Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhân lực giảng viên nước ngoài trong các

Một phần của tài liệu Quản lý nhân lực giảng viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 81 - 84)

CHƯƠNG 3. THỰC TIỄN QUẢN LÝ NHÂN LỰC GIẢNG VIÊN NƯỚC NGOÀI TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP

3.1. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhân lực giảng viên nước ngoài trong các

Giảng viên nước ngoài mang những hiểu biết sâu sắc mới vào nghiên cứu, giảng dạy và chuẩn mực của trường đại học. Một số nước và trường đại học rất hoan nghênh GVNN, thậm chí đưa ra các sáng kiến để thu hút họ. Kinh nghiệm về thu hút và quản lý GVNN tại một số quốc gia sẽ là những gợi ý cho các CSGDĐH Việt Nam trong quản lý nhân lực GVNN.

Kinh nghiệm từ Trung Quốc:

Trung Quốc là nước có truyền thống văn hóa Á Đông lâu đời, cũng như tất cả các nước khác, về phương diện kinh tế, Trung Quốc có nhu cầu mạnh mẽ về quốc tế hóa và toàn cầu hóa nhằm duy trì năng lực cạnh tranh. Giáo dục đại học tại Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi mạnh mẽ chưa từng có về quy mô. Trong vòng ba thập kỷ kể từ năm 1976, số sinh viên ở Trung Quốc đạt gần 25 triệu người, đưa Trung Quốc trở thành hệ thống giáo dục đại học rộng lớn nhất trên toàn cầu [110].

Chính sách cải cách kinh tế đã khiến chính phủ Trung Quốc nhận thấy cần phải đào tạo một lực lượng lao động chuyên nghiệp có trình độ cao để hiện đại hóa đất nước.

Chính phủ Trung Quốc tích cực thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên từ nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục [1]. Trung Quốc tiến hành một loạt các chương để thu hút tài năng người nước ngoài như kế hoạch “100 nhân tài”, kế hoạch “1000 nhân tài”, chương trình “Học giả xuất sắc ở nước ngoài” [181]. Nhà nước Trung Quốc mạnh dạn đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu, kinh phí để thu hút các nhà khoa học. Trung Quốc rất chú ý đến việc thu hút những người từ các trường đại học danh tiếng của phương Tây về làm việc cho họ, và phương thức chủ yếu là bằng mức lương hấp dẫn hơn là bằng các quan hệ hợp tác trao đổi học giả. Các chính sách lương không giới hạn cũng như điều kiện làm việc, tài trợ nghiên cứu được quảng cáo rộng rãi, tạo sự cạnh tranh và thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên từ nước ngoài [140].

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc:

Ở cấp độ chính sách, tiến trình quốc tế hóa GDĐH Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc cải tổ Bộ Giáo dục thành Bộ Giáo dục và Phát triển Nguồn nhân lực, với ý nghĩa rõ rệt là nhấn mạnh vào yếu tố xây dựng nguồn vốn

con người cho việc phát triển khoa học - công nghệ bậc cao, phục vụ cho kinh tế quốc gia. Trong đó, quốc tế hóa GDĐH là một phần quan trọng của quá trình cải cách này. Khi nghiên cứu về tiến trình quốc tế hóa GDĐH Hàn Quốc có thể thấy, các chính sách quốc tế hóa của Chính phủ đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh quốc tế của các trường đại học [80]. Một trong các tiêu chí được sử dụng để đo lường mức độ quốc tế hóa của một trường đại học tại Hàn Quốc là số lượng GVNN và số môn học được dạy bằng tiếng Anh. Để đáp ứng mục tiêu quốc tế hóa, tuyển dụng GVNN đã trở thành xu hướng tại các cơ sở giáo dục đại học ở Hàn Quốc. Trước năm 2000, các trường đại học công lập ở Hàn Quốc không thể cung cấp các vị trí theo biên chế cho GVNN và phải đến năm 2008, chính phủ mới hỗ trợ các trường đại học quốc gia của Hàn Quốc thuê GVNN làm giảng viên toàn thời gian [131]. Theo đó, số lượng GVNN ngoài tại Hàn Quốc tăng từ 1.390 người năm 2003 lên 6.130 người vào năm 2013 [122]. Ngoài ra, từ đầu những năm 2000, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích và sau đó là bắt buộc nhân viên ở các trường đại học tham gia các khóa học bằng tiếng Anh và chuyển đổi bổ sung chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh [96]. Bằng cách tham gia toàn cầu với sự tài trợ của chính phủ, các trường đại học lớn ở Hàn Quốc tuyển dụng ngày càng nhiều GVNN từ một mạng lưới rộng lớn hơn của các quốc gia. Họ cũng đã tăng cường đào tạo dựa trên ngôn ngữ tiếng Anh như một cách để tăng số lượng nghiên cứu [113].

