Kết quả khảo sát từ 210 CBGV Việt Nam tại 56 CSGDĐH về các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhân lực GVNN tại trường cho thấy, yếu tố về cơ chế, chính sách có ảnh hưởng mạnh nhất đến quản lý nhân lực GVNN khi cơ chế, chính sách thu hút người nước ngoài của Việt Nam chưa đủ mạnh (Giá trị trung bình = 3,63) và Thủ tục tiếp nhận GVNN vào Việt Nam còn rườm rà, phức tạp (Giá trị trung bình = 3,99).
Hiện nay, theo quy định của Chính phủ Việt Nam [25], việc cấp giấy phép lao động/giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho GVNN làm việc tại các CSGĐH được tập trung về một đầu mối duy nhất là Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH).
Như vậy là, dù CSGDĐH ở khu vực nào của Việt Nam thì đều phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động/giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động với Cục Việc làm có trụ sở tại Hà Nội. Việc nộp hồ sơ cũng đã bắt đầu thực hiện theo hình thức trực tuyến qua Dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, dù nộp hồ sơ trực tiếp hay trực tuyến đều vẫn còn nhiều bất cập, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài. Ngoài ra, đối với GVNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trước khi làm việc với Cục Việc làm, CSGDĐH công lập cần gửi hồ sơ đến BGD&ĐT đề nghị BGD&ĐT xác nhận GVNN vào Việt Nam đề giảng dạy, nghiên cứu.
Mặc dù công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói chung trong đó có GVNN đã được quy định trực tiếp tại nhiều văn bản pháp quy. Tuy nhiên, các văn bản này còn thiếu vắng các quy định cụ thể hoặc có đề cập nhưng chưa hoàn toàn phù hợp đối với GVNN. Các quy định về GVNN phần lớn được tham chiếu từ các quy định chung đối với lao động là người nước ngoài hoặc quy định chung đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người Việt Nam, điều này dẫn tới nhiều bất cập trong công tác quản lý GVNN tại CSGĐH nói chung, CSGDĐH công lập nói riêng.
Bên cạnh đó, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, các CSGDĐH công lập của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng lao động với GVNN. Theo quy định tại Nghị định này, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ ký kết hợp đồng lao động đối với cá nhân đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể, một trong các điều kiện đó là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” [17]. Quy định này đã hạn chế việc tiếp nhận GVNN đến làm việc khi các CSGDĐH công lập không thể ký hợp đồng lao động với GVNN vì đại đa số GVNN mang quốc tịch nước ngoài, rất ít GVNN có thêm quốc tịch Việt Nam. Khi không ký hợp đồng lao động, sẽ không đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục tiếp theo cho việc đề nghị cấp Giấy phép lao động.
Kết quả phỏng vấn GVNN và tổ chức nước ngoài cử GVNN đến làm việc tại CSGDĐH công lập Việt Nam cho thấy cơ chế, chính sách của Việt Nam trong quản lý GVNN đã ảnh hưởng không chỉ cho CSGDĐH công lập Việt Nam mà còn mang đến cả những khó khăn cho GVNN:
“…Tôi biết là nhà trường đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc làm thẻ lao động, nhưng thời gian để được cấp giấy phép lao động quá lâu, kế hoạch làm việc của tôi bị ảnh hưởng và đương nhiên các bạn cũng vậy…đấy là một ví dụ điển hình cho khó khăn mà tôi nghĩ các bạn cần khắc phục để có thể thu hút GVNN đến làm việc”
(Giảng viên quốc tịch Trung Quốc, đã làm việc tại CSGDĐH công lập Việt Nam trên 1 năm).
“ Chúng tôi sẵn sàng cử giảng viên tình nguyện sang Việt Nam và đến làm việc tại các trường đại học, nhưng như các bạn thấy đấy, việc cấp giấy phép lao động cho giảng viên của chúng tôi mất nhiều thời gian, chính thủ tục hành chính phức tạp này là một rào cản cho các trường đại học của Việt Nam trong việc thu hút giảng viên nước ngoài…Cần tạo ra các kênh trao đổi thiết thực giữa các bộ ngành
của Việt Nam nhằm cải thiện các thủ tục giấy tờ liên quan đến giáo viên nước ngoài..” (Cán bộ một cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Hà Nội).
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến quản lý nhân lực GVNN liên quan đến cấp chiến lược quản lý GVNN tại CSGDĐH khi các trường thiếu chính sách, chiến lược thu hút GVNN (Giá trị trung bình = 3,42), và Lương và đãi ngộ cho GVNN thấp, thiếu tính cạnh tranh (Giá trị trung bình = 3,61). Đây là những yếu tố chủ quan xuất phát từ chính bản thân các CSGDĐH. Mặc dù kết quả khảo sát hoạt động quản lý nhân lực GVNN ở cấp Chiến lược cho thấy cũng đã có nhiều CSGDĐH đã có chiến lược và chính sách thu hút nhân lực GVNN đến làm việc. Tuy vậy, sự khả thi của chiến lược, kế hoạch hành động cũng như các yếu tố chủ quan và khách quan khác cũng cần được tính đến để chiến lược được triển khai thực hiện và mang lại kết quả mong đợi trong thu hút nhân lực GVNN .
Bảng 3.41. Kết quả khảo sát thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý giảng viên nước ngoài tại cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam(n = 210)
TT Nội dung khảo sát
Giá trị trung
bình
Độ lệch chuẩn
1 Nhà trường thiếu chính sách, chiến lược thu hút GVNN 3,42 1,033 2 Nhà trường chi trả lương và đãi ngộ cho GVNN thấp,
thiếu tính cạnh tranh 3,61 1,085
3 Các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài của
nhà trường chưa nhiều 2,90 1,268
4 Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu
chưa đáp ứng 2,63 1,130
5 Cơ chế, chính sách thu hút người nước ngoài của Việt
Nam chưa đủ mạnh 3,63 0,980
6 Thủ tục tiếp nhận GVNN vào Việt Nam còn rườm rà,
phức tạp 3,99 0,941
Đáp ứng nhu cầu của người học, nhu cầu đào tạo, các CSGDĐH đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc thu hút nhân lực GVNN tại các CSGDĐH không bị ảnh hưởng bởi sự thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu (Giá trị trung bình = 2,90).
Có thể thấy hội nhập quốc tế và quốc tế hóa đang mang lại nhiều tác động tích cực cho CSGDĐH trong thu hút GVNN. Các nhà trường đã sẵn sàng và nhiều trường đang trên con đường hội nhập quốc tế cũng như đang từng bước thực hiện quốc tế hóa. Nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã được triển khai tại nhiều CSGDĐH trong cả nước. Do đó việc thiếu chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài không còn là khó khăn của đại đa số các CSGDĐH trong thu hút và duy trì GVNN (Giá trị trung bình = 2,90).