1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2. Hướng tiếp cận nghiên cứu
1.1.2.1. Tiếp cận theo lý thuyết quá trình (Processualism)
Sống là một quá trình; văn hóa được sản sinh ra qua quá trình sống và ứng xử với môi trường sống, vì vậy phát triển văn hóa mang tính quá trình. Nói cách khác, văn hóa mang tính động. Chưa có một văn hóa nào đã hình thành hoàn chỉnh và đúng đắn cho tất cả các thời đại, quá trình xã hội và môi trường là động lực để không ngừng nhào nặn nên hình hài bộ mặt xã hội; do đó, nghiên cứu văn hóa cần được đặt dưới góc nhìn quá trình. Văn hóa cách tân, thay đổi theo thời gian do quá
trình ứng xử với những biến đổi của đời sống xã hội tạo nên. Từ sau cải cách mở cửa năm 1986, xã hội Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhu cầu, thị hiếu xã hội đã thay đổi, kéo theo yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động xã hội, trong đó có du lịch cộng đồng, nhu cầu du lịch và đặc trưng khách du lịch đang thay đổi. “Những biến động xã hội trên thế giới hơn một trăm năm qua đã dẫn đến những tăng trưởng mạnh về trí tuệ, điều kiện kinh tế và lối sống, chính vì thế giá trị trách nhiệm xã hội của từng cá nhân thay đổi đã kéo theo sự chuyển biến trong cách thức chúng ta nhìn nhận và đánh giá về thế giới” [Zahra và Macintosh, 2007]. Những thay đổi ấy thể hiện rõ nét nhất trong thái độ của du khách thời hậu hiện đại, và tất nhiên điều này có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các ngành dịch vụ, trong đó có du lịch. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần người Việt Nam ngày càng tương đối no đủ thì nhu cầu hưởng thụ về tinh thần càng nâng cao đặc biệt là yếu tố tâm linh. Trong phạm vi nội ô thành phố Vĩnh Long có khoảng 10 ngôi chùa, miếu lớn nhỏ; vào những dịp Rằm, Tết người dân đến sinh hoạt đông đúc. Các di tích này đã được công nhận và phát triển theo những quy định của pháp luật về tôn giáo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tín đồ tôn giáo thể hiện niềm tin của mình. Những yếu tố hành vi ma thuật mang màu sắc mê tín, không phù hợp với thực tiễn bị đẩy lùi, các yếu tố tôn giáo gắn với giáo dục đạo đức và thỏa mãn nhu cầu tâm linh là cái tồn tại. Thực tế, nhữnglễ hội cúng đình làng ở Vĩnh Long luôn có sự tham gia của các nhà quản lý nên tạo được sự gắn kết, thu hút sự tham gia của người dân, đối với các lễ hội lớn bên cạnh các sinh hoạt văn hóa các trò chơi dân gian cũng được tổ chức, các đoàn hát bội được mời để phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân.
Ngày nay với sự phát triển kinh tế, kéo theo sự phát triển giao lưu văn hóa vùng, miền, khu vực và quốc tế. Việc tiếp cận tạo mối liên kết gần gũi hơn nhờ vào sự hiểu biết văn hóa, sự hiểu biết này thông qua nhiều con đường khác nhau trong đó có du lịch. Du lịch là một ngành kinh tế gắn liền với văn hóa, lợi ích nhân văn gắn với lợi ích kinh tế, khai thác đi đôi với bảo tồn thì du lịch mới tồn tại bền vững và từ đó góp phần bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa.
