CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHÂN LỰC GIẢNG VIÊN NƯỚC NGOÀI TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG
2.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
2.1.1. Các nghiên cứu về nhân lực giảng viên nước ngoài trong cơ sở giáo dục đại học
2.1.1.1. Các nghiên cứu về vai trò của nhân lực giảng viên nước ngoài
Vai trò của nhân lực GVNN tại nhiều quốc gia trên thế giới đã được các học giả quốc tế nghiên cứu. Có thể thấy, GVNN ngoài vai trò của người giảng viên nói chung giống như các giảng viên bản địa thì GVNN còn có thêm một số vai trò đặc trưng khác bao gồm:
Thứ nhất, GVNN góp phần quốc tế hóa các trường đại học. Một khía cạnh quan trọng của quốc tế hóa là tuyển dụng GVNN từ bên ngoài [137]. Yang Hui (2015) trong nghiên cứu “Nghiên cứu yếu tố quản lý giảng viên nước ngoài ở các trường cao đẳng, đại học dựa trên lý thuyết quản lý hệ thống” đã cho rằng việc tuyển dụng nhân lực GVNN là cách thuận tiện nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ngoài và thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học [186]. Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFA, 2006) trong báo cáo “Khôi phục khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ đối với sinh viên và học giả quốc tế” đã cho thấy việc chào đón tài năng quốc tế đã mang lại sự đa dạng cho các trường đại học, và chính sự đa dạng đã mang đến những tri thức mang tính toàn cầu, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng học tập của sinh viên [147]. Fu Tao Huang (2016) trong nghiên cứu
“Sự di chuyển quốc tế của sinh viên, học giả, chương trình giáo dục và cơ sở ở Châu Á” cho thấy so với nhiều quốc gia mới nổi khác trong khu vực Châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc tiếp nhận các GVNN trong các trường đại học của họ. Điều này một phần là do cả hai quốc gia này đều được coi là những quốc gia tiên tiến, tại đó giới học thuật có thể được hưởng các điều kiện giảng dạy và nghiên cứu thuận lợi hơn. Một lý do khác là hai quốc gia này coi việc tuyển dụng GVNN là một phương thức quan trọng để quốc tế hóa hơn nữa hệ thống giáo dục đại học tại quốc gia của họ [116]. Rhoads và cộng sự (2014) trong nghiên cứu của mình đã cho thấy rằng tuyển dụng các GVNN không chỉ đơn
giản là một nỗ lực để đa dạng hóa màu sắc của các trường đại học Trung Quốc.
Nhiều trường đại học cho rằng việc có GVNN khiến trường đại học mang màu sắc toàn cầu và tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, nhiều trường quảng cáo với sinh viên trong nước rằng các GVNN sẽ dạy một tỉ lệ nhất định trong chương trình học của họ. Đối với sinh viên Trung Quốc, học từ các GVNN khiến họ cảm thấy như họ đang nhận được một nền giáo dục “đẳng cấp thế giới” [158]. Huang và Welch (2021) trong nghiên cứu “Giảng viên quốc tế tại Châu Á trong góc nhìn so sánh toàn cầu”, đã cho thấy một trong những kế hoạch chiến lược cho việc thực hiện khát vọng trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế là sự hiện diện của các GVNN trong các cơ sở giáo dục đại học của Malaysia [118].
Thứ hai, GVNN góp phần giúp trường đại học đạt được những thành tựu trong nghiên cứu khoa học. Việc tuyển dụng nhân lực GVNN có năng lực nghiên cứu tiên tiến có thể cải thiện chất lượng của trường đại học và kết quả xuất bản của GV trên các tạp chí quốc tế có thứ hạng cao là một thước đo cho giá trị ảnh hưởng của họ [97]. Các giảng viên nước ngoài có năng suất nghiên cứu hơn các đồng nghiệp bản địa Hoa Kỳ, vì vậy việc hiểu rõ đối tượng GVNN là vô cùng cần thiết để hỗ trợ các nỗ lực tuyển dụng và giữ chân các học giả giỏi nhất và để tăng cường sự đóng góp của các GVNN vào nghiên cứu và sứ mệnh giảng dạy của các trường đại học Hoa Kỳ [128]. Nhiều GVNN tin rằng họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối liên kết giữa các CSGDĐH của họ và mạng lưới học thuật toàn cầu [82].
