Chương 3 CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM –
3.2. Diễn ngôn nhân vật – những phát ngôn của con người thời đại được cá tính hóa
3.3.1. Bước chuyển về quan điểm, tư tưởng
Suốt chặng đường tiểu thuyết của mình, Lê Khâm – Phan Tứ đã viết sáu cuốn tiểu thuyết, trong đó có một tiểu thuyết còn dở dang, Phan Tứ chưa kịp đặt cái kết cho tâm huyết cuối đời của mình thì nhà văn đã ra đi. Viết về chiến tranh cách mạng, tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ xây dựng những sự kiện, nhân vật mang tầm khái quát trước hiện thực đời sống chiến tranh. Dù là khi viết với bút danh Lê Khâm hay bút danh Phan Tứ, nhà văn vẫn đứng trên lập trường của dân
tộc với giọng văn hào sảng, đầy tự hào. Nhưng từ Lê Khâm đến Phan Tứ, không khó để độc giả nhận ra sự chững chạc của nhà văn trên từng trang viết. Từ Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng đến Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Trại S.T.18 và cuối cùng là Người cùng quê, cái nhìn về chiến tranh của nhà văn từ cái nhìn chiêm ngưỡng chuyển sang cái nhìn của sự chiêm nghiệm về một thời đại anh hùng.
Tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ thống nhất chung một nội dung là phản ánh sức mạnh và tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Đề tài chiến tranh được thể hiện hết sức đa dạng và phong phú qua ngòi bút của ông. Có khi là công tác gây dựng cơ sở của những chiến sĩ tình nguyện Việt ở Hạ Lào (Bên kia biên giới). Có khi hành trình gian khổ của những chiến sĩ tình nguyện của đội chuẩn chiến để chuẩn bị mở chiến dịch Pà Thạc (Trước giờ nổ súng). Có khi là quá trình chuyển biến nhận thức để đến với cách mạng của nhân dân trong vùng địch tạm chiếm (Gia đình má Bảy). Có khi là câu chuyện tình lãng mạn của anh cán bộ phong trào và cô du kích xã nảy sinh trong công tác gây dựng phong trào và nghiên cứu tình hình chiến sự của giặc Mỹ ở vùng căn cứ Chu Lai (Mẫn và tôi). Có khi là cuộc chiến cân não của những chiến sĩ địch vận với những tên giặc Mỹ ở trại tù binh để khẳng định cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam (Trại S.T.18). Và có khi đề tài chiến tranh lại được nhà văn thể hiện mang tính chất bao quát trên nhiều phương diện đời sống, cả chiều rộng không gian lẫn chiều dài thời gian (Người cùng quê).
Nếu như những năm chiến đấu trên chiến trường biên giới Việt – Lào cho Lê Khâm nguồn cảm hứng về những người lính tình nguyện (Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng) thì khi trở về chiến đấu trên quê hương mình, cảm hứng chiến tranh trong tiểu thuyết thời Phan Tứ không chỉ là những chiến sĩ anh dũng trên chiến trường mà còn là những chiến sĩ ở hậu phương (Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Trại S.T.18, Người cùng quê). Đó không chỉ là những Tiến, Lương,
Khiêm thiên về hành động hơn nghĩ mà đó còn là Thiêm, Toại, Phan Chanh, Phan Cam, Tô Xáng,… vừa là con người của hành động nhưng cũng vừa là những con người có đời sống nội tâm phong phú. Đặc biệt, ở Lê Khâm, chúng ta chưa thấy sự hiện diện của những nữ anh hùng nhưng đến Phan Tứ, nhà văn đã dành không ít trang viết để đưa vào tiểu thuyết nhân vật nữ anh hùng: Út Sâm, Ngọ (Gia đình má Bảy), Mẫn, Út Liềm, chị S.22, chị Biền (Mẫn và tôi), Út Hường (Trại S.T.18), Năm Bưởi (Người cùng quê). Trong số ấy, Út Sâm và Mẫn là hai nhân vật để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Và cũng chính ở thời Phan Tứ, từ Út Sâm đến Mẫn là một bước tiến rõ rệt của ngòi bút Phan Tứ. Có thể khẳng định rằng, Mẫn là nhân vật nữ anh hùng được xây dựng thành công nhất trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ.
Chất liệu hiện thực đi vào tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ mang đậm cảm hứng sử thi lãng mạn với giọng điệu ngợi ca. Đây là nét độc đáo của tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ nói chung và cũng là của một nền “nghệ thuật anh hùng, là dáng đứng Việt Nam, tầm nhìn của thời đại”. Giữa mùa bội thu của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng 1945 – 1975, giữa những thành công của: Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Hòn Đất (Anh Đức), Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai),…, tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học chiến tranh.
