Mục đích của nghiên cứu này là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách nội địa du lịch tại Nha Trang. Dựa vào các lý thuyết về
chất lượng và sự thỏa mãn của khách hàng, các mô hình nghiên cứu trên thế giới như mô hình của Parasuraman & ctg (1988), mô hình của Zeithaml (2000), các
nghiên cứu của Nguyễn Văn Nhân (2007), nghiên cứu của Nguyễn Đình Đức
(2006), nghiên cứu của Trần Thị Lệ Thi (2009). Nghiên cứu này đã đưa ra mô
hình nghiên cứu lý thuyết về mối quan hệ giữa các thành phần trong chất lượng
dịch vụ và sự hài lòng của du khách (trình bày trong chương 2).
Phương pháp nghiên cứu sử dụng để xây dựng và kiểm định mô hình lý thuyết gồm hai bước chính: nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.
Nghiên cứu định tính được dùng để khám phá, điều chỉnh và xây dựng mô hình
thang đo sự hài lòng của du khách nội địa du lịch tại Nha Trang thông qua các ý kiến của các nhà quản lý và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ý kiến
của một số du khách du lịch tại Nha Trang. Nghiên cứu định lượng được thực
hiện thông qua bảng câu hỏi phỏng vấn trực tiếp 165 du khách du lịch tại Nha
Trang nhằm mục đích kiểm định mô hình thang đo và mô hình lý thuyết. Thang
đo được kiểm định thông qua phân tích độ tin cậy Cronbach alpha và phân tích nhân tố EFA. Mô hình lý thuyết được kiểm định thông qua phân tích hồi quy. Sau đó, đánh giá thực trạng sự hài lòng của du khách nội địa du lịch tại Nha
Trang (trình bày trong chương 3 và chương 4).
Chương 5 tóm tắt các kết quả chính của đề tài để từ đó đưa ra kết luận. Nội
dung của chương này bao gồm: (1) tóm tắt nghiên cứu và kết quả nghiên cứu, (2)
một số đề xuất về mặt lý thuyết và thực tiễn cho chính quyền, các ban ngành du lịch và các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch tại Nha Trang, (3) các hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo.