Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP
1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính của doanh nghiệp
1.2.1. Nhóm nhân tố khách quan
Thực trạng nền kinh tế và xu hướng trong tương lai có ảnh hưởng vô cùng lớn đến DN. Nhân tố chủ yếu mà các DN thường phân tích là: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, chu kỳ
kinh tế, dân số, tỷ lệ thất nghiệp...Vì các yếu tố này tương đối rộng và mức độ ảnh hưởng đến các DN cũng khác nhau nên các DN cũng phải dự kiến, đánh giá mức độ tác động cũng như xu hướng tác động (xấu, tốt) của từng yếu tố đến DN mình. Mỗi yếu tố có thể là cơ hội, cũng có thể là nguy cơ nên DN phải có phương án chủ động đối phó với tình huống xảy ra.
b. Chính sách, pháp luật của Nhà nước
Chính sách pháp luật của nhà nước là một trong những nhân tố quan trọng tác động mạnh mẽ tới năng lực tài chính DN. Bởi vì nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, các chính sách của nhà nước trong đó có chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ...ảnh hưởng sâu sắc đến DN. Sự ổn định, rõ ràng, cụ thể của các chính sách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và tình hình tài chính của DN nói riêng. Ngược lại, sự thay đổi thường xuyên của chính sách sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho DN từ đó gây khó khăn cho vấn đề đảm bảo tài chính của DN.
Chính sách kinh tế của Nhà nước thể hiện các quan điểm định hướng phát triển nền kinh tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành môi trường kinh tế vĩ mô cho đất nước. Thông qua các chính sách kinh tế Nhà nước thực hiện việc ưu đãi, khuyến khích hoặc hạn chế đối với một số khu vực hay ngành kinh tế...theo định hướng phát triển sao cho có hiệu quả nhất. Các chính sách quan trọng là:
Chính sách tài khoá (CSTK) là một trong những chính sách quan trọng của chính phủ nhằm điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Để theo đuổi mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế chính phủ sử dụng hai công cụ của CSTK là công cụ thuế và công cụ chi ngân sách. Trong trường hợp chính phủ sử dụng CSTK mở rộng ( tăng chi tiêu, giảm thuế) mục đích giúp nền kinh tế tăng trưởng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động giảm tỷ lệ thất nghiệp, tiết giảm được chi phí thuế cho DN từ đó khuyến khích các DN tăng đầu tư kinh doanh, gia tăng phần lợi nhuận để lại, góp phần gia tăng vốn chủ sở hữu của DN tăng năng lực tài chính cho DN. Trong trường hợp ngược lại, khi chính
phủ sử dụng CSTK thắt chặt ( tăng thuế, giảm chi tiêu) sẽ làm tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm, nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, công ăn việc làm giảm sút, các DN sẽ thu hệp quy mô sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh kém đi dẫn tới khả năng sinh lời của DN giảm, vốn chủ sở hữu nội sinh gia tăng chậm ảnh hưởng tới năng lực tài chính cũng như sự tăng trưởng của DN.
Chính sách tiền tệ (CSTT): cùng với CSTK thì CSTT cũng là một trong những chính sách kinh tế quan trọng góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Chính phủ sử dụng linh hoạt ba công cụ của CSTT đó là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết mức cung tiền và lãi suất của nền kinh tế từ đó ảnh hưởng đến chi phí sử dụng vốn của DN và làm thay đổi quyết định tài trợ của DN. Nếu CSTT của NN ổn định sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tăng khả năng huy động vốn của các DN do đó có nhiều cơ hội mở rộng quy mô vốn và đa dạng hoá các nguồn tài trợ với chi phí sử dụng vốn tối ưu, khiến DN yên tâm đầu tư và tỷ trọng các khoản nợ nhất là các khoản nợ dài hạn có xu hướng tăng. Khả năng sinh lời của DN có khả năng tăng lên góp phần gia tăng lợi nhuận để lại tạo điều kiện tăng năng lực tài chính của DN. Ngược lại, nếu CSTT không ổn định, kém hiệu quả dẫn tới lãi suất biến động bất thường làm tăng rủi ro cho hoạt động kinh doanh, kết quả các DN hạn chế vay vốn và thu hẹp quy mô sản xuất làm giảm năng lực tài chính của DN.
c. Thị trường tài chính và các tổ chức trung gian tài chính
Thị trường tài chính là thị trường mà ở đó diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính thông qua những phương thức giao dịch và công cụ tài chính nhất định. Bản chất của thị trường tài chính là sự luân chuyển vốn. Thị trường tài chính ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của các DN như:
- Là kênh dẫn vốn từ người tiết kiệm đến người kinh doanh, giúp cho việc chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư.
