Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
2.2. Diễn ngôn chiến tranh và hòa bình nhìn từ lập trường, quan điểm cá nhân
Trong cái nhìn chung của cộng đồng, tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ còn có cái nhìn của cá nhân về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Diễn ngôn chiến tranh và hòa bình nhìn từ lập trường, quan điểm của cá nhân trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ là cách nhìn, cách nghĩ của những nhân vật đại diện cho tiếng nói của cộng đồng. Diễn ngôn chiến tranh và hòa bình của cá nhân trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, đôi khi là những chân lí từ sự chiêm nghiệm của thực tế kháng chiến. Đôi khi là những tuyên ngôn đanh thép thể hiện quyết tâm đánh giặc giành độc lập tự do. Đó là sự tự ý thức rất cao của con người công dân có số phận cụ thể, bằng xương bằng thịt trong thời chiến.
Trong suy nghĩ của một chiến sĩ tình nguyện trẻ như Tiến, nền hòa bình là tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương: “Ba nước chúng ta như ba
ông đầu rau, có chụm lại mới khỏi đổ cái nồi Độc lập đun trên bếp, mới còn hột cơm mà ăn” [35, tr.70]. Còn với Lương, những năm trải bom đạn trên chiến trường đã hình thành ở anh một cách nghĩ chính chắn, già dặn. Anh sẵn sàng chấp nhận gian khổ và hi sinh nhưng: “Người cách mạng biết hi sinh tất cả khi Đảng cần đến, nhưng không hi sinh ẩu bao giờ”. Bởi mỗi chiến sĩ ra chiến trường đều mang trong mình những nhiệm vụ kháng chiến mà cách mạng giao phó. Nếu ngã xuống bất chợt khi nhiệm vụ chưa thành thì sẽ ảnh hưởng đến thời cuộc: “Tính mạng chúng ta là của Đảng, là cái vốn chung của cách mạng giao cho ta giữ. Chết vô ích là làm hại cách mạng đấy” [35, tr.417]. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, mỗi cá nhân luôn trong tinh thần sẵn sàng hi sinh vì đất nước, vì nhân dân, với họ: “sống hay chết là phụ, làm tròn nhiệm vụ trước dân trước Đảng mới là chuyện chính” [38, tr.142].
Nếu như anh Trỗi khẳng định mạnh mẽ: “Còn thằng Mỹ thì không có ai hạnh phúc cả”; Nếu như Nguyễn Viết Xuân hô to: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”; thì trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, độc giả cũng bắt gặp nhiều diễn ngôn mang tinh thần thời đại như thế. Con đường duy nhất để giành lấy độc lập tự do là: “Phải cầm súng đạn mà chống lại súng đạn” [35, tr.376].
Sinh ra trong thời chiến, mỗi cá nhân đều muốn hòa mình vào tập thể lớn để chiến đấu vì đất nước, vì dân tộc. Nếu như trong Dấu chân người lính, Lữ nghiệm ra chân lí của sự tồn tại trong thời chiến: “Người ta thường ví tinh thần người chiến sĩ cứng rắn như một chất thép – Lữ tự lý luận – Nhưng rõ ràng ở đây, hàng ngày, sắt thép đang xáo trộn và chực hủy bỏ con người. Vậy con người muốn tồn tại phải cứng hơn sắt thép” (Dấu chân người lính – Nguyễn Minh Châu) thì trong Mẫn và tôi, Thiêm nhận ra trong thời chiến, đánh giặc là niềm vui, là lẽ sống của đời mình: “Bỗng dưng tôi bắt gặp một bông hoa vui đang nở ngập ngừng trong tôi, tỏa hương quen xông đầu tôi dịu dần. Tôi nhận ra rồi. Nó là niềm vui được đánh giặc” [36, tr.49]. Ở lứa tuổi của Thiêm, lớp trai đếm thời gian, đếm số tuổi bằng số giặc bắn được. Họ ham bắn máy bay,
ham giết giặc nhưng cũng ý thức được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình: “Lứa tuổi chúng tôi ham bắn máy bay hơn viếng đình chùa, đúng, nhưng chúng tôi biết cái giá rất đắt phải trả để giành lại một viên ngói tráng men xanh” [36, tr.285]. Nổi bật ở Thiêm là lòng say mê lý tưởng, là hoài bão lớn, là lập trường dứt khoát, kiên định. Thiêm là con người của tư duy, của hành động, giàu kiến thức, có trình độ,… chính vì thế để định nghĩa về sự tồn tại của mình, Thiêm đưa ra triết lý và cũng là chân lý của thời đại:
Những hạt và sóng vật chất quay tít trong vũ trụ, tới lúc nào đó tình cờ tụ lại trên hòn bi xoay gọi là trái đất, tạo nên một chấm bụi nhỏ xíu được đặt tên là thằng Thiêm. Thằng Thiêm hiện rồi biến chỉ trong một chớp loáng. Loài người đo kích thước và thời gian theo kiểu của mình, nói thằng Thiêm cao một mét sáu mươi chín, nặng sáu chục ký, sống sáu mươi năm. Thằng Thiêm tự hỏi: “Mình sanh ra để làm gì?
