Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
2.1. Diễn ngôn chiến tranh và hòa bình nhìn từ lập trường, ý thức hệ cộng đồng
2.1.4. Tôn vinh người anh hùng thời chiến
Có những cuộc chiến tranh làm tăng phẩm cách dân tộc, phẩm cách con người. Tất nhiên đó phải là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Nhiều cựu chiến binh người Mỹ phải cay đắng thừa nhận trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nước Mỹ không có anh hùng thì với dân tộc Việt Nam, sự thật lớn nhất trong ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta là sự thật anh hùng, là chủ nghĩa anh hùng của quần chúng nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống. Đồng hành với lịch sử vĩ đại của dân tộc, nền văn học sử thi ra đời trong thời đại anh hùng.
Phẩm chất anh hùng trở thành tiêu chí hàng đầu để đánh giá con người. Hình ảnh người anh hùng sáng ngời trong đời sống lấp lánh trong văn chương. Người anh hùng cách mạng không phải là kiểu anh hùng trong sử thi truyền thống mà đó là những con người có xuất thân bình thường. Đó có thể là bất kì ai trong
chính quần chúng nhân dân lao động. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có thể trở thành anh hùng mà trong cái nhìn của cộng đồng một người được gọi là anh hùng cũng có những tiêu chí riêng. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng với khuynh hướng sử thi, tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ xây dựng nhiều hình tượng nhân vật anh hùng cách mạng rất ấn tượng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Bên cạnh sự tài hoa và tinh tế trong lối viết, có lẽ một trong những lí do đầu tiên khiến cho tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học cách mạng trong số rất nhiều những cây bút tài năng là bởi Lê Khâm – Phan Tứ xây dựng những nhân vật anh hùng từ điểm nhìn của cộng đồng.
Người anh hùng cách mạng, trước tiên phải là những người có nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp công – nông. Đó là những con người giản dị, cần cù trong lao động, bất chấp khó khăn, gian khổ. Trong thời chiến, họ là những người cần cù trong lao động nhưng cũng là những chiến sĩ dũng cảm trên chiến trường, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đồng đội và đồng bào mình. Họ gắn bó với cộng đồng, chiến đấu và kiên định với lí tưởng cách mạng. Họ còn là những con người trọng danh dự, luôn phấn đấu để lập chiến công.
Đọc các tiểu thuyết được viết từ bút danh Lê Khâm đến Phan Tứ, từ Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng đến Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Trại S.T.18, Người cùng quê, chúng ta thấy sự thống nhất trong quan niệm về người anh hùng cách mạng trong cách viết của nhà văn khi đứng trên lập trường của cộng đồng. Đó là hình ảnh của những chiến sĩ, những du kích,… luôn sẵn sàng xả thân vì lí tưởng, vì một ngày mai độc lập.
Bên kia biên giới và Trước giờ nổ súng là hai quyển tiểu thuyết nhà văn Lê Khâm viết về hình ảnh của những chiến sĩ tình nguyện Việt ở vùng biên giới Việt – Lào làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn trong tiến trình làm cách mạng.
Trên cái nền khó khăn, gian khổ giữa rừng sâu núi thẳm, giữa không gian xa lạ
và giữa sự truy lùng ác liệt của kẻ thù, nổi bật lên hình ảnh của những chiến sĩ:
Tiến (Bên kia biên giới), Lương, Khiêm (Trước giờ nổ súng).
Tiến xỏ tai, học tiếng Lào, phong tục của người Lào. Tiến hòa mình với nhân dân và cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Anh thương yêu, chăm lo cho đồng đội của mình. Lúc thấy Mộc đang chới với, sắp bị dòng sông Xê Liên chảy xiết cuốn đi, Tiến lao nhanh xuống cứu đồng đội của mình bất chấp hiểm nguy.
