CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI TRONG KHUÔN KHỔ AEC VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
2.3. Tình hình đầu tư của một số quốc gia châu Á sang ASEAN và gợi ý cho Việt Nam
2.3.1. ĐTTT của Nhật Bản sang ASEAN
Nhật Bản có diện tích có diện tích 377.915 km2, là một quốc đảo với 6.852 hòn đảo, dân số 130 triệu người, GDP 4.770 tỷ USD. Kinh tế Nhật Bản được chia thành ba ngành chính: dịch vụ (thương mại và tài chính), công nghiệp (chế tạo tàu biển, xe hơi và xe gắn máy) và nông nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) với đóng góp GDP lần lượt là 73,1%; 25,7% và 1,2%.
* Về đối tác đầu tư
Các doanh nghiệp Nhật Bản hướng mạnh vào các nền kinh tế mới nổi như ASEAN (Thái Lan, Việt Nam, Indonesia…) đầu tư vào các ngành thân thiện với môi trường, sản xuất vật liệu mới, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…Nhật Bản là nhà
đầu tư chủ lực cho các nền kinh tế ASEAN trong những năm gần đây. Ngoài ra, sự phát triển phồn thịnh của ASEAN đã nâng tầm khu vực, trở thành một điểm thu hút đầu tư cho sản xuất, tiêu thụ nội địa và là một nơi giúp cho sản xuất xuất khẩu.
Theo báo cáo đầu tư 2014 của Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO), các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN. Nguyên nhân là do chi phí nhân công ngày càng cao ở Trung Quốc và những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai quốc gia về chủ quyền biển đảo. ASEAN với thị trường 600 triệu dân đã thu hút được lượng FDI cao kỷ lục từ Nhật Bản là 23,6 tỷ USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2013.
* Về lĩnh vực đầu tư
Nhật Bản tích cực tăng cường cả về số lượng và chất lượng các dự án ĐTRNN, đặc biệt tập trung vào các hạng mục về cơ sở hạ tầng.. Ngành sản xuất ô tô và phụ kiện điện tử tại Nhật Bản đã thâm nhập thị trường Thái Lan và Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngành cung ứng của Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ ở Lào, Campuchia, đặc biệt là ngành khoáng sản thô và các hoạt động sản xuất lắp ráp. Nếu tính cả ngành dệt may và sản xuất giày dép, nhập khẩu từ Campuchia và Lào chiếm tới 92,4% và 32,5% của Nhật Bản trong năm 2012.
Các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm tới 15% lượng FDI đầu tư vào ASEAN trong năm 2013, đạt mức 21,3%, cao gấp đôi so với Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN là khác nhau. Thái Lan là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản, chiếm tới hơn 60%, tiếp đó là Malaixia và Indonesia. Có tới hơn 6.135 công ty Nhật Bản đăng ký kinh doanh hoạt động tại ASEAN và Nhật Bản tiếp tục mở rộng vào các thị trường mới với số lượng công ty tăng gấp đôi tại Campuchia và tăng gấp ba tại thị trường Myanmar trong năm 2012 và 2014. Trong khoảng thời gian từ năm 2003-2014, luồng FDI chảy từ Nhật Bản tới thị trường ASEAN khoảng 156 tỷ USD và tạo ra hơn 667.000 việc làm cho khối (Nguồn: JETRO,2014).
* Về mục đích đầu tư
Nhật Bản tích cực ủng hộ hình thức đầu tư phối hợp đối tác công-tư (PPP) trong các dự án phát triển hạ tầng ở nước ngoài (ước tính hằng trăm tỷ USD từ
2011đến 2030) nhằm tạo điều kiện cho các tập đoàn có thêm công ăn việc làm, bán thiết bị máy móc ra bên ngoài và tránh được rủi ro trong xuất khẩu (do đồng Yên lên cao).
