Các nghiên cứu trên thực nghiệm

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước lớn hơn 2 cm bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da (Trang 42 - 47)

1.3. Ảnh hưởng chức năng thận sau mổ và vai trò của xạ hình thận trong đánh giá thay đổi chức năng thận sau lấy sỏi thận qua dađánh giá thay đổi chức năng thận sau lấy sỏi thận qua da

1.3.1. Các nghiên cứu trên thực nghiệm

Nghiên cứu trên thận chó của Webb D.R. và cộng sự (1985): nong thận bằng ống nong từ 6F đến 22F. Kết quả đại thể: đường nong gây tổn thương tụ máu bên dưới, dính mô mềm quanh thận, phù nhẹ nhu mô và hệ thống bài tiết.

Vi thể: có 100 - 200 đơn vị thận bị tổn thương. Kết luận: một

đường nong nhỏ hạn chế gây tổn thương nhu mô thận khi song song với các mạch máu phân thùy (Hình 1.19, Hình 1.20) [79].

Hình 1.19. Hình ảnh đường hầm vào thận sau 48 giờ

* Nguồn: theo Webb D.R và cộng sự

Traxer O. và cộng sự (2001) nghiên cứu trên 6 lợn thực nghiệm. Mỗi lợn được nong tạo đường hầm, đặt ống amplatz 30F ở thận phải và ống amplatz 11F ở thận trái; rút ống sau 1 giờ; dẫn lưu thận ra da; rút dẫn lưu ngày hôm sau. Đánh giá sau 6 tuần. Quan sát đại thể và trên kính hiển vi, ước lượng thể tích sẹo đường hầm tương ứng là 0,29ml và 0,40ml, tỷ lệ nhu mô tổn thương ước lượng là tương ứng là 0,63% và 0,91%. Kết luận: tổn thương nhu mô thận do đường hầm gây ra là không đáng kể so với toàn bộ thận và không có sự khác biệt giữa 2 loại kích thước (Hình 1.21) [80].

Hình 1.21. Hình ảnh sẹo đường hầm nhu mô thận sau 6 tuần Đường hầm 11 F (A); đường hầm 30 F (B)

* Nguồn: theo Traxer O. và cộng sự (2001)[80]

Handa R.K. và cộng sự (2006) nghiên cứu trên lợn, nhằm đánh giá tổn thương cấp tính của đường nong vào thận. Chia 3 nhóm: Nhóm nong bằng bộ nong amplatz gồm 8 lợn; nhóm nong bằng bóng gồm 7 lợn; nhóm chứng gồm 9 lợn. Truyền tĩnh mạch Inulin và Paraaminohippuric acid (PAH), ước lượng mức lọc cầu thận (GFR) và dòng chảy huyết tương thận hiệu ứng (ERPF) (đánh giá tưới máu thận) dựa trên độ thanh thải Inulin và PAH (do 2 chất này được lọc ở cầu thận, không được tái hấp thu và bài tiết ở ống thận nên lý tưởng để đánh giá mức lọc cầu thận và tưới máu thận). Đánh giá, so sánh chức năng thận ngay trước mổ và sau mổ. Lợn được mê nội khí quản, bơm thuốc cản quang qua catheter niệu quản lên thận để xác định đài dưới cần chọc, chọc vào thận dưới hướng dẫn Xquang. Nong bằng bộ nong amplatz và bộ nong bóng đến 30F. Nhóm chứng thực hiện tương tự nhưng chỉ rạch da mà không chọc và nong vào thận. Kết quả: có sự giảm chức năng thận (mức lọc cầu thận, tưới máu thận) so với nhóm chứng, và tương tự giữa 2 nhóm nong ở thời điểm 1,5 giờ và 4,5 giờ. Điều này được lý giải là do sự co mạch cấp tính ở thận xảy ra khi thực hiện tạo đường hầm vào hệ bài xuất của thận, hiện tượng co mạch cũng xảy ra ở phần lớn thận đối diện mặc dù không có can thiệp. Hình ảnh đại thể thấy đường hầm khá đồng đều từ vỏ thận đến nhú thận, và có thể thấy những bất thường ở vùng nhu mô thận xung quanh (Hình 1.22, Hình 1.23). Hình ảnh vi thể: vùng tổn thương được xác định do phù nề, hoại tử tế bào ống thận và tắc mạch (Hình 1.24, Hình 1.25) [81].

