CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TRÀNG ĐỊNH, TỈNH LẠNG SƠN
4.4. Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông trên địa bàn huyện Tràng Định giai đoạn 2022 - 2030
4.4.5. Xây dựng chiến lược quy hoạch cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, gắn với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo
Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên cơ sở là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và các trường học trên địa bàn toàn huyện Tràng Định, đây là giải pháp mang tính trọng yếu, chiến lược đối với hệ thống các giải pháp, là một biện pháp quan trọng, cơ bản để xây dựng đội ngũ CBQL, giáo viên cơ sở bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý phù hợp với điều kiện đặc điểm của địa phương. Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên thì mới khắc phục được tình trạng bị động, chắp vá, hẫng hụt trong công tác cán bộ, giáo viên có năng lực trình độ, chất lượng cao phục vụ cong tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn huyện. Vì vậy, việc quy hoạch phải đảm bảo các yêu cầu về độ tuổi, trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Quy hoạch cán bộ phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL, giáo viên tại UBND huyện; có bước điều chỉnh, bổ sung kịp thời CBQL quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bố trí cán bộ trong nhiệm kỳ và nhiệm kỳ kế tiếp, chuẩn bị nguồn kế cận CBQL, giáo viên chủ chốt và thay thế số CBQL, giáo viên không đạt chuẩn thiếu tiêu chí bình xét.
Quy hoạch đội ngũ CBQL, giáo viên cần bám sát thực tiễn, có tính tích
cực, khả thi, nắm chắc đội ngũ hiện có và CBQL, giáo viên dự nguồn, tính toán, dự báo được nhu cầu trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của huyện và định hướng phát triển trong tương lai. Chỉ đưa vào quy hoạch những người có đủ các tiêu chuẩn quy định và phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác rà soát để đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi quy hoạch. Quá trình thực hiện công tác quy hoạch phải mang tính mở và có dự trù phương án cho các tiêu chí đó, một chức danh phải dự kiến quy hoạch từ 3 đến 4 người; một người quy hoạch tối đa không quá 3 chức danh. Mở rộng nguồn quy hoạch, không khép kín trong từng cơ quan, đơn vị, mà đưa vào quy hoạch cả những CBQL, giáo viên đang công tác tại cơ quan khác nếu có đủ tiêu chuẩn.
Trong công tác quy hoạch đội ngũ CBQL, giáo viên cần thông qua các phong trào thi đua để phát hiện người có phẩm chất năng lực, đặc biệt là người có tâm huyết và năng lực chỉ đạo thực tiễn tốt, làm việc năng động, sáng tạo, có hiệu quả, những nhân tố mới trẻ, có nhiều triển vọng phát triển, đạo đức, lối sống gương mẫu, tiên phong trong công tác, dám nghĩ, dám làm. Cần quan tâm tạo nguồn CBQL, giáo viên trẻ có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề nghiệp đã chọn, có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là những CBQL, giáo viên là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, CBQL, giáo viên hướng tới cơ sở. Cần phải triển khai thực hiện tốt các bước trong công tác quy hoạch đó là: rà soát đội ngũ CBQL, giáo viên và nhận xét đánh giá, xác định phương hướng cơ cấu trong thời gian tới và cụ thể hoá tiêu chuẩn, phê duyệt và công bố, tổ chức thực hiện phương án trong quá trình thực hiện quy hoạch đội ngũ CBQL, giáo viên phải công khai theo quy định.
Có thể nói, CBQL, giáo viên lãnh đạo là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan các cấp trên địa bàn toàn huyện. Do đó, việc quy hoạch, bổ nhiệm CBQL, giáo viên lãnh đạo cần phải được tiến hành đúng quy trình, chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, chính xác, chọn được những người thực sự có tài, có khả năng nhìn xa, trông rộng đáp ứng được yêu
cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, xác định nhiệm vụ học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cán bộ công chức. Mọi cán bộ, công chức phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, nhằm tiến kịp xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức, của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho những CBQL, giáo viên nằm trong quy hoạch, dự nguồn được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lực lượng CBQL, giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định nhưng có tiềm năng phát triển cần được đào tạo, đào tạo lại để đạt chuẩn theo quy định. Khuyến khích động viên CBQL, giáo viên tự học tập, tu dưỡng dưới nhiều hình thức, với phương châm “tích cực, tự giác, chuyên sâu, giỏi chuyên môn, sáng đạo đức”.
Những CBQL, giáo viên năng lực, trình độ thấp, chưa qua đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của công việc đặt ra, cần phải nắm bắt được họ để đưa đi đào tạo, đào tạo bổ sung, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để họ tiến kịp với xu thế và thực hiện tốt công việc được giao sau quá trình đào tạo, nhất là về ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng và các cơ sở giáo dục trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên trên địa bàn huyện Tràng Định, tiếp tục phối hợp với các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù và yêu cầu của từng chức danh CBQL, giáo viên. Về phương thức đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện nhiều mô hình đào tạo khác nhau, như: Tập trung, dài hạn, ngắn hạn, tại chức, bồi dưỡng ngắn ngày… Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học viên, cần thực hiện lồng ghép chương trình đào tạo giữa chuyên môn nghiệp vụ với trung cấp lý luận, giữa lý luận với quản lý nhà nước. Cần tiếp tục mở rộng mô hình đào tạo nguồn cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ và CBQL, giáo viên là người dân tộc thiểu số. Về
nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cần tiến hành khảo sát, điều tra tìm hiểu nhu cầu, điểm yếu kém, hạn chế, những công việc chưa thuần thục, chưa trở thành kỹ năng, kỹ xảo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt phương châm “làm việc nào chuyên môn ấy”. Do đó, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho CBQL, giáo viên phải được biên soạn, chỉnh sửa theo hướng sát với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các chức danh; chú ý trang bị kỹ năng, phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ: kỹ năng lãnh đạo, quản lý chung, kỹ năng phối hợp, kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng giao tiếp và ứng xử, ở đây kỹ năng giao tiếp và ứng xử đóng vai trò quan trọng; đầu tư chuẩn bị các bài tập xử lý tình huống trong thực tiễn, giúp học viên hình dung, nắm bắt được quy trình, các bước để xử lý trong thực tiễn.
Điều kiện để thực hiện tốt giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đó chính là cần có quyết tâm, có sự nhất trí cao trước hết là của các cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQL, giáo viên. Cùng với đó, cần có sự đầu tư đúng mức từ xây dựng cơ sở vật chất, đến tăng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, và có chế độ phụ cấp đãi ngộ thỏa đáng đối với CBQL, giáo viên cấp huyện được cử đi học. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà trường trên địa bàn toàn huyện Tràng Định với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Tổng điều tra về trình độ kiến thức của CBQL, giáo viên trên địa bàn huyện, nội dung điều tra gồm các tiêu chí như: Học vấn chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính tri, kiến thức quản lý nhà nước, tin học… Từ kết quả cuộc điều tra, nghiêm túc xây dựng kế hoạch xử lý kết quả tổng điều tra về Miễn nhiệm CBQL, giáo viên không đủ năng lực, không đủ tiêu chuẩn theo quy định, đào tạo bồi dưỡng, lý luận chính trị, kỹ thuật tin học cho những người chưa đạt yêu cầu; xây dựng chương trình với nội dung thiết thực, mở lớp tại huyện để đào tạo bồi dưỡng cho các CBQL, giáo viên chủ chốt. Giao chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho các cơ sở đào tạo về mục tiêu quản lý và phát triển nguồn nhân lực.