Diễn ngôn tả được kết cấu theo mô hình không gian mặt trận

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 98 - 104)

Chương 3 CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM –

3.1. Diễn ngôn người kể chuyện – những phát ngôn nhân danh cộng đồng

3.1.3. Diễn ngôn tả được kết cấu theo mô hình không gian mặt trận

Tiểu thuyết những năm kháng chiến mang khuynh hướng sử thi, góp phần tạo nên cái âm vang hào hùng của dân tộc trong những năm tháng ấy là cả

một cộng đồng người Việt Nam. Chính vì thế không gian cộng đồng là không gian giữ vai trò quan trọng trong kết cấu không gian của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng nói chung. Trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, người kể chuyện cũng dành dung lượng không hề nhỏ để miêu tả không gian cộng đồng. Không giống như trong sử thi, cộng đồng trong tiểu thuyết sử thi không phải chỉ là cái nền làm nổi bật hình ảnh của người anh hùng. Tập thể trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ có quyền phát biểu, có quyền tranh luận, có quyền thể hiện tính dân chủ của mình trước người lãnh đạo. Vì thế không có gì là lạ khi có nhiều nhà nghiên cứu khẳng định chưa có một giai đoạn nào, trong tác phẩm lại diễn ra nhiều cuộc họp như văn học giai đoạn 1945 – 1975. Từ tiền tuyến đến hậu phương, mọi việc quan trọng đều được đem ra môi trường tập thể, lấy ý kiến, biểu quyết và cuối cùng mới đưa ra kết luận để giải quyết vấn đề. Trong Bên kia biên giới, để xử lí việc Tiến làm ngược lại chỉ thị của Sơn Linh khi có kẻ đào ngũ theo địch, cấp trên đã tổ chức một cuộc họp để kiểm thảo. Trong cuộc họp, đồng đội có quyền đánh giá và nhận xét về cả hai người, Sơn Linh có quyền phát biểu, Tiến cũng có quyền lí giải cách làm của mình nhưng cách xử trí lại do sự góp ý chung của đồng đội. Trong Trước giờ nổ súng, kế hoạch đánh Pà Thạc bị chậm trễ do bản báo cáo của đội chuẩn chiến CC3 vẫn chưa đến.

Đánh hay không đánh Pà Thạc? Có nên chuyển hướng chuyến dịch hay không?

Những vấn đề đó đã được ban chỉ huy mặt trận đem ra phân tích, mổ xẻ trong nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều phương án giải quyết để cuối cùng chọn ra phương án tối ưu nhất. Trong Mẫn và tôi, Mẫn – cô cán bộ trẻ gan góc và Tám Liệp – đảng viên lâu năm nhưng tụt lại phía sau tổ chức, ai xứng đáng để làm bí thư Tam Sa không phải do Mẫn hay Tám Liệp có thể quyết định mà do tập thể chọn lựa,…

Từ đó mà sinh ra “nghị quyết” “mệnh lệnh” như là tiếng nói chung, thống nhất nhận thức, ý chí, hành động.

Không gian cộng đồng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ không chỉ là những cuộc họp của tổ chức mà còn là những lần hội làng (Bên kia biến giới), là lần xử công khai những tên ác ôn, là lần cùng xem một bộ phim về Bác Hồ (Gia đình má Bảy), là những ngày mùa trên ruộng lúa, những ngày đạp chè (Mẫn và tôi), là những ngày tiếng lò rèn nhà ông Tư Chua nổi lên hay cùng nhau kéo cá trên sông Linh Lâm (Người cùng quê),…“Cuộc cách mạng tháng Tám đã kéo mỗi cá nhân ra khỏi cái “ao đời” phẳng lặng để hướng tới cuộc sống rộng lớn ngoài xã hội” [28]. Sống trong không gian rộng lớn của tập thể, con người dần hòa vào không khí chung của thời đại, những giấc mộng con dần nhường đường cho giấc mộng lớn – giấc mộng chung của dân tộc về ngày mai độc lập, tự do.

Đồng thời, giữa tập thể, người anh hùng có nhiều điều kiện để thực hiện chí lớn của mình. Tập thể cũng là cái nôi để dung chứa và lưu giữ hiện thực phong phú, hào hùng cuộc cách mạng của dân tộc.

Viết về chiến tranh thì không thể không có những cảnh về chiến trường.

