CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP
2.1 Khởi nghiệp: các hình thức, các lĩnh vực và quá trình phát triển
Theo từ điển tiếng Việt, khởi nghiệp là việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới [13]. Như vậy ở Việt Nam khái niệm khởi nghiệp có nghĩa rất rộng: có thể là bắt đầu công việc kinh doanh, buôn bán nhỏ, từ các ngành nghề rất truyền thống như bán bánh mì, xôi, chè… và không cần đăng ký kinh doanh cho đến thành lập một doanh nghiệp sáng tạo công nghệ giúp đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh nhằm giải quyết một hoặc nhiều nhu cầu nào đó của thị trường. Gần đây, chúng ta mới bắt đầu đề cập tới khái niệm khởi nghiệp sáng tạo nhưng nhìn chung vẫn còn rất mờ nhạt và chưa được cộng đồng nhìn nhận rõ ràng, chính xác.
Tuy nhiên quan điểm của khoa học hiện đại thì khởi nghiệp phải gắn liền với việc hình thành một doanh nghiệp mới, có tư cách pháp nhân và dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để mang lại sự đổi mới sáng tạo. Do vậy mà thuật ngữ khởi nghiệp được cộng đồng quốc tế nghiễm nhiên công nhận là việc thành lập một doanh nghiệp mới gắn liền với đổi mới sáng tạo và dựa trên nền tảng khoa học công nghệ (technology based entrepreneur/start-up – TBE).
Đơn cử, Drucker cũng như nhiều học giả khác khẳng định khởi nghiệp luôn gắn bó chặt chẽ với đổi mới sáng tạo, hay nói ngược lại sáng tạo chính là công cụ chính hình thành nên khởi nghiệp [97]. Trích dẫn nhận định của nhà kinh tế học kinh điển Schumper, nhà nghiên cứu Robinson làm rõ sự khác nhau giữa một giám đốc và nhà khởi nghiệp ở chỗ giám đốc chỉ đơn giản điều hành một công ty trong khi nhà khởi nghiệp chính là nhà cải cách sáng tạo [192]. Nghiên cứu của Shane đưa ra khái niệm cơ bản của khởi nghiệp là ‘một hoạt động liên quan tới sự khám phá, đánh giá, khai thác cơ hội nhằm giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, cách thức mới điều hành doanh nghiệp, thị trường hay nguồn nguyên vật liệu mới mà trước đây chưa từng xuất hiện’ [201].
Dựa trên quan điểm của nghiên cứu Barbara và cộng sự thì “Start – up chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp mới hình thành trên nền tảng kết quả khoa học công nghệ” [66].
Theo quan điểm phổ biến nhất của cộng đồng quốc tế thì khởi nghiệp là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập ra nó hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Với nhiều người, hoạt động khởi nghiệp được hiểu đơn giản là theo đuổi những quyết định mạo hiểm trong tương lai; đây là quá trình gần như không thể thiếu trong kinh doanh nhưng do tính chất rủi ro nên không phải doanh nghiệp nào khởi nghiệp cũng thành công [29].
Trong kinh tế học, khởi nghiệp luôn gắn liền với hai thuật ngữ: thành lập doanh nghiệp mới (startup) và tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship). Thành lập doanh nghiệp mới (start-up) là việc thành lập và điều hành một doanh nghiệp mới còn tinh thần khởi nghiệp được định nghĩa là một dạng năng lực cá nhân và động lực thúc đẩy một cá nhân dồn tâm huyết cũng như sức lực để tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Tinh thần khởi nghiệp còn được gọi là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, là một thuật ngữ xuất hiện khá lâu trên thế giới. Quan điểm của các nhà nghiên cứu thì những doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải là những con người mà bản thân họ có hoài bão vượt lên số phận, chấp nhận rủi ro với tinh thần đổi mới và sáng tạo; đồng thời dũng cảm gánh chịu những tai họa nghiêm trọng về vật chất và tinh thần khi làm ăn thua lỗ.
Nhà kinh tế học Mỹ Drucker, P.F trong nghiên cứu [97] cho rằng “tinh thần doanh nhân khởi nghiệp được hiểu là hành động của doanh nhân khởi nghiệp - người tiến hành việc biến những cảm nhận nhạy bén về kinh doanh, tài chính và sự đổi mới thành những sản phẩm hàng hóa
17
mang tính kinh tế. Kết quả của những hành động này là tạo nên những tổ chức mới hoặc góp phần tái tạo những tổ chức đã “già cỗi”. Hình thức rõ ràng nhất của tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là bắt đầu xây dựng những doanh nghiệp mới”. Có thể nói tinh thần khởi nghiệp là tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp có một vị trí xã hội quan trọng bởi tinh thần này thúc đẩy doanh nhân có ham muốn tìm hiểu nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Đây được xem là nhân tố quan trọng của xã hội đương thời [69]. Theo nhóm nghiên cứu Nabi & Holden [173], khởi nghiệp thể hiện quan điểm cá nhân đối với lựa chọn nghề nghiệp, suy nghĩ và hành động hướng tới việc thành lập một doanh nghiệp mới.
