* Tuổi và giới:
Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận trong dân số dao động 1 - 15%, thay đổi theo độ tuổi, giới tính, chủng tộc; tỷ lệ mắc sỏi thận ở người lớn tại Mỹ giai đoạn 2007 - 2010 ước tính 8,8% [1]. Ở Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn mặc dù chưa có số liệu cụ thể, trong đó tỷ lệ sỏi thận chiếm 40% sỏi niệu nói chung [100]. Tuổi mắc bệnh hay gặp 25 - 60 tuổi, phụ thuộc giới và loại sỏi [100], [101]. Tỷ lệ nam/nữ khoảng 1,5 - 2,5; tuy nhiên sự khác biệt này ngày càng có chiều hướng thu hẹp [100], [101]. Y văn cho thấy lứa tuổi gặp nhiều ở nam giới là 30 - 69 tuổi và ở nữ là 50 - 79 tuổi; tỷ lệ nam/nữ giảm từ (1,7 - 1,3) trong giai đoạn 1997 - 2002 còn (1,4 – 1,0) giai đoạn 1992 - 2008 [1]. Mẫu nghiên cứu gồm 139 BN, tuổi trung bình là 50,6 ± 10,7 tuổi (21 - 74 tuổi), số BN trong độ tuổi lao động (20 - 60 tuổi) là 113/139 BN (82,3%); tỷ lệ nam/nữ là 78/61 = 1,23 (Biểu đồ 3.1). Đặc điểm này phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả khác:
Nguyễn Đình Xướng (2008) là 47,4 tuổi và 1,1 [92], Võ Phước Khương và cộng sự (2014) là 49,5 tuổi và 2,3 [102], Trương Văn Cẩn và cộng sự (2014) là 44,2 tuổi và 1,5 [40], Nguyễn Văn Truyện và cộng sự (2014) là 47 tuổi và 1,7 [38], Vũ Nguyễn Khải Ca và cộng sự (2010) là 43,05 tuổi và 1,68 [36], Lê Sĩ Trung và cộng sự (2012) là 48,7 tuổi và 1,43 [37]. Tuổi trung bình và tỷ lệ nam/nữ trong nghiên cứu của chúng tôi khá tương đồng với một số nghiên cứu của tác giả nước ngoài: Rosette J. và cộng sự (2011) với 5803 BN tương ứng là 49,2 tuổi và 1,29 [43]; Rizvi S.A.H. và cộng sự (2017) với 3402 BN tương ứng là 35,8 tuổi và 2,78 [103], Melo P.A.S. và cộng sự (2018) với 891 BN tương ứng là 48,7 tuổi và 0,7 [104].
* Cân nặng và BMI:
Cân nặng trung bình: 54,5 ± 9,7 kg (40 – 87 kg). Phù hợp các tác giả: Vũ Nguyễn Khải Ca và cộng sự (2010) là 54,5 ± 6,7 kg (45 – 75 kg) [36]; Nguyễn Đình Xướng (2008) là 54,6 ± 8,8 kg (32 – 79 kg) [92]. BMI trung bình: 21 ± 2,9 (15,4 - 28,6); được phân thành các nhóm để tìm hiểu mối liên quan với kết quả phẫu thuật. Có 11/139 BN thừa cân - tiền béo phì, chiếm (7,9%) (Biểu đồ 3.2). Nghiên cứu đa trung tâm của Rosette J. và cộng sự (2011), BMI trung bình là 26,8 ± 5,9 [43].
* Một số bệnh lý kết hợp:
99 BN (71,2%) có huyết áp trong giới hạn bình thường, 28 BN (20,1%) tăng huyết áp độ 1, 12 BN (8,6%) tăng huyết áp độ 2. Ngoại tâm thu thất: 1 BN (0,7%). Đái tháo đường typ 2: 7 BN (5%). Xuất huyết giảm tiểu cầu: 01 BN (0,7%) được điều trị ổn định, chức năng đông máu bình thường. Các bệnh lý kết hợp đều được khám chuyên khoa, điều trị ổn định trước mổ.
Nghiên cứu của Rosette J. và cộng sự (2011) với 5803 BN: Đái tháo đường 13,5%; bệnh lý tim mạch 23,2%; dùng thuốc chống đông 5,5% [43] .