Nhân lực GVNN góp phần thúc đẩy hồ sơ quốc tế của trường đại học thông qua các công bố và dự án gắn với mạng lưới quốc tế của họ [153]. Huang và cộng sự (2019) trong nghiên cứu về GVNN tại Nhật Bản đã cho thấy GVNN ở Nhật Bản có một vai trò quan trọng trong mạng lưới tri thức ở cấp quốc gia và quốc tế, họ tham gia vào nhiều hợp tác toàn cầu và trình bày nhiều bài báo tại các hội nghị học thuật, họ đóng góp nhiều vào việc cải thiện hồ sơ toàn cầu của các trường đại học Nhật Bản nơi họ công tác [119]. Giảng viên nước ngoài đã đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc liên kết các trường đại học Trung Quốc với cộng đồng học giả quốc tế và là nguồn lực đáng kể trong sự phát triển của các trường đại học Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các CSGDĐH Trung Quốc thu hút GVNN với kỳ vọng xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, nâng cao danh tiếng quốc tế của trường và tăng năng suất nghiên cứu [82]. Cùng quan điểm như vậy, William Locke and Giulio Marini (2021) trong nghiên cứu của mình đã cho thấy GVNN tại Anh, ngoài việc đảm nhận công tác giảng dạy, nghiên cứu, còn phát huy vai trò trong việc thúc đẩy
hợp tác công bố nghiên cứu quốc tế. Với mạng lưới của mình, GVNN đã mang lại khả năng tiếp cận với các cộng tác viên Châu Âu và quốc tế chất lượng cao khác cho các đồng nghiệp của mình tại các trường đại học của Anh [183].
Thứ ba, nhân lực GVNN góp phần cải thiện vị trí xếp hạng của trường đại học trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới. Xếp hạng đại học được nhận thức như là thước đo chất lượng và vì thế tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học trên thế giới. Theo phương thức xếp hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) năm 2022, tiêu chí về tỉ lệ giảng viên nước ngoài được đánh trọng số 5% trong Bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới - QS World University Rankings, và 2,5% trong Bảng xếp hạng đại học Châu Á – QS Asia University Rankings [155]. Tương tự như vậy, theo bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu của tạp chí Times Higher Education (THE), giảng viên nước ngoài chiếm trọng số 2,5% [175]. Tăng số lượng GVNN được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để cung cấp các chương trình cấp bằng dạy tiếng Anh cho sinh viên quốc tế đến từ các nước nói tiếng Anh và đặc biệt là tăng cường sự hiện diện của các trường đại học Nhật Bản trong các hệ thống xếp hạng toàn cầu [118]. Việc tuyển dụng nhân lực GVNN ở một số quốc gia không nói tiếng Anh được sử dụng như một trong những phương tiện nhanh chóng và hiệu quả để nâng cao mức độ quốc tế hóa giáo dục đại học quốc gia, nâng cao vị thế của các trường đại học của họ trong bảng xếp hạng toàn cầu và khả năng cạnh tranh quốc tế của giáo dục đại học quốc gia trên thế giới [99].
Thứ tư, nhân lực GVNN tham gia chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học với giảng viên bản địa, là cầu nối văn hóa giữa các quốc gia.
Trong xã hội phụ thuộc lẫn nhau trên phạm vi toàn cầu của thế kỷ 21, các GVNN ngày càng trở nên cần thiết đối với sự đa dạng và sôi động trong các trường đại học.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự có mặt của nhân lực GVNN góp phần đa dạng hóa yếu tố văn hóa quốc tế trong hệ thống giáo dục, tạo sự phát triển bền vững cho những lĩnh vực then chốt mà người học, và giảng viên trong nước còn yếu kém [132]. Nhiều trường đại học tìm cách cung cấp cho sinh viên của mình một số kinh nghiệm quốc tế và chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên cho thị trường việc làm toàn cầu.
Một cách tốt để làm như vậy đối với một số lượng lớn sinh viên là cho sinh viên tiếp xúc với việc giảng dạy bằng tiếng Anh của các GVNN trong chương trình chính khóa hoặc trong các học phần tự chọn của chương trình giáo dục. Việc có được những trải nghiệm như vậy, cũng như tham gia vào các lớp học đa văn hóa, nơi sinh viên phải được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy đa dạng và có được
cảm giác học tập và tương tác đầu tiên bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ là trải nghiệm rất quan trọng đối với sinh viên [126].
