Chương 3 CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TIỂU THUYẾT LÊ KHÂM –
3.1. Diễn ngôn người kể chuyện – những phát ngôn nhân danh cộng đồng
3.1.2. Diễn ngôn kể là thời gian lịch sử – sự kiện được kết cấu theo mô hình thời gian chiến dịch
Trong bài viết Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975, Lã Nguyên từng nhận định: “Trong văn học trước 1975, nằm ở vị trí trung tâm của bức tranh thế giới bằng ngôn từ là bốn từ định danh: mặt trận – chiến dịch – chiến sĩ – vũ khí”. Sống trong một hoàn cảnh bất thường của lịch sử, bức tranh hiện thực mà các nhà văn thể hiện trong tác phẩm là hiện thực chiến tranh với âm vang sử thi về lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong vườn hoa nở rộ của tiểu thuyết, mỗi nhà văn là mỗi vẻ đẹp, cái duyên dáng riêng của một phong cách độc đáo. Cái vẻ phong phú, nhiều màu sắc đó được Phan Cự Đệ đánh giá:
Chúng ta có cái đẹp nhẹ nhõm, thanh thoát, trong sáng của Nguyễn Đình Thi, cái xù xì gân guốc, phong phú đến mức rậm rạp của Nguyên Hồng, cái hóm hỉnh, thông minh, tinh tế và thơ mộng của Tô Hoài, cái tỉnh táo sắc sảo đầy tính chất phát hiện của Nguyễn Khải, cái đôn hậu, ấm áp điểm vẻ huy hoàng tráng lệ của Nguyễn Huy Tưởng, cái dân gian mà lại hiện đại của Nguyễn Thi, cái hiện đại mà lại cổ kính của Nguyễn Tuân, cái hùng tráng thi vị của Nguyễn Trung Thành, cái trữ tình tha thiết đến độ say đắm của Anh Đức, cái trí tuệ, hài hòa và cân đối đến mức cổ điển của Phan Tứ,… [99, tr.110].
Có thể cùng viết về một đề tài nhưng trong mỗi tác phẩm là mỗi dấu ấn cá nhân của từng nhà văn. Đó chính là cái riêng của nhà văn trong nghệ thuật trần
thuật. Trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ diễn ngôn kể là lời trần thuật có ý nghĩa tổ chức cấu trúc tự sự về những biến cố của lịch sử, xã hội hay đời người trong chiến tranh. Mỗi lời kể mang ý nghĩa là hạt nhân của câu chuyện, mỗi câu chuyện mang ý nghĩa khác nhau. Tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ được kết cấu theo lối kể thời gian lịch sử – sự kiện. Thời gian lịch sử được miêu tả chân thực, khách quan. Trục chính của câu chuyện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ diễn tiến theo các sự kiện chính trị, nhìn con người từ góc độ xã hội, thời gian cá nhân cũng được lồng ghép vào thời gian xã hội. Kết cấu thời gian – lịch sử trong tiểu thuyết được mô hình hóa thành thời gian chiến dịch. Thời gian chiến dịch cuốn các nhân vật phải cuốn theo guồng máy chiến tranh đang quay vội vã.
Nội dung chính trong văn học cách mạng nói chung và tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ nói riêng thể hiện những vấn đề mang tính chất thời đại của cộng đồng. Chính vì thế khi nói đến diễn ngôn kể trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, đầu tiên phải nói đến lời kể có tính chất thông báo những sự kiện, biến cố có liên quan đến cuộc đời, số phận của nhân vật.
