Diễn ngôn bình luận thông qua phát ngôn của người kể chuyện

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 104 - 109)

Chương 3 CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM –

3.1. Diễn ngôn người kể chuyện – những phát ngôn nhân danh cộng đồng

3.1.4. Diễn ngôn bình luận thông qua phát ngôn của người kể chuyện

Diễn ngôn bình luận trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ đầu tiên thể hiện cái nhìn của người kể chuyện về hiện thực của một đất nước có chiến tranh.

Chiến tranh không chỉ là những cảnh chết chóc, khốc liệt trên chiến trường mà còn là sự tàn phá dữ dội từ những làng quê: “Nhà chẳng ra nhà, không nền, không sân, không ngõ, chỉ khác lều chợ ở chỗ có phên che qua loa” [36, tr.354]

đến thị thành: “Những thành phố trẻ đang sức lớn, là đầu mối xe lửa và tàu biển dọc miền Trung, sa vào chiến tranh thế giới thứ hai suốt năm năm đã tàn tạ đi rất nhanh” [37, tr.87]. Hàng loạt những ấp chiến lược mọc lên, biến những người dân vô tội thành những tù nhân không án: “Không phải làng quê nữa đâu, những Côn Đảo thu nhỏ có đủ chúa ngục với cạp rằng cưỡi trên lưng mấy ngàn dân bị tù không án” [36, tr.354]. Mất người thân, mất nhà cửa, mất ruộng đất:

“Chiến tranh Thái Bình Dương càng kéo dài, lớp người mang bao tải càng dồn ứ thêm mãi trong thành phố cảng chật hẹp và càng nói nhiều giọng tỉnh ngoài Bắc” [37, tr.9].

Trải qua bao cuộc chiến tranh từ thời dựng nước, rồi Pháp, Nhật, rồi đến Mỹ – “thêm một thứ giặc nữa trên đất mình đã chôn không biết bao nhiêu xác giặc, lớp trên đè lớp dưới” [36, tr.385], không riêng gì người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ mà tất cả người dân Việt Nam luôn trăn trở một câu hỏi về số phận của dân tộc mình: “Tại sao dân tộc ta lại phải trả cái giá đắt chưa từng thấy để giành độc lập, thống nhất?” [36, tr.543]. Tại sao dân tộc ta lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh phi nghĩa để giành lại độc lập, tự do trên chính đất nước, quê hương mình? Tính chất phi nghĩa của chiến tranh càng được khẳng định khi Lê Khâm – Phan Tứ đưa hình ảnh của những người lính Mỹ vào tiểu thuyết của mình. Họ đi cầm súng và đặt giày đinh lên mảnh đất Việt mà không hề hiểu rõ tính chất của cuộc chiến và chiến đấu vì mục đích gì: “Số lớn con trai Mỹ đã rẽ bên phải với nhiều kiểu đi viễn chinh khác nhau: lừng khừng như Tôm, lê chân hậm hực như Xam, cũng có đứa hăm hở như thằng Bêu trung úy” [36, tr.808]. Những kẻ cầm súng bắn vào nhân dân ta trong cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo ấy, bao mới hiểu được rằng dân tộc Việt Nam chỉ ao ước một cuộc sống hòa bình: “Đến bao giờ hắn mới hiểu rằng ta càng đổ máu thì càng khao khát thêm bạn bớt thù, ta càng nắm chắc phần thắng thì càng đối xử cao thượng với kẻ đang hoặc sẽ thua trận, ta càng nhân đạo thì chính nghĩa của ta càng tỏa sáng trên trái đất này?” [36, tr.750].

Cái nhìn của Lê Khâm – Phan Tứ về chiến tranh không chỉ dừng lại ở mức độ khái quát chung về số phận của dân tộc mà ngòi bút hiện thực tỉnh táo của nhà văn còn hướng đến số phận của những cá nhân con người trong thời chiến.