1.1.2.2. Tiếp cận dưới góc nhìn chức năng (Functionalism)
Lý thuyết chức năng có từ đầu thế kỷ XX và thống lĩnh nhân học xã hội Anh đến khoảng thập niên 1960, đã ảnh hưởng tới Mỹ và nhiều nước khác. Brown Malinowski (1944) nhấn mạnh: “Văn hóa bao gồm các quá trình kế thừa về kỹ thuật, tư tưởng, tập quán và giá trị”. Theo Malinowski, văn hóa là tổng thể những đáp ứng đối với những nhu cầu cơ bản và nhu cầu sản xuất. Tư tưởng chủ yếu là bất kỳ văn hóa nào trong tiến trình phát triển của nó đều tạo ra một hệ thống cân bằng, ổn định, trong đó mỗi bộ phận chỉnh thể đều thực hiện chức năng của nó. Khi con người sinh ra đã được thừa hưởng di truyền văn hóa giáo dục, giáo dục ở đây hiểu theo nghĩa rộng là sự truyền đạt văn hóa, gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên để con người tiếp nhận văn hóa của cộng đồng. Văn hóa đã thấm dần vào con người, góp phần hình thành nên tính cách, tác động tâm lý xã hội của văn hóa. Con người có bản năng - vì con người cũng là tự nhiên, những bản năng này được kiểm soát bởi xã hội (chuẩn mực xã hội, cưỡng chế xã hội) không thể vượt qua. Đối với những bản năng không thể chặn đứng được, như ăn uống, hôn nhân, tang ma... thì được cộng đồng “văn hóa hóa” chúng thành những nghi thức xã hội, hay tôn giáo để tạo nên khung quản lý để cộng đồng chấp thuận và thực hiện. Văn hóa có nhiệm vụ điều hòa và giải quyết giữa những ham muốn cá nhân và các cưỡng chế xã hội” [ J.P.Charier,1972:14].
Áp dụng vào loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ta thấy yếu tố đáp ứng các nhu cầu cơ bản được khám phá tự nhiên, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực vốn là những họat động cốt lõi; song để có được cái “hồn” thì ngành du lịch tỉnh nhà cần phải quan tâm sâu hơn đến các bình diện nhu cầu học hỏi tri thức văn hóa; nhu cầu khám phá sắc thái văn hóa, đời sống cộng đồng lẫn nhu cầu trải nghiệm, “nhập thân văn hóa” của du khách. Ở mặt nào đó, cái còn thiếu chính là phần “kiến trúc thượng tầng”, trong khi yếu tố “cơ sở hạ tầng” hoặc đã được khai thác hoặc có thể được nâng cấp, khắc phục sớm chiều. Trong mối tương quan giữa tài nguyên sinh thái và tài nguyên văn hóa, du lịch cộng đồng coi tài nguyên sinh thái là điều kiện cần, trong khi phải coi tài nguyên văn hóa là điều kiện đủ. Chính vì thế, luận văn này xoay quanh hai tiêu điểm quan trọng là tài nguyên văn hóa và du
lịch cộng đồng.
1.1.2.3. Tiếp cận dưới góc nhìn hậu hiện đại (Post-modernism)
Thế giới hiện tại có những chuyển biến mạnh mẽ cùng với những biến động chính trị xã hội, kinh tế, trình độ khiến thị hiếu của du khách có những thay đổi. Tuy chưa có kết quả điều tra rõ ràng nhưng ta có thể thấy thành phần khách, thị trường cũng như thị hiếu của du khách đã khác, hướng đến sự bền vững, bảo vệ môi trường, tăng lợi ích cộng đồng. Một số nhà nghiên cứu, cho rằng hoạt động du lịch đôi khi bị đánh giá thấp vì cho rằng nó thiếu chiều sâu học thuật và nền tảng lý luận [Veal, 2002; Botterill, 2003].
Với cách tiếp cận hậu hiện đại, có thể cung cấp những kiến giải sâu về lý thuyết và đóng góp nhiều hơn cho nghiên cứu du lịch học bằng cách làm nổi bật tính chất biến đổi theo thời đại và tình huống kinh nghiệm du lịch [Hottola, 2004]
chủ nghĩa khoái lạc (mindless hedoism) và việc tìm kiếm thú vui không còn là mốt thời thượng nữa [Singh, 2004]; mô hình “chủ nghĩa hưởng phúc (fordism)” đã dần trở nên lạc hậu, hậu hiện đại nhấn mạnh đến các giá trị như chất lượng cuộc sống, văn hóa, lối sống, tự do và sức khỏe [Haanpaa, 2005]. Do đó, du lịch là một lựa chọn không thể thiếu trong việc tìm kiếm, thỏa mãn những trải nghiệm cá nhân cho du khách thời đại. Chính xu thế này càng đẩy mạnh hơn giá trị di sản văn hóa trong sản phẩm du lịch nhất là loại hình du lịch cộng đồng. Hướng về những vùng đất mới, hay những nơi có những nét văn hóa đặc sắc, tìm hiểu về văn hóa lịch sử và con người ở điểm đến không chú trọng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ phục vụ cao cấp.