Nói đến đầu tư của Nhật Bản sang ASEAN không thể không nhắc tới nguồn tài trợ chính chính thức ODA. Hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN tiếp tục củng cố và đẩy mạnh khi Nhật Bản cam kết viện trợ nguồn vốn ODA liên quan tới sức khỏe và sự phát triển nguồn nhân lực. Mặc dù vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nguồn ODA cho Indonesia dưới góc độ tổng nguồn ODA giải ngân, giá trị ròng của nguồn ODA đã trở nên âm do hai quốc gia nêu trên bắt đầu hoàn trợ nguồn ODA. Nhật Bản giờ đây tập trung hơn vào các thị trường đang phát triển như Việt Nam và Myanmar với kỳ vọng về nguồn ODA giải ngân không chỉ trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp mà còn thúc đẩy các chương trình phát triển cộng đồng. Các nước ASEAN vẫn có những khoảng cách về cơ sở hạ tầng nên làm cho các kết cấu và việc liên kết giữa các quốc gia trong khu vực trở nên khó khăn.Thách thức này với mỗi quốc gia là khác nhau, Indonesia và Phillippine đối mặt với các vấn đề về kết nối đường biển, Lào lại đối mặt với vấn đề kết nối giữa các quốc gia trong khu vực. Các dự án đầu tư từ Nhật đã góp phần nâng cao sự kết nối giữa các vùng trong khu vực: nâng cao hành lang kinh tế giữa khu vực Tây-Đông, Bắc-Nam trong khu vực Mekong, nâng cấp cầu và sân bay trong khu vực Lào và Campuchia, hiện đại hóa các bến cảng của Malaysia, Indonesia, Philippine…
* Về biện pháp thúc đẩy đầu tư
Việc ĐTRNN của các doanh nghiệp Nhật Bản được thực hiện tương đối chặt chẽ. Hầu hết các doanh nghiệp khi đi đầu tư đều thực hiện theo chuỗi. Khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật Bản không đầu tư riêng lẻ mà đầu tư theo liên kết chuỗi, bao gồm các công ty tài chính, các ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm đi cùng với các doanh nghiệp sản xuất. Việc đầu tư theo chuỗi liên kết khiến cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản luôn hiệu quả trên thị trường nước ngoài, kể cả trong khu vực ASEAN. Phần lớn nguyên nhân thành công của doanh nghiệp Nhật Bản trên thị trường ASEAN là (i) tận dụng được
chi phí nhân công giá rẻ tại ASEAN khi Nhật Bản có dân số già và chi phí nhân công cao; (ii) tận dụng được sức mạnh của đồng Yên trên thị trường của các nước ASEAN, nhất là các thị trường kém phát triển như các nước trong khối CMVL; (iii) phần lớn các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật là tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng kết hợp các công cụ đầu tư của nhà nước như ODA để tăng uy tín và tiếng nói của doanh nghiệp Nhật trên thị trường các nước ASEAN.
Bên cạnh các chiến lược đầu tư của doanh nghiệp Nhật, chính phủ Nhật Bản cũng đã tạo ban hành nhiều chính sách khuyến khích OFDI thông qua các hỗ trợ về đổi mới công nghệ, về đào tạo nhân lực, trên cơ sở đó cho phép tự do hóa về hoạt động đầu tư, thực hiện các hỗ trợ về tài chính – tín dụng, tăng cường xúc tiến đầu tư với khu vực ASEAN để mở đường cho dòng vốn tư nhân của các doanh nghiệp sang thị trường này.
* Gợi ý cho Việt Nam
Thứ nhất, nên có liên kết giữa các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư để vừa tạo ra sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, đồng thời cho phép tăng giá trị đầu tư trong các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Thứ hai, sử dụng các lợi thế so sánh để tiến hành đầu tư ra nước ngoài. Với các doanh nghiệp Nhật, ngoài việc tận dụng về tỷ giá hối đoái, nhân công giá rẻ, các doanh nghiệp Nhật còn tận dụng được ưu thế về công nghệ, cũng như uy tín của mình để tiến hành đầu tư ra nước ngoài.
Thứ ba, tự do hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đồng thời tận dụng các FTA để thúc đẩy dòng vốn đầu tư của Nhật sang các nước ASEAN.
Thứ tư, nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ hết sức cần thiết để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.