CHƯƠNG 3: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA CÁC
3.1. Phân tích thực trạng đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam sang
3.2.1. Kết quả đạt được
ĐTTT của các doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN trong khuôn khổ AEC đã đạt được một số mục đích như sau:
Thứ nhất, các dự án ĐTTT sang ASEAN đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước đem lại lợi ích kinh tế xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tính hết hết năm 2019, tổng số tiền đã chuyển về nước của các dự án đã báo cáo là 793 triệu USD, bằng 20,03% tổng vốn đầu tư đã thực hiện (Cục ĐTNN-Bộ KH&ĐT, 2019). Phần lớn các dự án ĐTTT sang ASEAN quy mô lớn mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và hiện đang trong giai đoạn triển khai thực hiện, chưa có doanh thu, chưa phát sinh lợi nhuận. Một số dự án mới đi vào hoạt động, doanh thu còn thấp, chưa phát sinh nhiều lợi nhuận nên hoạt động chuyển tiền về nước chưa đáng kể. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nêu trên thuộc những lĩnh vực Việt Nam đang cần khai thác như khoáng sản; các dự án điện; dịch vụ viễn thông; hàng không;
ngân hàng…Các dự án đầu tư trong lĩnh vực này đã và đang chiếm lĩnh đáng kể và phát triển nhanh tại thị trường một số địa bàn đầu tư trọng điểm; khi đi vào hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Sau khi AEC có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến các thị trường trong khối ASEAN, giá trị đầu tư vào các dự án tại các quốc gia ASEAN đã tăng lên với thời hạn đầu tư dài hơn.
Thứ hai, các dự án ĐTTT sang ASEAN giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Giai đoạn 2006-2019 đã có sự gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng dự án và quy mô vốn (chiếm 89,92% số dự án đầu tư và 81,78% tổng số vốn đăng ký ĐTTT của Việt Nam sang ASEAN) và tập trung phần lớn vào các địa bàn Lào, Campuchia, Myanmar…là những địa bàn phù hợp với định hướng chiến lược ĐTRNN của Việt Nam và cũng tập trung phần lớn vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài...(Cục ĐTNN-Bộ
KH&ĐT, 2019). Ngoài ra, hoạt động ĐTRNN đã được mở rộng ra cả quốc gia thuộc ASEAN, trong đó có một số địa bàn mới có nhiều hoạt động đầu tư như Indonesia, Brunei, Phillipines.
Hoạt động ĐTRNN đã tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, thúc đẩy Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư.
Đến nay, Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM và WTO.
Việt Nam cũng đã ký kết 63 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trong đó có Hiệp định thương mại song phương Việt Nam–Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Nhật Bản...Thông qua tiếng nói và sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài, hình ảnh và vị thế của Việt Nam không ngừng được cải thiện.
Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu về đầu tư tại thị trường Lào và Campuchia. Đây là địa bàn chiến lược cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng.
Việc tăng cường các hoạt động đầu tư vào hai địa bàn này sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với Lào và Campuchia; đồng thời củng cố mối quan hệ truyền thống ngày càng bền chặt, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Thứ ba, hoạt động đầu tư trực tiếp sang ASEAN ngày càng đa dạng hơn.
Sau khi AEC được thành lập, số dự án đầu tư đã phát triển một cách đa dạng, trong đó:
+ Đa dạng về thị trường (cả 9 nước tại ASEAN)–các nước có nền công nghiệp phát triển lẫn nước đang phát triển.
+ Đa dạng về ngành đầu tư: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…
+ Đa dạng về quy mô đầu tư: có nhiều dự án chỉ vài trăm ngàn USD, có những dự án vài trăm triệu USD (có dự án trên 1 tỷ USD–đã được cấp giấy phép).
