Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
2.1. Diễn ngôn chiến tranh và hòa bình nhìn từ lập trường, ý thức hệ cộng đồng
2.1.3. Chiến tranh là môi trường để rèn luyện con người
Chiến tranh, điều đó có nghĩa là bất kể ai cũng phải đối mặt thường xuyên với cái chết. Sống trong cuộc chiến lớn của dân tộc, mỗi con người có một cuộc chiến nhỏ nhưng cũng khắc nghiệt không kém. Để giành sự sống cho cả dân tộc thì mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện chính mình. Cũng chính vì thế mà nhìn lại lớp thanh niên trong kháng chiến, những con người tuổi đôi mươi, chúng ta lại thấy ở đấy sự trưởng thành, già dặn từ rất sớm. Tiến, Khiêm, Bê, Cam, Mẫn, Ngọ, Sâm,… là những lớp người lớn gấp trong thời chiến.
Trong tiểu thuyết Bên kia biên giới, chúng ta bắt gặp Tiến – một anh chiến sĩ tình nguyện ở chiến trường Hạ Lào với nhiệm vụ giúp các chiến sĩ Itxala gây dựng cơ sở. Cái cậu bé liên lạc năm ấy, chỉ ba năm không gặp mà đã thay da đổi thịt đến không ngờ:
Thằng Tiến nó chóng lớn thật, nhưng nét người vẫn trẻ con như ngày làm liên lạc cho đại đội. Vẫn nụ cười toét miệng hồn nhiên, lộ hàm răng nhỏ đều như con gái, nhưng không còn hai đồng tiền xoáy tròn trên má. Môi thâm sốt rét, tóc rám nắng ngã màu nâu cành cạch, xoắn tít lại như lò xo.
Giá bớt phơi nắng, ăn no hơn và khỏi sốt rét, hẳn nó đẹp người ra dáng, câu gái tha hồ” [35, tr.47].
Chiến trường khốc liệt đã tôi luyện những chiến sĩ trẻ trưởng thành nhanh hơn, không chỉ là cái vẻ bên ngoài dạn dày sương gió mà còn chín chắn cả trong suy nghĩ. Sơn Linh từng là người anh, là người mà Tiến kính nể đến mức tôn sùng.
Nhưng khi cùng thực hiện một nhiệm vụ với Sơn Linh, Tiến vẫn tỉnh táo để nhận ra cái sai trong quyết định của Sơn Linh về việc cho bộ đội tập trung về Pha Luông, bỏ cơ sở sau khi Rạng đào ngũ. Tiến vẫn tỉnh táo loại bỏ cái hình ảnh thần tượng trong lòng bấy lâu và đỉnh điểm là đổi hướng, làm ngược lại chỉ thị của Linh. Những lúc đối mặt với khó khăn khi người dân Lào vẫn thành kiến với bộ đội Việt, Tiến bình tĩnh, kiên nhẫn tháo gỡ từng nút thắt bởi “công tác của Tiến chẳng khác một con mối gặm gỗ, mỗi ngày một ít”. Mỗi lần đối mặt với nguy hiểm thì cái vẻ mắc cỡ, ngượng chín cả người khi được Bua Kham – cô gái xinh đẹp nhất làng mời nhảy của Tiến biến đâu mất, chỉ còn lại một Tiến chững chạc, chín chắn, luôn cân nhắc kĩ càng mọi đường đi nước bước để hoàn thành tốt công tác và bảo vệ đồng đội, nhân dân.
Cũng xây dựng hình ảnh về người chiến sĩ tình nguyện ở vùng biên giới Hạ Lào, Khiêm trong tiểu thuyết Trước giờ nổ súng lại được Lê Khâm miêu tả với những nét hồn nhiên của tuổi trẻ. Đọc Trước giờ nổ súng có lẽ không ai quên được cái anh chàng lính trinh sát trẻ, cao to, đẹp trai mỗi lần bò vào đồn địch lại để lại một chiến tích “tếu” mà mỗi lần kể lại thì đồng đội phải cười nghiêng ngả.
