Các hiệp định về đầu tư trong ASEAN

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp việt nam sang các nước asean trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế asean aec (Trang 61 - 65)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI TRONG KHUÔN KHỔ AEC VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

2.2. Một số vấn đề về Cộng đồng Kinh tế ASEAN

2.2.2. Các hiệp định về đầu tư trong ASEAN

* Hiệp định Khuyến khích & bảo hộ đầu tư (AIGA) và Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA)

Cùng với thương mại hang hóa và thương mại dịch vụ, hợp tác về đầu tư của ASEAN cũng được tiến hành từ lâu. Tuy nhiên từ khi hiệp hội được thành lập, các hoạt động hợp tác về đầu tư trong khu vực diễn ra nhỏ lẻ, manh nhúm, chủ yếu được thực hiện theo các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia thành viên. Dần dần, xuất phát từ sự ngày một phổ biến của các thỏa thuận thương mại song phương

về đầu tư giữa các thành viên nhằm khuyến khích và bảo hộ luồng di chuyển dòng vốn, ngày 15/12/1987 những nhà lãnh đạo phụ trách các vấn đề kinh tế của các nước ASEAN 6 đã kí kết hiệp định hợp tác về đầu tư mang quy mô toàn ASEAN đầu tiên có tên là Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (AIGA-Agreement for the Promotion and Protecttion of Investment) để tiến hành hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực đầu tư trong khu vực. Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư có hiệu lực từ ngày 2/8/1988, sau đó được sửa đổi một lần vào năm 1996. Hiệp định này khá ngắn, chỉ bao gồm 13 điều khoảnvới mục tiêu chung là bảo vệ đầu tư như đảm bảo đối xử công bằng, bình đẳng trong đầu tư, các quy định về quốc hữu hóa và bồi thường, quyền chuyển vốn và lợi nhuận về nước của nhà đầu tư, thế quyền, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên của hiệp định.

Đến những năm 90, tình hình quốc tế và khu vực Đông Nam Á có nhiều thay đổi quan trọng, điển hình là sự kiện chiến tranh lạnh kết thúc, chấm dứt sự đối đầu giữa hai cực Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng, sự kiện này đã làm giảm bớt các cam kết an ninh mà đi kèm với nó là những giúp đỡ về kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên ASEAN, khiến các nước trong khối bắt đầu phải tự mình đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế từ một số nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và một số tổ chức quốc tế khu vực đang ngày một lớn mạnh như Liên minh Châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa kinh tế diễn ra nhanh chóng trong giai đoạn này cũng kéo theo các hoạt động đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên về quy mô và số lượng, vốn đầu tư nước ngoài trở thành một trong những nhân tố chiến lược cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Trong khi các thị trường Trung Quốc, Nga, Đông Âu ngày càng trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn không chỉ bởi những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, về nguồn nhân lực mà đặc biệt còn phụ thuộc vào chính sách mở cửa, khuyến khích và ưu đãi rộng rãi cho các nhà đầu tư nước ngoài thì ASEAN trở nên kém cạnh tranh hơn từ chính những hạn chế trong chính sách đầu tư của mình. Trước tình hình đó, nhằm tăng cường tính hấp dẫn và thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh về đầu tư cho toàn khu vực, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5 vào tháng

12 năm 1995, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí đưa ra Chương trình hành động ASEAN về hợp tác và xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong phạm vi ASEAN, đồng thời đưa ra sáng kiến thành lập Khu vực thương mại đầu tư ASEAN.

Ngày 7/10/1998, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) đã được kí kết, khai sinh ra Khu vực đầu tư ASEAN. Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 21/6/1999.

Với mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh, tự do, minh bạch, so với IGA, AIA tiếp tụcđưa ra các thỏa thuận nâng cao hơn nữa tiến trình tự do hóa, xúc tiến, thuận lợi hóa và hài hòa hóa chính sách đầu tư nước ngoài đang được thực hiện trong ASEAN; loại trừ danh mục đầu tư và bổ sung điều khoản về áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối hệ quốc, bảo hộ đầu tư.

Có thể nói rằng hai hiệp định AIGA và AIA đã có những tác động tích cực và quan trọng trong thúc đẩy FDI ở ASEAN kể từ khi ra đời cho tới nay, điển hình là nâng dòng FDI từ bên ngoài đầu tư vào khu vựctăng một cách đáng ngạc nhiên từ 460 triệu USD (năm 1970) đến 34.099 triệu USD (năm 1997). Đặc biệt năm 2007, khi các nền kinh tế ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn mang tính toàn cầu, dòng FDI nội khối của ASEAN vẫn tăng mạnh mẽ so với dự đoán tới 74,395 triệu USD (Nguồn: Cục ĐTNN-Bộ KH&ĐT, 2019). Tuy nhiên, mặc dù AIA đã tạo ra một thị trường tự do hơn để thu hút FDI nhưng hiệp định này vẫn chưa đủ toàn diện để hấp dẫn thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào ASEAN.

* Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)

Năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra quyết nghị thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuyên bố Bali 2 ghi nhận rằng: “hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN, ASEAN sẽ xây dựng cơ chế và các biện pháp mới để tăng cường thực hiện các sáng kiến kinh tế hiện có bao gồm Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Khu vực đầu tư ASEAN (AIA);

thúc đẩy hội nhập khu vực các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện cho sự di chuyển của thể nhân, lao động lành nghề và nhân tài; củng cố các thể chế của ASEAN, bao gồm cả việc cơ chế giải quyết tranh chấp hiện có để giải quyết các tranh chấp về kinh tế nhanh chóng và ràng buộc về mặt pháp lý” hướng tới mục tổng thể là tạo lập “một

khu vực kinh tế ASEAN phát triển ổn định, thịnh vượng, đồng đều, có tính cạnh tranh cao và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”. Với những mục tiêu mới của AEC, nhiều điều khoản trong AIA và IGA không đáp ứng được mục tiêu mà AEC đặt ra như AIA chỉ bao gồm các thỏa thuận về tiếp cận thị trường, các thỏa thuận về bảo hộ đầu tư theo IGA cũng trở nên lạc hậu với tình hình đầu tư, thương mại trong khu vực. Vì vậy, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất quan điểm soạn thảo văn bản mới thay thế hai Hiệp định về đầu tư hiện hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư cạnh tranh, minh bạch, tự do và thông thoáng hơn. Sau hơn 2 năm chuẩn bị và soạn thảo, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) đã được kí kết vào ngày 26/02/2009 và có hiệu lực vào ngày 29/3/2012. Hiệp định ACIA gồm 3 phần với 49 Điều khoản, trong đó, ngoài việc kế thừa các quy định trong IGA và AIA, căn cứ vào thực tiễn đầu tư quốc tế và khu vực, ACIA còn đưa ra những điều chỉnh mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư ASEAN như: mở rộng khái niệm nhà đầu tư ASEAN, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia thành viên, bổ sung những điều khoản với về chuyển giao và đãi ngộ đầu tư, đưa ra 1 danh sách các biện pháp hạn chế đầu tư và các tiêu cực trong đầu tư…

* Những điểm mới cơ bản theo qui định của ACIA so với qui định của AIA và IGA

ACIA được ban hành vào 2009 tái khẳng định một số qui định trong hai hiệp định AIA và IGA như nguyên tắc đối xử quốc gia (NT-National Treatment), nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN-Most Favored Nation), tịch biên và bồi thường…Bên cạnh đó ACIA cũng sửa đổi và bổ sung một số qui định mới về khu vực đầu tư ASEAN như trình tự giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư ASEAN và quốc gia thành viên, các biện pháp đầu tư bị cấm (các biện pháp yêu cầu đối với đầu tư nước ngoài, các biện pháp về quản trị doanh nghiệp)…Cụ thể những điểm khác biệt trong qui định của ACIA so với hai hiệp định trước như sau:

Thứ nhất, ACIA chứa định những qui định khá toàn diện về khu vực đầu tư ASEAN theo đó hoạt động đầu tư trong ASEAN bao gồm bốn trụ cột: tự do hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư, thuận lợi hóa đầu tư và xúc tiến đầu tư.

Thứ hai, ACIA ngay lập tức dành ưu đãi cho nhà đầu tư ASEAN và nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN với thời hạn đạt được môi trường đầu tư mở và tự do được rút ngắn vào năm 2015. Trong khi đó, AIA dành ưu đãi cho nhà đầu tư ASEAN đầu tiên và sau đó sẽ dành ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN vào năm 2020.

Thứ ba, ACIA đưa ra các định nghĩa liên quan tới khu vực đầu tư ASEAN một cách toàn diện hơn và phù hợp với những hoạt động đầu tư hiện hành.

Thứ tư, Hoạt động tự do hóa đầu tư theo qui định của ACIA rộng hơn rất nhiều so với qui định trong IGA và AIA.

Thứ năm, ACIA qui định một cách chi tiết trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia thành viên.

Có thể thấy rằng đây không phải là qui định hoàn toàn mới mà còn là một điểm tiến bộ trong các qui định của ACIA. Tranh chấp, xung đột xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là hoạt động đầu tư là một điều không thể tránh khỏi trên thực tế. Cho nên để hạn chế tối đa những thiệt hại đối với nhà đầu tư ASEAN đã có những nỗ lực trong việc ban hành những qui định về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này một cách thống nhất, tiến bộ và phù hợp với đặc thù riêng của ASEAN.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp việt nam sang các nước asean trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế asean aec (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)