Chiến tranh không chỉ có sự tàn pha khốc liệt về vật chất mà còn lấy đi những điều đẹp nhất trong tâm hồn con người:

Trong những ngày căng thẳng nhất của chiến tranh, có nhiều tình duyên hé nở như bông lan rừng cheo veo giữa thành núi. Hoa nở rồi tàn lụi, cánh hoa rơi chìm vực tối. Tình yêu không lối thoát cũng giày vò tim người, rồi biến trong quên lãng. Thời gian và đồng chí hàn gắn dần vết thương tình cảm, nhưng có lẽ không xóa được hết sẹo [35, tr.212].

Những chiến sĩ tình nguyện gắn bó với đất Lào, nhân dân Lào nhưng tình yêu giữa anh chiến sĩ người Việt với cô gái Lào lại là tình yêu không lối thoát bởi chiến tranh là rào cản ngăn cách. Bởi:

Đời người lính cách mạng là một chuỗi dài đến và đi. Kỷ niệm chồng lên kỷ niệm, vui buồn lẫn lộn đã quen. Rời Xây Thả Von không một lời từ biệt, những đứa con Việt lại lên đường, đi tìm nhiệm vụ mới và người thân mới trên quê hương Lào. Mỗi khi nao nao, họ lại nghĩ đến Tổ quốc trong câu hò tiễn đưa, một buổi chiều qua sông… [35, tr.224].

Người lính tình nguyện như kíp thợ xây nhà, khi nhà ấm lửa thì họ lại ra đi…

Bên cạnh cái âm vang hào hùng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ không ít lần dành những dòng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Mỗi người ngã xuống chỉ làm tăng thêm mối thù và tăng thêm ý chí, quyết tâm của người con sống. Cái chết có ý nghĩa nâng bước chân người còn sống tiến về phía trước: “Hãy vĩnh biệt bà con đã khuất và đi tới, mang theo mối thù thiêng liêng ngấm vào máu. Hãy lo tiếp cho những người còn sống và sẽ sống những ngàn năm nữa trên mảnh đất này”

[36, tr.48]. Một dân tộc nhỏ bé nhưng tinh thần không hề nhỏ bé. Sức mạnh nào đã tạo niềm tin để rồi làm nên chiến thắng thần thánh trong cuộc chiến không

cân sức với kẻ thù. Đôi khi tác giả không giấu niềm tự hào của mình và để cho người kể chuyện thốt lên thay mình:

Có không nhỉ, có dân tộc nào trên trái đất này giàu chiến sĩ địch hậu như ta, có một dân tộc nào mà cả một mảng lớn đã vật lộn trong lòng giặc suốt một phần năm thế kỉ, không một ngày xả hơi, còn đủ sức đấu võ lí đến một nửa thế kỉ nếu cần, để thắp lại cái tia chớp đỏ thoáng thấy năm xưa và giữ nó sáng mãi? [36, tr.308].

Với sức mạnh truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm thì:

Mỗi thứ bửu bối ném thêm vào đất này chỉ đủ làm nảy thêm một thần thoại mới. Đấy, hãy xem Vạn Tường hay làng Cá. Đàn chim dữ ỉa ra sấm sét bằng mười lần mười cơn bão, cua sắt và chuồn chuồn sắt bay trên bò dưới, nhả ra đông như kiến những con quỷ đầu xanh trơn bóng, mình có vây cá, chân đen lót sắt, vừa đi vừa khạc tiếng nổ, thổi lửa, phun khói độc. Người Việt đánh tan hết. Trong những truyện Thạch Sanh hay trường ca Đam San của thời hạt nhân này, có thể lấy tên cô Mẫn mau nước mắt, chú Dé chưa kịp lớn, và vô vàn người khác” [36, tr.605].

Dù đối đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần nhưng với tinh thần thép và quyết tâm giành độc lập, tự do, thì “không một thứ giặc nào sống lì được mãi, dù đó là giặc Mỹ” [36, tr.838]. Chiến tranh càng ác liệt càng sinh ra nhiều những huyền thoại và những anh hùng!

