Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.3. Các mô th ức diễn ngôn
1.3.1. Diễn ngôn tiểu thuyết sử thi 1.3.1.1. Khái quát về sử thi
Thuật ngữ sử thi có nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ (épos). Theo nghĩa rộng, sử thi là tự sự, một trong ba loại hình cơ bản của văn học (theo phân loại của Aristotle: tự sự, trữ tình, kịch). Còn theo nghĩa hẹp, sử thi là thể loại truyền miệng hoặc thành văn.
Trong nghiên cứu văn học hiện nay, có hai cách hiểu về sử thi:
Thứ nhất, sử thi là thể loại văn ra đời từ rất sớm. Sử thi chỉ xuất hiện ở thời điểm gọi là “thế kỉ của những anh hùng”. Nó chỉ tồn tại trong xã hội cổ đại, kéo dài đến thời kì trung cổ và thực sự biến mất trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo.
Bakhtin xác định rất rõ ba đặc trưng của sử thi cổ đại: Đối tượng của sử thi là quá khứ sử thi của dân tộc, cái “quá khứ tuyệt đối”; Cội nguồn của sử thi là truyền thuyết dân tộc; Thế giới sử thi cách biệt với thời hiện tại bằng một khoảng cách sử thi tuyệt đối. Như vậy, theo cách hiểu thứ nhất thì sử thi chính là những tác phẩm đã đạt đến trình độ cổ điển mẫu mực kiểu như: Iliad, Odyssey (Hy Lạp), Mahabharata, Ramayana (Ấn Độ), Đam San, Xinh Nhã (Việt Nam),…
Thứ hai, theo cách hiểu của G.N. Poxpelov, sử thi là một loại hình thuộc thể tài lịch sử dân tộc tồn tại trong suốt tiến trình văn học. Cùng với tiến trình của lịch sử – xã hội, sử thi từ dạng nguyên hợp kiểu Iliad, Odyssey, Ramayana, Mahabharata,… đã phát triển thành những tác phẩm sử thi tiếp nối sử thi cổ đại thuộc các thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, thơ, trường ca. Có nghĩa là các tác phẩm dù thuộc thể loại nào chăng nữa, nếu chúng mang nội dung lịch sử dân tộc và có hình thức biểu đạt tương ứng thì vẫn có thể coi là có tính chất sử thi. Những tiểu thuyết sử thi tiêu biểu như: Chiến tranh và hòa bình (L. Tolstoy), Con đường đau khổ (A. Tolstoy), Người mẹ (M. Gorky), Sông đông êm đềm (Sholokhov), Thép đã tôi thế đấy (N. Ostrovsky), Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Cửa biển (Nguyên Hồng), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên(Nguyên Ngọc), Trước giờ nổ súng (Lê Khâm),…
Đây là cách hiểu phổ biến và phù hợp với nghiên cứu văn học hiện nay.
Sử thi ưu tiên cho chủ đề dân tộc, mâu thuẫn địch ta, xây dựng những con người tiêu biểu cho ý chí phẩm chất cao quý của dân tộc. Mọi tác phẩm sử thi đều bộc lộ ý chí mạnh mẽ của cộng đồng và mục đích lớn lao mang tinh thần của con người trong cộng đồng đó. Nếu như sử thi cổ đại, ý thức sử thi được thể hiện trong các cuộc tranh chấp ranh giới, đất đai, tranh giành người đẹp dẫn đến
chiến tranh ác liệt giữa các cộng đồng để khẳng định sự tồn tại của chính tập thể cộng đồng cũng như sự gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng; thì ở các tác phẩm sử thi hiện đại ý thức sử thi được mở rộng tới nhiều vấn đề lịch sử – dân tộc và thời đại đó là việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn độc lập hòa bình cho từng dân tộc, là ý thức trách nhiệm trước xã hội, trước lịch sử, trước thời đại mình.
Mâu thuẫn, xung đột cộng đồng là cái nền để làm nổi bật hình ảnh người anh hùng cộng đồng trong sử thi. Người anh hùng trong sử thi cổ đại mang vẻ đẹp của phẩm chất, của tài năng phi thường. Đó là vẻ đẹp kì vĩ, hào hùng tiêu biểu cho cả cộng đồng dân tộc theo quan điểm thẩm mĩ, chuẩn mực riêng của nội bộ cộng đồng. Trong sử thi hiện đại, người anh hùng vừa mang vóc dáng lớn lao vừa hết sức bình dị, đời thường, vẻ đẹp có chiều sâu tư tưởng.
Chính vì xây dựng những nội dung lịch sử dân tộc nên diễn ngôn sử thi luôn có sự khác biệt với các diễn ngôn khác. Hình tượng con người và thế giới được xây dựng bởi một hệ thống hình ảnh, từ ngữ đẹp, rực rỡ và gắn liền với thủ pháp cường điệu, phóng đại. Sử thi thiên về miêu tả hành động nên gắn liền với nhịp điệu nhanh, mạnh mẽ, dồn dập và giọng điệu ngợi ca, tôn kính, tự hào.
