CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI Ý ĐỊNH KHỞI NGHIỆP
2.4. Mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động tới ý định khởi nghiệp
2.4.1 Nhóm mô hình xem xét các yếu tố tác động bên trong cá nhân
• Mô hình xu hướng thái độ kinh doanh của Robinson & cộng sự (1991): Mô hình xu hướng thái độ kinh doanh của Robinson & cộng sự nhấn mạnh đến thái độ của doanh nhân và cho rằng xu hướng thái độ sẽ giải thích ý định khởi nghiệp tốt hơn các yếu tố khác [192]. Theo đó ý định khởi nghiệp bị tác động bởi sự thành đạt, khả năng đổi mới và khả năng kiểm soát cá nhân thể hiện qua ba phản ứng: tình cảm, nhận thức, ý muốn (Hình 2.3).
Theo Robinson, thái độ dự đoán hành vi kinh doanh tốt hơn tính cách, vì thái độ thay đổi dẫn tới hành vi thay đổi, trong khi tính cách rất khó thay đổi hay chậm thay đổi nên hành vi cũng khó thay đổi theo. Do vậy Robinson đề nghị chú trọng tới việc xem xét mối tương quan giữa thái độ (được gọi là yếu tố dự báo) và ý định khởi nghiệp (biến phụ thuộc).
Hình 2.3: Mô hình xu hướng thái độ kinh doanh Nguồn: Robinson & cộng sự (1991)[192]
• Mô hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero và Sokol – SEE (1982): Là mô hình được áp dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu về hành vi khởi nghiệp dưới sự tác động của môi trường học thuật [145], mô hình Sự kiện Khởi nghiệp của Shapero và Sokol khởi xướng năm 1982 phát biểu như sau: việc hình thành hành vi khởi nghiệp chịu sự tác động của hai yếu tố: (1) những sự kiện (tích cực hoặc tiêu cực hoặc trung tính) diễn ra làm thay đổi cuộc sống của cá nhân và (2) nhận thức của bản thân cá nhân về tính khả thi với hoạt động khởi nghiệp và mong muốn khởi nghiệp. Ý định khởi nghiệp sẽ xuất hiện khi cá nhân phát hiện ra một cơ hội mà họ thấy khả thi và mong muốn nắm lấy cơ hội đó. Tuy nhiên để ý định biến thành hành động thành lập doanh nghiệp
30
mới thì cần có chất xúc tác, đó là những thay đổi trong cuộc sống con người, cũng như trong quá trình lao động và học tập hàng ngày. Như vậy, một cá nhân thực hiện hành động khởi nghiệp khi và chỉ khi tồn tại hai điều kiện tạm gọi là yếu tố kéo đẩy (sự kiện thay đổi cuộc sống) và nhận thức của cá nhân về năng lực khởi nghiệp của bản thân cùng mong muốn, khát khao khởi nghiệp. Thiếu đi một trong hai điều kiện trên, hoạt động khởi nghiệp sẽ không thể diễn ra (Hình 2.4).
Hình 2.4: Mô hình sự kiện khởi sự kinh doanh (Nguồn: Shapero và Sokol) [202]
• Mô hình tiềm năng khởi nghiệp của Krueger & Brazeal (1994): Năm 1994, Krueger &
Brazeal đã dựa trên hình sự kiện khởi nghiệp của Shapero & Sokol để xây dựng Mô hình tiềm năng khởi nghiệp [146]. Các tác giả này cho rằng một cá nhân có mong muốn khởi nghiệp và tin tưởng vào năng lực khởi nghiệp thành công của bản thân sẽ xuất hiện tiềm năng khởi nghiệp, và tiềm năng này sẽ biến thành ý định khởi nghiệp dưới tác động của các yếu tố kéo đẩy như trong mô hình của Shapero và Sokol (Hình 2.5)
Hình 2.5: Mô hình tiềm năng khởi nghiệp (Nguồn: Krueger & Brazeal, 1994) [146]
31
• Mô hình Lý thuyết hành vi kế hoạch TPB của Ajzen (1991): Năm 1991, Ajzen hoàn thiện Lý thuyết hành vi kế hoạch (TPB) trên cơ sở mô hình Hành động hợp lý (TRA), theo đó hành vi thực sự của một người được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi đó. Ý định hành vi lại là một hàm của ba yếu tố. Thứ nhất, các thái độ được khái niệm như là đánh giá tích cực hay tiêu cực về hành vi thực hiện, nó chịu ảnh hưởng của niềm tin của cá nhân đó đối với kết quả hành động và việc cá nhân đó đánh giá kết quả hành động ra sao. Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng xã hội mà đề cập đến sức ép xã hội được cảm nhận để thực hiện hay không thực hiện hành vi đó, nó chịu ảnh hưởng của niềm tin mà những người xung quanh có ảnh hưởng tới và sự thúc đẩy làm theo ý muốn những người ảnh hưởng. Yếu tố thứ ba là thành phần kiểm soát hành vi cảm nhận phản ánh việc dễ dàng hay khó khăn khi thực hiện hành vi; điều này phụ thuộc vào sự sẵn có của các nguồn lực và các cơ hội để thực hiện hành vi [56].
Thái độ của cá nhân đối với một hành vi là việc cá nhân đó cảm thấy như thế nào (tích cực hay tiêu cực) khi thực hiện hành vi. Thái độ chịu ảnh hưởng của giá trị mong đợi của cá nhân.
Chuẩn chủ quan lại liên quan đến nhận thức của cá nhân về việc người khác (gia đình, bạn bè…) cảm thấy như thế nào khi cá nhân thực hiện hành vi đó. Chuẩn chủ quan ảnh hưởng bởi niềm tin về các chuẩn mực xã hội ở cá nhân. Nhận thức kiểm soát hành vi đề cập đến nhận thức về sự dễ dàng hay khó khi thực hiện hành vi, thể hiện nhận thức của cá nhân là bản thân có khả năng và đủ nguồn lực để thực hiện hành vi hay không. Năng lực kiểm soát hành vi chịu sự chi phối của nhận thức về năng lực ở mỗi cá nhân [56].
Theo nguyên tắc chung, thái độ và quy tắc chủ quan thuận lợi hơn kết hợp với sự kiểm soát cảm nhận được càng lớn thì ý định thực hiện hành vi càng mạnh mẽ [56].
Hình 2.6: Mô hình Lý thuyết hành vi kế hoạch TPB (Nguồn: Ajzen,1991) [56]
• Mô hình ý định khởi nghiệp của Linan (2004): năm 2004 nhà nghiên cứu Linan đã phát triển mô hình ý định khởi nghiệp của sinh viên bao gồm 3 yếu tố: Cảm nhận sự khát khao, cảm nhận tính khả thi và Chuẩn mực xã hội. Linan cho rằng có hai dạng cảm nhận cơ bản: Cảm nhận tính khả thì và cảm nhận sự khát khao [154]. Cảm nhận này có được là do ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, xã hội thông qua hệ thống giá trị cá nhân. Bên cạnh đó chuẩn mực xã hội sẽ tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp. Chuẩn mực xã hội được đo lường bằng mức độ quan tâm của xã hội đối với hành vi khởi nghiệp (Hình 2.7).
32