Bước chuyển về hình thức nghệ thuật

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 129 - 136)

Chương 3 CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM –

3.2. Diễn ngôn nhân vật – những phát ngôn của con người thời đại được cá tính hóa

3.3.2. Bước chuyển về hình thức nghệ thuật

Xuyên suốt chặng đường tiểu thuyết của mình, Lê Khâm – Phan Tứ tập trung viết về con người và hiện thực chiến tranh. Tuy nhiên, nhà văn không hề lặp lại chính mình. Từ Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng đến Gia đình má Bảy, Mẫn và Tôi, Trại S.T.18 rồi Người cùng quê, độc giả lại khám phá trên những trang viết Lê Khâm – Phan Tứ một sự hoàn thiện dần dần từ quan điểm tư tưởng đến nghệ thuật tiểu thuyết. Ngòi bút nhà văn ngày càng chắc khỏe với những trải nghiệm của người lính qua vòng xoáy của thời gian.

Trong hai tiểu thuyết đầu tay viết về người lính tình nguyện ở chiến trường Hạ Lào (Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng), nhân vật người chiến sĩ cách mạng được Lê Khâm khắc họa chủ yếu qua hành động và lời nói, nhà văn ít chú ý đến đời sống nội tâm cũng như sự vận động tâm lí của nhân vật. Những Tiến, Lương, Khiêm,… bị cuốn theo guồng máy chiến tranh, xoáy theo những chiến dịch, nhiệm vụ,… Họ hành động nhiều hơn nghĩ. Tính cách nhân vật cũng như phẩm chất anh hùng trong người chiến sĩ được khẳng định qua hành động nhiều hơn. Đến Gia đình má Bảy, lần đầu tiên sau bao năm ôm ấp một tiểu thuyết viết về quê hương mình trong chiến tranh, Phan Tứ quan tâm đến sự chuyển biến tư tưởng cách mạng trong tập thể một làng quê dưới chế độ Mỹ – Ngụy. Trong Gia đình má Bảy, Phan Tứ cũng có nhắc đến hình tượng anh chiến sĩ cách mạng (Bê) nhưng chủ tâm của nhà văn là xây dựng các nhân vật quần chúng cách mạng, tiêu biểu là sự chuyển biến trong tư tưởng của gia đình má Bảy, đặc biệt

là nhân vật má Bảy. Từ một cơ sở cách mạng tích cực trong kháng chiến chống Pháp, bị tù, tra tấn, vắng tin cách mạng, cộng với những năm tháng bị kiềm kẹp trong cái ấp chiến lược dưới chế độ Mỹ – Ngụy, ngọn lửa cách mạng trong má từ cháy bỏng nay chỉ còn âm ỉ. Má muốn sống yên ổn cùng các con nên má nhẫn nhục mà chịu đựng sự đàn áp của kẻ thù. Cách mạng một lần nữa về nhà má trong một đêm, ngọn lửa âm ỉ trong má được thổi bùng dậy, mạnh mẽ hơn xưa nhiều lần. Má tuyên chiến với kẻ thù bằng mỗi chén gạo, chén khoai tiếp tế cho cách mạng. Ban đầu: “Má đang dỡ bồ khoai bỗng rùng mình một cái, đứng lặng trong bóng tối… Thằng Phổ chống cánh tay xăm hình chàm vào hông, gườm gườm con mắt lồi: “Một chén gạo Cộng sản là một chén máu, một chén máu!”.

Cái hình ảnh quái quỷ ấy ăn sâu mấy năm nay vẫn chưa rời má…” [35, tr.569]

nhưng rồi má bình tĩnh, mắt má long lanh, chân tay má nhanh nhẹn: “Tay má làm thoăn thoắt, óc má nghĩ hằn học và thích thú: “Đây Phổ nè, tao tiếp tế Cộng sản đây nè. Không cho chén gạo nào, mày cũng hút hết máu má con tao.