Kinh nghiệm từ Nhật Bản:

Với những nỗ lực trong thu hút GVNN, trong những năm gần đây, số lượng GVNN tại các CSGDĐH Nhật Bản tăng đáng kể: số liệu cho thấy số GVNN toàn thời gian tăng từ 940 (0,9% tổng số giảng viên) năm 1979 lên 8.262 (4,5% tổng số giảng viên) trong năm 2017. Lí giải cho sự tăng lên nhanh chóng của GVNN tại Nhật Bản, có thể thấy, ở cấp độ quốc gia, từ đầu những năm 1990, trước những thay đổi và thách thức mới ở cấp độ toàn cầu và quốc tế, chính phủ Nhật Bản đã triển khai hàng loạt dự án cấp quốc gia. Các dự án này nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Giáo dục Đại học Nhật Bản, thúc đẩy sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng cạnh tranh quốc tế và xây dựng khoảng 30 trường đại học và ngành học đẳng cấp thế giới. Các dự án chính bao gồm Hợp nhất các trường đại học quốc gia, tỉnh và thành phố từ năm 2004, Dự án Global 30 năm 2009, Kế hoạch cải cách giáo dục tiếng Anh tương ứng với toàn cầu hóa năm 2013, Dự án phát triển nguồn nhân lực toàn cầu năm 2004 và Dự án đại học hàng đầu toàn cầu năm 2014. Ở cấp trường, các CSGDĐH được phê duyệt tham gia Dự án Global 30,

Dự án Đại học toàn cầu hàng đầu đã xây dựng các mục tiêu định lượng về hoạt động giáo dục và nghiên cứu, bao gồm tỉ lệ sinh viên và GVNN. Tất cả những chiến lược và biện pháp này đã kích thích sự gia tăng nhanh chóng số lượng giảng viên nước ngoài tại các CSGDĐH Nhật Bản [117]. Ngoài ra, từ năm 1982, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật về các biện pháp đặc biệt về bổ nhiệm nhân viên nước ngoài tại các trường đại học quốc gia và công lập. Đạo luật này rất quan trọng vì nó cho phép GVNN được thuê ở cả các trường đại học công lập quốc gia và địa phương với tư cách là học giả toàn thời gian, được thăng cấp bậc học thuật cao hơn và thậm chí trở thành giáo sư chính thức trong cả hai lĩnh vực. Đạo luật này cho phép GVNN tham gia vào các vấn đề quản trị của các CSGDĐH và GVNN tham gia công việc tương tự như giảng viên bản địa, thay vì phần lớn chỉ tham gia giảng dạy ngôn ngữ như vào cuối những năm 1970 [35]. Thêm vào đó, từ năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế liên quan tới thị thực lao động cho người nước ngoài để thu hút tài năng nước ngoài trong đó có nhân lực GVNN đến Nhật Bản làm việc.

Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ:

Có thể cho rằng, Hoa Kỳ là nơi đi đầu trong làn sóng quốc tế hóa GDĐH. Hoa Kỳ được ví như một quốc gia nhập khẩu GVNN [77] khi sự hiện diện của giảng viên người nước ngoài tại các CSGDĐH của Hoa Kỳ gần như tăng gấp đôi từ 11,7%

năm 1973 lên 20,4% năm 1999 trong tất cả các ngành và từ 18,6% lên 34,7% trong ngành kỹ thuật [91]. Gần 75% GVNN thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trong đó GVNN đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đức chiếm tỉ lệ đông nhất [112]. Bổ nhiệm GVNN giữ các vị trí lãnh đạo của CSGDĐH là một giải pháp để các CSGDĐH của Hoa Kỳ thu hút và giữ chân các GVNN giỏi và tài năng. Ngoài lãnh đạo cấp cao (chủ tịch và hiệu trưởng), số lượng GVNN trở thành lãnh đạo cấp trung như trưởng khoa, viện trưởng, trưởng bộ môn,… đang gia tăng. Hiện nay, có những trường đại học của Hoa Kỳ mà một nửa số trưởng khoa của họ là những người sinh ra ở nước ngoài [115]. Để tăng cường sự hòa nhập của GVNN, nhiều CSGDĐH khuyến khích các trưởng khoa làm việc với GVNN một cách sâu sắc hơn để xác định các vấn đề và nhu cầu của GVNN, sau đó tìm ra giải pháp và kế hoạch để giải quyết những vấn đề và nhu cầu đó. Với sự hiểu biết tốt hơn về tình hình, các trưởng khoa và nhà quản lý của CSGDĐH có thể làm việc cùng nhau để giải quyết một số thách thức mà GVNN tại cơ sở họ gặp phải, hỗ trợ GVNN thích ứng với môi trường khuôn viên mới nhanh hơn. Ngoài ra, quá trình hội nhập của giảng viên giúp thúc đẩy tinh thần đồng đội và tạo ra một môi trường làm việc gắn kết. Nó cho phép GVNN và GV bản địa Hoa Kỳ làm việc cùng nhau

trong việc phát triển các khóa học hoặc nghiên cứu mới [171]. Ngoài ra, việc thành lập mạng lưới hỗ trợ giảng viên quốc tế trên toàn quốc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho CSGDĐH trong hỗ trợ GVNN, vừa tạo điều kiện để GVNN trong mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau.

Từ kinh nghiệm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ cho thấy để thu hút GVNN vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng khi ban hành các chính sách tạo điều kiện thu hút và giữ chân GVNN như chính sách về tuyển dụng làm giảng viên toàn thời gian, chính sách về đãi ngộ, điều kiện nghiên cứu,... Ở cấp độ nhà trường, để thu hút GVNN, thực hiện mục tiêu quốc tế hóa trường đại học, các CSGDĐH phải xây dựng cho mình mục tiêu, chiến lược trong việc tuyển dụng GVNN, có các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, khuyến khích và tạo điều kiện để GVNN được tham gia vào các vấn đề quản trị của nhà trường cũng như bổ nhiệm GVNN giữ các vị trí quản lý trong CSGDĐH. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ GVNN vượt qua các rào cản, khó khăn trong việc thích nghi và hòa nhập với môi trường làm việc mới cũng cần các CSGDĐH quan tâm.

Một phần của tài liệu Quản lý nhân lực giảng viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(279 trang)
w