Nhân lực GVNN là một bộ phận ngày càng tăng và ngày càng quan trọng trong lực lượng lao động học thuật toàn cầu, họ mang đến sự đa dạng, quan điểm mới và kỹ năng ở bất cứ nơi nào họ đến, họ là những người thúc đẩy nhận thức quốc tế của trường đại học [152]. Kỹ năng truyền đạt, tính đa dạng và danh tiếng là những giá trị được thừa nhận rộng rãi mà GVNN mang lại cho bất kỳ hệ thống giáo dục đại học nào. GVNN có thể tạo ra bầu không khí quốc tế hơn trong khuôn viên trường đại học và họ thường kết hợp nhiều quan điểm và nội dung quốc tế hơn vào giáo dục đại học. GVNN có thể giúp thúc đẩy cải cách nhà trường hoặc đổi mới nhờ kinh nghiệm của họ ở các quốc gia khác [153]. GVNN giúp nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc chia sẻ tài nguyên trí tuệ [133]. Welch và Cai (2010) trong một nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục tại Trung Quốc cho thấy nhân lực GVNN là nguồn lực quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của Trung Quốc, cho phép nước này nâng cao năng suất trong nước và khả năng cạnh tranh quốc tế thông qua việc chuyển giao tri thức một cách trực tiếp bởi các GVNN cũng như những lợi ích gián tiếp do mạng lưới thương mại nước ngoài mang lại [181].
2.1.1.2. Các nghiên cứu về yêu cầu đối với giảng viên nước ngoài
Theo Gappa và cộng sự (2007), giảng viên là nguồn lực quan trọng nhất cho các trường đại học ngày nay khi các trường đang phải liên tục đối mặt với những thách thức [103]. Và nếu chúng ta chấp nhận quan điểm rằng kết quả công việc của giảng viên là sự phản ánh chất lượng của trường đại học, thì nhu cầu kiểm tra những đóng góp của nhân lực GVNN trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ càng trở nên cần thiết khi các trường đại học đang đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc tuyển dụng và giữ chân GVNN [92].
Tùy theo mục đích, nhu cầu tuyển dụng của mỗi CSGDĐH mà yêu cầu đối với nhân lực GVNN cũng sẽ khác nhau. Véliz Daniela và cộng sự (2020) trong nghiên cứu về GVNN công tác tại các trường đại học đẳng cấp thế giới tại Hoa Kỳ đã cho thấy rằng giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng là những nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi người GVNN cần thực hiện tốt tất cả các nhiệm vụ để có thể thành công tại các trường đại học nước ngoài. Trong đó, việc giảng dạy đòi hỏi người GVNN cần đầu tư nhiều nỗ lực và công sức để có thể phù hợp với yêu cầu của trường đại học nước ngoài [183].
Jepsen và cộng sự (2014) trong nghiên cứu “Sự nghiệp học thuật quốc tế: suy ngẫm cá nhân” đã cho thấy, với mong muốn thực hiện mục tiêu quốc tế hóa và đạt được những thành tựu trong công bố quốc tế, các trường đại học tại Trung Quốc đã tuyển dụng GVNN có bằng tiến sĩ từ những quốc gia nói tiếng Anh [123]. Đối với GVNN tham gia các chương trình trao đổi giảng viên, GVNN được tuyển chọn chọn phải đảm bảo thông thạo ngoại ngữ và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CSGDĐH nước ngoài [101].
GVNN cần có sự hiểu biết văn hóa hay năng lực liên văn hóa để đối phó hiệu quả với các rào cản văn hóa mà họ gặp phải trong môi trường mới, điều này giúp họ phát triển và duy trì trạng thái tinh thần tích cực với một sự thỏa mãn nhất định đối với công việc, khiến họ gắn kết hơn với công việc tại trường đại học nước ngoài [156], [179].
Theo tiêu chí của Bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới - QS World University Rankings, trong chỉ số quốc tế hóa khi xếp hạng đại học, để được tính là GVNN của một CSGDĐH thì ngoài các tiêu chí về quốc tịch, đòi hỏi GVNN phải tham gia vào công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu hoặc cả hai tại trường đại học đó với thời gian ít nhất 03 tháng [155].
Tại Việt Nam, theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, GVNN được hiểu chung là lao động nước ngoài và thuộc nhóm Chuyên gia nước ngoài. Yêu cầu đối với nhóm này là phải có bằng đại học trở lên, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà họ dự kiến làm việc tại Việt Nam [25].