1.3.1.2. Diễn ngôn tiểu thuyết sử thi
Tiểu thuyết sử thi cũng giống như mọi tiểu thuyết khác, để trở thành tiểu thuyết nó cũng sử dụng những phương thức xây dựng thế giới nghệ thuật đặc thù của thể loại tiểu thuyết. Từ phương thức xây dựng hình tượng nhân vật, mô hình không gian và thời gian đến tổ chức lời văn nghệ thuật của tiểu thuyết sử thi hiện đại, tất cả được xây dựng xuất phát từ những nguyên tắc thi pháp bao trùm của thể loại tiểu thuyết. Nhưng cái làm nên sự khác biệt của tiểu thuyết sử thi so với cái loại tiểu thuyết khác là “dấu ấn sử thi” bởi tiểu thuyết sử thi hiện đại vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật sử thi. Hiểu đơn giản, tiểu thuyết sử thi là những tác phẩm mang các đặc trưng của thể loại tiểu thuyết nhưng lại lấy nội dung lịch sử – dân tộc làm đề tài sáng tạo nghệ thuật với cảm hứng chủ yếu là cảm hứng anh hùng ca, ngợi ca sự nghiệp và con người của dân tộc.
Để thể hiện những vấn đề mang tính lịch sử – dân tộc và có tính chất thời đại thì nội dung phản ánh trong tiểu thuyết sử thi là những vấn đề lớn liên quan đến số phận của dân tộc và cộng đồng. Hiện thực trong tiểu thuyết sử thi bao giờ cũng là lịch sử hoành tráng đặt trong một không gian rộng, một thời gian lớn.
Cái nhìn của nhà tiểu thuyết về lịch sử là cái nhìn chiêm ngưỡng trùng khít với cái nhìn của dân tộc. Tiểu thuyết sử thi là bài ca về lịch sử, về những con người mang vóc dáng huyền thoại ngay trong thời hiện đại với ngôn ngữ trang trọng xen lẫn chất trữ tình. Bản chất của sử thi là cái đẹp hùng vĩ, hoành tráng, cao cả mang tính thời đại. Tiểu thuyết sử thi thường có dung lượng lớn nhưng đôi khi cũng có sự ngoại lệ.
Tóm lại, trong tiểu thuyết sử thi, diễn ngôn tiểu thuyết sử thi mà nhà tiểu thuyết xây dựng để gửi gắm những thông điệp, những quan niệm đến đối tượng tiếp nhận mang những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ tiểu thuyết nhưng cái làm nên đặc thù của diễn ngôn tiểu thuyết sử thi chính là “dấu ấn sử thi” trong tác phẩm.
1.3.2. Diễn ngôn cá nhân – cộng đồng
Người anh hùng là nhân vật trung tâm của tác phẩm sử thi cũng như tiểu thuyết sử thi. Người anh hùng luôn được xây dựng trên cái nền của tập thể cộng đồng, của dân tộc. Cộng đồng giữ vai trò quy tụ làm sáng tỏ vẻ đẹp của người anh hùng.
Người anh hùng trong tiểu thuyết sử thi luôn hiện diện với tổng hòa các vẻ đẹp về sức mạnh thể chất và tinh thần siêu phàm, kì vĩ, phi thường nhưng đồng thời cũng bình dị, bình thường, gần gũi trong cái nhìn tôn kính thiêng liêng của tập thể cộng đồng.
Trong tiểu thuyết sử thi còn tồn tại một tập thể cộng đồng, tập thể nhân dân có sức sống bền bỉ, sức mạnh hòa hợp luôn tiếp sức cho người anh hùng làm nên những chiến công hiển hách. Đó là hình ảnh của những nhân vật người già, nhân vật phụ nữ và nhân vật số đông. Đó là những nhân vật có tên hoặc không tên
nhưng họ luôn là những tập hợp làm chỗ dựa vững chắc cho người anh hùng.
Tập thể ấy luôn thống nhất và phục tùng nghĩa vụ đối với người anh hùng đại diện của họ. Cộng đồng chính là nguồn cội, là nền tảng, là điểm tựa để người anh hùng có thể thực thi lí tưởng cao cả và lập nên những chiến công hiển hách đem lại vinh quang cho chính con người – số đông ấy.
Tiểu thuyết sử thi xây dựng người anh hùng cá nhân trên nền tảng của cộng đồng, song diễn ngôn cá nhân lại mang tính chất đại diện cho cộng đồng. Bởi những ước mơ, lí tưởng cao cả và những chiến công làm nên phẩm chất của người anh hùng thực chất có nền tảng là phục vụ cho lợi ích của tập thể cộng đồng.