CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP
1.1 Tổng hợp cách tiếp cận của các nghiên cứu trên thế giới về các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp
Ý định khởi nghiệp phản ánh mức độ quan tâm của một cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp [145]. Ý định dự đoán khá chính xác khả năng diễn ra hành vi trong tương lai [56][61], do đó việc tìm hiểu và đánh giá cụ thể các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp là vô cùng quan trọng để lý giải hành vi khởi nghiệp [201]. Cũng chính vì lập luận đó mà các nghiên cứu trên thế giới đã xây dựng và chứng minh rất nhiều các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp như:
• Nhóm yếu tố nhân khẩu học (Demographic factors) như tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tôn giáo, quốc tịch, truyền thống kinh doanh của gia đình [67].
• Nhóm nhân tố về năng lực cá nhân (Personal characteristics) như trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực quản lý, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm lãnh đạo và khởi nghiệp [59] [199].
• Nhóm đặc điểm tính cách cá nhân và cá tính (Personality traits) như mong muốn đạt được thành tựu, quyền kiểm soát, chấp nhận rủi ro, chấp nhận sự không chắc chắn, mong muốn được độc lập [162] [156].
• Nhóm các yếu tố xã hội (Social factors) như vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của nhà khởi nghiệp trong xã hội, hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội [71] [116] [98].
• Nhóm yếu tố văn hoá (Cultural factors) bao gồm chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể, văn hoá không chấp nhận sự bất ổn định, hệ tư tưởng Nho giáo, văn hoá vật chất [163] [64].
• Nhóm các yếu tố môi trường (Environmental factors) gồm nguồn lực về kinh tế, cơ hội việc làm, thể chế chính trị [110] [140].
• Nhóm yếu tố về giáo dục nói chung và các chương trình đào tạo khởi nghiệp nói riêng (Education and Entreprenuership Education Programs) [147] [220] [168] [139].
Theo Weber, R. trong lịch sử, các nghiên cứu về chủ đề ý định khởi nghiệp và các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp có bốn cách tiếp cận cơ bản [224]
(1) Cách tiếp cận đặc điểm, tính cách cá nhân (trait approach) trả lời câu hỏi: Ai sẽ là doanh nhân
(2) Cách tiếp cận đặc điểm xã hội học - nhân khẩu học (demographic-sociological approach) trả lời câu hỏi: Môi trường nào hình thành doanh nhân.
(3) Cách tiếp cận hành vi (behavioral approach) trả lời câu hỏi: Tại sao một số cá nhân lựa chọn theo đuổi hành trình khởi nghiệp.
(4) Cách tiếp cận tổng hợp với quan điểm ý định khởi nghiệp chịu sự tác động của tổng hoà nhiều nhóm yếu tố khác nhau.
1.1.1 Cách tiếp cận đặc điểm, tính cách cá nhân
Ở giai đoạn đầu của lịch sử nghiên cứu về ý định khởi nghiệp, các nhà nghiên cứu tập trung chủ yếu vào tiếp cận đặc điểm cá nhân nhằm xây dựng bộ đặc điểm tính cách cần thiết ở một cá nhân có xu hướng nảy sinh ý định khởi nghiệp cao hơn so với những người khác [171]. Theo quan điểm của nhóm học giả này, chỉ một số cá nhân với các đặc điểm tính cách nhất định mới có
2
ý định khởi nghiệp. Bộ tính cách điển hình bao gồm: mong muốn kiểm soát, tính sáng tạo, khả năng độc lập và tự chủ trong quyết định, tính cách tham vọng, chấp nhận rủi ro [53] .