2.1.1.3. Các nghiên cứu về khó khăn của nhân lực giảng viên nước ngoài khi làm việc tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài
Pherali (2012) phân loại các khó khăn, rào cản mà GVNN gặp phải thành 02 nhóm chính: (1) các thách thức tạm thời về chính sách và (2) các thách thức văn hóa lâu dài. Nhóm (1) thường liên quan đến các vấn đề như hạn chế về thị thực và tình trạng nhập cư, trong khi nhóm (2) lại liên quan đến quá trình làm quen và hòa nhập vào các nền văn hóa và hệ thống giáo dục đại học không quen thuộc [151].
Giảng viên nước ngoài không chỉ phải đối mặt với văn hóa và chuẩn mực học thuật khác nhau mà còn phải đối mặt với những chuẩn mực xã hội khác nhau bên ngoài bối cảnh trường đại học. Giảng viên nước ngoài tại Hoa Kỳ thường gặp phải
ba loại thách thức: xin thẻ xanh (thường trú), giải quyết sự khác biệt về văn hóa và đương đầu với sự cô đơn. Giảng viên nước ngoài ở Hoa Kỳ thường có quan điểm thế giới quan, niềm tin tôn giáo, kỳ vọng, mối quan hệ gia đình và quy ước văn hóa xã hội khác với các giảng viên bản địa. Những giá trị đó thường bị thách thức trong thời gian họ ở Hoa Kỳ khi sự khác biệt về văn hóa được phản ánh trong hành vi cũng như quan điểm tôn giáo và chính trị [84]. Sự khác biệt về văn hóa trong thực tiễn giáo dục và diễn ngôn cũng dẫn đến sự hiểu lầm giữa giảng viên và sinh viên [141]. Giảng viên nước ngoài thường phải đối mặt với cảm giác cô đơn do nhiều yếu tố, bao gồm sự thay đổi về địa lý, nền văn hóa khác biệt và thiếu sự hỗ trợ xã hội. Cảm giác cô đơn có thể dẫn đến nơi làm việc sự cô lập và dẫn đến giảm khả năng sáng tạo, năng suất, tinh thần và sự hài lòng trong công việc [135].
Một thách thức nổi bật khác đối với GVNN là kỹ năng giao tiếp, thường được phản ánh qua sự khác biệt về văn hóa và sự dè dặt cá nhân do cảm giác là người ngoài cuộc, đặc biệt là trong môi trường nói tiếng Anh [74], [98], [130]. Rào cản ngôn ngữ, chẳng hạn như thông tin sai lệch và giọng điệu, gây ra sự nhầm lẫn không cần thiết và ảnh hưởng tiêu cực đến việc giảng dạy, dịch vụ, hoạt động học thuật, mặc dù có kỹ năng và kiến thức xuất sắc [130], [135], [165]. Trong các CSGDĐH, trình độ ngôn ngữ thường đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy hơn là trong nghiên cứu, đặc biệt là tại các quốc gia nói tiếng Anh [143]. Sự thành thạo trong ngôn ngữ giúp định hình bản sắc học thuật và khả năng làm việc nhóm của GVNN, cũng như giúp họ giao tiếp tốt hơn với sinh viên. Tuy nhiên, khoảng cách về giao tiếp vẫn thường tồn tại giữa GVNN và sinh viên [180]. Giảng viên nước ngoài gặp phải những thách thức khó khăn hơn khi họ làm việc ở các quốc gia không nói tiếng Anh, vì họ thường được kỳ vọng biết sử dụng không chỉ tiếng Anh mà còn là ngôn ngữ của quốc gia họ làm việc trong các hoạt động học thuật và giao tiếp hàng ngày [189].
Trong nghiên cứu của mình, Kim (2016) cho thấy giáo dục đại học Hàn Quốc không tạo điều kiện thuận lợi cho GVNN theo đuổi sự nghiệp lâu dài vì có sự phân biệt đối xử trong trường đối với những người không phải là công dân Hàn Quốc [131]. Đặc biệt, GVNN là nữ ít hài lòng hơn với thẩm quyền đưa ra quyết định về chương trình giảng dạy, nội dung khóa học và phương pháp giảng dạy của mình. Họ cũng phải đối mặt với nhu cầu cao về dịch vụ đại học cũng như gặp khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới và tìm kiếm người cố vấn [130]. Trong một nghiên cứu khác về các GVNN mới bắt đầu sự nghiệp tại các trường đại học Nhật Bản, các giảng viên này cho biết có những rào cản trong việc tham gia vào các hoạt động học