* Đặc điểm bệnh lý sỏi:
Phân bố bên bệnh được mổ lấy sỏi thận qua da: Thận trái: 74 BN (53,2%), Thận phải: 65 BN (46,8%). Thực tế trong các nghiên cứu luôn có khác biệt nhỏ về tỷ lệ sỏi bên phải và bên trái [100]. Vũ Nguyễn Khải Ca (2009): phải/trái là 43,6/56,4 [93]. Rizvi S.A.H và cộng sự (2017): phải/trái/2 bên là 53,3/45,3/1,4 [103].
Tiền sử can thiệp hệ niệu: 40 BN (28,8%) (bao gồm: mổ mở lấy sỏi thận và niệu quản, mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi, mổ nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi, TSNCT cùng bên hoặc khác bên hoặc cả 2 bên). Trong đó, mổ mở sỏi thận cùng bên: 12 BN (8,6%); TSNCT cùng bên: 7 BN (5%). Nghiên cứu của Vũ Nguyễn Khải Ca và cộng sự (2010): tiền sử mổ mở 8,9%; TSNCT:
11,5% [36]. Nguyễn Đình Xướng (2008): tiền sử mổ mở 35,4% [92].
Trương Văn Cẩn và cộng sự (2104): tiền sử can thiệp chung 38,3% [40].
Nguyễn Văn Truyện và cộng sự (2014): tiền sử mổ mở (19,8%) [38]. Lê Sĩ Trung và cộng sự (2012): 13,57% thận có mổ cũ [37]. Nghiên cứu đa trung tâm của Rosette J. và cộng sự (2011) : tiền sử mổ mở lấy sỏi 8%; nội soi niệu quản: 9,8%; TSNCT 21,3%; LSTQD 14,4% [43]. Tiền sử can thiệp hệ niệu đặc biệt can thiệp mổ mở ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc giải phẫu thận.
Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau hố thận bên bệnh (80,6%).
Sỏi trên thận đơn độc chức năng: Can thiệp phẫu thuật trên thận đơn độc chức năng đòi hỏi sự thận trọng bởi những biến chứng xảy ra sẽ rất nặng nề do không có sự bù trừ của thận đối diện. Trong nghiên cứu này có 8/139 BN (5,8%) có sỏi thận trên thận đơn độc chức năng, được đánh giá dựa trên kết hợp CLVT và xạ hình thận: 8 BN này có tiền sử mổ cũ sỏi niệu bên thận đối diện, thận bị teo; 4 BN có thận giảm nặng chức năng (RF: 11% – 19% và 4 BN có thận mất chức năng (RF: < 10%). Nghiên cứu của Lê Sĩ Trung và cộng sự (2012) có 27/280 BN (9,64%) [37]. Rosette J. và cộng sự (2011): 189/5803 BN (3,3%) [43]. Akman T. và cộng sự (2011) LSTQD cho 47 BN có thận đơn độc chức năng [105].
4.1.2. Đặc điểm cận lâm sàng
* Xét nghiệm nước tiểu: BN được xét nghiệm sinh hóa nước tiểu và cấy khuẩn nước tiểu nhằm đánh giá liên quan với kết quả mổ. 14,8% BN có Nitrit niệu dương tính, những trường hợp này cũng có BC niệu dương tính. Đặc biệt, cấy nước tiểu cho 139 BN, có 26 (18,7%) có vi khuẩn niệu. Gặp chủ yếu là E.coli, chiếm tỷ lệ 13/26 BN (50%); P.aeruginosa 3/26 BN (11,5%) (Bảng 3.2). 26 BN này đều được điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ, cấy lại nước tiểu âm tính trước mổ.
