Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
2.1. Diễn ngôn chiến tranh và hòa bình nhìn từ lập trường, ý thức hệ cộng đồng
2.1.2. Kháng chiến là trường kì, là dữ dội, khốc liệt và sự thấu cảm về mất mát, hi sinh
Những năm tháng lăn lộn trên khắp các chiến trường từ Hạ Lào đến miền Nam (Trung Trung bộ) đã hun đúc nên ở Lê Khâm – Phan Tứ những vốn sống thực tiễn phong phú về cách mạng giải phóng dân tộc. Hiện thực kháng chiến đi vào những trang viết của Lê Khâm – Phan Tứ chân thật và sắc sảo từ những nỗi đau, mất mát mà kẻ địch gây ra cho dân tộc ta đến những hi sinh thầm lặng của tập thể anh hùng không tên – những chiến sĩ giải phóng quân. Cuộc đời đẹp nhất là trên chiến tuyến, nhưng cái đẹp trên chiến trường không phải là cái đẹp nên thơ mà chiến trường là thực tế dữ dội, khốc liệt. Trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù, người chiến sĩ không chỉ thường xuyên đối diện với cái chết mà còn phải vượt qua những khó khăn, thử thách trên bước đường hành quân. Trước khi trở thành người anh hùng trên chiến trường, mỗi chiến sĩ giải phóng quân phải trở thành người anh hùng của chính mình. Những khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc, nắng, mưa, suối, lũ,… đã cướp đi sinh mạng của biết bao người lính trẻ, có những anh lính chưa kịp ra trận…
Lê Khâm – Phan Tứ quan niệm nhà văn phải miêu tả trung thực cuộc sống, đó là lương tâm của người cầm bút. Nếu người lính gặp muôn vàn gian khổ mà nhà văn tả họ sống trong cảnh muôn vàn sung sướng thì sẽ phản bội các đồng đội của mình. Nói như Nguyễn Minh Châu: “Ngòi bút của chúng ta sẽ trở nên phản bội người chiến sĩ nếu chỉ biết cái lúc họ vác súng ra mặt trận với một tâm hồn phơi phới mà không biết cái lúc buồn bã, đau đớn, những lúc đói rét, những
lúc nằm giữa đồng đội chết và bị thương, trong bùn lầy, trong mưa bom, trong bão đạn”.
Ba năm ở chiến trường Hạ Lào đủ để Lê Khâm – Phan Tứ có một cái nhìn hiện thực tỉnh táo về những khó khăn, gian khổ của người lính tình nguyện chiến đấu trên chiến trường nước bạn. Hai tiểu thuyết Bên kia biên giới và Trước giờ nổ súng đã khắc họa lên những hình ảnh dữ dội của rừng núi biên giới Hạ Lào.
Đó là hình ảnh những vùng đất, những địa danh xa lạ với núi rừng, sông suối gào thét như chực nuốt chửng những con người nhỏ bé giữa chốn mênh mông bạt ngàn: “Sông Xê Liên mỗi lúc một lên to, chảy xiết. Mé dưới chỗ qua sông, thác Đầu Sấu gầm rít. Mô ghềnh lởm chởm xếp thành hai dãy như hàm răng con cá sấu ngoác miệng, bóp dòng nước ứ vọt lên. Bụi nước tung thành mây mù dưới đuôi thác” [35, tr.49]. Hay hình ảnh thiên nhiên hùng tráng nhưng cũng lắm hiểm nguy rình rập: “Pà Thạc nằm kẹp giữa hai con sông chảy song song:
sông Xê Ban phía bắc, sông Nậm Đăm phía nam. Một vùng núi tiếp núi trập trùng, xô bồ, chông chênh, như một luồng sóng biển đột ngột bị đông lại thành đá phủ rêu xanh” [35, tr.233]. Đó còn là: “Những thớ núi trông xa cứ liền nhau thành bức vách tím. Ngọn cây lô nhô xếp lớp vẩy như con tê tê, càng lên gần đỉnh càng khít nhau, kết thành đường chân trời khía răng cưa. Đi trên sườn núi, nhìn sang bên kia lũng chỉ thấy một thác xanh đổ dựng đứng, thăm thẳm đến rợn người” [35, tr.329].
Trên vùng núi rừng hiểm trở ấy, đội chuẩn chiến CC3 gồm 8 người của đội trưởng Lương đã đánh đổi sinh mạng của mình bảo vệ “anh hùng ca số 5” về đến mặt trận để mở chiến dịch Pà Thạc.