Chúng ta nhận thấy rằng, du lịch phải đáp ứng nhu cầu của du khách: thỏa mãn các nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi; giáo dục tâm lý- xã hội: tìm hiểu kiến thức văn hóa- lịch sử- xã hội, giảm căng thẳng mệt mỏi… Yếu tố văn hóa- lịch sử- xã hội đóng vai trò quan trọng tạo ra sức hấp dẫn và thu hút của tuyến, điểm du lịch.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa kỹ thuật hiện đại, con người dần xa rời những giá trị lịch sử, văn hóa, sự gắn kết giữa con người cũng hạn chế do lợi ích chi
phối.Việc tự trải nghiệm hay trang bị thêm những kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội giúp con người cân bằng hơn, nó là món quà tinh thần có ý nghĩa. Thế giới hậu hiện đại đòi hỏi năng lực và trí tuệ của con người ngày càng cao, hoạt động du lịch tương tác với nhiều dạng đối tượng khác nhau thuộc nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực, nhiều nền văn hóa. Thời điểm tập trung khai thác những nét đẹp tự nhiên của du lịch đã đi qua, hiện tại du khách đòi hỏi sự trải nghiệm văn hóa hơn là sự trải nghiệm tự nhiên và văn hóa. Từ xu thế đó, du lịch Việt Nam cần xem xét, đánh giá những nguồn lực tự nhiên và văn hóa đặc biệt ở các khía cạnh tinh thần, giá trị nhân sinh quan, tinh hoa trí tuệ và các bài học đạo đức sống thể hiện qua các tục thờ, nghi lễ, thánh tích, Phật tích, thần thoại, truyền thuyết và phong tục- tập quán các cộng đồng bản địa sẽ là những “sản phẩm du lịch” thời thượng cho nền du lịch hiện tại và tương lai [Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Trung Tự, 2014 : 547].
1.1.2.4. Góc nhìn khu vực lịch sử dân tộc và giao lưu tiếp biến văn hóa Trong nghiên cứu, chúng tôi đặt tỉnh Vĩnh Long dưới góc nhìn tổng thể của khu vực Tây Nam Bộ, một khu vực lịch sử văn hóa có quá trình lịch sử hết sức đặc thù gắn liền với quá trình khai khẩn, định cư và phát triển của các cộng đồng tộc người chính yếu là Khmer, Việt và Hoa. Thêm vào đó, góc nhìn giao lưu tiếp biến văn hóa với hệ thống lý thuyết có từ cuối thế kỷ XIX cho tới nay, bắt đầu từ quá trình lan tỏa, truyền bá cho đến quá trình tiếp nhận, tái cấu trúc xã hội trên nền tảng cấu trúc mới của hệ thống văn hóa nơi tiếp nhận... hầu hết đều có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử - xã hội Vĩnh Long với tư cách là một bộ phận hữu cơ của đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long giống như nhiều vùng khác ở Tây Nam Bộ là nơi hội tụ đa tộc người, đa văn hóa, là vùng đất diễn ra quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa tuy âm thầm nhưng sâu sắc giữa yếu tố địa phương và yếu tố du nhập từ bên ngoài vào (Trung Hoa, phương Tây, Đông Nam Á). Tất cả cùng đan xen tồn tại và làm nền tảng cho sự tồn tại của nhiều sắc thái văn hóa đặc hữu đồng bằng sông Cửu Long.