Đã vậy tao ủng hộ Cộng sản tận bờ sát góc cho mày biết mặt. Cách mạng về, mày chết Phổ ơi, mày chết tới đích rồi…” [35, tr.570]. Ngọn lửa cách mạng trong má kìm nén lâu ngày nay đã trỗi dậy! Và khi Út Sâm – con gái của má Bảy bị giặc tra tấn trước mắt má, diễn biến tâm lí của má cũng được nhà văn miêu tả thành công. Rõ ràng Phan Tứ đã chú ý nhiều hơn trong việc khắc họa, tâm lí, tính cách của nhân vật tiểu thuyết của mình.

Đến Mẫn và tôi, với tiểu thuyết đầu tiên được Phan Tứ viết theo ngôi kể thứ nhất, thế giới bên trong của nhân vật người chiến sĩ cách mạng càng được nhà văn chăm chút hơn. Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất – một hình thức kể chuyện mới so với những tiểu thuyết cùng thời, người kể có nhiều dịp để xen vào những cảm nhận, những suy nghĩ, đánh giá, nhìn nhận về những sự kiện, biến cố cũng như những con người xung quanh anh theo cảm tính cá nhân. Tuy nhiên, khi kể chuyện theo ngôi thứ nhất, khả năng bao quát của tác giả có thể bị hạn chế trong tầm nhìn của nhân vật. Nhưng ngòi bút của Phan Tứ đã không vấp

phải khó khăn đó trong Mẫn và tôi mà nhà văn còn nâng được tầm bao quát sử thi của tác phẩm lên cao. Nhân vật người kể chuyện – Thiêm được sống đầy đủ cái quyền của một nhân vật văn học với thế giới tâm hồn của một chứng nhân của câu chuyện. Trong Mẫn và tôi, nhà văn có điều kiện đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật, mở rộng trường liên tưởng, hồi tưởng, bộc bạch tâm trạng,…

nhất là đối với Thiêm. Đan xen vào những sự kiện được người kể chuyện nhắc đến là những dòng hồi ức, suy tưởng. Có những lúc Thiêm say sưa với những sự kiện ở làng Cá hay diễn biến chiến sự ở vành đai căn cứ Chu Lai nhưng cũng có lúc Thiêm trở về với kí ức những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, vừa vất vả kiếm sống vừa tìm đầu mối bắt liên lạc với cách mạng ở Đà Nẵng. Đó là những ngày “gò lưng đạp xích lô dưới nắng cháy nhựa đường” và:

[…] nghe tiếng Đà Nẵng đêm đêm lách qua cửa đóng kín, vào căn bếp sáu thước vuông mà tôi thuê rất đắt, lấy chỗ phóng ảnh kiếm thêm tiền gửi má và em gái. Đó là tiếng khóc tỉ ti của chị trên gác vừa bị xe cây bịt bùng đến bắt mất anh chồng thợ điện – một tay buôn lậu cỡ bự được cảnh sát che chở nhờ khéo lót tiền và lót thân, tiếng cười sặc sụa từ ngôi nhà rực nêông bên cạnh của một con hạm no mồi, tiếng ho khúc khắc của cô gái điếm lao phổi khuya về rón rén” [36, tr.548-549].

Sau này khi đã trở thành người lính dạn dày sương gió nơi chiến trường, Thiêm vẫn cảm thấy “rùng mình” khi nhớ lại những năm kiếm ăn ở Đà Nẵng. Đan xen việc và người được Thiêm kể lại là những suy nghĩ, nhận định, đánh giá và cảm xúc của Thiêm. Vì thế tính cách của nhân vật Thiêm gián tiếp được thể hiện phong phú và đa dạng hơn. Những đổi mới của Lê Khâm – Phan Tứ trong nghệ thuật ở Mẫn và tôi được nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nhận định: “Mẫn và tôi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn nghệ giải phóng có khuynh hướng mở rộng tầm vóc sử thi”.