Không gian chiến trường xuất hiện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ được biểu hiện trên nhiều phương diện. Có khi đó là nơi diễn ra các trận đánh trực diện giữa hai phe. Bên kia biên giớiTrước giờ nổ súnglà hai tiểu thuyết viết về bộ đội tình nguyện chính vì thế mà dù dung lượng không dài nhưng trong hai tiểu thuyết này, độc giả thường xuyên bắt gặp những trận đụng độ trên chiến trường giữa ta – địch. Dù là bộ đội chủ lực hay lúc làm công tác xây dựng cơ sở thì cảnh mà những chiến sĩ tình nguyện như Tiến thường xuyên đối diện là:

Súng máy tới tấp xối đạn. Các họng súng địch chớp liên hồi như một đàn đom đóm cuống cuồng đập cánh trong góc tối. Những chùm dây lửa lằng nhằng dệt lưới trên mặt đường, đạn cắm vào cây đá chan chát, tóe tia đỏ [35, tr.174];

Súng nổ một loạt ngắn long óc. Bảy mươi chiến sĩ Itxala ùa ra, thét chuyển rừng. Vi Xiên ấn mũi tiểu liên vào ngực tên quan Pháp đang giãy giụa, bấm cò hết nửa băng. Một tân binh vung ngược khẩu súng quật xuống. Bàn

tay co quắp giật giật. Óc trắng loang máu… Phả nhảy lên một ụ mối, kẹp nách trung liên lia vào lưng bọn địch sống sót, rồi trèo xuống, bắc súng quạt lên máy bay [35, tr.203].

Hành trình mang báo cáo đến mặt trận của đội chuẩn chiến CC3 cũng gian nan khi bị địch phục kích:

Gió rít như xé vải trên đầu Khiêm. Khiêm chồm lên ôm chân Lương quật ngã sấp. Hai quả đạn súng cối nổ, hắt đá rào rào trên lưng họ. Quả thứ ba nổ trên cành cây, ném xuống vai Lương một mảnh gang cháy bỏng. Lương kéo Khiêm: “Rút thôi!”. Hai người vọt về mé bên phải. Một cột khói bốc lên đúng chỗ họ vừa nấp. Hút chết! [35, tr.330].

Có khi là những trận chiến chạy đua với thời gian, giành giật từng giây để chiếm đỉnh đồi Nhông của bộ đội chủ lực trong những trận đánh giáp lá cà với địch:

Quãng đường của ta dài gấp đôi của địch. Ta phải tới trước, chiếm đỉnh, đánh vỗ mặt, hất nó xuống. Đến chậm mươi tích tắc, địch sẽ xổ đạn đón ta… Chúng tôi chạy đến đứt hơi, đến đứng tim. Mắt thấy toàn đỏ với đen quay chong chóng. Đầu gối long ra, mũi dép chân này đá vào mắt cá chân kia toạc ra” [36, tr.87].

Có khi là những trận quyết chiến sinh tử sau những hi sinh, mất mát quá nhiều trong những ngày bị địch vây:

Hai trăm con người từ lòng đất vọt ra, hét như sấm, xốc súng lao xuống.

Hai trăm cái bóng rách rưới nhào theo mũi lê hình cạnh khế sáng lóe. Hai trăm thân hình gầy rộc đói khát ném hết sức nặng còn lại vào phát đâm đổi mạng dữ dội. Lưỡi lê lúc này nóng hơn đạn lửa, nóng như đầu người” [37, tr.384].

Trong chiến tranh, cả Việt Nam là một chiến trường lớn. Chiến trường không chỉ là những trận đánh trên tiền tuyến mà trong chiến tranh du kích, chiến trường còn diễn ra ở các xóm làng. Cảnh những làng kháng chiến với hầm, chông,… đối mặt với bom đạn của kẻ thù đã trở thành một bộ mặt của làng quê

Việt Nam trong thời chiến: “Hở ra lúc nào anh em lại đào hầm tránh pháo, đan phên để đưa xuống lát hầm bí mật vùng cát, vót chông, nấu thuốc bom đúc mìn, men vùng lầy tóm những chùm chà là non về nấu canh với thứ rau má già đắng cố ăn để giải nhiệt” [36, tr.189]. Âm thanh chiến trận vang vọng trong những xóm làng. Trong Mẫn và tôilà hình ảnh cả làng Cá xung phong:

Đó là tiếng trống mõ bật lên lao xao trong xóm Đình, nổi to, tràn khắp làng Cá, ngập hết trời đất, chen tiếng hét xung phong, tiếng gọi hàng, tiếng kêu trả thù đứt giọng [36, tr.261];

Tiếng tù và nhỏ quá. Tôi thét xung phong đứt hơi, cũng nhỏ quá giữa cơn lốc dữ dội cuộn tròn trên làng Cá, giờ thêm tiếng thanh la, thùng thiếc, xoong, mâm, nồi đồng, cùng rất nhiều tiếng tù và dội trả lại [36, tr.262].

