Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP
1.1. Tổng quan về năng lực tài chính của DN
1.1.1. Khái niệm năng lực tài chính của doanh nghiệp
Năng lực là một thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều không chỉ đối với đối tượng là con người như năng lực của người lao động, năng lực của các nhà quản trị doanh nghiệp mà còn mở rộng hơn như năng lực của bộ máy Nhà nước, năng lực của các bệnh viện, trường học hay năng lực của doanh nghiệp…Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng 2000, “năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó”[40,Trang 660, 661]
Năng lực của một chủ thể có thể được đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau như năng lực chuyên môn, năng lực hoạt động, năng lực điều hành, năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính…Như vậy năng lực tài chính là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của một chủ thể. Mặt khác mỗi một chủ thể có những đặc điểm riêng, mục tiêu hoạt động khác nhau do đó năng lực nói chung cũng như năng lực tài chính nói riêng của mỗi chủ thể này cũng khác nhau. Điều đó cho thấy năng lực tài chính của doanh nghiệp là một phạm trù mang tính riêng biệt. Để làm sáng tỏ quan niệm về năng lực tài chính của doanh nghiệp, tác giả sẽ phân tích từ cái chung đến cái riêng, từ cái bao quát đến cái cụ thể để làm rõ nội hàm.
Với mỗi một chủ thể, năng lực là khả năng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra. Xét ở trạng thái tĩnh, năng lực có thể là kết quả của những yếu tố có sẵn (yếu tố khách quan) hay chính là lợi thế mà chủ thể đó có được. Tuy nhiên trên thực tế để có cái nhìn bao quát và toàn diện hơn thì khi phân tích về năng lực không chỉ nhìn trong trạng thái tĩnh và luôn nhìn nhận trong một trạng thái mở. Do đó ngoài những yếu tố sẵn có, năng lực còn bao gồm những yếu tố mang tính chủ quan của chủ thể đó như sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu
để đạt được năng lực theo mong muốn. Như vậy khả năng để có thể đạt được những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra không chỉ dựa trên những yếu tố có sẵn hay yếu tố khách quan mà còn phải dựa vào sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu (yếu tố chủ quan) của chủ thể đó.
Như vậy theo phân tích ở trên, tác giả nhìn nhận về năng lực đó là “ khả năng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của một chủ thể đối với hoạt động nào đó dựa trên những yếu tố sẵn có (yếu tố khách quan) hoặc yếu tố chủ quan của chủ thể đó”
“Tài chính” phạm trù kinh tế thuộc khâu phân phối, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước, phát triển theo quá trình phát triển của nền sản xuất hàng hoá và quan hệ hàng hoá tiền tệ. Theo nghĩa hẹp, đó là dấu hiệu tài sản dưới dạng tiền được trao đổi, phân phối, cho vay thuộc vào quy mô và dự định của người nắm giữ sở hữu hay quyền quản lí. Theo nghĩa rộng là tổng thể các mối quan hệ, dựa vào đó nhà nước thực hiện việc phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân dưới hình thức giá trị, hình thành lên các quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước và các quỹ không tập trung của các đơn vị kinh tế cơ sở, sử dụng chúng nhằm đảm bảo tái sản xu mở rộng và các nhu cầu khác của xã hội. [47, trang 28]
Tài chính là sự vận động của vốn tiền tệ diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội. Nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội.[1, trang 17]. Bên trong quá trình tạo lập, sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị hợp thành các quan hệ tài chính của doanh nghiệp và bao hàm các quan hệ tài chính chủ yếu sau:
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp và Nhà nước: trong mối quan hệ này doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như nộp các khoản thuế, lệ phí vào ngân sách…
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các chủ thể kinh tế và tổ chức xã hội khác. Mối quan hệ này được thể hiện trong việc thanh toán, thưởng phạt vật chất khi các doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhau (bao hàm cả các dịch vụ tài chính)
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với người lao động trong doanh nghiệp thông qua thanh toán tiền công, thực hiện thưởng phạt vật chất với người lao động trong quá trình tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các chủ sở hữu của doanh nghiệp. Mối quan hệ này thể hiện trong việc các chủ sở hữu thực hiện việc đầu tư, góp vốn vào hay rút vốn ra khỏi doanh nghiệp và trong việc phân chia lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.