Trên cái nền của không gian chiến tranh, diễn ngôn bình luận của người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ đôi khi cũng bộc lộ những suy nghĩ về thế sự, về cuộc đời. Có khi là những chiêm nghiệm về sự sàng lọc của thời gian đối với tình người: “Thời gian sàng lọc tình người như nước suối cọ đá, cuốn đi những rong rêu bám bờ, xói sâu thêm những nét đã khắc sâu” [36, tr.106]. Có khi cay đắng khi nghĩ về những kẻ sâu mọt trong hàng ngũ cách mạng: “Nghề đời nó vậy, đói cơm lạt mắm thì khem, no cơm mặn mắm thì thèm nọ kia” [36, tr.144]. Có khi bộc lộ sự cảm thông với thân phận của những người phụ nữ trong chiến tranh: “Hai chục năm nay đồng bào mình đánh Tây, rồi

đánh Mỹ, họ đường lối chánh sách nhiều lắm, thử hỏi có lần nào được học kĩ về thái độ đối với phụ nữ, về tình cảm trai gái vợ chồng hay không?” [36, tr.202].

Và cũng có lần trong tiểu thuyết Người cùng quê, người kể chuyện nhắc đến một chút riêng tư cho gia đình của người lính khi nhìn thấy những nghịch lí trong cuộc sống: “Ai lại để mãi cái cảnh ngược đời, mình đi đánh giặc cứu nước, trong khi cha mẹ già cùng vợ yếu con thơ cứ ăn cơm vay cày ruộng rẽ mãi mãi, vỗ cho mấy nhà địa chủ mập ú!” [37, tr.826]. Cũng có một thoáng băn khoăn về lớp người mai sau sẽ nghĩ gì về cuộc chiến của dân tộc:

Lớp người mai sau sẽ học rất kĩ về chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”. Chắc chắn phải thế. Nhưng sẽ dừng hay chăng khi lật đến phần đuôi được ghi nhan đề chung là “Các chiến trường phối hợp”? Họ có tò mò đọc những dòng rút gọn viết về chiến dịch bão táp giải phóng Bắc Tây Nguyên, trận diệt gọn binh đoàn cự phách GM.100 từ Triều Tiên sang, cuộc đánh vật dữ dội để hất xuống biển hơn bốn chục tiểu đoàn ùa lên chiếm vùng ta?

Họ đủ kiên nhẫn hay không để nghe kể rằng bộ đội chữa sốt rét bằng một viên kí ninh vàng hòa cho sáu bảy người uống, xỏ tai búi tóc đóng khố để kéo từng người dân Thượng đến với Bok Hồ, chết lặng lẽ không tìm ra hài cốt bởi tất cả những ai nhớ chỗ chôn đều lần lượt ngã theo? Họ cười, ngáp, nhún vai, hay sẽ động lòng thương xót khi biết chiến sĩ ta có thể sống hàng năm bằng củ rừng, lá cây, ốc suối, cũng có thể tắt thở sau vài giờ sốt mê man và bị vắt đói bò khắp thân, hút cạn máu? [37, tr.911-912].

Diễn ngôn bình luận trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ được phát biểu thông qua các chủ thể trần thuật, dù dưới hình thức nào cũng đều in đậm vết của những hình tượng người kể chuyện với sự nếm trải, chiêm nghiệm. Đó cũng chính là những thông điệp mà qua tác phẩm, nhà văn vừa nghiêm túc vừa tha thiết gửi đến cuộc đời.

Đọc Lê Khâm – Phan Tứ, độc giả dễ nhận ra các nhân vật và sự kiện được soi sáng cả từ hai điểm nhìn cơ bản: điểm nhìn bên trong thế giới được miêu tả và điểm nhìn từ bên ngoài của nhà văn. Hai điểm nhìn đó đều được soi sáng bởi

quan niệm của người kể chuyện, dù là dưới hình thức nhà văn hay nhân vật.

Diễn ngôn người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ vừa mang lập trường của cộng đồng vừa thể hiện một cách nhìn riêng của nhà văn về hiện thực và con người trong chiến tranh cũng như biểu hiện cách cảm thụ, cách lí giải, cắt nghĩa chủ thể phát ngôn. Ông thực sự là nhà văn của thời chiến.

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 104 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)