Tiến ào ra chặt cây, cột lại lều trong cơn bão giữa rừng già. Tiến đau đớn trước cái chết của An – cậu lính trẻ chưa kịp ra trận nhưng Tiến cũng nén nỗi đau quyết định chôn cất An bằng tấm chăn vá chằng chịt của Mộc, để lại chiếc võng ka ki còn mới tinh của An cho Mộc (Mộc không có võng phải thường xuyên ngủ trên đất và đá ong). Con người đầy tình thương yếu ấy khi xông trận thì bình tĩnh, kiên quyết và dũng cảm khác thường. Ở Tiến có tinh thần của một chiến sĩ sẵn sàng hi sinh trên chiến trường nhưng cũng sẵn sàng quật lại những ai sai trái dù đó là đồng đội, là cấp trên của anh. Nét đẹp của người anh hùng ấy còn là sự hi sinh tình cảm cá nhân để chiến đấu vì lí tưởng lớn của cách mạng. Anh yêu cô gái Lào xinh đẹp Bua Kham nhưng vẫn ra đi theo tiếng gọi nghĩa vụ của người lính. Bởi Tiến hiểu những người lính chiến như Tiến chỉ “… như kíp thợ xây nhà. Dầm mưa dãi nắng, đến khi nhà ấm lửa đỏ đèn là thợ cuốn gói đi nơi khác” [35, tr.165].
Lương cũng vậy, anh kiên định với lí tưởng cách mạng dù anh phải hi sinh hạnh phúc cá nhân: nỗi đau vợ không chờ đợi được người chồng đi lính biền biệt đã lấy người đàn ông khác, bỏ mặc con của anh sống đói khát bơ vơ. Thường xuyên phải so gan với kẻ thù trong nhiệm vụ trinh sát, Lương khắc khổ, già hơn hẳn cái tuổi 28 của anh. Có lần vào đồn giặc trinh sát, bị con béc giê cắn vào chân: “Con béc giê nhay mãi các xác chết kỳ lạ, có máu mặn ấm mà không có mùi người” [35, tr.230], xém bị giặc phát hiện nhưng Lương vẫn giữ được bình tĩnh để hoàn thành nhiệm vụ. Lương luôn ham sống nhưng sống là để cống hiến cho cách mạng: “Người cách mạng biết hi sinh tất cả khi Đảng cần đến, nhưng
không hi sinh ẩu bao giờ”; “Tính mạng chúng ta là của Đảng, là cái vốn chung của cách mạng giao cho ta giữ. Chết vô ích là làm hại cách mạng đấy” [35, tr.417]. Chính vì thế anh luôn sẵn tinh thần hi sinh để bảo vệ tinh thần quốc tế Việt – Lào. Trong mọi tình huống, Lương đều ưu tiên bảo vệ Văn Thon – anh chiến sĩ Itxala, cả lúc vào thám thính đồn địch hay trên đường đưa bản báo cáo mang tên “anh hùng ca số 5” về mặt trận. Hình ảnh Lương dùng sức bụng của mình đeo Văn Thon treo lủng lẳng trên dốc núi, nhất định không cắt dây là một hình ảnh đẹp của người chiến sĩ anh hùng. Con người nhúc nhắc ấy là “khối thép nam châm hút cả đội theo mình”.Không để nhiệm vụ chậm trễ, Lương đã chịu tụt lại phía sau để đồng đội đi trước. Còn lại một mình với vết thương bị chó cắn lúc thám thính đồn giặc đang mưng mủ, sưng tấy, nhưng bằng mọi cách Lương vẫn chống gậy, bò, lê, lăn,… để tìm về nhà – mặt trận. Về gần đến nơi đóng quân, anh chỉ còn là: “Một cái xác khô đét gần như trần truồng. Đúng hơn là một bộ xương bọc một lần da cóc, quét thêm mấy lớp máu đóng vẩy bên ngoài. Một bắp chân sưng tròn như cây chuối, loét mủ xanh” [35, tr.504]. Trong chiến tranh, con người có thể làm được những điều kì diệu ngoài sức tưởng tượng bởi họ không chỉ sống cho riêng mình mà sống cho cả dân tộc.