Khiêm có những nét trẻ con đáng yêu, hờn giận người yêu, quyết quên cái “lãng mạn” khi thấy Soan nói chuyện thân mật với anh Tuyên. Đi trinh sát, có lần Khiêm ném thuốc lá cho địch hút. Bị bắt, Khiêm nhất định không khai báo. Địch
dỗ ngọt mời Khiêm ăn, Khiêm ăn thật, ăn no để chuẩn bị chịu tra tấn. Lúc bị tra tấn, đau quá thì Khiêm nhất định cắn lưỡi chứ không khai, nhưng cắn lưỡi sớm nó phí quá. Khiêm cố chịu, cố chút nữa: “Khiêm nghiến răng, gân người khi kìm cắn thịt, xoáy rứt. Đau quá thật. Khiêm thè lưỡi định cắn, lại thụt vào. Cắn sớm nó phí đi. Cố chịu tí nữa. Tí nữa… Tí nữa…” [35, tr.464]. Cuối cùng Khiêm bị giải về chính cái đồn giặc mà anh vào ra như chốn không người lúc đi trinh sát.
Khiêm lại để lại thêm một sự tích mới – anh chiến sĩ cách mạng biết độn thổ lấy hết đồ hộp trong nhà bếp của đồn giặc! Trong tính cách của Khiêm, chúng ta nhận thấy cái trẻ trung, vẫn một chút “con nít” nhưng cái kiên định vì lí tưởng cách mạng của Khiêm, chúng ta lại nhận thấy ở con người trẻ tuổi ấy một sự chín chắn. Hai tính cách ấy hòa hợp trong một con người đang ở buổi giao thời của một bước tiến trưởng thành.
Trong tiểu thuyết Gia đình má bảy, chúng ta lại một lần nữa bắt gặp hình ảnh của anh cán bộ trẻ hay đỏ mặt thẹn thùng trước con gái nhưng lại nổi tiếng gan lì trước mặt kẻ thù, nhất là trong chiến đấu. Phan Tứ miêu tả quá trình chuyển biến cách mạng của một gia đình nông dân Trung Trung Bộ nhưng cũng ưu ái dành nhiều trang cho Bê. Bê là một cán bộ trẻ, mới 23 tuổi đời mà đã trải qua nhiều thử thách. Bê chăm làm, “thèm học”, một lòng trung thành với Đảng, với dân; luôn nghĩ cho đồng chí, đồng đội. Người cán bộ trẻ ấy phải lãnh đạo một phong trào tưởng như vượt quá sức so với mình. Thấy tuổi đời của Bê còn quá trẻ nên nhiều người chưa tin, nhưng làm việc với anh mới thấy anh dốc hết tâm lực, làm tốt mọi nhiệm vụ. Anh chinh phục được lòng tin của đồng chí, đồng bào bằng hành động, sâu và đều khắp các mặt. Người ta phục Bê vì nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của anh. Lúc Sâm – người yêu của Bê bị địch bắt, trói bó giò, ném lên xe M113 chở về Đồng Trầu, Ngọ thì bị chúng túm hai chân vào đuôi xe, kéo lê trên mặt đường, sự cứng cáp, vững vàng của Bê trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng càng rất đáng khâm phục. Khi gắn liền giữa tình cảm cá nhân vào tình cảm cách mạng là lúc người ta có thể bối rối, thiên lệch.
Nhưng Bê đã giữ được bình tĩnh và cân nhắc cẩn thận. Nếu đánh vào Đồng Trầu như đề nghị của Sỏi, làm vậy chỉ có thể cứu được Sâm cho anh. Nhưng nhiệm vụ của anh, người bí thư chi bộ, lúc này là phải cứu phong trào, cứu cách mạng.
Cuối cùng quyết định của Bê đã đem lại thắng lợi, địch ở Đồng Trầu, Đồng Mè
“bị hốt hết trơn”. Và trong cái thắng lợi của phong trào, Bê có thêm niềm hạnh phúc riêng – Sâm được cứu thoát.
Đến Mẫn và tôi, Phan Tứ thành công trong xây dựng hai nhân vật sóng đôi: Mẫn và Thiêm cùng là thế hệ thanh niên trưởng thành trong kháng chiến.
Thiêm là đại đội phó được phái về Tam Sa phát triển phong trào du kích, đồng thời nghiên cứu tình hình giặc Mỹ ở căn cứ Chu Lai. Thiêm ham học hỏi, xông xáo trước tình hình mới, anh đón nhận tất cả mọi biến cố xảy ra, tìm hiểu những gì có liên quan tới nhiệm vụ công tác của một cán bộ quân sự ở nơi vành đai.