- Thúc đẩy và tập trung tiền vốn để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, sản xuất kinh doanh.
- Giúp cho việc sử dụng vốn hiệu quả hơn, không chỉ đối với người có tiền đầu tư mà cả với DN vay tiền để đầu tư. Người cho vay sẽ được hưởng lãi suất, DN đi vay vốn phải tính toán chi phí sử dụng vốn vay sao cho hợp lý, và sử dụng vốn vay đó hiệu quả vừa hoàn trả gốc và lãi cho người cho vay đồng thời phải tạo thu nhập và tích luỹ cho chính DN.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách mở cửa, cải cách kinh tế của Chính phủ thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu ra nước ngoài, bán cổ phần, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất kinh doanh trong nước tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Cho phép sử dụng các giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu…giúp DN có thể huy động vốn trên thị trường này.
Ngoài ra, thị trường tài chính còn giúp cung cấp các thông tin kinh tế và đánh giá giá trị DN.
Cũng như thị trường tài chính, các tổ chức trung gian tài chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tài chính của DN, các tổ chức này thực hiện chức năng dẫn vốn từ người có vốn tới người cần vốn, tuy nhiên không như dạng tài chính trực tiếp người cần vốn và người có vốn trao đổi trực tiếp với nhau ở thị trường tài chính, các trung gian tài chính thực hiện sự dẫn vốn thông qua một cầu nối nghĩa là người cần vốn muốn có được vốn phải thông qua người thứ ba, đó chính là các tổ chức tài chính trung gian như ngân hàng, các hiệp hội cho vay, các liên hiệp tín dụng, các công ty bảo hiểm, các công ty tài chính…Các trung gian tài chính huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, hình thành các quỹ tiền tệ tập trung, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho DN, bên cạnh đó các trung gian tài chính sẽ kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro bằng cách thường xuyên hoặc định kỳ kiểm soát trước khi cho vay, trong và sau khi cho các DN vay vốn. Điều này có tác dụng kiểm soát hoạt
động huy động vốn đảm bảo cung ứng đủ vốn cho hoạt động kinh doanh của DN.
d. Sự biến động của môi trường trong nước và quốc tế
Hoạt động mở rộng thị trường cũng như việc lựa chọn các yếu tố đầu vào, lựa chọn nhà đầu tư, vốn đầu tư của DN chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi các xu hướng chính trị thế giới, các chính sách bảo hộ, đầu tư trên thế giới, tình hình chiến tranh, sự mất ổn định của chính trị, tình hình phát triển kinh tế chính trị của các nước trong khu vực và trên thế giới...Chính vì thế nó tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh từ đó ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN. Môi trường kinh tế, chính trị trong khu vực và quốc tế ổn định là cơ sở để các DN tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi. Ngược lại nếu nền kinh tế khu vực và thế giới gặp khủng hoảng, chính trị tại các quốc gia lân cận mất ổn định dẫn tới suy giảm dòng vốn đầu tư vào thị trường, giảm khả năng tiếp cận vốn của DN từ đó góp phần giảm năng lực tài chính của DN.
