Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.4. Diễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết thời chiến và thời hậu chiến
1.4.1. Diễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết thời chiến Đất nước Việt Nam trải qua ba mươi năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Giữa dòng thác của lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với những thử thách khốc liệt trong cuộc chiến không cân sức. Không những thế, sự du nhập của chủ nghĩa Mác – Lê và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng mở ra một viễn cảnh chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Chiến tranh lan đến mọi miền của đất nước, gõ cửa đến từng căn nhà.
Chiến tranh đánh thức truyền thống bốn nghìn năm lịch sử cũng như xây dựng nên những giá trị tinh thần mới cho người Việt Nam. Trong các thể loại văn xuôi viết về chiến tranh, tiểu thuyết đạt được nhiều thành tựu hơn cả, nó góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo văn học Việt Nam hiện đại. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng, các nhà tiểu thuyết phản ánh tích cực và sinh động những bước đường đi lớn của dân tộc, đồng thời lí giải được sự biến chuyển trong tính cách của những người con đất Việt đã được tôi luyện trong khói lửa.
Tiểu thuyết được mùa cả về số lượng lẫn chất lượng: Xung kích, Đất nước đứng lên, Một truyện chép ở bệnh viện, Trước giờ nổ súng, Sống mãi với thủ đô, Cao
điểm cuối cùng, Dấu chân người lính, Chiến sĩ, Vùng trời, Rừng U Minh, Mẫn và tôi, Đất Quảng,… Có thể nói, từ năm 1945 đến 1975, hiện thực cách mạng và đời sống lịch sử dân tộc là đối tượng phản ánh chủ yếu của nhà văn. Nhà văn không chỉ là những chiến sĩ trên trang viết mà còn là những chiến sĩ thực thụ trên chiến trường.
Trong hoàn cảnh bất bình thường ấy, con người phải gồng mình để sống và chiến đấu. Điều kì diệu gì đã tạo nên sức mạnh để một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng kẻ thù hùng mạnh? Những hi sinh, mất mát, đau thương,… của hiện thực chiến tranh cùng với truyền thống yêu nước của dân tộc đã hun đúc nên những con người phi thường của thời đại. Cả nước chung một lòng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Muốn độc lập tự do, muốn hòa bình chỉ có một con đường là chiến đấu và chiến thắng. Chủ nghĩa anh hùng lấp lánh từ hậu phương đến tiền tuyến, đi từ thực tiễn đến trang văn. Tư tưởng của thời đại của cả dân tộc, từ người trẻ đến người già đều sẵn sàng cầm súng ra chiến trường. Diễn ngôn của thời chiến là “sống để chiến đấu”. Nhiều câu nói bất hủ đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của những lớp người sống dưới gót giày ngoại xâm.
Anh hùng Lê Mã Lương từng nêu cao lí tưởng của thanh niên thời chiến: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”; Nguyễn Viết Xuân mạnh mẽ hô to: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”; anh Nguyễn Văn Trỗi khẳng định con đường tìm đến hạnh phúc là phải chiến đấu: “Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc cả”,… Ngay cả những người phụ nữ cũng bước khỏi cái bếp hàng ngày để cầm súng chiến đấu. Họ cũng mạnh mẽ không kém những nam nhân:
“Còn cái lai quần cũng đánh” (Người mẹ cầm súng, Nguyễn Thi). Vấn đề chiến tranh không chỉ là vấn đề chính trị được bàn đến ở những nơi tôn nghiêm mà ngay cả trong cuộc trò chuyện hàng ngày của mỗi gia đình:
- Bố cho là binh chủng nào hơn hả bố?
Ông bố – một đảng viên già, cán bộ quân giới vừa về hưu – trả lời con trai:
- Ở đâu đánh Mỹ nhiều, binh chủng ấy là tốt nhất.
(Tiếng mưa, Nguyễn Thị Như Trang).
Trong hoàn cảnh chiến tranh, con người luôn được nhìn nhận từ tầm vóc sử thi. Và khuynh hướng sử thi là khuynh hướng gắn liền với các cuộc chiến tranh vệ quốc, là đặc điểm bao trùm cả nền văn học Việt Nam 1945 – 1975. Chính thế mà hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết chiến tranh, những người anh hùng và cả quần chúng đều là hình ảnh của nhân dân. Tư tưởng của nhân vật, diễn ngôn của nhân vật cũng là diễn ngôn của thời đại, của quần chúng cách mạng.