Trong Người cùng quê là không khí sôi sục của tỉnh Quảng Nam trong ngày đồng khởi:

Hôm nay tất cả các đường làng biến thành suối người, đường lớn thành sông người. Lớn bé già trẻ gái trai, dao phay dao chuối rựa bờ, trống chiêng còi mỡ, băng vải rộng và biển cót hẹp, cờ vải cờ giấy chỉ giống nhau ở màu đỏ nhưng rất khác nhau ở chỗ đặt ngôi sao và số cánh sao, cứ thế cả triệu người dân Quảng Nam ào ào đi lấy tỉnh! [37, tr.288],…

Có thể nói, không gian chiến trường tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ nhìn từ góc độ diễn ngôn tả có chức năng thử thách lòng dũng cảm và sức chịu đựng của người lính và cũng là nơi khẳng định chân lí thời đại.

Chiến trường vốn khắc nghiệt. Để điều hòa bớt tính chất khắc nghiệt của không gian chiến trường, trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ cũng có những khoảng không gian lãng mạn cách mạng với nồng cốt là không gian thiên nhiên.

Có khi là con đường về mặt trận của những chiến sĩ đội chuẩn chiến CC3 nơi rừng sâu núi thẳm:

Dưới rừng già, mặt đất phủ một lớp gai hổ ngươi dày, như tấm thảm xanh xù lông rắc những hoa hồng nhạt bé tí. Đội đi trước khua hổ ngươi khép lá, thành một vệt dài sẫm màu ngoằn ngoèo luồn qua các gốc cây, chạy

hun hút vào rừng. Lương đi cuối cùng. Sau lưng anh, hổ ngươi lại thông thả dựng cành xòe lá, khỏa lấp con đường của những người đang bước vào cuộc thử thách lớn nhất trong đời [35, tr.341].

Có khi là những đêm trăng trên con suối khi Tiến chém cá và Bua Kham ngồi cười khúc khích trong Bên kia biên giới. Có khi là một cảnh biển đêm thơ mộng khi Mẫn dẫn Thiêm xuống cơ sở cách mạng: “Mẫn ngồi bên tôi giữa biển cát cồn lên lượn xuống như sóng lừng, trải rộng hết tầm mắt, trăng loa lóa trên những ngấn cát hình sóng lưỡi búa. Chỉ còn hai đứa thôi trên chiếc bè kết bằng cỏ gấu sẫm màu, giữa cây dương cao vi vút như buồm” [36, tr.322]. Không gian thiên nhiên trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ xuất hiện không nhiều và được nhà văn đan xen trong không gian chiến trận. Nó có chức năng làm nền cho câu chuyện, góp phần tạo ra giá trị thẩm mỹ của tác phẩm văn chương. Không khí chiến tranh khốc liệt với khói lửa, bom đạn, chết chóc,… phần nào đó đã được thi vị hóa để giảm bớt sự nặng nề của những nỗi đau, mất mát.

Dù là thời chiến thì con người vẫn phải sống và sinh hoạt. Khả năng phản ánh hiện thực cũng như sức hấp dẫn của tiểu thuyết sẽ giảm đi nếu nhà văn bỏ quên không gian sinh hoạt đời thường. Tuy nhiên không gian sinh hoạt trong thời chiến là một không gian đặc biệt, không giống với những không gian trong cuộc sống thường nhật của con người được thể hiện trong bất kì đề tài văn học nào. Bởi mỗi con người vừa phải sống vừa phải chiến đấu. Chính vì thế mà không gian sinh hoạt đời thường của cá nhân, gia đình trong tiểu thuyết cách mạng cũng được sử thi hóa. Trong từng bữa cơm gia đình, trong những câu chuyện hàng ngày, trong những phiên chợ,… vẫn là sinh hoạt thường ngày nhưng điều bất bình thường ở đây là tất cả đều nằm trong không gian thời chiến.

Chủ đề chính trong từng câu chuyện, hoạt động hàng ngày đều xoay quanh những vấn đề: đấu tranh, diệt ác ôn, súng đạn, lương thực, đi bộ đội, vào du kích,…, tất cả đều phục vụ cho kháng chiến. Không gian sinh hoạt trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ là một không gian rộng, từ miền núi đến đồng bằng,

từ đồng quê đến thành thị, từ miền Nam ra miền Bắc, từ Việt sang Lào, Mỹ, Nga,… Tuy nhiên không gian cách mạng ở nông thôn, miền núi vẫn là những cảnh chính trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ. Nhà văn hướng điểm nhìn không gian bên ngoài hơn không gian bên trong nhân vật. Trong những tiểu thuyết được kể theo ngôi thứ ba như Bên kia biến giới, Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy, Người cùng quê, người kể chuyện thường hướng điểm nhìn đến không gian địa lí, vật lí. Tuy nhiên trong Mẫn và tôi, Trại S.T.18, không gian tâm lí lại được tác giả xây dựng khá thành công với điểm nhìn của nhân vật

“tôi”.

Một phần của tài liệu Tiễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ (Trang 98 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)