e. Sự hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới
Sự hội nhập của nền kinh tế quốc gia vào kinh tế khu vực và thế giới có những tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và tới năng lực tài chính của DN nói riêng. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố trong đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đặc biệt là các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp như sự biến động của thị trường, sự biến động giá hàng hoá, chính sách pháp luật của nhà nước...Theo lộ trình gia nhập WTO cũng như các tổ chức , hiệp hội mang tính chất quốc tế, Việt Nam phải từng bước cắt giảm hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường trong nước từng bước cạnh tranh với các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính hùng mạnh và kinh nghiệm lâu đời. Tuy nhiên bên cạnh đó DN trong nước cũng có những cơ hội tiếp cận những công nghệ hiện đại, nguồn vốn nước ngoài và mở rộng thị phần quốc tế. Nhìn chung, hội nhập kinh tế quốc tế vừa mở ra cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức với các DN.
f. Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của ngành kinh doanh
Mỗi ngành nghề kinh doanh khác nhau có đặc điểm kinh tế - kỹ thuật riêng có ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tài chính của doanh nghiệp. Do những đặc điểm đấy chi phối đến tỷ trọng đầu tư cho các loại tài sản trong DN, nhu cầu vốn lưu động...Bên cạnh đó mỗi ngành nghề kinh doanh lại chịu tác động khác nhau trước những biến động của nền kinh tế vĩ mô. Đối với những DN sản xuất những sản phẩm có chu kỳ kinh doanh ngắn thì nhu cầu vốn lưu động giữa các thời kỳ trong năm không có những biến động lớn, DN cũng thường xuyên thu được tiền bán hàng nên dễ dàng đảm bảo cân đối thu thi, cũng như đảm bảo nhu cầu vốn lưu động. Còn đối với những DN sản xuất sản phẩm có chu kỳ kinh doanh dài thì nhu cầu VLĐ lớn hơn. Ví dụ như đối với các DN hoạt động trong ngành xây dựng nói chung và các DN niêm yết ngành xây dựng nói riêng, do đặc điểm sản phẩm của các DN này có tính chất riêng lẻ, đơn chiếc, kết cấu phức tạp, giá trị lớn nên đòi hỏi các DN này phải có đầy đủ năng lực tài chính, năng lực thi công, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…Bên cạnh đó, các sản phẩm của các DN này có thời gian thi công kéo dài, phụ thuộc vào thời tiết nên cần phải có một lượng vốn dồi dào để đảm bảo các công trình dự án hoàn thành tiến độ và chất lượng. Những DN hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ thì vốn lưu động chiếm tỷ trọng cao hơn, tốc độ chu chuyển vốn lưu động cũng nhanh hơn so với ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp...
g. Quản trị rủi ro
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, DN phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như rủi ro kinh tế; rủi ro pháp luật; rủi ro lãi suất; rủi ro tỷ giá; rủi ro về vốn, thanh toán, thu hồi công nợ; rủi ro biến động về giá nguyên vật liệu…Những rủi ro này đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng lực tài chính DN cụ thể như:
- Rủi ro có thể dẫn đến tăng chi phí làm giảm lợi nhuận của DN như chi phí tăng thêm từ giá cả nguyên vật liệu, lãi vay, từ chênh lệch tỷ giá hối đoái;
các chi phí thiệt hại về tài sản có rủi ro; các chi phí để khắc phục, bồi thường hay tổn thất do rủi ro mang lại; chi phí huy động vốn tăng do nhà đầu tư kỳ vọng kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao hơn để bù đắp rủi ro…
- Rủi ro tác động đến hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN: khi đầu tư vào một dự án DN thường xem xét lợi nhuận mà dự án đó mang lại với rủi ro mà dự án có thể gặp phải. Về mặt lý thuyết, rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Nếu DN không quản trị rủi ro hiệu quả thì những rủi ro về lâu về dài sẽ ăn mòn lợi nhuận của DN ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Với những rủi ro liên quan đến thanh toán, thu hồi công nợ nếu DN quản trị tốt những rủi ro này giúp ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ và rủi ro phá sản trong kinh doanh sẽ giúp DN gia tăng được uy tín và tầm ảnh hưởng từ đó làm tăng năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường.
Như vậy có thể thấy, rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của DN. Nếu DN có khả năng quản trị rủi ro tốt sẽ giúp DN chủ động ứng phó kịp thời những tác động của rủi ro, những biến động của kinh tế thế giới từ đó làm gia tăng năng lực tài chính cho DN.