Trên cơ sở lập luận này, một số mô hình đặc điểm tính cách cá nhân đã được xây dựng và áp dụng trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng khởi nghiệp cá nhân. Điển hình là Mô hình Đặc điểm Tính cách 5 yếu tố (FFM – Five factor model) dựa trên những phát hiện từ một số nhà nghiên cứu độc lập vào cuối năm 1950. Mô hình FFM bao gồm 5 đặc điểm tính cách: Cầu thị - Openness to experience: tư duy, sáng tạo, trí tưởng tưởng, thích khám phá trải nghiệm mới; Tận tâm - Conscientiousness: sự chăm chỉ, tỉ mỉ, trách nhiệm, cẩn thận; Hướng ngoại -Extroversion: tính mạnh mẽ, thích xã giao, nhiệt tình; Đồng thuận - Agreeableness: sự tin tưởng, hợp tác, tán thành, linh hoạt và Nhiễu tâm - Neuroticism (thường được nhiều nghiên cứu thay thế bằng đặc điểm đối lập là ổn định cảm xúc-Emotional stability): sự bình tĩnh, biết cách thư giãn, trạng thái cân bằng [92].
Bên cạnh FFM, mô hình Thu hút, Lựa chọn, Tiêu hao (ASA - Attraction–Selection–
Attrition model) do học giả Schneider phát triển năm 1987 cũng được ứng dụng nhiều trong các nghiên cứu khởi nghiệp nhằm tìm hiểu vai trò của cá tính cá nhân tới ý định khởi nghiệp. ASA cho rằng cá nhân với một số đặc điểm tính cách nhất định có xu hướng bị hấp dẫn nhiều hơn với hoạt động khởi nghiệp. Thêm nữa, các bên thứ ba như nhà đầu tư, khách hàng có xu hướng lựa chọn đối tác chủ doanh nghiệp là những cá nhân có một số đặc điểm tính cách nhất định. Đặc biệt, những cá nhân với bộ đặc điểm tính cách nhất định luôn nhận thấy việc làm chủ doanh nghiệp sẽ đáp ứng mong muốn và nhu cầu bản thân; do vậy họ sẽ gắn kết lâu dài để thực sự thiết lập doanh nghiệp khởi nghiệp [232]
Nhà nghiên cứu David C. McClelland với nghiên cứu mang tựa đề ‘The Achieving Society’ xuất bản năm 1961 được coi là học giả tiên phong mở đầu cho xu thế tiếp cận này.
McClelland nhấn mạnh rằng nhu cầu thành đạt là yếu tố quyết định chính đến tiềm năng khởi nghiệp của cá nhân [118]. Nghiên cứu của Schumpeter cho thấy tư duy sáng tạo là yếu tố tính cách trung tâm ở mọi doanh nhân khởi nghiệp [197]. Trong khi đó, Robinson khẳng định sự tự tin và thỏa mãn bản thân là yếu tố quyết định [192].
Bảng 1.1 tổng hợp một số kết quả nghiên cứu về cách tiếp cận các yếu tố đặc điểm tính cách cá nhân tác động tới ý định khởi nghiệp.
Bảng 1.1: Tổng hợp nghiên cứu liên quan đến các yếu tố tính cách, đặc điểm cá nhân tác động tới ý định khởi nghiệp
Nhóm yếu tố Nguồn Mong muốn đạt được thành tựu, quyền kiểm soát, chấp nhận rủi
ro, chấp nhận sự không chắc chắn, mong muốn được độc lập [162] [76] [128] [156]
Sự tự tin, sự năng động nhạy bén, có hoài bão, khuynh hướng tự
chủ cao và sẵng sàng chấp nhận rủi ro. [127] [226]
Năng lực cá nhân như trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực quản lý, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm lãnh đạo và khởi
nghiệp [199] [148] [59] [217]
(Nguồn: Nghiên cứu sinh tổng hợp)
Trong khoảng 15 năm phát triển đỉnh cao của phương pháp tiếp cận ý định khởi nghiệp dựa trên bộ đặc điểm tính cách cá nhân, rất nhiều các thành tựu đã được ghi nhận. Tuy nhiên vào cuối những năm 1980 do không chứng minh được tính nhất quán từ các kết quả nghiên cứu thực
3
nghiệm, các mô hình và lý thuyết xem xét ý định khởi nghiệp dựa trên cách tiếp cận đặc điểm tính cách cá nhân có xu hướng bị giới học giả bác bỏ [77].
