CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI TRONG KHUÔN KHỔ AEC VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
2.3. Tình hình đầu tư của một số quốc gia châu Á sang ASEAN và gợi ý cho Việt Nam
2.3.3. ĐTTT của Malaysia sang ASEAN
Kinh tế Malaysia là một nền kinh tế thị trường công nghiệp mới phát triển.
Năm 2019, quốc gia này có quy mô GDP danh nghĩa đạt 365,3 tỷ USD, lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 33 thế giới, thứ 12 châu Á. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 11,484 USD/người. Trong số các nước Ðông Nam Á, Malaysia (gia nhập ASEAN ngày 8-8-1967) được đánh giá luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. GDP Malaysia tăng trưởng trung bình 6,5% mỗi năm, là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, thứ 14 châu Á và thứ 38 trên thế giới. Chế tạo là lĩnh vực then chốt của công nghiệp Malaysia.
Thương mại quốc tế của Malaysia rất thuận lợi do nằm sát tuyến đường tàu thủy qua eo biển Malacca. Malaysia là nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản, dầu mỏ. Malaysia nằm trong số các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về thiết bị bán dẫn, điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Malaysia ước đạt 4,9%, tăng nhẹ so với mức 4,72% năm 2018.
* Về chính sách thúc đẩy đầu tư
Chính sách của Malaysia hỗ trợ cho ĐTTTRNN bắt đầu có những thay đổi đáng kể từ năm 1991, bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ) mở rộng ra bên ngoài thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên trách, các chương trình xúc tiến đầu tư, các ưu đãi tài chính, ưu đãi thuế, thành lập quỹ hỗ trợ ĐTTTRNN. Chính sách đầu tiên mà Chính phủ Malaysia thực
hiện thúc đẩy ĐTTTRNN là “Chính sách kinh tế mới” và “Tái cơ cấu kinh tế Malaysia” (Mohamed Ariff, 2006) với mục tiêu thúc đẩy ĐTTTRNN. Chính phủ Malaysia thông qua các doanh nghiệp sở hữu nhà nước mua lại các công ty ở Malaysia vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Các công ty này đã tham gia vào thương mại quốc tế, khai thác mỏ thiếc, nông nghiệp trồng trọt và có kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á với trụ sở chính ở Malaysia.
Một yếu tố quan trọng nữa thúc đẩy ĐTTTRNN là việc thực hiện Đạo luật điều phối công nghiệp (ICA) năm 1975. ICA yêu cầu cấp phép hoạt động sản xuất tại Malaysia để đảm bảo “tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp”. Tuy nhiên, ĐTTTRNN trong giai đoạn 1970-1990 là không đáng kể. Do đó, từ năm 1991, Chính phủ Malaysia đã tăng hỗ trợ cho ĐTTTRNN bằng hình thức miễn thuế, các ưu đãi về thuế và các quỹ đặc biệt. Theo đó, Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài và khấu trừ thuế cho các chi phí trước khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Từ năm 1995, tất cả thu nhập của các công ty Malaysia đầu tư ở nước ngoài (trừ ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp vận tải hàng không) được miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các nghiên cứu về ĐTTTRNN của Malaysia (Kueh et al, 2008, 2009) cho thấy rằng, sự gia tăng mở cửa thương mại là yếu tố quan trọng khuyến khích ĐTTTRNN. Mức mở cửa thương mại cao sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu học được nhiều hơn ở thị trường nước ngoài và các quy định có liên quan đến tiêu chuẩn, khắc phục được khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và pháp lý, định vị được khách hàng ở nước ngoài, tổ chức các hoạt động ở nước ngoài và tiếp thị được sản phẩm trên thị trường quốc tế…Sự mở cửa thương mại có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích ĐTTTRNN, đặc biệt khi nó trở thành một chiến lược quan trọng làm tăng dòng vốn ĐTTTRNN của nước này.
* Gợi ý cho Việt Nam
Trên cơ sở kinh nghiệm thúc đẩy đầu tư của Malaysia, gợi ý cho Việt Nam một số điểm sau:
Thứ nhất, Malaysia coi ĐTTTRNN là chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Từ đó, Malaysia đã xây dựng chiến lược, chính sách ĐTTTRNN
từng bước rõ bỏ rào cản đối với doanh nghiệp ĐTTTRNN. Vì vậy, Việt Nam cần đánh giá lại vai trò của ĐTTTRNN. Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo được bước tiến trong nhận thức về DDTTTRNN với nhiều quy định mới và tiếp đó là Nghị định 83/2015/NĐ-CP ngày 25/09/2015 về ĐTRNN. Song, Việt Nam vẫn cần một chiến lược ĐTRNN, trong đó quy định rõ những ngành nghề cần khuyến khích và cơ chế hỗ trợ. Mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, rất cần vốn để phát triển trong nước, song cần có cách tiếp cận mở, đầu tư phải hiệu quả. Bởi vậy, cơ hội phải tìm kiếm trên thị trường thế giới, không nên có tư duy giữ vốn, hạn chế doanh nghiệp mang vốn ra đầu tư ở nước ngoài. Viettel, Vinamilk, TH Truemilk là một số hình mẫu trong đầu tư ra nước ngoài, không những có lãi đem ngoại tệ về cho đất nước, mà còn làm tăng vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, Malaysia tích cực đàm phán ký kết các hiệp định song phương, đa phương về thương mại, đầu tư. Đặc biệt, chính sách mở cửa thương mại góp phần thúc đẩy ĐTTTRNN của Malaysia. Việt Nam mặc dù đã tích cực ký đàm phán thương mại song phương và đa phương nhưng đàm phán về đầu tư vẫn chưa được thực hiện ở nhiều quốc gia dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, khó khăn làm giảm cơ hội ĐTRNN. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua việc ký kết các hiệp định không chỉ về thương mại mà còn cả về đầu tư để từ đó làm tiền đề cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn ở nước ngoài.
Thứ ba, Nhà nước cần khuyến khích hỗ trợ việc thành lập các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ĐTRNN ở từng nước sở tại nhằm tăng cường sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau khi các doanh nghiệp Việt Nam cung ĐTRNN. Hiệp hội còn có tác dụng bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài (giống như cách thức các nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam các tổ chức theo hình thức hiệp hội như EuroCharm của các nhà đầu tư đến từ châu Âu, KorCharm của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc hay MBC của các nhà đầu tư đến từ Malaysia…đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi của bất kỳ doanh nghiệp nào trong tổ chức của họ.
Như vậy, có thể khẳng định từ thực tiễn khi ĐTTT sang ASEAN qua các thời kỳ của Nhật Bản, Singapore và Malaysia có thể là gợi ý để Việt Nam căn cứ
vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về ĐTTT sang ASEAN trong thời gian tới. ĐTTT sang ASEAN là một hoạt động có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong xã hội hiện nay, bên cạnh việc giúp củng cố vai trò chính trị và địa vị kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, hoạt động đầu tư này còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn tại ASEAN.