Sự kiện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ là sự kiện chiến tranh. Lời kể ở đây nhằm thuật lại chiến thuật của giặc đàn áp dân, càn quét bộ đội ta:
“Pháp bỏ chiến thuật cũ, chuyển sang càn lâu quét kĩ, thắt dần túi lưới. Máy bay đổ đến như những đợt sóng lửa, dội napan đốt làng. Bảy chục con voi dàn hàng ngang xéo lúa đều đặn từng khoảnh, từng ô” [35, tr.234]. Chúng thực thi tội ác vừa ép dân phải phục tùng vừa làm giảm ý chí chiến đấu của ta: “Hồi đánh Tây xã mình hi sinh có bốn mươi bốn người. Mới mấy năm ngừng tiếng súng, Mỹ – Diệm đã giết sáu mưới bảy mạng, vừa mổ bụng giữa chợ vừa nhét bao thả sông. Nó cắt đầu con bỏ trên mâm, bắt mẹ bưng mà không cho khóc…”
[35, tr.658]. Hay: “Địch rút bỏ lại hai ấp Nhơn Phước và Nhơn Lộc nhỏ hơn, giao ấp Nhơn Thọ cho đám dân vệ thập thò, kéo hết tiểu đoàn về đóng dồn cục trong xóm Đình, cố cướp lại hòn đảo hình con cá” [36, tr.266]. Không chỉ bao
quát sự kiện trong một không gian nhỏ hẹp của một làng, một xã, có khi người kể chuyện mở rộng cái nhìn khái quát sự kiện chiến tranh trong cả một khu vực:
Chiến tranh Thái Bình Dương đang lên tới điểm đỉnh. Bọn Nhật đổ ra từng tấn giấy bạc năm trăm hình rồng xanh mới in sau đảo chính, vét hết tất cả những thứ ăn được. Bọn liên đoàn chặn đường soát chợ cướp từng cân gạo, ống đậu. Các đảng phái thân Nhật đi hò hét khắp các bến xe bãi ga, vừa chửi nhau vừa gọi trai tráng đi lính. Mấy lão chức sắc đạo Cao Đài mỗi lần cúng lại kêu gọi tín đồ phò đức Cường Để sắp từ một nước Đại Nhựt Bổn về cầm quyền. Số đảng viên Đại Việt và Quốc dân đảng được Nhật thả về đang hối hả tìm nhau và giành thế [37, tr.210].
Sự kiện chiến tranh mang tính chất cộng đồng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ còn là những chiến dịch của ta. Tuy nhiên cũng giống như đặc điểm của những tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng trong văn học Việt Nam nói chung, khác với cách kể ngắn gọn khi nói về kẻ thù, cái nhìn của người kể chuyện về phe ta là cái nhìn trực diện có chiều sâu. Từ thời gian chuẩn bị đến khi bắt đầu chiến dịch, sự kiện, biến cố được người kể chăm chút từng chi tiết.
Phải kể đến ở đây là cuộc hành trình đưa bản “anh hùng ca số 5” đến mặt trận để chuẩn bị mở chiến dịch đánh Pà Thạc của bộ đội tình nguyện trong Trước giờ nổ súng hay công tác chuẩn bị những ngày đầu nổi dậy chống Pháp trong Người cùng quê.
Sống trong không gian thời chiến có nghĩa là con người không chỉ đối diện với chết chóc hàng ngày mà những cảnh bom rơi, đạn xéo cũng là hình ảnh thường trực. Lời kể ngắn gọn nhưng thường xuyên được lặp lại của những cảnh ấy trở thành một âm thanh vang vọng của thời chiến. Từ rừng núi đến đồng ruộng, từ nông thôn đến thị thành, từ nhà ra ngõ,… đâu đâu cũng là chiến trường. Những trận phục kích hay đụng độ bất thình lình giữa ta và địch là chuyện thường bắt gặp. “Đêm ấy, chúng tôi mò vào làng tính đánh trả đũa, húc phải một ổ phục kích” [36, tr.153]. Và có rất nhiều lần đọ súng không cân sức:
“Mẫn vừa nói dứt, mấy cây trung liên đã xổ đạn rào rào về phía chúng tôi, thêm mươi trái cối 60” [36, tr.163]; “Mé Lộc Chánh, trung liên nổ sáu bảy loạt ngắn, nòng chõ lên làng Cá nghe pình pình choác choác” [36, tr.329].
Lê Khâm – Phan Tứ quan niệm chiến tranh là môi trường sàng lọc và phân hóa nhân cách con người, chiến tranh làm con người trưởng thành nhanh hơn. Vì thế trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, nhân vật thường trải qua những thử thách gian khổ, chết chóc, chia ly. Thời gian thử thách chính là thước đo phẩm giá của con người thời chiến. Nếu như trong Hòn Đất (Anh Đức), tác giả đặt đội du kích vào thời gian thử thách sức chịu đựng và lòng trung thành trong hang Hòn; lòng trung kiên của chị Sứ lúc bị địch bắt và lòng chung thủy của chị đối với chồng thì trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, không ít lần nhà văn để nhân vật phải đối mặt với những gian khổ, khó khăn, mất mát, đau thương.