Tuy nhiên, phải đến Người cùng quê, thế giới tâm hồn phức tạp của con người mới thật sự được Phan Tứ đào sâu hơn. Con đường cách mạng của nhân

vật trong Người cùng quê có khi là con đường thẳng nhưng cũng có khi là con đường ngoằn ngoèo. Nếu con đường cách mạng của Cả Chanh, Cam, Tô Xáng, Bảy Quý,… chỉ là một mũi tên lao thẳng về phía trước với một lí tưởng duy nhất, đấu tranh vì tự do, độc lập cho đất nước, cho nhân dân thì con đường của Khánh lại là con đường nhiều ngã rẽ. Khánh từng đi đúng hướng nhưng cách mạng trong giấc mộng của chàng sinh viên khoa luật không giống với thực tế gian khổ, Khánh rẽ bước trong sự lừng khừng với những câu hỏi bế tắc:

Tôi là ai? Tôi có thật sự nghĩ đúng những điều đang nói đang làm không?

Tại sao trong người tôi luôn luôn có ít nhất một đôi kéo cưa lừa xẻ? Tại sao vô số người khác có thể tin Đảng, tin chính nghĩa Kháng chiến, tự tin đi theo cách mạng, còn tôi lại cứ chập chờn, ngả nghiêng, chao đảo, không tin ai mà cũng chẳng tin mình? [37, tr.841].

Có thể nói, trong Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, Lê Khâm bỏ qua quá trình đến với cách mạng của nhân vật nhưng kể từ Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Người cùng quê, Phan Tứ đã chú trọng nhiều hơn đến điều đó. Từ động lực cách mạng của nhân vật, nhà văn đã lí giải vì sao cùng đến với cách mạng nhưng có người đã, đang, và sẽ đi đến cuối lí tưởng nhưng cũng có người lùi về sau để rẽ một bước ngoặt về bên kia chiến tuyến.

Và nếu như quá trình biến chất của những người cách mạng cán cốt trước kia trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ như: Đặng, Tám Liệp,… vẫn còn chưa được nhà văn lí giải rõ thì đến Ba Mậu trong Người cùng quê, nhà văn đã dành không ít trang viết về sự lòn lách của con giun sán trong hàng ngũ cách mạng.

Việc xây dựng các mối quan hệ giữa các nhân vật trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ cũng có sự chuyển biến trong từng tiểu thuyết. So với những tiểu thuyết Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng thì các tiểu thuyết Gia Đình má Bảy, Mẫn và tôi, Trại S.T.18, Người cùng quê có sự tăng tiến về mối quan hệ đa chiều. Nếu như Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, nhà văn đặt nhân vật trong mối quan hệ phân tuyến rõ ràng: ta – địch, thì đến Gia đình má Bảy,

sự xuất hiện của nhân vật trung sĩ Huỳnh đã phá vỡ cái ranh giới rạch ròi ấy – trong hàng ngũ của địch vẫn còn có những người yêu cách mạng. Trong Mẫn và tôi, Phan Tứ lại đặt nhân vật Mẫn vào sự soi chiếu từ nhiều chiều giữa sự yêu, ghét lẫn lộn từ chính những đồng chí của mình. Trong Trại S.T.18, nhân vật người lính Mỹ lần đầu tiên được xây dựng thành công trong tiểu thuyết những năm kháng chiến, Phan Tứ vừa mở rộng sự vận động phức tạp trong tâm hồn những người lính Mỹ khi đối diện với cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam, đồng thời mở rộng mối quan hệ phức tạp hơn trong chiến tranh – mối quan hệ giữa những người đồng minh. Trong Người cùng quê, người đọc lại nhìn thấy một Phan Tứ rất khác khi đặt nhân vật trong những mối quan hệ chồng chéo lên nhau trong gia đình và xã hội: trong hàng ngũ cách mạng có sự phân chia giữa người chỉ biết cống hiến và kẻ chỉ muốn hưởng lợi; trong gia đình cũng chia năm xẻ bảy, phe theo cách mạng, phe theo địch, kẻ chỉ chực chờ cơ hội để tranh đoạt tài sản, vợ ba của cha dượng lại là người tình của con trai,… Rõ ràng, cuộc sống trong chiến tranh vốn đã bất thường, trong lúc cả dân tộc chạy đua với cuộc chiến giành độc lập thì đời sống vẫn vận động và trong đó có biết bao những vấn đề phức tạp mà bình thường đã bị khói lửa che lấp đi. Chỉ đến khi chiến tranh qua đi, người ta mới có dịp nhìn lại, lau sạch lớp bụi mới thấy rõ được phần tranh bị khuất.