Anh tích cực làm công tác phát triển du kích, cùng với Mẫn và anh em du kích chống càn, diệt ác ôn. Cha và anh đi tập kết ra miền Bắc, Thiêm trở thành trụ cột của gia đình có mẹ và em gái từ rất sớm. Vừa học vừa làm, Thiêm vẫn đứng đầu lớp về thành tích học tập, nhưng cuối cùng Thiêm không tiếp tục con đường học trên trường lớp, Thiêm học trên chiến trường, Thiêm tìm lí tưởng và chịu nhiều gian khổ để đến được với cách mạng. Anh chiến sĩ trẻ ấy chỉ lớn hơn Mẫn vài tuổi, vừa là người anh, vừa là cấp trên, vừa là người yêu của Mẫn. Thiêm là điểm sáng, là anh hùng để Mẫn cùng tiến lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cậu bé Cam trong tiểu thuyết Người cùng quê từng đi ở mướn, từng bị nghi oan tội ăn cắp, từng bị đánh đập đến nỗi phải bỏ trốn khỏi nhà chủ. Lang thang, đói rách trên phố, may mắn được anh lính khố đỏ Năm Chò cưu mang.
Cam gặp lại anh Cả Chanh với cặp mắt ngỡ ngàng, sợ sệt của đứa bé từng chịu nhiều tủi cực. Rồi Cam theo anh Cả Chanh tham gia phong trào cách mạng với nhiệm vụ liên lạc lúc mới mười ba tuổi đầu. Mười lăm tuổi, Cam vào tận miền Nam theo anh Năm Chò trên chiến trường ác liệt và gian khổ. Thi đậu lớp văn chuyên khoa, Cam lại tình nguyện vào học trường Lục quân. Mấy năm không
gặp, anh Bảy Quý – người đồng chí thân thiết với anh Cả của Cam đã không nhận ra Cam: “Lớp người thay thế ngồi trước mặt anh khác nhiều, khác xa quá.
Thằng em nhỏ theo anh Chanh, chị Thùy năm nào đã học vượt lớp lên chuyên khoa, thành đảng viên dự bị, sắp bước vào cuộc thử lửa thứ hai trong cuộc đời rất ngắn mà đã trải không ít chìm nổi” [37, tr.613]. Mười tám tuổi, Cam không chỉ có “vóc dáng lênh khênh và nước da dầu dãi” mà “lối đi đứng dứt khoát, nói năng rành rọt, với những lời chọn lọc, cái vẻ trưởng thành đường hoàng và có lẽ hơi chín sớm nữa trong lò lửa kháng chiến”, Cam “hơi già trước tuổi”. Anh chiến sĩ trẻ ấy, khi đã lao vào việc gì thì nhất định phải hoàn thành thật tốt.
Có lẽ đã quen với khói lửa, bom đạn từ nhỏ nên khi ra chiến trường, Cam luôn giữ được sự bình tĩnh của người chỉ huy, căng óc tính toán chi tiết để sao cho bộ đội mình ít thương vong nhất. Đội bộc phá thiết giáp của Cam phối hợp với đại đội 8 của Năm Chò giành được nhiều thắng lợi liên tiếp. Bị thương xém chết, tập kết ra Bắc học tiếp chuyên khoa rồi sau này được cử đi du học ở Nga, nhưng trong Cam vẫn đau đáu một nỗi niềm, mong ngày trở về chiến đấu trên quê hương mình.
Lê Khâm – Phan Tứ không thiên vị, ưu ái dành tình cảm cho lớp thanh niên, trai tráng xông pha trên khắp các chiến trường. Trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ, thế hệ trẻ trưởng thành nhanh gấp trong kháng chiến còn có những cô gái thanh niên xung phong, những cô du kích rất trẻ nhưng khi đứng trước kẻ thù thì dũng cảm, gan lì không kém lớp trai.
Út Sâm trong Gia đình Má Bảy mang những nét tiêu biểu cho lớp thanh niên mới lớn của miền Nam, đầy nhiệt huyết với tình yêu nước, yêu cách mạng.