Những diễn ngôn kể xuất hiện trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ phần nhiều là những sự kiện, biến cố có liên quan trực tiếp đến số phận con người. Trong Trước giờ nổ súng, trước khi được kết nạp Đảng, Khiêm phải trải qua thời gian thử thách với cuộc hành trình của đội CC3 và lần bị địch bắt tra tấn. Trong Gia đình má Bảy, Út Sâm cũng được thử thách với những đòn roi, bị sắt nung ấn vào da thịt để thành cô du kích chững chạc hơn. Các nhân vật bất chấp nguy hiểm khó khăn, sẵn sàng lao mình vào lửa đạn để đến với lí tưởng cách mạng.
Vượt qua thời gian thử thách trong quá khứ thì tương lai sẽ là hạnh phúc: “Niềm vui hạnh phúc chúng ta là ở chỗ, chúng ta hiểu rằng ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay” (Vùng trời – Hữu Mai). Và quãng đời của người anh hùng trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, hầu như ai cũng có những nỗi đau riêng. Lương đi bộ đội tình nguyện ở Lào, “vợ Lương bỏ con đói rách, chạy ra vùng tự do lấy chồng chủ cửa hiệu chữa xe đạp, mở quán giải khát gần thị xã” [35, tr.242].
Cha Mẫn bị tù đày, mẹ và con nuôi chết dưới bom Mỹ. Rồi có lần Mẫn bị bắt, bị tra tấn: “Tới năm 1961, Mẫn bị bắt ở chợ An Tân với hai ngàn viên thuốc sốt rét clôrôkin trong người. Đòn gần chết. Mẫn được một chị chung buồng giam cởi
trói, lội ruộng băng gò bốn đêm tới Tam Sơn, vùng giải phóng đầu tiên ở ven núi” [36, tr.204]. Vợ chồng anh Tô Xáng thì “chỉ được một con nhưng bị chết non trong khi cả hai vợ chồng lần lượt bị bắt” [37, tr.106]. Nhưng những nỗi đau đó không làm họ bi lụy, họ lao vào hoạt động cách mạng bằng tất cả sức bật của những chiếc lò xo. Cuộc đời không tròn vành nhưng đã vẽ nên nhân cách đẹp cho những con người luôn sẵn sàng sống và hi sinh vì lí tưởng, vì đất nước và dân tộc. Tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ không chỉ kể về những chiến sĩ, du kích, mà còn có hình ảnh những người chị, người mẹ ở hậu phương với ngọn lửa cách mạng cháy bỏng: “Người chị ấy, lấy chồng hơn mười năm mà chưa được ở với chồng cho trọn một tuần, đã đào hầm bằng dao phay và bát mẻ để anh nấp, nhịn cơm mình và bớt cả cơm con để nuôi anh no đủ, cấm anh ra vườn để tự đi đổ ống phân và nước giải của anh” [35, tr.594]. Tiền tuyến và hậu phương vững mạnh, đoàn kết đã đem đến chiến thắng thần thánh trong cuộc chiến tranh không cân sức của dân tộc ta trong suốt ba mươi năm sống trong bom đạn.
Diễn ngôn kể trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ còn đánh dấu những bước ngoặt trong nhận thức chân lí của nhân vật. Tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ mở rộng con đường nhận thức chân lí từ những chiến sĩ quân giải phóng của ta đến chiến sĩ quân giải phóng Lào và cả đến trong hàng ngũ địch. Từ Sử:
Càng ngày tôi càng nghiệm, thấy cuộc sống chung quanh tôi không thiếu những niềm vui lớn và những phút tâm hồn bay bổng, bởi nó là cuộc sống lao động khẩn trương đến độ cao nhất, yêu và ghét đến cung bực cuối cùng của tình cảm con người. Cuộc sống anh hùng tỏa nên chất thơ, chính là chất thơ [35, tr.429]
đến Văn Thon:
Tám năm trước, Văn Thon tìm ra chân lí của đời anh sau nhiều đêm nói chuyện với bác Bun, người cán bộ cách mạng. Đến nay, trước mắt Văn Thon lại chói lòa một chân lí thứ hai, khắc bằng chữ máu trong hồn con
người đã nhiều năm tự vò xé mình để tìm con đường thoát cho lòng yêu nước. Đó là tinh thần quốc tế” [35, tr.479]
và cả viên sĩ quan người Nhật – Takêđa:
Chỉ còn một nơi để sống, đó là vùng đất của chính phủ Hồ Chí Minh, đó là hàng ngũ Việt minh. Tôi không hiểu gì về chính trị, về dân tộc Việt Nam, nhưng tôi biết chắc một điều là tôi sẽ sống nếu Cụ Hồ thắng, tôi sẽ chết nếu Cụ Hồ bại… Anh đừng tưởng tôi quá sợ chết. Tôi sẵn sàng chết khi kêu gọi lính Nhật buông súng, cái chết ấy sẽ làm cho máu Nhật và Việt bớt chảy” [37, tr.416].