Handa R.K. và cộng sự (2009) nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của 1 đường nong thận trên 16 lợn so với 3 đường nong thận trên 11 lợn khác. Kích thước đường nong 30F. Uớc lượng GFR và ERPF dựa trên độ thanh thải Inulin và PAH. Ở cả 2 nhóm thấy rằng có sự tăng lên của creeatinin, GFR và ERPF giảm có ý nghĩa thống kê ở thời điểm 1,5 giờ và 4,5 giờ sau mổ. Tuy nhiên không thấy sự khác biệt giữa 2 nhóm [82].

Hình 1.22. Hình ảnh đại thể chọc và nong qua nhú thận

Nhú thận bình thường (A). Kim xuyên qua nhú thận (B). Đường nong với các tổn thương do đè ép, đứt, rách mô xung quanh (mũi tên)(C)

* Nguồn: theo Handa R.K. và cộng sự (2009)[81]

Hình 1.23. Hình ảnh đại thể đường hầm vào thận

A:Đường hầm nong bằng bóng từ vỏ thận tới nhú thận với những vùng tổn thương không đều màu tối (mũi tên). B, C: đường hầm nong bằng bộ nong amplatz chạy xiên từ vỏ thận

tới tủy thận ở nhú thận với các tổn thương xung quanh màu tối (mũi tên).

* Nguồn: theo Handa R.K. và cộng sự (2009)[81]

Hình 1.24. Hình ảnh vi thể đường hầm vào thận

Theo thứ tự từ phía ngoài vỏ thận đến nhú thận (A: vùng vỏ thận phía ngoài; B: vùng giữa vỏ thận; C: vùng nối giữa vỏ và tủy thận; D: vùng nhú thận). Đường viền chỉ ranh

giới giữa vùng tổn thương và nhu mô lành. Mũi tên chỉ vị trí chảy máu trong nhu mô.

* Nguồn: theo Handa R.K. và cộng sự (2009)[81]

Hình 1.25. Hình ảnh mô bệnh học đường hầm vào thận

Tổn thương cạnh đường hầm do phù nề, hoại tử tế bào ống thận, tắc mao mạch quanh ống thận và máu đông trong đường hầm (dấu *) (A). Hình ảnh tắc mạch (mũi tên đơn) và hoại tử tế bào (mũi tên đôi) (B). Hình ảnh tổn thương tế bào ống thận (đầu mũi tên và

mũi tên); đúc khuôn ống thận (đầu mũi tên đôi); ống thận bình thường (mũi tên đôi) (C)

* Nguồn: theo Handa R.K. và cộng sự (2009)[81].

Handa R.K. và cộng sự (2010) nghiên cứu thời gian hồi phục chức năng thận sau mổ tạo một đường hầm vào thận qua da trên lợn thực nghiệm. So sánh nhóm được thực hiện 1 đường hầm vào thận với nhóm chứng và so sánh riêng ở thận được can thiệp với thận đối diện trên cùng một lợn. Đánh giá GFR và ERPF sau can thiệp ở thời điểm 1 giờ và 72 giờ. Kết quả ở thận can thiệp có giảm GFR và ERPF so với trước mổ (p < 0,01) ở thời điểm 1 giờ và gần bình thường ở thời điểm 72 giờ sau mổ. Tuy nhiên độ thanh thải PAH

ở thận can thiệp giảm so với thận đối diện (p < 0,01) ở thời điểm 72 giờ, tác giả cho rằng là do tổn thương ống thận chưa hồi phục, liên quan giảm khả năng bài tiết các anion hữu cơ và nên lưu ý điều này khi sử dụng thuốc trong vòng 72 giờ đầu sau mổ [83].

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận có kích thước lớn hơn 2 cm bằng phương pháp lấy sỏi thận qua da (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(177 trang)
w