Sâm căm ghét bọn ác ôn, dân vệ. Cách mạng chưa về, không thể đánh giặc bằng vũ trang được thì Sâm đánh giặc bằng những câu nói châm chọc rất đau. Được gặp cán bộ, Sâm lao vào công tác hăng say như diều gặp gió. Từ một cô Út Sâm
“tóc đầy gió, mắt đựng mặt trời, tim sủi tăm”, “thích hát hơn nói, thích chạy nhảy hơn đi, hăm hở đến tận mười đầu ngón tay”, Sâm chiến đấu say mê như
“cuốn đi trong cơn lốc của phong trào và cuốn theo hình một cơn lốc nhỏ”. Sâm lớn nhanh trong phong trào của xã đến nỗi má Bảy cũng không tin được đó là cô con gái mà má ôm ấp, che chở suốt mười mấy năm, không để thân thể con bị một mảnh bom, mảnh đạn, đòn roi nào làm trầy xước. Trong khi má vẫn còn e dè chuyện cách mạng, vẫn phải kín kẻ thì con gái của má với Chuân (bạn của Sâm) lại bàn chuyện chia nhau hai quả bom mà Chuân nhặt được, bàn chuyện đánh bọn ác ôn tỉnh như chơi. Trong một đợt tiến công, Sâm bị giặc bắt và tra tấn dã man. Chúng xé quần áo của Sâm, quất bằng roi da. Khắp người Sâm chằng chịt dấu roi như người ta đan lưới. Sâm không khai, chỉ im lặng nhìn chúng bằng đôi mắt nảy lửa. Chúng dùng sắt nung đỏ ấn vào bụng, vào ngực Sâm, mỡ cháy xèo xèo, mùi tanh khắp cả phòng tra tấn. Sâm vẫn chịu đựng.
Sâm tin vào cách mạng và vẫn giữ vững lập trường.
Nếu Sâm là giai đoạn đầu của lứa tuổi lớn lên trong cách mạng thì Mẫn (Mẫn và tôi) đã bước vào một giai đoạn khác của sự trưởng thành. Cha bị tù đày ở Côn Đảo, mẹ chết trong một trận pháo. Mẫn sớm phải trở thành trụ cột của gia đình, Mẫn phải cáng đáng hai việc cùng một lúc, vừa làm cách mạng, vừa nuôi hai em và con nuôi. Mười bảy tuổi, Mẫn đã được kết nạp vào Đảng, “lấy bảy năm công tác bù vào việc thiếu tháng”. Hai mươi tuổi đời, cô gái Tam Sa đã là cán bộ chủ chốt của một xã vành đai ác liệt, Mẫn đã sớm đảm nhiệm những trọng trách quá nặng nề: làm xã đội trưởng du kích, bí thư chi bộ xã, rồi đảng ủy viên của cả một vành đai mười hai xã. Mẫn liên tục chịu những nỗi đau: mẹ mất, con nuôi chết. Những nỗi đau đó, Mẫn có thể an ủi mình, có thể giết giặc để trả thù cho mẹ và con. Nhưng cuộc chiến trong nội bộ cán bộ Tam Sa mới là vấn đề gay cấn mà Mẫn phải dằn vặt, phải khéo léo tháo gỡ. Mẫn gặp trong cuộc đời rất trẻ của mình một ông cha nuôi kiêm ông thầy bị thoái hóa và trở thành tảng đá chắn giữa con đường cách mạng. Vì thế, ngoài những băn khoăn buổi đầu về sống và chết, sướng và khổ của riêng mình, Mẫn phải suy nghĩ và tìm ra cái đúng và tránh cái sai: “Trong cái chân lí lớn của cách mạng. Mẫn phải tự tìm
những chân lí nhỏ của từng việc, từng ngày, phải dám quyết định và gánh hết trách nhiệm đôi khi quá nặng”. Một cuộc đấu tranh nội bộ mà Mẫn phải giải quyết sao cho vừa có lí vừa có tình. Mẫn phải mài bằng tay. Mẫn phải tập suy nghĩ bằng bộ óc độc lập của mình, dựa vào những nghị quyết và điều lệ Đảng:
“Phải tự tìm lấy cái đúng cái sai… gay nhất là phải làm cho cái đúng thắng cái sai”. Cũng chính trong cuộc sống hoạt động khó khăn với những thử thách, gay go, quyết liệt ấy. Mẫn đã trưởng thành nhanh chóng đến “không kịp nhận thấy”. Mỗi lần Thiêm gặp Mẫn lại thấy một cô Mẫn khác. Thiêm ngỡ ngàng, thảng thốt với những thay đổi của Mẫn: “Không biết bao giờ tôi mới hết ngạc nhiên về Mẫn”.
Trong chiến tranh, hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống nhưng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc không thể chững lại đợi thế hệ trẻ kịp lớn lên theo đúng với lứa tuổi bình thường của mình. Nợ nước thù nhà đã khắc sâu trong tâm hồn của lớp trẻ. Thế hệ ấy lớn nhanh, lớn gấp, chín trước tuổi để bắt kịp với cuộc chiến gian khổ của dân tộc, để kịp hiến dâng sức mình vì nền độc lập của dân tộc.