Nghiên cứu của Bruyat & Julien cho rằng có nhiều cách để hiểu vấn đề khởi nghiệp, từ cách hiểu theo nghĩa hẹp là bắt đầu làm chủ một doanh nghiệp mới đến nghĩa rộng như quan điểm về nghề nghiệp theo hướng tự mình làm chủ, khởi xướng, phát kiến và chấp nhận rủi ro [79] . Cũng tiếp cận vấn đề khởi nghiệp theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng, Zhang & Yang phát biểu khởi nghiệp là việc hình thành một doanh nghiệp mới, nếu hiểu theo nghĩa rộng thì khởi nghiệp là cả một quá trình dài đi từ khám phá, đánh giá, khai thác và tận dụng cơ hội mà quá trình này luôn bao gồm sự hình thành doanh nghiệp mới và thực hiện các hành vi kinh doanh [230].
Ngoài ra còn rất nhiều các định nghĩa và cách hiểu về khởi nghiệp, nhưng nhìn chung các nghiên cứu hiện đại trên thế giới đều thống nhất khởi nghiệp là việc thành lập và làm chủ một doanh nghiệp mới [117].
Trong khuôn khổ luận án này, đối tượng nghiên cứu là ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kỹ thuật là đối tượng có tri thức, được đào tạo bài bản và có kiến thức nền tảng về khoa học công nghệ. Do vậy khởi nghiệp được hiểu như cách nhìn nhận chung trên thế giới là việc một cá nhân tự đứng ra làm chủ hoặc đồng làm chủ (self – employment) gây dựng một doanh nghiệp mới dựa trên áp dụng hoặc sáng tạo khoa học công nghệ để mang lại sự đổi mới sáng tạo và được gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cách gọi này tương đồng với Điều 3 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành năm 2017, theo đó khởi nghiệp sáng tạo là thành lập doanh nghiệp mới để khai thác một ý tưởng sáng tạo. Các ý tưởng sáng tạo có thể là tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh ở sản phẩm, quy trình sản xuất - kinh doanh, tổ chức hay tiếp thị. Đây chính là nhóm doanh nghiệp khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cũng chính là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn cuộc sống như chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đặt ra hiện nay.
2.1.2 Các hình thức khởi nghiệp
• Căn cứ vào số lượng cá nhân tham gia khởi nghiệp: Khởi nghiệp được chia thành 2 loại:
o Khởi nghiệp độc lập: Một cá nhân duy nhất thành lập, làm chủ và tự mình điều hành doanh nghiệp
o Khởi nghiệp hợp tác hoặc đồng khởi nghiệp: Từ 2 cá nhân cùng thành lập, đồng làm chủ và phối hợp điều hành doanh nghiệp mới
• Căn cứ vào mục đích lợi nhuận
o Khởi nghiệp tạo lập doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận: Chủ doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp để làm giàu cho bản thân, kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khởi sự kinh doanh thường bắt nguồn từ sự hấp dẫn về tiền bạc. Kiếm lợi nhuận và gia tăng giá trị của doanh nghiệp là mục đích chính của nhiều người khi khởi sự kinh doanh. Phần lớn các doanh nhân khởi sự kinh doanh vì mục đích này.
18
o Khởi nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận: Mục tiêu khởi sự của chủ doanh nghiệp là không vì lợi nhuận mà vì xã hội. Chủ doanh nghiệp phát triển kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ nhưng không vì lợi ích cá nhân mình mà nhằm mục đích nhân đạo. Các doanh nghiệp này được gọi là các doanh nghiệp xã hội. Khác với doanh nhân kinh doanh, doanh nhân xã hội không có mục đích lợi nhuận mà họ hoàn toàn tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho hoạt động mang tính nhân đạo. Xã hội đánh giá thành công của doanh nghiệp không phải qua lợi nhuận mà bằng những tiến bộ xã hội mà doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng.
