành từ dòng sữa của cách mạng. Tài năng và đóng góp của ông gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Thực tế hiếm có nhà văn nào trung thành với một đề tài thống nhất như Lê Khâm – Phan Tứ. Từ khi bước vào văn đàn đến khi qua đời, Lê Khâm – Phan Tứ chỉ duy nhất viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Cái

khó nhất của mỗi nhà văn là không lặp lại chính mình trong mỗi tác phẩm. Với Lê Khâm – Phan Tứ, lại càng khó hơn khi những tác phẩm của ông chỉ gói gọn trong đề tài chiến tranh cách mạng với khuynh hướng sử thi là chủ yếu. Song, sau mỗi tác phẩm, ta lại bắt gặp một Lê Khâm – Phan Tứ chững chạc hơn trên trang viết, cũng như có thể cảm nhận được những góc độ khác nhau về con người và hiện thực chiến tranh.

1.5.1. Những khởi đầu với bút danh Lê Khâm

Mười lăm tuổi, Lê Khâm đã sớm đón nhận ánh sáng của cách mạng, hăng hái tham gia liên lạc Việt minh bí mật, làm cán bộ thiếu nhi, làm tuyên truyền xung phong mặt trận Đà Nẵng, rồi học trường lục quân Trần Quốc Tuấn, làm trung đội phó xung kích Hạ Lào, trợ chiến biên phòng, trợ lí văn hóa đoàn 80 thuộc Bộ tổng tư lệnh. Tháng 8/1958 vào học trường Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ văn, đồng thời viết văn.

Những trải nghiệm gian khổ, khốc liệt từ thực tế kháng chiến cùng với niềm say mê viết văn đã đưa Lê Khâm đến với văn đàn Việt Nam bằng những trang viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Lê Khâm bước vào văn đàn với tác phẩm đầu tay Một ngày bên đồn địch (1957) và sáng tác không ít truyện ngắn.

Nhưng khi nhắc đến Lê Khâm, người ta lại nghĩ đến một Lê Khâm – một nhà tiểu thuyết. Có thể nói:“Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết là một quá trình vật lộn nghiêm túc, vất vả với Lê Khâm” [25, tr.318]. Bắt đầu chấp bút viết Bên kia biên giới từ năm 1955, nhưng phải viết đi viết lại đến 5 lần và đến tháng 10/1957 quyển tiểu thuyết đầu tiên của Lê Khâm mới hoàn thành và được xuất bản vào năm 1958. Tiếp sau sự thành công của Bên kia biên giới, là tiếng vang của quyển tiểu thuyết Trước giờ nổ súng (1960). Từ đó, cái tên Lê Khâm đã trở nên quen thuộc trên văn đàn. Ba năm công tác trên chiến trường Hạ Lào đã đi vào những trang viết của Lê Khâm sống động, chân thật và sâu sắc. Nhà văn đã tái hiện những người, những việc, những tình huống gay go với tinh thần hi sinh, dũng cảm của bộ đội tình nguyện Việt Nam bên cạnh tinh thần bất khuất, kiên

cường của quân dân Lào. Những tác phẩm đầu tay ấy đã vinh danh tinh thần quốc tế vô sản chân chính cao đẹp, giữa hai dân tộc anh em Việt – Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung; đồng thời được đánh giá là những tác phẩm có giá trị trong nền văn học cách mạng thời chống Pháp mà theo cách nói của Lê Thị Đức Hạnh: “Có thể nói, Lê Khâm là người duy nhất có nhiều đóng góp đặc sắc, có giá trị trong việc phản ánh một giai đoạn đấu tranh cách mạng trong lịch sử dân tộc Lào anh em” [25, tr.319].

1.5.2. Từ Lê Khâm đến Phan Tứ: không chỉ là sự thay đổi bút danh Mười chín tuổi, Lê Khâm rời miền Nam (Trung Trung bộ) yêu thương đến với mặt trận biên giới Việt – Lào. Những ngày làm nhiệm vụ của người chiến sĩ quốc tế trên chiến trường Hạ Lào, cũng là những ngày chiến trường miền Nam diễn ra khốc liệt nhất, người con đất Việt ấy đau đáu khát vọng được trở về chiến đấu trên chính quê hương mình, lao “vào trong kia”, vào chỗ khó khăn nhất: “Lội bùn và vượt suối lũ. Làm nhà, nhổ cỏ sắn và suốt lúa rẫy… sốt rét, lạc rừng đói meo… Liên miên bị địch phục kích, tập kích, bắn pháo, ném bom”

[110, tr.81] với mong muốn viết được một cuốn tiểu thuyết về miền Nam đấu tranh.

Giữa năm 1961, Lê Khâm trở về công tác tại chiến trường miền Nam với bút danh mới là Phan Tứ. Trong không khí rực lửa, “quanh năm không ra khỏi tầm đại bác của địch”, Phan Tứ hòa mình với quân dân miền Nam:

Tôi không băn khoăn gì trước những khó khăn ấy, bởi thực tế cách mạng miền Nam cuốn hút tôi hết sức dữ dội. Tôi đang sống lại những năm tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng cơ sở ở Hạ Lào hồi chống Pháp, nhưng sung sướng hơn trước nhiều là tôi đang hoạt động ngay trên đất quê hương mà tôi luôn thương nhớ [110, tr.82].

Sống trong khói lửa ác liệt, “nhà văn đã chắt chiu thời gian, sức lực để sáng tác” [34, tr.17]. Khi chưa có điều kiện để sáng tác những tác phẩm dài hơi, Phan Tứ viết truyện ngắn. Tập truyện ngắn Về làng (1964) của Phan Tứ ra đời

với bút pháp hiện thực được đánh giá là già dặn hơn, sắc sảo hơn, là một bước tiến mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Năm 1968, quyển tiểu thuyết đầu tiên với bút danh Phan Tứ được xuất bản, Gia đình má Bảy là một bức tranh toàn diện và sâu sắc về cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền gay go và quyết liệt của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng.