Chiến tranh trong tiểu thuyết của Lê Khâm – Phan Tứ được không phải là cái nhìn một chiều mà là cái nhìn đa chiều, toàn diện ở nhiều góc độ: tính chất ác liệt, sự thảm khốc, sự hi sinh mất mát, góc khuất của chiến tranh,… Qua từng chặng đường, cái nhìn của nhà văn ngày càng sâu sắc và nhân bản hơn. Bước chuyển về quan điểm, tư tưởng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ không phải là một bước ngoặt đột ngột rẽ ngang mà đó là một quá trình chuyển biến từ cuốn tiểu thuyết đầu tay đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong cuộc đời của nhà văn.
Thời chiến, người anh hùng là con người của cộng đồng, sống vì cộng đồng, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Trong Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), chị Út Tịch sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, đời sống cách mạng luôn lấn át đời sống cá nhân, cũng có lúc chị nghĩ nếu cả hai vợ chồng cùng hi sinh thì ai sẽ nuôi con, nhưng những suy nghĩ đó chỉ như “tia chớp yếu ớt, rất xa trong đêm mưa mát dịu, không hề làm xao động tới cảnh ấm cũng của mẹ con trong nhà”. Trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, khói lửa chiến tranh cũng đặt nhân vật vào tình thế xếp việc riêng để chạy theo tiếng gọi chung của tổ quốc. Tất cả dân tộc sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân để hòa mình vào cuộc chiến tranh vệ quốc. Khắp đất nước đâu đâu cũng có những lớp trai như Tiến, Lương, Khiêm, Bê, Thiêm, Toại, Khang, Cả Chanh, Cam, Năm Chò,…
Phẩm chất anh hùng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ thường được khẳng định khi nhân vật đứng trước sự chọn lựa giữa nghĩa vụ, trách nhiệm với tập thể và tình cảm cá nhân. Nếu trong Trước giờ nổ súng, phẩm chất anh hùng của Lương, Khiêm được khẳng định bằng sự dũng cảm, kiên định, ý chí sắt đá khi đối mặt với những hiểm nguy, gian khổ trong cuộc hành trình của đội CC3 thì trong Mẫn và tôi, Phan Tứ lại đặt Mẫn vào tình huống thử thách giữa riêng – chung, giữa nghĩa vụ, trách nhiệm của một cán bộ với tình thân. Trước trận lụt lịch sử ở Tam Sa, dưới thì nước dâng, trên thì đạn xối, Mẫn ưu tiên cứu mọi người trước. Và để tròn việc nước, vì việc chung đôi khi con người phải đánh đổi cái giá rất đắt – mẹ Mẫn đã không tránh được những mảnh pháo mà giặc xả xuống những con người đang ngoi ngóp tìm sự sống trong trận lụt.
Với Lê Khâm – Phan Tứ, chiến tranh là môi trường “lửa thử vàng”. Thời Lê Khâm, “vàng” được tôi luyện trên ngọn lửa của chiến trường giữa ta – địch (Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng). Thời Phan Tứ, nhà văn thổi thêm lửa vào bếp để thử vàng, nhân vật trong tiểu thuyết thời Phan Tứ ngoài thử thách trên chiến trường còn được đặt trong thử thách trên ở trận tư tưởng với những
gian khổ mà ta gây ra cho ta. Những Mẫn, Cả Chanh, Sáu Cam, Năm Chò,…
đều vấp phải những hòn đá chắn ngang trên con đường cách mạng như Tám Liệp (Mẫn và tôi) và Ba Mậu (Người cùng quê). Nhưng sự kiên định lí tưởng đã giúp họ giữ vững lập trường cách mạng.
Song, trước Người cùng quê, hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ dù được khắc họa thành công với những nét gần gũi với hiện thực cách mạng nhưng vẫn trong cái nhìn một chiều. Người cùng quê đánh dấu một bước ngoặt trong quan điểm, tư tưởng của nhà văn trong cái nhìn về người anh hùng – người anh hùng thực chất cũng là những con người mang những nét đời thường như bao người khác. Người anh hùng trong Người cùng quê của Phan Tứ là con người xả thân vì nước nhưng cũng nghĩ về lợi ích của cá nhân trong sự thống nhất với lợi ích chung của tổ quốc.