Chân lí mà họ tìm thấy không ở đâu xa mà ở từng bước chân trên con đường chiến đấu. Có người đi đến cuối con đường chân lí, cũng có người ngã xuống, nhưng tất cả họ đều chung một niềm tin vào một ngày mai.
Thời gian trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ thường là thời gian quá khứ và hiện tại được đặt trong thế đối lập nhau theo lối kết cấu thời gian đối sánh – quy kết. “Nếu như trong văn học lãng mạn, quá khứ thường là kỉ niệm đẹp thì trong văn học cách mạng, quá khứ thường là những ngày đói khổ, tủi nhục vì sống trong chế độ cũ bất công. Nếu trong văn học hiện thực phê phán, hiện tại bao giờ cũng xấu xa, nghèo khổ thì trong văn học cách mạng, hiện tại bao giờ cũng tươi đẹp, hạnh phúc” [28, tr.117]. Mô típ trước khổ – sau sướng nhằm làm sáng tỏ tính ưu việt của chế độ mới. Sự đối sánh giữa xưa yếu – nay mạnh nhằm khẳng định sự lớn mạnh của cách mạng cũng như xu hướng vận động tương lai của cách mạng.
Bên cạnh những lời kể về biến cố của lịch sử, xã hội hay đời người trong chiến tranh theo ngôn ngữ thế sự đời thường, tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ còn có những lời kể huyền thoại hóa mang âm hưởng dân gian của những câu chuyện cổ. Trong Bên kia biên giới là câu chuyện về ba anh em Khạ, Lào, Việt đoàn kết đánh hổ: “Thuở ấy chim chóc còn chưa biết nói, hoa sen nở đủ một năm mười hai mùa. Trên đỉnh núi cao nhất của Bô Lô Ven có ba anh em không
cha không mẹ, tự dưng sinh giữa cõi trần” [35, tr.57]. Trong Trước giờ nổ súng là sự tích núi Vượn. Câu chuyện về nàng Mô La tham vàng phản bội chồng hóa thành vượn để răn đe những ai tham vàng bỏ ngãi, bán dân hại nước đều biến thành kiếp vượn khóc bơ vơ, kéo về giữ hang cho Phạ lư xỉ: “Xưa kia trên hang núi Vượn có ông Phạ lư xỉ (đạo sĩ) tu luyện bên dòng suối đêm ngày đếm đá cuội lách cách” [35, tr.272]. Trong Mẫn và tôi, ta lại bắt gặp hình ảnh Nguyễn Huệ mang màu sắc huyền thoại qua những dòng suy tưởng của Thiêm:“Bác Hồ tiếp Nguyễn Huệ. Lời Bác sang sảng mắng giặc Mỹ hàng ngày rung trên vòm xanh kia. Tôi bật lên. Hãy cho tôi lên cao, lên cao mãi theo bóng buồm trắng của Nguyễn Huệ và những sóng điện mang giọng Bác Hồ, cho tôi đi vào thế giới huyền diệu của lí tưởng làm người” [36, tr.395]. Đặc biệt trong tiểu thuyết Lê Khâm – Phan Tứ, độc giả dễ dàng nhận thấy nhiều lời kể về phong tục, tập quán của đất nước con người Việt, Lào. Nếu những bài hát mỏ lâm, những bài hát và điệu múa lâm vông đặc trưng cho đất nước Triệu voi thì những câu hò ngọt ngào lại đậm sắc Việt Nam. Có thể nói Lê Khâm – Phan Tứ rất khéo trong sự kết hợp cách kể chuyện đan xen những câu chuyện, phong tục, tập quán mang màu sắc dân gian. Chúng vừa tạo nên sức hấp dẫn của sự bình dị, dân dã, vừa là những bài học về tinh thần đoàn kết, đạo lí làm người, lí tưởng sống, vừa là niềm tự hào về văn hóa dân tộc.