- Quan hệ tài chính trong nội bộ doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ thanh toán giữa các bộ phận nội bộ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, trong việc hình thành và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp, cũng như khi phân phối kết quả kinh doanh và thực hiện hạch toán nội bộ doanh nghiệp. [ 46, trang 8,9]
Như vậy có thể hiểu“ Tài chính doanh nghiệp là phương thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn tài chính của các doanh nghiệp nhằm đạt được những mục tiêu trong hoạt động kinh doanh”. [ 48, trang 9,10].
Quan điểm này đã đồng nhất “ tài chính doanh nghiệp” phạm trù kinh tế khách quan với hoạt động tài chính ( hay công tác quản trị tài chính doanh nghiệp) một hoạt động mang tính chủ quan của nhà quản trị doanh nghiệp.
Nguồn tài chính của doanh nghiệp là tổng hòa các nguồn lực xã hội được biểu hiện dưới dạng giá trị mà doanh nghiệp có thể khai thác mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nguồn lực tài chính của DN có thể được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau ví dụ như theo phạm vi huy động thì nguồn lực tài chính bao gồm nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài:
+ Nguồn vốn bên trong là nguồn vốn có thể huy động được vào đầu tư từ chính hoạt động của bản thân DN tạo ra, nguồn vốn bên trong thể hiện khả năng tự tài trợ của DN. Nguồn vốn bên trong DN bao gồm lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.
+ Nguồn vốn bên ngoài : là nguồn vốn huy động từ bên ngoài để tăng thêm nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh của DN. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm nảy sinh nhiều hình thức và phương pháp mới cho phép DN huy động vốn từ bên ngoài như: Vay người thân ( đối với DN tư nhân); Vay ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác;
gọi góp vốn liên doanh liên kết; tín dụng thương mại của các nhà cung cấp;
thuê tài sản; huy động vốn bằng phát hành chứng khoán ( đối với một số loại hình DN được pháp luật cho phép) [48, trang 270-272]
Mỗi nguồn tài chính mà DN tạo lập được đều mang những đặc điểm riêng biệt do đó việc phân bổ, sử dụng những nguồn lực này sẽ khác nhau nhưng cùng phải tuân thủ và chịu sự chi phối của DN.
Theo TS Lã Thị Lâm: “ Năng lực tài chính của NHTM là khả năng tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn để đáp ứng tối đa nhu cầu trong quá trình hoạt động kinh doanh của NHTM nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra của NHTM”.
[21, trang 28]. Xuất phát từ bản chất của NHTM “ là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ với hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi và cho vay” tuy nhiên tính chất khác biệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của NHTM so với các doanh nghiệp khác, nên năng lực tài chính của NHTM cũng không đồng nhất với các doanh nghiệp thông thường.
Đứng trên góc độ DN nói chung TS Phạm Thị Vân Anh quan niệm: “ năng lực tài chính của DN là khả năng đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của DN nhằm đạt mục đích mà doanh nghiệp đề ra [1, trang 17,18]. Như vậy, năng lực tài chính DN được thể hiện ở khả năng đảm bảo nguồn lực tài chính, trong đó nguồn lực tài chính doanh nghiệp thực chất là nguồn vốn mà
DN có khả năng huy động đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động của DN [1, trang 18]
Trên cơ sở xâu chuỗi các nội dung phân tích trên, kế thừa quan điểm của các tác giả đi trước, tác giả luận án cho rằng “Năng lực tài chính của doanh nghiệp là khả năng huy động,quản lý và sử dụng các nguồn tài chính của DN nhằm đạt được mục đích mà doanh nghiệp đề ra”