Bên cạnh những suy nghĩ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, bên cạnh những lúc ép xác mình lo việc chung của đất nước đến ngất xỉu bởi những cơn đau dạ dày hành hạ – di chứng của những năm tù đày, Cả Chanh cũng có những trăn trở, day dứt của bản thân về gia đình:
Mỗi khi nghĩ đến Cam, Cả Chanh lại buồn nhức nhối. Anh là con trưởng nam, anh được cha lo cho học chữ, học nghề nhiều hơn, với hi vọng là đứa trước rước đứa sau, con béo kéo con gầy. Nhưng anh không giúp gì được cho em út cả. Anh nhận mà không trả, đúng hơn là chỉ trả cho Tổ quốc mà gần như bỏ mặc các em. Anh cố gắng tìm thằng Cam đưa về quê, thu xếp cho nó ăn học… Chao ôi, nó có hiểu cho anh rằng sau bấy nhiêu năm tra tấn tù đày, đau dạ dày nôn ra máu, vẫn chỉ được hưởng mỗi ngày hai bữa cơm hẩm với rau luộc chấm nước muối [37, tr.425].
Chanh luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho đứa em đã chịu quá nhiều thiệt thòi từ thuở bé. Chanh biết Cam là đứa ham học, học giỏi nên dù biết Cam muốn được về miền Nam để “ngửi mùi thuốc súng” thì Chanh vẫn muốn thu xếp cho em trai mình tiếp tục được nghiên cứu ở Liên Xô.
Có thể nói, người cách mạng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ từ cái nhìn của con người bước qua cuộc chiến, đó không chỉ là con người chung của cộng đồng mà còn là con người riêng của gia đình. Người anh hùng toàn diện là con người có sự thống nhất giữa việc nước với việc nhà. Trước cảnh con trai đầu lòng chết, vợ phát bệnh, cùng với sự ganh ghét của Ba Mậu, dù không muốn rời ngành hỏa xa nhưng Chanh cũng đành viết đơn xin nghỉ dài hạn để chữa bệnh và thu xếp việc nhà: “Gượng mãi theo nghề xe lửa chạy đêm, sa lưới mãi trong bụi tre gai của Ba Mậu, cố nén mãi những cơn đau dạ dày, khoán trắng mãi việc kiếm sống nuôi nhà cho Thùy, không được nữa rồi. Đau lòng đến mấy cũng đành rời hỏa xa thôi. Cả Chanh phải chịu rẽ bước đi ngang” [37, tr.516]. Vai trò trụ cột của gia đình kéo Chanh tạm thời gác việc lớn để thu xếp việc nhỏ.
Người lính chiến đấu vì lợi ích của đất nước, của dân tộc nhưng đằng sau đó là chiến đấu vì lợi ích cho những người thân của mình. Họ cầm súng, xả thân vì hòa bình đất nước, vì hạnh phúc muôn dân cũng chính là vì họ muốn gia đình của mình được hưởng hạnh phúc, ấm no: “Anh em giấu nhau gửi rất nhiều thư lên trung đoàn, xin phép được ghi tên trước để khi xã mình phát động thì được phép về góp một tay” [37, tr.826] chứ ai lại để mãi cái cảnh ngược đời, mình đi đánh giặc cứu nước, trong khi gia đình đói khổ, làm thuê vỗ béo cho địa chủ mãi.
Có thể nói cái nhìn về người anh hùng cách mạng trong tiểu thuyết Phan Tứ có sự thống nhất, đó là con người suốt đời trung thành với lí tưởng, sẵn sàng cống hiến và hi sinh vì cách mạng. Nhưng từ những tiểu thuyết được viết trong thời chiến đến tiểu thuyết được viết sau chiến tranh, cái nhìn về người anh hùng của Lê Khâm – Phan Tứ ngày càng chân thật với đời thường hơn. Nếu như trong thời chiến, ý thức cách mạng của những nhà văn như Lê Khâm – Phan Tứ buộc Lê Khâm – Phan Tứ phải làm ngơ hoặc cố né tránh những điều tự nhiên vốn có ở con người nhất là những chiến sĩ cách mạng thì sau chiến tranh, với Người cùng quê, nhà văn đã trả lại cho con người những giá trị vốn thuộc về họ.
Hiện thực chiến tranh khốc liệt là điều ai cũng hiểu, ai cũng biết nhưng phía trước còn biết bao nhiêu việc cần làm, người ta không có thời gian để khóc than cho quá khứ. Ngòi bút của Lê Khâm – Phan Tứ là ngòi bút hiện thực tỉnh táo, nhà văn không né tránh những nỗi đau, mất mát trong thời chiến. Trong Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, những hi sinh, mất mát của những chiến sĩ tình nguyện ở chiến trường Hạ Lào nhiều lần được nhà văn gián tiếp hoặc trực tiếp nhắc đến. Chiến trường mà, hy sinh, mất mát là điều tất yếu. Từ tiền tuyến, Lê Khâm – Phan Tứ quay về hậu phương, đó cũng là lúc hiện thực chiến tranh khốc liệt được gia tăng thêm liều lượng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ.
