ĐM thận chính thường xuất phát từ ĐM chủ bụng, tới cách rốn thận 1 - 3cm chia thành 2 nhánh: nhánh trước và nhánh sau bể thận. Nhánh trước bể thận cung cấp 3/4 lượng máu cho thận và nhánh sau bể thận cung cấp 1/4 lượng máu còn lại. ĐM trước bể thận tiếp tục chia thành 4 nhánh (ĐM phân thùy: đỉnh, trên, giữa và dưới) đi vào rốn thận ở trước bể thận và che phủ kín mặt trước bể thận. ĐM sau bể thận còn gọi là ĐM phân thùy sau. Mỗi nhánh ĐM phân thùy cấp máu cho một phân thùy tương ứng của thận và không có sự thông nối giữa các nhánh này. Các nhánh của ĐM phân thùy sau thường tận hết trước khi tới góc sau dưới rốn thận, tuy nhiên có khoảng 30% trường hợp có nhánh xuống chi phối cho cực dưới (Hình 1.13) [11], [26], [27].
Hình 1.13. Phân bố động mạch thận
* Nguồn: theo Netter F.H. (2007)[27]
Các ĐM phân thùy chạy quanh tháp sau đó đi về phía đáy tháp và tiếp tục chia thành 2 hay 3 nhánh ĐM gian thùy trước khi đi vào nhu mô xuyên qua tủy thận theo hướng song song với các đài thận và chia thành những ĐM cung ở ranh giới giữa vùng vỏ và vùng tủy. ĐM cung tách ra: nhánh thẳng và ĐM gian tiểu thùy. ĐM nhánh thẳng đi vào trong tháp Malpighi để nối với tĩnh mạch thẳng; ĐM gian tiểu thùy cho các nhánh ĐM nhập tạo thành cuộn mạch trong tiểu cầu thận, rồi cho ra các nhánh ĐM xuất và tạo thành lưới mao mạch nối với lưới TM (Hình 1.13) [11], [26], [27].
Các nhánh ĐM thận là các nhánh tận; các nhánh đi từ mặt trước và mặt sau thận sẽ gặp nhau ở diện vô mạch Brodel: chạy dọc bờ ngoài thận, hơi dịch về phía sau khoảng 1 cm, nhưng không vượt quá 2/3 thận. Chọc dò vào thận ở mặt sau - bên sẽ đi ngang qua diện vô mạch này, cho phép nong thành đường hầm rộng mà không làm tổn thương các mạch máu (Hình 1.14) [12].
Hình 1.14. Diện vô mạch Brodel
* Nguồn: theo Skandalakis J.E. (2004)[12]
Có sự thông nối giữa các mạch máu phân thùy thận với các mạch máu trong lớp mỡ quanh thận và vỏ bao thận. Các ĐM ngoài thận nằm trong lớp mỡ quanh thận, khi bị tổn thương không gây hậu quả đáng kể cho nhu mô thận, nhưng có thể gây tụ máu cạnh thận.
1.1.3.2. Tĩnh mạch
Mới đầu từ mạng lưới mao mạch hình thành TM hình sao ở vùng vỏ.
Các TM hình sao cùng với TM thẳng trong tháp Malpighi đổ vào TM cung nằm ở đáy tháp Malpighi. Các TM cung nối thông với nhau thành TM lưới, sau đó TM chạy tùy hành theo ĐM đi ra rốn thận. Hệ thống TM thận được nối thông với nhau trong mỗi nửa thận (trước hoặc sau) nhờ 3 vòng nối: vòng nối TM hình sao, vòng nối TM cung và vòng nối TM gian thùy. Nối thông giữa hai nửa thận do TM thùy ở cổ đài (cung TM sâu). Do đó ở quanh cổ đài thận rất giàu mạch máu [20], [28].
1.1.3.3. Thần kinh
Cảm giác đau được truyền từ thận đến các trung tâm cao hơn qua các sợi thần kinh giao cảm. Các sợi thần kinh này đổ vào tủy sống ở khoảng đốt sống T11 và L2 [12]. Do đó vô cảm chỉ đạt được hiệu quả khi gây mê toàn thân hoặc tê vùng (tê tủy sống, tê ngoài màng cứng); việc tạo đường hầm chỉ với gây tê tại chỗ thường không đủ để giảm đau trong lúc nội soi.
1.1.3.4. Ứng dụng trong chọc dò thận
Nghiên cứu so sánh trên thận đồ và tiêu bản ăn mòn: chọc dò dưới hướng dẫn Xquang; giữ nguyên vị trí kim chọc, thực hiện và đánh giá trên tiêu bản ăn mòn (Hình 1.15) [20], [29].
So sánh chọc qua các vị trí của thận: cổ đài, bể thận, nón đài; đài trên, đài giữa và đài dưới:
+ Chọc qua cổ đài thận: Tỷ lệ tổn thương mạch máu khi chọc qua cổ đài trên, giữa, dưới lần lượt là 67,6%, 38,4%, 68,2%; trong đó tỷ lệ tổn thương ĐM lần lượt là: 26,5%, 23,1%, 13,6%. Thường là nhánh của ĐM phân thùy sau.
+ Chọc trực tiếp vào bể thận: có thể gây tổn thương nhánh mạch sau bể.
Tỷ lệ 33,2%, trong đó tỷ lệ tổn thương ĐM là 16,1%.
+ Chọc qua nhú đài thận: chỉ gặp tổn thương TM lần lượt là 7,7%, 7,1%, 8,3%; là TM nhỏ ngoại vi, không tổn thương ĐM.
Kết luận: chọc dò qua nhú đài thận là an toàn bất kể đài trên, đài giữa hay đài dưới (Hình 1.16) [20], [29].
Hình 1.15. Chọc dò đài trên, giữa và dưới thận trên Xquang và sau khi làm tiêu bản ăn mòn (phía trước thận phải)
* Nguồn: theo Smith A.D. và cộng sự (2012)[20]
Hình 1.16. Chọc dò qua nhú đài thận
(an toàn, chỉ tổn thương tĩnh mạch nhỏ ngoại vi - mũi tên)
* Nguồn: theo Smith A.D. và cộng sự (2012)[20]