• Căn cứ vào môi trường khởi nghiệp:
o Khởi nghiệp độc lập của cá nhân: Một hoặc nhiều cá nhân độc lập tự thành lập một doanh nghiệp khởi nghiệp
o Khởi nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp: Theo định nghĩa của GEM, khởi nghiệp trong doanh nghiệp là việc các nhân viên làm thuê trong các tổ chức kinh doanh tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp cho chủ của mình, và các hoạt động khởi nghiệp này là những hoạt động mới khác với các hoạt động thường ngày của doanh nghiệp như việc thành lập công ty con, mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới, phát triển một sản phẩm mới. Khởi nghiệp trong doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp đang hoạt động có môi trường, văn hóa và cơ chế khuyến khích việc nhân viên theo đuổi các ý tưởng cơ hội kinh doanh.
• Căn cứ vào lý do khởi nghiệp: Nghiên cứu [189] chia ra 2 loại hình khởi nghiệp.
o Khởi nghiệp cơ hội (Opportunity entrepreneurship): Khởi nghiệp do đam mê, khẳng định bản thân, tăng thêm thu nhập của người khởi sự hoặc do nhận thức được cơ hội kinh doanh tốt (hay còn được gọi là pull factors). Hình thức khởi nghiệp này lại được chia thành 3 loại, căn cứ vào mục đích và lý do khởi nghiệp:
Khởi nghiệp để tăng thêm thu nhập
Khởi nghiệp để duy trì thu nhập
Khởi nghiệp để độc lập hơn
Tại các nước phát triển dựa trên sáng tạo đổi mới, phần lớn các khởi nghiệp nhằm mục đích có sự độc lập hơn.
o Khởi nghiệp cấp thiết (Necessity entrepreneurship): Khởi nghiệp vì đó là con đường duy nhất để tồn tại, mưu sinh hàng ngày (hay còn gọi là push factors).
Phân loại căn cứ vào lý do khởi nghiệp trên do Reynolds và cộng sự đưa ra tương đồng với cách phân loại hiện nay của GEM. Theo GEM, 97% các hoạt động khởi nghiệp được xếp vào 2 hình thức [190]:
o Opportunity-based ventures (OPP): Hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp do gặp được cơ hội
o Necessity-based ventures (NEC): Hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp do không thể tìm được việc làm nào khác.
o Ở Việt Nam, dựa trên tiêu chí này, người ta cũng phân loại khởi nghiệp thành hai loại:
o Khởi nghiệp vì kế sinh nhai
o Khởi nghiệp kinh doanh trên cơ sở có kiến thức nghề nghiệp.
2.1.3 Các lĩnh vực khởi nghiệp chủ yếu
Trên thế giới và ở Việt Nam, có hai lĩnh vực khởi nghiệp chủ yếu là Khởi nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và Khởi nghiệp kinh doanh thông thường:
19
o Khởi nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ (ở Việt Nam còn được gọi là các doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học công nghệ hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo/khởi nghiệp sáng tạo). Theo GEM (2016), việc đánh giá định hướng đổi mới của hoạt động kinh doanh nói chung và giai đoạn khởi nghiệp nói riêng dựa vào ba chỉ tiêu: Mức độ đổi mới đối với sản phẩm, Mức độ đổi mới đối với thị trường và Mức độ đổi mới về công nghệ [11]
o Khởi nghiệp kinh doanh thông thường: các hình thức thành lập công ty mới dựa trên ngành nghề truyền thống hoặc không áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thế giới đang ngày càng thu nhỏ, xoá nhoà những khoảng cách về thời gian và không gian. Trong tương lai, sáng tạo công nghệ sẽ bùng nổ với hàng loạt công nghệ mới và vì vậy những thử nghiệm và đổi mới sáng tạo chính là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chính là những đối tượng nhưvâỵ , họ là những người có ý tưởng công nghệ mới, có mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ mới ra thị
trường. Hơn nữa, đặc tính tăng trưởng nhanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khiến họ
có tiềm năng trở thành các doanh nghiệp mạnh, có giá trị kinh tế lớn chỉ trong một thời gian ngắn, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức.
Bởi vậy, xu thế chung của các quốc gia trên thế giới là phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nắm bắt những xu thế mới, cơ hội mới của nền kinh tế tri thức toàn cầu, coi sáng tạo là nguồn gốc của sự gia tăng của cải và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hình thức doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay các nhóm startup mới hình thành chính là mục tiêu quan trọng trong
chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, từ những nước phát triển nhưMỹ, Anh, các nước
châu Âu đến các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Thái Lan coi các startup là trụ cột quan trọng, họ là những chiến binh kinh tế mới (New economic warriors) tạo ra các lợi ích kinh tế - xã hội, định hình nền kinh tế đổi mới sáng tạo (Innovation - based economy) cho Thái Lan và giúp nước này thoát khởi bẫy thu nhập trung bình [3].