Không chỉ là những cái chết của những chiến sĩ trên chiến trường nữa mà còn là những chết của những người dân, từ già đến trẻ, có cả trẻ nhỏ: bé Hoàn (Mẫn và tôi), bé Tuấn (Người cùng quê), có cả trẻ sơ sinh (Trại S.T.18). Cái sắc lạnh trong ngòi bút của Phan Tứ khi miêu tả cái chết của Pha (Trước giờ nổ súng):
“Pha nằm nghiêng trên cỏ, một vũng máu loang nhòe trên miệng. Đôi mắt xếch không nhắm. Hàng trăm con vắt no tròn đang trườn trên thân Pha xuống đất.
Bàn tay Pha cũng trắng xanh như những cánh hoa đoọc kệt đang với lên trước, đè rạp lá nhọn, gần chạm bông hoa muốn hái” [35, tr.458] càng sắc lạnh hơn khi miêu tả cái chết của bé Hoàn (Mẫn và tôi) với mảnh sọ dính trên ngọn cây:
“Nằm nghiêng trên búi cỏ là một vật gì như mảnh gáo dừa bằng ba ngón tay, có nhiều sợi xơ đen và mịn, trong lòng còn dính cơm dừa nạo không hết, màu trắng lẫn màu nâu. Mảng sọ của cháu Hoàn. Chúng tôi tìm mãi không thấy, thì ra nó văng lên cây, vừa rơi xuống” [36, tr.345-346].
Nhưng trong Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Trại S.T.18, những mất mát của chiến tranh có ý nghĩa tô đậm lòng căm thù giặc, là động lực để chiến đấu. Với Người cùng quê, Phan Tứ quan tâm tới số phận con người trong hoàn cảnh chiến tranh, những được – mất của con người. Nếu như trong Mẫn và tôi, trải bao trận chiến, chứng kiến bao đồng đội mình ngã xuống, những người lính như Thiêm lấy nỗi đau làm bàn đạp để tiến
thẳng về phía kẻ thù, ào lên giết giặc để an ủi vong linh những người đã ngã xuống:
Chúng tôi chẳng mấy khi nhắc đến cái chết không phải vì kiêng kị, sợ nó ám ảnh hay ngại bị đánh giá thấp như đôi người tưởng lầm, mà chỉ vì quá quen nhảy qua đầu cái chết để giành và giữ sự sống chung, sự sống ấy cuốn hút tất cả suy nghĩ và cảm xúc của người lính. Tôi đã trải qua rất nhiều lần chia tay, khi người sắp chết cố cười giỡn một câu khóa sổ, khi người sống sẵn sàng đổi chỗ cho bạn và lớn vọt lên trong nỗi đau thiêng của cuộc bàn giao nghiệp lớn [36, tr.339-340]
thì trong Người cùng quê, những người lính trải đời, trải đạn như Năm Chò, chứng kiến nhiều cái chết của đồng bào, của đồng đội mình khiến anh luôn chịu đựng:“Nỗi băn khoăn dày vò anh về người ở lại chìm sâu dưới những trăm nỗi lo toan hàng ngày, chỉ trồi lên hành hạ anh về đêm, mỗi ngày đêm như thế lặng lẽ khắc sâu thêm đường nhăn trên trán và để lại một vài sợi bạc trên tóc” [38, tr.896]. Để có được hào quang của chiến thắng vẻ vang, quân và dân ta phải đánh đổi bằng chính xương máu của mình. Hàng ngày phải chứng kiến những cảnh chết chóc của chính đồng đội mình, làm sao người lính không khỏi những dằn vặt trong tâm hồn? Đó là một sự thật mà người lính chiến phải chấp nhận và gánh chịu trên chiến trường. Và đây cũng chính là cái nhìn chung của những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng(Dương Hướng),…
Nói về số phận của người phụ nữ trong chiến tranh, tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ từng xây dựng thành công rất nhiều những hình ảnh người phụ nữ Trung Trung Bộ, đảm việc nước, giỏi việc nhà như: má Bảy, chị Năm Tân, Ngọ, Út Sâm (Gia đình má Bảy), mẹ Sáu, chị Tám Giàu, chị S.22, Chín Cang (Mẫn và Tôi), và đặc biệt là Mẫn. Phan Tứ khẳng định vai trò, vị trí, năng lực của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong Mẫn và tôi, nhà văn cũng từng cảm thông với thân phận của người phụ nữ trong chiến tranh, vừa