CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHÂN LỰC GIẢNG VIÊN NƯỚC NGOÀI TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG
2.2. Cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Hội nhập quốc tế theo đúng nghĩa đầy đủ là hội nhập trên tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế nhằm đạt được một mục tiêu hoặc lợi ích chung nào đó [3].
Hội nhập quốc tế về giáo dục là hiện đại hoá, quốc tế hoá nền giáo dục của quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Việc hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, từ việc ký kết điều ước quốc tế thực hiện hợp tác giáo dục, đến việc trao đổi, tham gia các hoạt động quốc tế khác nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn giáo dục, đào tạo trong nước.
Chủ trương và chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó có thể kể đến Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Nghị quyết 29-NQ/TW đã khẳng định những yêu cầu cấp bách phải tiếp tục thực hiện cải cách giáo dục đại học và khắc phục các yếu kém và hạn chế trong việc xây dựng tổ chức chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục. Nghị quyết này là nền tảng xác định một trong các hướng đổi mới bao gồm hệ thống giáo dục theo hướng hội nhập và quốc tế hóa tạo tiền đề cho việc hội nhập hệ thống giáo dục Việt Nam tiệm cận với trình độ tiên tiến trên thế giới [2].
Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tại mục 8 của Kết luận, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” [6].
Đảng chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu hội nhập quốc tế. Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu “…Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước”.
Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, các văn bản luật, các nghị định và quy định hướng dẫn triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế trong GDĐH đã được ban hành. Nếu như trong phần Mục tiêu của Luật Giáo dục 2005 [47] chưa đề cập đến hội nhập quốc tế thì đến Luật Giáo dục 2019 [53], mục tiêu hội nhập quốc tế đã được đề cập đến, điều này càng cho thấy vấn đề hội nhập quốc tế trong giáo dục ngày càng được nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn. Luật Giáo dục Đại học ngày 19 tháng 6 năm 2012 [50] và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ngày 19 tháng 12 năm 2018 [51] dành nguyên Chương VI để quy định về hoạt động Hợp tác quốc tế, một trong những hoạt động không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm tạo điều kiện để cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó là các kế hoạch, đề án cụ thể để tiến
tới thực hiện hội nhập quốc tế trong giáo dục như Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 [18], Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 40 QĐ/TTg ngày 07 tháng 01 năm 2016 [19], Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục [21]; Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 [9].
Như vậy, các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, cũng như các đạo luật do Quốc hội phê chuẩn đã khẳng định hệ thống giáo dục Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
2.2.2. Yêu cầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh hội nhập quốc tế về thu hút và quản lý nhân lực giảng viên nước ngoài
Trong bối cảnh đó, thu hút và quản lý nhân lực GVNN là một nhu cầu tất yếu của các CSGDĐH Việt Nam với kỳ vọng nhân lực GVNN sẽ giúp các trường đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa và hội nhập quốc tế.
Luật GDĐH 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34/2018) quy định: “Cơ sở giáo dục đại học được mời giảng viên thỉnh giảng, mời báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân ở trong nước và nước ngoài”, “Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới”; hay Luật Giáo dục 2019 quy định: “Khuyến khích việc mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người VN định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng” [50], [51], [53].
Trong chỉ thị của BGD&ĐT về nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục mỗi năm học học, phần nhiệm vụ về Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đề cập (1) Các cơ sở giáo dục đại học chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín để thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam; (2) Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; (3) Đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế, nhà khoa
học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam [8], [13].
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019- 2025” [23]. Một trong các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 là trên 70% cơ sở giáo dục đại học có hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ quan điểm: Để phát triển nguồn lực cho giáo dục thì không chỉ tập trung phát triển nguồn nhân lực trong nước mà còn cần phải đẩy mạnh thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ và làm giàu nguồn lực trong nước. Trong kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, BGD&ĐT đã yêu cầu trong giai đoạn 2021-2025, các CSGDĐH cần xây dựng Chính sách thu hút giảng viên là người nước ngoài, Việt kiều hoặc người Việt Nam đang làm việc, giảng dạy ở nước ngoài tham gia các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình chất lượng cao; có chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học [10]. Một trong những tiêu chí được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để đánh giá mức độ hội nhập quốc tế trong giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học là có GVNN tham gia giảng dạy.
Bối cảnh hội nhập quốc tế đã đặt ra cho GDĐH Việt Nam những nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải quốc tế hóa các trường đại học, nâng cao tính chủ động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các CSGDĐH nhằm đáp ứng việc cung cấp hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đổi mới sáng tạo, có khả năng tiếp thu và sáng tạo công nghệ phù hợp với quá trình phát triển, có khả năng hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa một cách sâu rộng, xếp hạng đại học thế giới là xu thế tất yếu, không tránh khỏi khi các CSGDĐH Việt Nam từng bước tham gia quá trình hội nhập. Tham gia xếp hạng đại học thế giới là cách tích cực thúc đẩy các CSGDĐH nâng cao chất lượng, khẳng định rộng rãi trong phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới về chất lượng đào tạo của nhà trường. Việc xếp hạng khách quan mang lại giá trị giải trình xã hội, uy tín và thương hiệu cho CSGDĐH. Trên cơ sở đó, CSGDĐH có thể thu hút người học, nhà nghiên cứu đến học tập và làm việc; thu hút đầu tư của Chính phủ và xã hội cũng như đem đến vị thế trên bản đồ giáo dục đại học của thế giới cho bản thân CSGDĐH cũng như hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam [63]. Trong các bảng xếp hạng đại học của thế giới, tiêu chí về tỉ lệ GVNN là 5% (QS World University Rankings) [155] và 2,5%
(Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á – QS Asia University Ranking và trong Bảng xếp hạng của Tạp chí Times Higher Education – THE Rankings) [175]. Điều này cho thấy, các CSGDĐH Việt Nam cần tích cực thu hút nhân lực GVNN đến làm việc để có thể đáp ứng tiêu chí về hợp tác quốc tế và trọng số về nhân lực GVNN khi tham gia xếp hạng đại học.
Trong bối cảnh nguồn lực về đội ngũ giảng viên trong nước chưa đáp ứng hết được yêu cầu phát triển, tạo nên sức bật cho các CSGDĐH trong nước thì nhân lực GVNN là nguồn bổ sung vô cùng cần thiết. Sự tham gia của nhân lực GVNN không chỉ làm phong phú môi trường học thuật, góp phần cải thiện danh tiếng của CSGDĐH mà còn góp phần tăng sản lượng nghiên cứu và trải nghiệm giáo dục tổng thể cho người học.
Tuy vậy, trong điều kiện của các trường công lập trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay của Việt Nam, không phải CSGDĐH công lập nào cũng đủ điều kiện về nguồn lực tài chính, điều kiện cơ sở vật chất để có thể thu hút và tuyển chọn được nhân lực GVNN đến làm việc. Các CSGDĐH công lập, ngoài việc dựa vào năng lực nội tại của nhà trường, cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực và sự hỗ trợ từ nước ngoài cho việc tuyển dụng và tiếp nhận nhân lực GVNN đến làm việc. Bên cạnh đó, các CSGDĐH công lập cần có những chính sách, giải pháp quản lý nhân lực GVNN để một mặt vừa phát huy được những đóng góp của nhân lực GVNN cho trường, mặt khác mang sự hài lòng cho nhân lực GVNN để có thể thu hút, duy trì và giữ được GVNN gắn bó với nhà trường.