Một bước chuyển nữa trong nghệ thuật tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ là sự mở rộng không gian nghệ thuật. Trong tiểu thuyết sử thi, không gian chiến tranh có vai trò như một thước đo nhân cách của con người. Năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của người anh hùng được khẳng định trong những hoàn cảnh đầy thử thách. Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng là không gian thiên nhiên rừng núi vùng biên giới Việt – Lào. Trong Gia đình má Bảy là không gian chủ yếu là ở Kỳ Bường. Trong Mẫn và tôi là không gian phức hợp của Làng Cá khu V trong năm bản lề cuộc chiến tranh cục bộ, ta và địch giằng co quyết liệt: “Một nước hai miền, tỉnh quận hai miền, tới một làng hai miền, hai chế độ”. Trong

Người cùng quê, không gian được mở rộng, những con người từ làng Linh Lâm đi từ Nam ra Bắc, từ Việt Nam sang Lào, Mỹ, Liên Xô. Thời gian không chỉ là một giai đoạn lịch sử mà kéo dài từ những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám, chống Pháp, rồi chống Mỹ. Ngoài ra, thời gian trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ đi từ trật tự lôgic tuyến tính đến thời gian có thể đảo chiều một cách tự do. Sự mở rộng không gian, thời gian qua từng tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ cũng là quá trình mở rộng môi trường xã hội để nhân vật tự khẳng định phẩm chất cách mạng cùng là để nhân vật tự bộc lộ, khám phá về chính mình.

Lê Khâm – Phan Tứ viết về chiến tranh trong hoàn cảnh chiến tranh, tất nhiên tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ không tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết: “Sự sa đà hoặc chưa nhuần chín trong cảm xúc, sự rậm rạp, nặng nề của những sự kiện, chi tiết, chất phóng sự ở một đôi chỗ còn đậm, một vài tính cách nhân vật còn chưa thật đầy đặn…” [34, tr.40]. Nhưng với tinh thần không ngừng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo, càng về sau, Lê Khâm – Phan Tứ càng có sự tinh tế trong nghệ thuật tiểu thuyết. “Càng ngày Phan Tứ càng chú ý và có những tìm tòi đổi mới về nghệ thuật thể hiện” [34, tr.38]. Và cần phải khẳng định rằng, Lê Khâm – Phan Tứ đã góp phần không nhỏ tạo nên thành tựu chung của nền văn học cách mạng Việt Nam.

Tiểu kết chương 3

Hai thành phần diễn ngôn người kể chuyện và diễn ngôn nhân vật là thành phần cơ bản của cấu trúc diễn ngôn trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ nói chung và diễn ngôn chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết Phan Tứ nói riêng.

Diễn ngôn người kể chuyện là thành phần chủ đạo tạo nên diện mạo của cốt truyện, diễn ngôn nhân vật đắc dụng trong việc cụ thể hóa cách nhìn nhận, lí giải của tác giả với toàn bộ thế giới đời sống hay cách nhìn, cách nghĩ của nhà văn về hiện thực và con người trong thời chiến.

Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ là hiện thực gần gũi với đời sống con người trong thời chiến. Người anh hùng cũng là những con người mang những nét đời thường. Suốt cuộc đời viết văn, Lê Khâm – Phan Tứ chỉ trung thành với một đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng trong mỗi tiểu thuyết, nhà văn không lập lại chính mình. Từ tiểu thuyết đầu tay đến tiểu thuyết cuối đời, từ Lê Khâm đến Phan Tứ, từ Phan Tứ trong chiến tranh đến Phan Tứ sau chiến tranh là một sự thống nhất của quá trình chuyển biến về tư tưởng, quan điểm cũng như nghệ thuật tiểu thuyết của chính nhà văn.

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 129 - 136)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)