Thêm nữa các nghiên cứu đương đại cũng chỉ ra rằng việc đánh giá ý định khởi nghiệp dựa trên nhóm yếu tố tác động là tính cách cá nhân chỉ lý giải được khoảng 10% kết quả, 90% còn lại nằm ở các yếu tố tác động khác ngoài đặc điểm tính cách cá nhân [56]. Với mức dự đoán thấp khoảng 10%, có thể nói việc nghiên cứu nhóm yếu tố tác động đặc điểm tính cách cá nhân khi xem xét ý định khởi nghiệp là không khả thi. Do đó giới học giả đương đại có xu hướng áp dụng cách tiếp cận khác thay thế cho cách tiếp cận dựa trên bộ đặc điểm tính cách cá nhân của doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng.
1.1.2 Cách tiếp cận đặc điểm xã hội học – nhân khẩu học
Song hành với cách tiếp cận đặc điểm tính cách cá nhân, giới học giả trên thế giới phát triển học thuyết các yếu tố về đặc điểm xã hội - nhân khẩu học có tác động tới việc hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp cá nhân. Cách tiếp cận này đề cập tới các nhóm yếu tố sau:
• Nhóm yếu tố tác động nhân khẩu học (Demographic factors) như độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tôn giáo, quốc tịch, truyền thống kinh doanh của gia đình. Nhóm nghiên cứu Drennan cho rằng truyền thống kinh doanh của gia đình tác động rất lớn đến ý định khởi nghiệp và những kinh nghiệm mà một cá nhân trải qua trong thời thơi ấu gắn liền với truyền thống kinh doanh phát đạt của gia đình sẽ là động lực để một cá nhân theo đuổi đam mê khởi nghiệp [95]. Alsos và cộng sự cũng đồng ý với nhận định rằng truyền thống gia đình làm kinh doanh sẽ khuyến khích cá nhân mong muốn khởi nghiệp [57].
• Nhóm các yếu tố xã hội (Social factors) như vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của nhà khởi nghiệp trong xã hội, hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội có tác động đáng kể đến tâm lý yêu thích khởi nghiệp thay vì đi làm công của cá nhân [71] [98] [116] .
• Nhóm yếu tố văn hoá (Cultural factors): Chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể, văn hoá không chấp nhận sự bất ổn định, hệ tư tưởng Nho giáo, văn hoá vật chất. Văn hoá thể hiện sự tác động mạnh mẽ tới ý định khởi nghiệp. Ví dụ điển hình nhất của sự tác động này là trường hợp các quốc gia thu nhập cao ở Châu Âu. Mặc dù số liệu điều tra từ GEM qua các năm từ 2007 đến 2010 cho thấy người dân có nhận định rất tốt về khởi nghiệp nhưng phần lớn lại không có ý định khởi nghiệp bởi một trong những lý do chính là không hề tồn tại văn hoá khởi nghiệp ở các quốc gia này. Điều đó lý giải vì sao sinh viên ở đây thích đi làm công cho các doanh nghiệp hơn là tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp [112] .
• Nhóm các yếu tố môi trường (Environmental factors) như nguồn lực về kinh tế, cơ hội việc làm, thể chế chính trị ([110] [140]). Kibler và cộng sự đã liệt kê rất nhiều dẫn chứng từ các nghiên cứu tiền nhiệm khẳng định thể chế kinh tế - văn hoá – xã hội liên quan tới khởi nghiệp, hay còn được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp tác động mạnh mẽ tới ý định khởi nghiệp của mỗi cá nhân tồn tại trong môi trường đó [135]. Đồng tình với quan điểm trên, Van Gelderen và cộng sự khẳng định môi trường xung quanh mỗi cá nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành và nâng cao ý định khởi sự doanh nghiệp [219]. Các cơ hội kinh doanh có xu hướng cao hơn và khả thi hơn ở các nền kinh tế tháo bỏ các quy định ràng buộc, thị trường tự do và ít các rào cản [101]. Ở các quốc gia với cơ chế chính sách bất ổn, việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khả thi, đặc biệt là trường hợp các doanh nghiệp hoạt động dựa trên nền tảng khoa học công nghệ bởi tính chất bắt đầu một cách thức hoạt động mới của nhóm doanh nghiệp này [54].