Vũ Nguyễn Khải Ca (2009): 78 BN, tỷ lệ BC niệu dương tính là 15,3%;
cấy khuẩn niệu âm tính 100% [93]. Võ Phước Khương (2018): 93 BN, tỷ lệ BC niệu dương tính là 44% (41BN); cấy khuẩn niệu trước mổ 41 BN (44%)
đều âm tính [95]. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Trần Đình Hưng (2012) trên 168 BN sỏi thận kích thước lớn (trung bình 2,9 ± 0,7cm, điều trị bằng TSNCT): tỷ lệ BC niệu dương tính (84,5%); cấy khuẩn niệu dương tính 25 BN (14,9%), trong đó: 12 BN (48%) là E.coli, 4 BN (16%) là P.aeruginosa [7]. Trong nghiên cứu đa trung tâm Rosette J. và cộng sự (2011): 897/5803 BN (15,9%) cấy khuẩn niệu dương tính [43]. Tỷ lệ cấy khuẩn niệu dương tính trong nghiên cứu của Lojanapiwat B. và cộng sự (2011); Chen D. và cộng sự (2019) lần lượt là 26% và 21%; trong đó gặp nhiều nhất là E.coli với tỷ lệ lần lượt là 59,6% và 54% [64], [65]. Như vậy việc xét nghiệm sinh hóa và cấy khuẩn nước tiểu trước mổ là rất cần thiết.
* Gánh nặng sỏi:
+ Kích thước sỏi: Chúng tôi đo kích thước sỏi theo kích thước chiều lớn nhất của viên sỏi trên phim KUB. Tương tự cách đo của nhiều tác tác giả trong nước và nước ngoài. Kích thước sỏi toàn bộ sẽ bằng tổng kích thước các viên sỏi. Cách xác định kích thước sỏi như vậy không phản ánh chính xác được gánh nặng sỏi, nhất là những trường hợp sỏi nhiều viên, sỏi phân nhánh phức tạp. Tuy nhiên phương pháp này đơn giản, dễ áp dụng nên được đa số tác giả chấp nhận.
Trong nghiên cứu này, kích thước sỏi trung bình là 3,97 ± 1,46 cm (2,1 – 9cm), khá lớn khi so sánh với kích thước sỏi trung bình trong nghiên cứu của các tác giả khác: Vũ Nguyễn Khải Ca và cộng sự (2010) (78 BN): sỏi có kích thước > 2cm chiếm 71,8% [36]. Lê Sĩ Trung và cộng sự (2012) (268 BN):
5,56cm (2,5 – 12,6cm) [37]. Trương Văn Cẩn và cộng sự (2014) (107 BN): 6,2 cm (2,6 – 13,4cm) [40]. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng và cộng sự (2014) (241 BN): 1,8cm (0,7 – 6cm) [47]. Nguyễn Văn Truyện và cộng sự (2014) (110 BN) 2,9cm (1,6 – 5cm) [38]. Võ Phước Khương (2018) (93 BN): 3,5cm (1,6
– 7,2cm) [95]. Melo P.A.S. và cộng sự (2018) (891 BN) với 1066 lần
LSTQD: 2,9cm [104]. Rizvi S.A.H. và cộng sự (2017) (3042 BN): 2,9cm [103].
Chúng tôi chia kích thước sỏi thành 4 nhóm: 2 - 3 cm (34,5%); 3 - 4cm (30,2%); 4 - 5cm (19,4%); > 5cm (15,8%) (Bảng 3.3). Tương tự cách chia của tác giả Xue W. và cộng sự (2012) [96].
+ Diện tích bề mặt sỏi: Diện tích bề mặt sỏi phản ánh chính xác hơn gánh nặng sỏi. Tuy nhiên việc áp dụng cũng phức tạp hơn. Được tính bằng tổng diện tích bề mặt các viên sỏi. Trong nghiên cứu này, diện tích bề mặt sỏi trung bình:
8,65 ± 6,28 cm2 (1,81 – 49,48). Chia 4 nhóm: ≤ 5 cm2 (31,7%); 5 - 10 cm2 (41%); 10 - 15 cm2 (15,1%); > 15 cm2 (12,2%) (Bảng 3.4). Tương tự cách chia nhóm của tác giả Turna B. và cộng sự (2007) [97].
Mishra S. và cộng sự (2012) sử dụng CLVT có phần mềm dựng hình không gian 3 chiều để tính thể tính toàn bộ sỏi. Cách này phản ánh chính xác nhất gánh nặng sỏi, nhưng khó áp dụng trong lâm sàng [77]. Trong điều kiện nghiên cứu, chúng tôi không thể chụp được CLVT cho tất cả các trường hợp.