1.4.2. Diễn ngôn về chiến tranh và hòa bình trong tiểu thuyết thời hậu chiến Chiến tranh kết thúc nhưng những dư âm về thời chiến vẫn là nỗi ám ảnh với con người khi bước qua cuộc chiến. Nhiều nhà văn vẫn tiếp tục viết về chiến tranh trên lập trường giai cấp, dân tộc, song, quan niệm về chiến tranh cũng như cách thể hiện đề tài chiến tranh đa dạng hơn. Xuất phát từ lợi ích dân tộc, nhiều nhà văn tâm niệm viết về chiến tranh trước hết cần phân biệt rõ “chiến tranh nào” và nhất thiết phải tôn trọng sự thật lịch sử, “thiên chức của nhà văn là viết về chiến tranh để chống chiến tranh nhưng cần phân biệt đó là cuộc chiến nào”
[84, tr.13].
Phản ánh cuộc chiến vĩ đại, khẳng định chính nghĩa, khẳng định phẩm giá dân tộc vẫn là những vấn đề được xem trọng trong văn học chiến tranh nhưng sau 1975, nhà văn nhấn mạnh hơn vào yêu cầu “chân thực”. Họ không chỉ nói đến thắng lợi mà còn nói đến tổn thất, hi sinh, không chỉ nói đến niềm vui mà còn nói đến nỗi đau khổ do quân thù gây nên. Chu Lai là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên nói về bản chất của chiến tranh khác hẳn với quan niệm truyền thống: “Bằng những kiểm nghiệm bản thân, tôi hiểu ra rằng chiến tranh quả thật không vui vẻ gì, đối với bất cứ dân tộc nào, dù là tự vệ hay xâm lược, chiến tranh đều mang ý nghĩa bi kịch” [43, tr.115]. Đọc Nỗi buồn chiến tranh, Cao Tiến Lê từng phát biểu: “chiến tranh có nhiều con đường, con đường nào
cũng nhằm mục đích mang lại hạnh phúc cho mọi người và bao giờ cũng phải trả giá rất đắt”. Nguyễn Duy cũng thể hiện một suy ngẫm đầy tính nhân bản:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…
(Đá ơi).
Thời chiến, văn học là một vũ khí tinh thần đắc lực phục vụ kháng chiến.
Khi cuộc chiến đã đi qua, văn học trở về đúng vị trí của nó. Mỗi tác phẩm văn học cần khẳng định giá trị thực thụ của mình trong hiện thực mới. Nhiều nhà văn băn khoăn chọn lựa đối tượng chủ yếu trong tác phẩm của mình: “con người hay sự kiện?”. Nhà phê bình Hồng Diệu khẳng định, cái mà nhà văn cần là “viết về thân phận con người trong cuộc chiến, còn các sự kiện thì hãy dành phần cho các nhà sử học và các nhà quân sự” [85, tr.159]. Và khi lấy con người làm hệ quy chiếu trên trang viết, diễn ngôn chiến tranh và hòa bình không chỉ là những con đường vui của những chiến thắng thần thánh, mà điều nhận thấy nhiều nhất trong văn học viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến là nỗi đau, là hi sinh, mất mát: “Chiến tranh làm người ta hư đi hơn là làm người ta tốt hơn” [8, tr.504];
“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [80, tr.33].
Quan niệm ta – địch từng tồn tại nhất quán trong dòng văn học cách mạng mang khuynh hướng sử thi khá lâu giờ cũng có những thay đổi. Nhà văn Nguyên Ngữ (Hội Văn nghệ Bình Thuận) đã kể lại câu chuyện sau:
Tôi có quen biết một bà cụ có năm người con đi lính Ngụy thì cả năm đều chết. Bà cụ nói với tôi: “Chú ơi! Tôi không dạy con tôi đi lính bắn vào bà con chòm xóm mình, tôi không biểu nó đi đánh các chú cộng sản. Con tôi, đứa đang đi chăn trâu thì bị bắt lính. Đứa đang giong thuyền đánh cá thì bị bắt lính. Đứa đang đi học thì bị xung lính ngay ở sân trường. Chú ơi!
Chú không biết đẻ ra một đứa con, không may nó bị chết, đau như thế nào đâu? Vậy mà tôi những năm đứa chết [63, tr.6].
Những tiểu thuyết thời hậu chiến như: Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai), Nỗi buồn chiến tranh(Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Những mảnh đời đen trắng(Nguyễn Quang Lập), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Góc tăm tối cuối cùng (Khuất Quang Thụy), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường),… nhà văn đã chọn chất liệu quen thuộc để chuyển tải cái nhìn mới nhưng cũng đem đến tinh thần đối thoại về những vấn đề tưởng như đã trở thành chân lí bất di bất dịch: lí tưởng – lẽ sống, chính nghĩa – phi nghĩa, ta – địch, bạn – thù,…
Nguyễn Khải từng nhận xét: “Chiến tranh ồn ào náo động mà lại có cái yên tĩnh giản dị của nó, hòa bình mà lại chất chứa những sóng ngầm, những gió xoáy ở trong” [39, tr.104].