4
• Nhóm yếu tố về giáo dục nói chung và các chương trình đào tạo khởi nghiệp nói riêng (Education and Entreprenuership Education Programs): Kwong & cộng sự khẳng định cá nhân có bằng tốt nghiệp đại học thường có khuynh hướng tham gia vào những giai đoạn đầu của hoạt động khởi nghiệp cao hơn so với những người không có bằng cấp và trở thành chủ của các công ty có mức tăng trưởng cao [147]. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khẳng định trình độ học vấn có vai trò quyết định tới ý định khởi nghiệp [220]. Tương tự, Samantha cũng khẳng định các chương trình đào tạo khởi nghiệp có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc tạo ra các cá nhân khởi nghiệp và thúc đẩy môi trường, văn hoá khởi nghiệp cho một xã hội [195]. Douglas trích dẫn nhiều nghiên cứu khẳng định mối quan hệ cùng chiều giữa giáo dục và ý định khởi nghiệp [93]. Kolvereid &
Moen chứng minh sinh viên tham dự các chương trình về khởi nghiệp thường có ý định khởi nghiệp cao hơn so với nhóm không tham dự [142]. Koe cũng khẳng định việc tham gia các chương trình đào tạo về khởi nghiệp đóng góp rất nhiều đến sự hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên [139].
Bảng 1.2 tổng hợp một số kết quả nghiên cứu các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp cá nhân dựa trên cách tiếp cận đặc điểm xã hội học – nhân khẩu học.
Bảng 1.2: Tổng hợp nghiên cứu các yếu tố tác động về xã hội học – nhân khẩu học
Nhóm yếu tố Nguồn
Nhóm yếu tố nhân khẩu học (Demographic factors) như tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tôn giáo, quốc tịch, truyền thống kinh doanh
của gia đình [209] [206] [176]
Nhóm các yếu tố xã hội (Social factors): Vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của nhà khởi nghiệp trong xã hội, hỗ trợ từ phía gia đình và
xã hội [71] [98] [116]
Nhóm yếu tố văn hoá (Cultural factors): Chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể, văn hoá không chấp nhận sự bất ổn định, hệ tư tưởng
Nho giáo, văn hoá vật chất [163] [68] [64]
Nhóm yếu tố môi trường (Environmental factors) như Nguồn lực về
kinh tế, Cơ hội việc làm, thể chế chính trị [110] [141]
Các chương trình đào tạo ngoại khóa, chính khóa về khởi nghiệp
(Entreprenuership Education Programs) [142] [147] [168]
(Nguồn: Nghiên cứu sinh tổng hợp)
Tuy nhiên ở các nghiên cứu đương đại, cách tiếp cận này ít được sử dụng độc lập khi đánh giá các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp mà thường được sử dụng kết hợp, mang tính chất bổ sung cho các phương pháp tiếp cận tính khác.
Đơn cử như nhóm tác giả Altinay nghiên cứu tác động của truyền thống gia đình và đặc điểm tính cách cá nhân tác động tới ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành khách sạn ở Anh. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy truyền thống kinh doanh của gia đình kết hợp với một số yếu tố về tính cách cá nhân như đổi mới sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với rủi ro là những yếu tố chính hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên [46].
Tác giả Reynolds đã dựa vào các kết quả nghiên cứu tiềm nhiệm để thực hiện đề tài nghiên cứu của mình năm 1997 với kết luận: ảnh hưởng tích cực từ gia đình, trình độ học vấn cao kết hợp với nhu cầu thành đạt, khả năng chấp nhận rủi ro và có xu hướng đổi mới là những nhân tố tiên quyết tác động tới ý định khởi nghiệp của nam giới trong độ tuổi từ 25 đến 40 [189].
5
Goyane nghiên cứu bốn yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp của sinh viên Tây Ban Nha với kết quả ba trong bốn yếu tố có tác động, bao gồm: Các yếu tố cá nhân, Yếu tố địa lý, Môi trường xung quanh. Riêng yếu tố về gia đình không có ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của sinh viên [115] .