Khiêm đại diện cho lớp thanh niên trẻ đang lớn lên trong chiến tranh.
Khiêm vẫn mang trong mình nhiều nét trẻ con nhưng khi đối diện với nguy hiểm, Khiêm không hề run sợ. Khiêm vào đồn giặc như vào nhà của mình. Bị giặc bắt tra tấn, Khiêm thà cắn lưỡi chứ không khai báo. Lớp người như cậu lính trẻ ấy sẽ là lớp sẽ còn lập được nhiều chiến công hơn nữa trong mưa bom bão đạn.
Sau hai tiểu thuyết đầu tay, Lê Khâm trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và viết với bút danh Phan Tứ. Viết về những người anh hùng chiến đấu trên chính quê hương mình, Phan Tứ có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn. Hình ảnh những người anh hùng trong từng tiểu thuyết của Phan Tứ bắt đầu có những dấu ấn riêng.
Trong Mẫn và tôi, Phan Tứ xây dựng sóng đôi hai người anh hùng: Mẫn và Thiêm. Thiêm có đầy đủ những đặc tính anh hùng của lớp trai trẻ dày dặn chiến đấu trên chiến trường cũng như Tiến, Lương, Khiêm, Bê. Chỉ có điểm khác biệt, cha Thiêm là công nhân, nhưng xét đến cùng, Thiêm không thuộc tầng lớp công – nông, Thiêm được xếp vào hàng ngũ những người trí thức tiến bộ. Thiêm đã tự tìm đến cách mạng, tìm mọi cách móc nối với cách mạng để được ra chiến đấu trên chiến trường. Thiêm quen với khó khăn, gian khổ và cái khốc liệt của chiến trường, trải qua biết bao trận đánh, đạp nhào lên biết bao xác giặc. Thiêm có cái vững vàng của người lính dạn dày sương gió nhưng cũng có cái cái chất lãng mạn của những anh chàng trí thức. Trong một trận đánh, Thiêm bị mảnh pháo găm vào bụng, thủng ruột. Đối diện với cái chết, anh không sợ chết nhưng chết lúc đất nước đang cần thì tiếc quá:
Tôi nằm lơ mơ, đoán chất sống trong người tôi đang chảy qua chỗ ruột rách từng tí một. Hôm qua có thằng Thiêm qua lại, cười, bắn, bông lơn, cãi ồn. Hôm nay thằng Thiêm sắp lãnh sáu tấm gỗ đi ngủ, ngủ luôn không dậy.
Uổng lắm chứ. Còn nhiều việc dở dang vất bừa ra đấy. Bao nhiêu người cần tới nó sẽ chưng hửng: cái thằng, chết hồi nào chẳng được, lại nhè khi búi xờm xờm… Tóm lại, tôi chưa thể chết [36, tr.514].
Còn lúc nằm trên giường bệnh, Thiêm chỉ mong được sớm trở về chiến trường:
“Người lính chiến trong tôi bất thần nổi loạn, đòi về đánh giặc và sống với xê mình” [36, tr.540]. Với Thiêm, niềm vui, lí tưởng sống chính là được đánh giặc.
Bên cạnh Thiêm là Mẫn, cô du kích Tam Sa rất trẻ nhưng tiếng tăm thì không nhỏ. Mẫn trở thành anh hùng là điều tất yếu bởi cuộc đời của cô gái ấy đã trải qua biết bao sóng gió trong khói lửa chiến tranh. Đôi chân Mẫn không biết bao nhiêu lần bị thương lại lành trong công tác, trong chiến trận. Vẻ đẹp của Mẫn không chỉ là vẻ đẹp của một anh hùng trên chiến trận mà còn là vẻ đẹp của một cô gái đại diện cho hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến. Cô gái ấy chỉ biết chăm lo cho mọi người, sống vì mọi người. Chưa một
lần Mẫn nghĩ đến chăm lo cho mình: “Suốt đời cô Hai này chỉ biết nghĩ tới người khác thôi ư? Bên cạnh cái gánh công tác trĩu vai, Mẫn phải lo cho cha mẹ, các em, con nuôi, nay lại đèo thêm mối lo người yêu chưa được săn sóc. Sao Mẫn không tính tới mình một chút công bằng” [36, tr.563]. Bên cạnh vẻ đẹp của những nữ anh hùng như chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi), chị Sứ (Hòn Đất – Anh Đức),… hình ảnh Mẫn vẫn rạng ngời một vẻ đẹp của “một bông bạc giữa dòng”.