Và đến khi cuốn tiểu thuyết Mẫn và tôi (1972) ra mắt độc giả, ngòi bút của Phan Tứ đã thật sự chín muồi: “Nếu như trong Về làng, hình ảnh người cán bộ còn chưa đậm nét, thì tới Gia đình má Bảy đã sâu sắc, sinh động hơn. Nhưng phải đến Mẫn và tôi, Phan Tứ mới có những đóng góp xuất sắc về mặt này” [25, tr.323]. Không chỉ xây dựng thành công hình tượng con người Việt Nam anh hùng trong kháng chiến với ngòi bút mang khuynh hướng sử thi, năm 1974, cuốn tiểu thuyết Trại S.T.18 của Phan Tứ được viết dưới hình thức nhật kí lại mang đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc hơn về hình ảnh những người lính Mỹ trên đất Việt. Gắn bó cuộc đời với chiến tranh cách mạng, Phan Tứ ấp ủ viết một bộ tiểu thuyết đồ sộ từ những trải nghiệm của mình. Nhưng đau buồn thay, tâm huyết của nhà văn không thể hoàn thành. Bộ tiểu thuyết Người cùng quê mới chỉ hoàn thành được 3 tập, Phan Tứ ra đi trên giường bệnh và tập 4 vẫn còn mãi dang dở.

Là một trong số ít những nhà văn gắn bó đời mình với đề tài chiến tranh cách mạng với nhiệt huyết say mê cháy bỏng. Từ truyện ngắn đầu tay (Một ngày bên đồn địch) đến bộ tiểu thuyết cuối đời (Người cùng quê), từ bút danh Lê Khâm đến Phan Tứ, con người và hiện thực kháng chiến đi vào trang viết của nhà văn với giọng văn ngày càng già dặn, sâu sắc, tinh tế hơn. Có thể nói, trên từng trang văn có cả mồ hôi, máu thịt của nhà văn. Chính điều đó đã làm nên sức sống cho tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ qua bước chân thời gian.

Tiểu kết chương 1

Tiểu thuyết là một thể loại văn học có sự vận động phức tạp, nội dung phản ánh hiện thực rộng. Trước đây, tiểu thuyết thường được nghiên cứu dưới góc độ:

phản ánh hiện thực, thể loại lịch sử, loại hình văn học. Hướng tiếp cận tiểu thuyết như một hình thức diễn ngôn là một hướng tiếp cận mới mẻ trong nghiên cứu tiểu thuyết ở Việt Nam.

Trong nền văn học Việt Nam, văn học chiến tranh cách mạng có một vị trí rất quan trọng. Kéo dài suốt thời chiến đến thời hậu chiến, chiến tranh vẫn là vấn đề nhức nhối trên từng trang viết của các nhà văn. Tiểu thuyết sử thi trở thành hình thức phản ánh thích hợp nhất đối với những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời chiến. Tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng có sự thống nhất của cái nhìn từ quan điểm, lập trường của dân tộc nhưng chỉ đến sau chiến tranh, cái nhìn và khả năng phản ánh hiện thực chiến tranh trong văn học mới thật sự bao quát và nhân văn. Diễn ngôn về chiến tranh và hòa bình thời hậu chiến trở nên toàn diện hơn.

Trong số nhiều những nhà văn thành công với đề tài chiến tranh cách mạng như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu,…. Lê Khâm – Phan Tứ vẫn tạo cho mình một chỗ đứng riêng, một dấu ấn riêng trong nền văn học Việt Nam. Con đường văn chương của Lê Khâm – Phan Tứ nói chung và con đường tiểu thuyết nói riêng có những biến chuyển rõ rệt qua từng tác phẩm. Những trang viết của nhà văn chiến sĩ ấy ngày càng chững chạc, sâu sắc hơn từ tiểu thuyết đầu tay đến tiểu thuyết cuối đời.

Chương 2

THÔNG ĐIỆP VỀ CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM – PHAN TỨ NHÌN TỪ LẬP TRƯỜNG CỦA CHỦ THỂ DIỄN NGÔN

Diễn ngôn là một cấu trúc siêu văn bản, là sản phẩm của môi trường sinh thái văn hóa. Về căn bản, diễn ngôn là sản phẩm của sự kiến tạo thế giới theo một quan niệm, tư tưởng nhất định theo một cấu trúc biểu nghĩa khái quát mang nội hàm văn hóa, ý thức hệ. Hiểu một cách đơn giản, diễn ngôn là một ngôn ngữ/lời nói trong giao tiếp. Diễn ngôn có vai trò thiết lập mối quan hệ giữa người nói (chủ thể phát ngôn) và người nghe (chủ thể tiếp nhận) và truyền tải những thông điệp từ chủ thể phát ngôn đến chủ thể tiếp nhận bằng hệ thống các thông tin, kí hiệu.

Trong tiểu thuyết, mọi thông điệp mà chủ thể phát ngôn muốn gửi đến chủ thể tiếp nhận được thông qua ngôn ngữ của nhân vật và tác giả thông qua đặc tính đối thoại của tiểu thuyết. Với tiểu thuyết sử thi, nhân vật được phân thành hai loại rõ rệt: người anh hùng cá nhân và cộng đồng. Như vậy, trong tiểu thuyết sử thi, thông điệp mà chủ thể diễn ngôn muốn truyền tải đến người tiếp nhận có thể được xem xét trên ba lập trường điểm nhìn: lập trường của cộng đồng; lập trường của cá nhân (nhân vật); lập trường của tác giả.

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)