Nếu chỉ để ăn nhiều cho chấm bụi to thêm chút đỉnh, khéo lẩn tránh để kéo dài thêm một ly lai nào đó cái chớp loáng tồn tại của mình, thì cần gì có mình trên đời? Trước khi tan biến vào mênh mông, mình phải làm lợi nhiều nhất cho đồng loại, cho mai sau. Mình sẽ để lại một dấu vết có ích nào đó trên hòn bi chở mình”. Nó nhìn, nghe, hỏi, nghĩ, và kết luận rằng việc làm ích lợi nhứt lúc này là chống Mỹ, cứu nước, tiếp đó là chống bất công, nghèo khổ, dốt nát [36, tr.584-585].
Cùng là hình ảnh người trí thức yêu cách mạng nhưng ở Người cùng quê, Cam chỉ có một chân lí ngắn gọn: “Hễ còn giặc thì lính còn đánh, hễ cách mạng chưa xong thì còn phải đấu tranh, vậy thôi!” [37, tr.900]. Cam đã ngửi mùi thuốc súng từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ vì thế chân lí trong cuộc đời rất trẻ của mình, Cam không những ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của một người trai đối với đất nước với dân tộc. Cam cầm súng chiến đấu với một niềm tin về ngày mai đất nước độc lập: “Mình đi đánh giặc là thân trai đền nợ
nước, tới hoàn toàn độc lập thì mỗi đứa còn sống tự kiếm nghề làm ăn chứ đâu có đi lính cả đời” [37, tr.833].
Góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc trong những năm kháng chiến là những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Từ hiện thực, hình ảnh người phụ nữ đã đi vào nhiều tác phẩm văn học và trở thành những biểu tượng đẹp về người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Nếu như nhắc đến Anh Đức, người ta nghĩ ngay đến chị Sứ, nhắc đến Nguyễn Thi, người ta nghĩ ngay đến chị Út Tịch thì nhắc đến Lê Khâm – Phan Tứ, người ta sẽ nghĩ ngay đến Mẫn. Và nếu như chị Út Tịch rút ra bài học xương máu: “Đánh nó để nó không đánh được mình” và kiên quyết đến cùng: “Còn cái lai quần cũng đánh” thì với Mẫn làm cách mạng chính là hi sinh nhiều hơn cho quê hương, đất nước, dân tộc: “Mình vào Đảng để làm cách mạng và rủ người khác cùng làm cách mạng. Mình vào Đảng không để kiếm chác một chút gì hết, chỉ để hi sinh nhiều hơn” [36, tr.212]. Mẫn ý thức rất rõ, chỉ có thể định đoạt được cuộc đời của mình khi dân tộc mình được tự do: “Tụi em cầm súng đánh Mỹ để giữ nước giữ làng, đúng, mà cũng giữ luôn cái quyền định đoạt đời mình nữa” [36, tr.201]. Chính vì thế mà trước cơn bão của dân tộc, Mẫn chỉ nghĩ đến cái chung mà không hề có một chút riêng tư nào cho mình, “việc nước là việc lớn, chuyện vặt dẹp một bên” [36, tr.202]. Suốt cuộc đời của Mẫn chỉ biết nghĩ cho người khác mà không một chút tư lợi cho riêng mình. Không riêng gì Mẫn, nhiều cô gái trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ cũng quan niệm rằng, vẻ đẹp của mỗi con người trong thời chiến là nét đẹp của tinh thần chiến đấu, sẵn sàng lăn xả vào kẻ thù. Với họ, thà chết vì đạn còn hơn chết vì roi.