Đối với nước ta, tầm quan trọng của phát triển KH&CN, đưa KH&CN vào ứng dụng trong cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã nhiều lần được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 20/NQ/TW - Hội nghị lần thứ 6, BCH TƯ Đảng khóa XI. Thực hiện mục tiêu đó, một trong những yêu cầu được đề ra là cần phải phát triển lực lượng doanh nghiệp dựa trên KH&CN - doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - chính là chủ thể quan trọng trong việc đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệcủa
người Việt ứng dụng vào thực tiễn [3].
Ngoài ra, GEM (2016) đưa ra chi tiết bốn lĩnh vực khởi nghiệp chủ yếu, bao gồm:
o Khai thác o Chế biến
o Phục vụ doanh nghiệp o Phục vụ người tiêu dùng
Theo đó, ở các nền kinh tế phát triển dựa trên nguồn lực như Việt Nam, tỷ lệ khởi nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và phục vụ người tiêu dùng, trong khi tại các nền kinh tế phát triển dựa trên đổi mới, tỷ lệ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và phục vụ doanh nghiệp cao nhất. Như vậy, để một nền kinh tế phát triển sang giai đoạn cao hơn,
20
cần có sự khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp, giảm tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác và phục vụ người tiêu dùng
2.1.4 Quá trình phát triển hoạt động khởi nghiệp
Khởi nghiệp diễn ra khi một hoặc một vài cá nhân quyết định thành lập một doanh nghiệp mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên đây không chỉ đơn giản là một hành động mà là một quá trình phát triển đi từ ý định khởi nghiệp đến hành động khởi nghiệp. Nói một cách đầy đủ, khởi nghiệp được coi là một hành trình, thông qua thay đổi nhận thức và tư duy, để kiến tạo ra sự đổi mới sáng tạo, kích thích sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm hiệu quả và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế quốc tế [124]. Ở điểm đầu tiên của quá trình này chính là sự thay đổi nhận thức và tư duy, hay nói như quan điểm của Krueger &
cộng sự, ý định khởi nghiệp là thành phần đầu tiên và xác định hướng đến các hành vi khởi nghiệp.
Theo nghiên cứu của Shane, quá trình khởi nghiệp diễn ra khi một cá nhân hành động để nắm bắt cơ hội, ví dụ như cơ hội thành lập một doanh nghiệp mới [201]. Mô tả quá trình khởi nghiệp, Bird và Kibler khẳng định điểm bắt đầu của quá trình này là nhu cầu cá nhân, giá trị, mong muốn, thói quen và niềm tin của xã hội [70] [135]. Các nhân tố này tác động tới ham muốn và ý định khởi nghiệp của mỗi cá nhân, để từ đó họ bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đồng tình với nhận định trên, hàng loạt các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định ý định khởi nghiệp chính là điểm gốc rễ của quá trình khởi nghiệp. Shook & cộng sự đưa ra bốn giai đoạn của hành trình khởi nghiệp trong đó ý định khởi nghiệp chính là giai đoạn đầu tiên thiết lập nền móng vững chãi cho cả quá trình, tiếp đến là giai đoạn tìm kiếm cơ hội, giai đoạn quyết định thành lập start-up thông qua việc khai thác cơ hội và cuối cùng là giai đoạn thành lập doanh nghiệp để thực hiện cơ hội [205].
Mô hình Quá trình Khởi nghiệp (model of the entrepreneurial process) do Bruyat’s xây dựng năm 1993 chia ra ba giai đoạn phát triển trong đó ý định khởi nghiệp cũng được hình thành ở chính giai đoạn đầu tiên[79] :
• Giai đoạn nảy sinh/bắt đầu (triggered or initiated point): Ở giai đoạn này, một cá nhân suy nghĩ sâu sắc đến việc thành lập doanh nghiệp, và ý định khởi nghiệp được hình thành ở chính giai đoạn này. Việc tìm kiếm cơ hội cũng được xúc tiến như một yếu tố phát sinh hành động khởi nghiệp (a triggering factor).
• Giai đoạn hành động (committed process): Cá nhân dành phần lớn thời gian, tâm huyết, nguồn lực, mối quan hệ để hình thành doanh nghiệp.
• Giai đoạn hoàn thành (completed process): Sự thành công hoặc thất bại của doanh nghiệp Theo Van Der Zwan & cộng sự, một cá nhân thông thường sẽ trải qua 5 bước trong hành trình khởi nghiệp [218]:
• Không bao giờ suy nghĩ về vấn đề khởi nghiệp
• Suy nghĩ về khởi nghiệp (ý định khởi nghiệp khởi phát)
• Bắt đầu hành động để thành lập doanh nghiệp
• Điều hành doanh nghiệp trẻ dưới 3 năm tuổi
• Điều hành doanh nghiệp từ 3 năm tuổi trở lên