+ Đa dạng về hình thức đầu tư: 100% vốn liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh; hợp đồng phân chia sản phẩm (dầu khí); chuyển nhượng quyền thương hiệu…
+ Đa dạng về các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ra nước ngoài: doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài (Vietsovpetro); cá nhân…
+ Đa dạng về loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư: Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp có quy mô vừa, doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Thứ tư, hoạt động ĐTTT sang ASEAN giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi phân phối lao động toàn cầu.
Các hoạt động này cũng đã hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế, trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư ở nước ngoài và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương làm việc cho dự án…
Hoạt động ĐTTT sang đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động nước sở tại và lao động Việt Nam. Trong thời gian tới, khi các dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là các dự án thủy điện, trồng cây cao su đi vào hoạt động...
thì nhu cầu về lao động là người Việt Nam làm việc cho các dự án nêu trên là rất lớn, chắc chắn số lao động Việt Nam làm việc cho các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài sẽ tăng cao.
Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ an sinh của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước sở tại đã góp phần tạo công ăn việc làm cho đông đảo người dân của Lào và Campuchia; góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân một số khu vực vùng nông thôn của Lào và Campuchia, Myanmar...
Thứ năm, các dự án ĐTTT sang ASEAN đã góp phần tạo ra các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đi tiên phong trong hoạt động đầu tư sang ASEAN, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực, toàn cầu và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được lợi thế so sánh của một số nước để sản xuất và kinh doanh, mở rộng thị trường sản xuất đang từng bước tạo
dựng được thương hiệu, khả năng cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Hơn nữa việc thực hiện hoạt động ĐTTT sang ASEAN cũng giúp Việt Nam có thêm nhiều bạn bè trên thế giới, mở rộng mối quan hệ kinh tế-xã hội với các nước trên thế giới.
Có thể thấy, các dự án đưa vào khai thác và hoạt động tại nước ngoài đã có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí thế giới. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có thêm hàng trăm ngàn ha nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su tại thị trường Lào và Campuchia. Còn Viettel hiện đã trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar.
Ngoài ra, ĐTTT của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, cụ thể là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại Lào và Campuchia, Myamar; một số nhà đầu tư khác của Việt Nam tranh thủ thị trường bất động sản thế giới sụt giảm mạnh để đầu tư mua lại một số cửa hàng kinh doanh, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ tại Myanmar, Lào…để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ra bên ngoài. Các dự án đầu tư của tư nhân đã bắt đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên phần lớn các dự án đầu tư quy mô lớn, mục tiêu đầu tư mang tính dài hạn nên trong ngắn hạn chưa thể hiện được các con số về doanh thu và lợi nhuận chuyển về nước.
Thứ sáu, hoạt động ĐTTT sang ASEAN đã và đang giúp cho Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước tiếp nhận đầu tư, tận đụng được các cơ hội về thị trường để tìm kiếm chênh lệch lợi nhuận.
Hoạt động ĐTTT sang ASEAN trước 2015 tập trung nhiều ở Lào và Campuchia do đây là các quốc gia có điều kiện vị trí lân cận, có quan hệ ngoại giao tốt với Việt Nam và giữa Việt Nam và các nước này có nhiều quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư sang các địa bàn này, thể hiện thông qua nhiều chương trình, hội nghị xúc tiến đầu tư, hoạt động của các hiệp hội nhà đầu tư, quan hệ hợp tác giữa các bộ ngành địa phương Việt Nam và bộ ngành địa phương của Lào và Campuchia, thông qua việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư. Hai quốc gia