Không chỉ thiên nhiên thử thách con người, để thực hiện tinh thần quốc tế những người chiến sĩ tình nguyện còn phải đối diện với khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ và những hiểu lầm bước đầu giữa nhân dân Lào với bộ đội Việt (do địch kích động). Những mất mát, hi sinh là điều không thể tránh khỏi: “Anh em hỏi thăm mới biết mất mát đã khá nhiều từ ngày bộ đội chia nhau đi xây dựng
cơ sở. Có những thằng bạn nối khố bị xẻo tai chặt đầu, lạc rừng không thấy về, bị sốt rét biến chứng đi đứt, bị cọp vồ, cá sấu đớp” [35, tr.52]. Có những chiến sĩ về với đất mẹ trong nuối tiếc khi nợ nước thù nước thù nhà chưa trả xong:
“…chết oan chết ức. Phải đánh trận mà chết cũng mát ruột hơn” [35, tr.52].
Giữa núi thẳm rừng thiêng, cái chết với người lính không hùng dũng như cảnh hi sinh của người lính chủ lực khi xung trận, mà:
[…] nó âm thầm, nặng nề, dai như đỉa. Bệnh, đói, khí hậu độc, tất cả như con đỉa lớn hút mỗi ngày một ít sức sống, phủ dần trên thân mỗi ngày một mảnh vải liệm. Và cái phút người lính đường rừng gục lả trong một nơi hoang vắng nào, đó chỉ là bước thắng cuối cùng của cái chết bám theo anh hàng mấy năm không nghỉ… [35, tr.74].
Đâu đó trên bước đường hành quân, thỉnh thoảng người lính lại bắt gặp một bộ xương của đồng đội mình. Rải rác những nấm mộ vô danh nằm lại vĩnh viễn trong rừng già. Cách mạng mà, phải bí mật, chôn đồng đội xong, chỉ làm dấu bằng những tảng đá, gốc cây nhưng mưa bom bão đạn lắm lúc vô tình xóa hết dấu vết. Chỉ có người còn sống là nhớ mộ người chết, nhưng có khi người duy nhất còn nhớ cũng ngã xuống trong những trận chiến ác liệt!
Lúc ở biên giới, người lính thèm lắm được trở về với quê hương. Thèm một tiếng nói trẻ thơ, thèm một giọng thiếu nữ Việt để vơi đi nỗi nhớ nhà. Thèm lắm một mong ước cháy bỏng được về chiến đấu trên quê hương. Nhưng chiến trường thì ở đâu chẳng khắc nghiệt. Ở đâu chẳng có khó khăn, gian khổ. Từ rừng trở về đồng bằng, trở về quê hương, họ vừa phải chiến đấu với kẻ thù vừa phải chiến đấu với những cơn giận dữ của thiên nhiên nơi đất mẹ. Lắm lúc mưa lũ làm khó bước chân người lính: “Củi ướt, đất ướt, cơm hết sống lại nhão”. Có những khi “cơn lũ đã đến trước, chặn đầu những người lính sốt rét đến lập cập lảo đảo, mắt sâu và má hóp, tay rớt da, bàn chân rỉ máu, nhưng vẫn khiêng theo tất cả các đồng chí ốm, lội nước thâu đêm về hướng chiến dịch” [36, tr.16]. Dù bàn chân nẻ da, rỉ máu mỗi lần nhũng xuống nước lại nhức xói đến tận óc nhưng
đoàn quân vẫn đi không ngừng nghỉ vì chiến dịch không đợi ai! Nghỉ lúc chiến dịch đang gấp thì khác gì nằm trên đống gai. Vừa run vừa cười: “Kệ cha nó, sốt rét coi như khỏe, thương hàn trở lên mới là bệnh” [36, tr.52]. Thế đấy, những con người vừa mới run vì sốt nhưng khi giặc đến, họ lao vào đánh giặc như chưa từng ốm. Họ đánh giặc không phải bằng những thân hình gầy yếu vì bệnh tật nữa mà bằng ý chí và lòng căm thù.
Chiến tranh là hiện thực bất bình thường, và cũng chính trong cái bất bình thường ấy đã sinh ra rất nhiều những con người phi thường. Dường như cả dân tộc Việt Nam đã lớn gấp nhiều lần so với cái tầm nhỏ bé của đất nước hình chữ S kéo dài dọc biển Đông. Có khắc nghiệt, có ác liệt bao nhiêu thì người Việt Nam vẫn vững vàng vì lí tưởng và niềm tin chiến thắng. Bởi con đường duy nhất mà dân tộc ta có thể đi đó là chiến đấu để giành độc lập. Một điều bất biến mà bất kể người dân nào cũng hiểu được rằng, còn chiến tranh là còn đau khổ.
Muốn hạnh phúc chỉ có đấu tranh vì hòa bình. Bởi thế dù có đổ bao nhiêu máu, dù đất nước mười bốn triệu người còn một triệu người hay còn một người vẫn chiến đấu!