Các giải pháp hỗ trợ đầu tư trực tiếp sang ASEAN

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp việt nam sang các nước asean trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế asean aec (Trang 156 - 160)

CHƯƠNG 5: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM SANG ASEAN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

5.4. Kiến nghị đối với Nhà nước

5.4.2. Các giải pháp hỗ trợ đầu tư trực tiếp sang ASEAN

Một số doanh nghiệp đầu tư sang ASEAN còn gặp nhiều khó khăn mà thiếu sự hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền. Có thể nói hoạt động ĐTTT sang ASEAN là một hoạt động đầu tư đầy mạo hiểm và mang tính rủi ro cao. Thực tế hiện nay thì sự hỗ trợ còn rất hạn chế. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm

quyền đối với các nhà đầu tư tại ASEAN là hết sức cần thiết, nhất là các dự án đầu tư sang ASEAN có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chủ đầu tư cũng cần có trách nhiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư sang ASEAN, phải bảo đảm đầu tư hiệu quả, minh bạch, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn của nhà nước.

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về ĐTTT sang ASEAN trong bối cảnh AEC được thành lập đã được 5 năm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các nhà đầu tư Việt Nam an toàn và hiệu quả.

Tạo lập khuôn khổ pháp lý hợp tác đầu tư thông qua việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết và thực hiện các thỏa thuận, hiệp định song phương với các đối tác có tiềm năng hợp tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch về thủ tục hành chính về ĐTRNN; đơn giản hóa hồ sơ và các giấy tờ liên quan, rút ngắn thời gian, giảm chi phí xã hội cho nhà đầu tư.

Thứ ba, hình thành đồng bộ các công cụ, biện pháp hỗ trợ hoạt động ĐTRNN, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ như tạo khuôn khổ pháp lý an toàn; hỗ trợ cung cấp thông tin chính sách và cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng đối với hoạt động ĐTRNN đối với một số dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích ĐTRNN theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư.

Đối với một số dự án ĐTRNN để thực hiện mục tiêu quan trọng có tác động tích cực tới phát triển kinh tế của Việt Nam, có trong danh mục các ngành nghề/dự án khuyến khích ĐTRNN (dự kiến ban hành phù hợp điều kiện thực tế từng thời kỳ), như: dự án sản xuất điện nhập khẩu về Việt Nam, dầu khí, khai thác tài nguyên, khoáng sản thay thế nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước,

trồng và chế biến cây công nghiệp...đề nghị được hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn, cụ thể:

Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam cho phép chủ đầu tư vay tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư của dự án, miễn hình thức đảm bảo tiền vay bằng tài sản và được hưởng lãi suất ưu đãi. Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại trong nước cho vay vốn đối với các dự án đầu tư tại một số nền kinh tế đặc biệt (Lào, Campuchia, Myanmar) trong các lĩnh vực nêu trên và được phép cho vay vượt 15% vốn điều lệ của mình.

Trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà nước có thể góp vốn cùng với doanh nghiệp để thực hiện dự án, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

- Tăng tính chuyển đổi của đồng Việt Nam trong hoạt động ĐTRNN.

Chính phủ cũng cần tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn ĐTRNN vì nhiều trường hợp, một số tổ chức, cá nhân có tài sản ở nước ngoài (đầu tư hoặc cất giấu) cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Chính phủ nên tiếp tục kiên trì thực hiện theo đúng chủ trương của đề án “Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam´ban hành theo quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 11/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo đó, tăng tính chuyển đổi của đồng Việt Nam (VND), tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và có tính đến việc ĐTRNN bằng đồng Việt Nam. Khi điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của VND trên thị trường quốc tế. Cho phép sử dụng VND để ĐTRNN với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam, cho phép VND tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng VND để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ ba bằng VND.

- Về chính sách về thuế.

+ Đối với một số lĩnh vực khuyến khích ĐTRNN các doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi sau: Miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận chuyển về nước sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước sở tại. Miễn thuế xuất khẩu, tạm xuất tái nhập đối với các hàng hóa, máy móc thiết bị để thực hiện dự án ĐTRNN. Cho phép nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài để góp vốn đầu tư.

+ Tăng cường ký kết các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước để đảm bảo các nhà đầu tư không bị nộp thuế trùng.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã ký kết 8 Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập với các nước: Thái Lan (1992), Singapore (1994), Malaysia (1995), Lào (1996), Indonesia (1997), Myanmar (2000), Philippines (2001), Brunei (2007). Ngày 24/12/2013, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 205/2013/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện các hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

- Thực hiện các hiệp định về đầu tư trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Nhanh chóng triển khai và thực hiện thống nhất các nội dung của các hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước, bao gồm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định tránh đánh thuế trùng, để làm cơ sở cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tại mỗi nước. Xúc tiến đàm phán, ký kết các hiệp định trên đối với một số nước tại ASEAN mà các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng đầu tư.

Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập và nâng cao hiệu quả các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại ASEAN. Các Hiệp hội doanh nghiệp của các nhà đầu tư Việt Nam tại nước ngoài cần tăng cường năng lực chuyên môn để hỗ trợ nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài và đấu tranh bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư Việt Nam trong quá trình đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.

Thứ năm, kết nối giữa các nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài, tạo sức mạnh khi đầu tư vào các địa bàn cụ thể, đảm bảo phát huy thế mạnh của từng nhà đầu tư và bổ sung cho nhau cùng phát triển. Phát huy tối đa vai trò và nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để kết nối, hợp tác và mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình đầu tư của cộng đồng người Việt Nam ở tại ASEAN nhưng căn cứ vào lượng kiều hối chuyển về Việt Nam những năm qua; cũng như qua khảo sát nắm tình hình tại Lào, Campuchia…có thể dự báo quy mô đầu tư của cộng đồng người Việt ở nước ngoài không nhỏ. Trên cơ sở tiềm năng về kinh nghiệm, trình độ và sự am hiểu thị trường cũng như năng lực về tài chính, cộng đồng người Việt ở ASEAN đã có vai trò rất quan trọng, là cầu nối thúc đẩy và hỗ trợ nhiều mặt cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong một số trường hợp, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã tham gia trực tiếp vào nhiều dự án đầu tư của cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế tôn vinh: thưởng, tặng, hỗ trợ đối với nhà đầu tư thành đạt ở nước ngoài, có đóng góp nhiều cho nền kinh tế nước nhà.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp việt nam sang các nước asean trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế asean aec (Trang 156 - 160)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)