này, đặc biệt là Lào có quan hệ khá đặc thù là chính quyền trung ương có sự hợp tác với bộ, ngành Việt Nam trong công tác quản lý các dự án đầu tư của Việt Nam tại thị trường này, điều này có mặt thuận lợi cho hỗ trợ hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào nhưng cũng gây ra những bất cập vì mục tiêu quản lý và hệ thống pháp luật của hai nước là khác nhau và các dự án đầu tư không đạt kết quả mong đợi dễ gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, dòng vốn ĐTTT sang ASEAN có xu hướng dịch chuyển khỏi hai thị trường này, số lượng vốn đầu tư sang Campuchia đang sụt giảm mạnh, số lượng dự án đầu tư sang Lào cũng tương tự. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư tăng đầu tư vào các thị trường Myanmar, Singapore, Malaysia…
Hiện tại, Việt Nam có 157 dự án ĐTTT sang ASEAN trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; 107 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản; 110 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; 13 dự án trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống; 31 dự án đầu tư trong lĩnh vực kho bãi, 14 dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản…Các dự án nêu trên có quy mô đầu tư không lớn, nhưng được phân bổ trên khắp ASEAN và có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại thị trường các nước sở tại. Vinamilk đã xây dựng các nhà náy sản xuất, chế biến sữa tại Lào, Campuchia...; Tổng công ty Lương thực Việt Nam đã có cơ sở phân phối hàng hóa Việt Nam tại Singapore; đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lương thực tại Campuchia để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu với thương hiệu Việt Nam; một số công ty thủy hải sản của Việt Nam đã có các cơ sở phân phối mặt hàng thủy, hải sản và nông nghiệp tại Singapore; Tổng Công ty Lương thực Miền Nam có dự án Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Camphuchia-Việt Nam (CAVIFOODS) tại Campuchia…Với thị trường bão hòa ở trong nước, việc mở rộng đầu tư sang các nước trong khu vực ASEAN đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lợi nhuận khi mở rộng được thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, do hầu hết các nước trong ASEAN đã đạt được thỏa thuận về khuyến khích đầu tư cũng như tránh đánh thuế hai lần, nên nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang các nước có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp như Singapore, Campuchia, Thái Lan.
Hơn nữa, hoạt động ĐTTT sang ASEAN thời gian qua còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và tránh đựơc hàng rào bảo hộ thương mại của nước tiếp nhận đầu tư. Việc thực hiện hoạt động ĐTTT sang ASEAN đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể giảm được đáng kể những chi phí vận chuyển, bảo quản, bảo hiểm bên cạnh đó doanh nghiệp còn có thể tận dụng được những ưu đãi của nước tiếp nhận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ bảy, hoạt động ĐTTT sang ASEAN còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao.
Khi thực hiện hoạt động ĐTTT vào các nước tiên tiến có trình độ khoa họccông nghệ phát triển cao như Singapore, Thái Lan, Brunei, Malaysia…các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với những thực tế ứng dụng của các thành tựu này. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng có thể triển khai những tiến bộ khoa học công nghệ mà trong nước không có cơ hội áp dụng sang các nước mới, thị trường mới để tạo ra một thị trường có sức cạnh tranh cao hơn.
Các quốc gia phát triển luôn có những cơ chế về quản lý tài chính, quản lý nhân sự, phương pháp tiếp cận với công nghệ một cách hiệu quả, trình độ khoa học công nghệ hiện đại. Đầu tư vào những nước này Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tiếp thị xuất khẩu, cũng như học hỏi được những kinh nghiệm quản lý…Hơn nữa khi thực hiện hoạt động ĐTTT sang ASEAN các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm những hiểu biết mới về thị trường, thay đổi tầm nhìn, học hỏi được những kinh nghiệm và tiến bộ trong phong cách làm việc cũng như cách thức quản lý của các nước trên thế giới. Từ đó, thay đổi nhiều đến cách nghĩ, cách kinh doanh của các nhà đầu tư Việt Nam.
Hoạt động ĐTTT của các doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN trong gần 30 năm qua đã có những thành tựu bước đầu rất đáng ghi nhận. Trước hết phải kể đến sự nỗ lực, chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong những thời điểm khó khăn cả về cơ sở pháp lý và năng lực cạnh tranh. Kế đến là quyết tâm từ phía Chính phủ và các cơ quan hữu quan tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về cơ sở pháp lý và thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn ra đầu tư tại các nước ASEAN.