Đến bộ tiểu thuyết “dài hơi” Người cùng quê, hình ảnh người anh hùng cách mạng trong tiểu thuyết của Phan Tứ đã có một độ gần với hiện thực. Cả Chanh, Cam, Bảy Quý, Tô Xáng, Sáu Lễ, Năm Bưởi,… cũng là những anh hùng với những phẩm chất đáng quý theo điểm nhìn của của nhân dân trong thời chiến nhưng Người cùng quê được xếp vào tác phẩm thời hậu chiến vì thế Phan Tứ đã có một khoảng cách thời gian để nghiền ngẫm về con người và cuộc chiến, quan niệm hiện thực và con người trong tiểu thuyết đã có nhiều đổi mới.
Có thể nói, người anh hùng trong Người cùng quê mang những nét rất đời thường.
Hình ảnh người anh hùng trong chiến tranh không chỉ là những con người đang sống và chiến đấu mà còn là những lớp người sẵn sàng ngã xuống vì lí tưởng cách mạng, vì độc lập cho thế hệ sau. Lê Khâm – Phan Tứ không miêu tả nhiều nhưng tư thế ngã xuống của họ đã đẩy họ lên thành những anh hùng. Đó là Đại (Trước giờ nổ súng), bị giặc vây, anh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tự nhảy xuống thác nước mà bên dưới đầy cá sấu để giặc không lấy được xác.
Đó là Ngọ (Gia đình má Bảy), bị giặc bắt kéo trói chân kéo lê theo xe M113, xác không còn nguyên vẹn. Đó là chị Biền (Mẫn và tôi), bị giặc bắt, mổ bụng, móc gan, lấy túi mật, vẫn hét to: “Bác Hồ ơi, bà con ơi, trả thù cho tôi”. Đó là anh Chẩn (Người cùng quê) bị giặc lần lượt chặt tay trái, tay phải, chân trái, chân phải vẫn nêu cao lí tưởng và tự hào là người lính cộng sản,… Có thể nói, xuất thân của những người anh hùng là những người từ chính trong quần chúng
nhân dân, người anh hùng sống giữa cộng đồng, bởi vậy, với họ, sống là phải chiến đấu, chết thì phải chọn một cái chết vinh dự nhất. Sau cái chết của họ sẽ còn đồng chí, gia đình, làng xóm của họ nhắc đến như một chiến công để đời.
Trong thời đại anh hùng, người anh hùng lí tưởng là người thuộc về quần chúng. Ở đó “cá nhân vẫn còn hợp nhất khăng khít với dân tộc mình […] vẫn còn hoàn toàn chìm vào môi trường tinh thần dân tộc, cá nhân không có quyền lợi nào khác ngoài những quyền lợi dân tộc” (Hêghen). Người anh hùng là người biết phấn đấu không mệt mỏi cho quyền lợi cộng đồng. Nhưng người anh hùng thời chiến trong tiểu thuyết sử thi không giống với người anh hùng trong sử thi truyền thống. Đó là những con người từ đời thực bước vào tiểu thuyết với những phẩm chất: yêu nước, dũng cảm, kiên cường, bất khất,… Người anh hùng thời chiến là những con người luôn tiến về phía trước dù phải đối mặt với những gian khổ, hiểm nguy. Luôn trong tinh thần sẵn sàng hi sinh vì khi Tổ quốc cần.
Họ không phải sống cho riêng mình mà sống cho nhân dân, cho đất nước.