Như vậy, nhìn vào các nghiên cứu tiền nhiệm, có thể khẳng định nhóm yếu tố về đặc điểm nhân khẩu học và xã hội học có tác động tới ý định khởi nghiệp nhưng mang tính chất phụ trợ, bổ sung cho các cách tiếp cận khác. Rất ít các nghiên cứu xem xét tác động độc lập của riêng nhóm yếu tố tới này tới ý định khởi nghiệp cá nhân. Thêm nữa, các nghiên cứu đương đại cũng chỉ ra rằng việc đánh giá ý định khởi nghiệp chỉ dựa vào các yếu tố ngoại sinh thuộc nhóm yếu tố môi trường bên ngoài cá nhân thường mang lại cái nhìn không xác thực [56].
1.1.3 Cách tiếp cận hành vi
Bắt đầu từ cuối thập niên 80, hầu hết các các nghiên cứu về khởi nghiệp chuyển sang xu thế tiếp cận hành vi khởi nghiệp mà tiêu biểu là quá trình hình thành ý định khởi nghiệp thông qua các mô hình ý định [192]. Đây cũng là xu thế nghiên cứu được sử dụng phố biến hiện nay.
Xu thế tiếp cận này xuất phát từ kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học khẳng định ý định là nhân tố dự đoán duy nhất và chính xác nhất hành vi có kế hoạch [65]; đặc biệt trong các trường hợp hành vi hiếm, khó quan sát và không xác định được thời gian diễn ra [161]. Khởi nghiệp thuộc nhóm hành vi hiếm, diễn ra trong một thời gian dài và đòi hỏi chủ thể của hành vi phải có kế hoạch cụ thể. Do đó khởi nghiệp được xếp vào nhóm hành vi có kế hoạch, dự định [70]
[131] và được dự đoán chính xác nhất thông qua các mô hình dự định [145].
Nhìn nhận sâu về xu thế nghiên cứu tiếp cận hành vi khởi nghiệp thông qua ý định khởi nghiệp thì trong khoảng vài thập kỷ gần đây, xu hướng chung của các nghiên cứu trên thế giới tập trung vào đo lường ý định khởi nghiệp của sinh viên dưới tác động của các biến nhận thức cá nhân dựa trên Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) do học giả Ajzen khởi xướng năm 1991. Ban đầu, TPB được phát triển để giải thích hành vi cá nhân nói chung. Sau đó TPB đã được các học giả trong lĩnh vực khởi nghiệp đón nhận và cho kết quả ủng hộ ở rất nhiều các nghiên cứu thực nghiệm [219].
Một số nghiên cứu điển hình áp dụng TPB như sau:
• Mô hình Tegtmeier, S. áp dụng nguyên bản mô hình TPB cho thấy cả ba yếu tố “thái độ đối với khởi nghiệp”, “nhận thức kiểm soát hành vi” và “chuẩn chủ quan” đều tác động tích cực tới ý định khởi nghiệp cá nhân [210].
• Miranda & cộng sự đo lường ý định khởi nghiệp của 1178 sinh viên ở Tây Ban Nha thông qua tác động của ba tiền tố chính của TPB. Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ đối với việc khởi nghiệp tác động rõ ràng nhất tới ý định khởi nghiệp, hai tiền tố còn lại có mức độ tác động thấp hơn [166].
• Nghiên cứu của Autio & cộng sự; Krueger & Reilly cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa
“chuẩn chủ quan” lên “ý định khởi nghiệp” [64] [142].
• Mô hình Wu & Wu áp dụng nguyên bản TPB cho thấy “thái độ đối với khởi nghiệp” và
“nhận thức kiểm soát hành vi” tác động tích cực đến “ý định khởi nghiệp” của sinh viên. Tuy nhiên không có bằng chứng thống kê chứng minh “chuẩn chủ quan” tác động tích cực đến “ý định khởi nghiệp” [228]. Kết quả này tiếp tục được khẳng định ở nghiên cứu của nhóm Boissin & cộng sự khi so sánh ở hai quốc gia Mỹ và Pháp [72].