3.2. Định hướng phát triển du lịch văn hóa – cộng đồng tỉnh Vĩnh Long
3.2.2. Bước đầu phác họa giải pháp phát triển du lịch văn hóa - cộng đồng
(1) Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng
Tham quan sông nước miệt vườn: đi xe đạp trên các con đường nhỏ qua những vườn cây ăn trái, dọc dòng sông xanh mát; chèo đò trên kênh rạch, câu cá trong ao vườn, tát mương bắt cá và tự làm những món ăn đặc trưng ở địa phương;
tham quan, tự hái trái cây ở vườn và thưởng thức; chơi các trò chơi dân gian;
thưởng thức đờn ca tài tử. Nghỉ tại nhà dân (sản phẩm du lịch “Tây ở nhà ta”): đây là loại hình mà du khách nghỉ tại nhà dân, sinh hoạt trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa tại địa phương, hoàn toàn phù hợp với thị hiếu du khách thời hậu hiện đại (đã phân tích trên). Cùng ra đồng “Một ngày làm nông dân”, hay nấu ăn làm bánh, chiên chả giò; buổi tối nghe đờn ca tài tử, ngắm trăng chài lưới trên sông, bắt đom đóm...; tham quan vườn cây ăn trái6. Vườn bưởi năm roi, vườn thanh trà (huyện Bình Minh), chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), chôm chôm Java (cù lao Lục Sỹ Thành, Phú Thành - huyện Trà Ôn). Những sản phẩm du lịch này dựa vào yếu tố sinh thái tự nhiên nhưng yếu tố lưu giữ ký ức chính là những giá trị văn hóa bản địa mang lại cho du khách sự trải nghiệm. Cách sinh hoạt, cư xử của người dân, khung cảnh làng quê... những nét riêng thu hút, mang lại tình cảm quý mến cho du khách. Để hiểu hơn về con người, vùng đất Vĩnh Long thì không thể không giới thiệu về lịch sử truyền thống văn hóa, điều đó có thể có được thông qua những di tích lịch sử, văn hóa nơi đây. Tham gia những hoạt động này do chính người dân địa phương thực hiện, từ hướng dẫn viên giới thiệu cho khách đến các địa điểm tham quan, tổ chức tát mương bắt cá, cuốn chả giò hay mời bà con cùng xóm đến ca hát vào buổi tối... Những dịch vụ này hoàn toàn có thể thực hiện được, do các hộ dân đã có kinh nghiệm phục vụ khách, được đào tạo, hướng dẫn. Trong hai năm trở lại đây, loại hình này dần phát triển do sự năng động của người dân và dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn khách của một công ty duy nhất.
6Trái cây hầu như có quan năm, mỗi loại mang một hương vị riêng tạo nên nét đặc trưng cho địa phương.
Một lịch trình đơn giản những thu hút được du khách và giá khá cao: nơi nghỉ được đầu tư đẹp, vật liệu từ gỗ, lá dừa trang trí theo kiểu bungalow, hướng sông (giá 500.000đ/khách/đêm). Đi xe sẽ được chủ nhà hướng dẫn, ngắm bình minh, đi ngang vườn trái cây, thanh long, ghé thăm nhà làm cốm, nấu rượu, trường học, chùa… Buổi tối, đốt đuốt bằng lá dừa sang nhà trong xóm, nghe đờn ca tài tử tại nhà (đơn giản chủ nhà biết đàn, vài ba người hàng xóm hát giỏi), uống ly trà…
Chủ cơ sở homestay sẽ chi trả khoảng 100.000đ- 180.000đ/sô tùy thời gian. Đôi khi, khách vui có thể ở lại uống vài ly rượu. Kết thúc chương trình, chủ cơ sở có thể thu 1.500.000đ -2.000.000 khách cho chương trình 1 ngày 1 đêm. Qua một chương trình du lịch, du khách có thể tham dự một số hoạt động, sinh hoạt của người trong xóm (cắt lúa, đào ao, hái rau...), thưởng thức đờn ca tài tử; người dân địa phương cùng tham gia vào hoạt động này, trước hết là sự thân thiện, cởi mở đón tiếp du khách đến với quê hương mình, trực tiếp cung cấp và thu lợi từ phục vụ du khách.
Cũng có thể hưởng lợi gián tiếp từ các chương trình du lịch kết hợp xây nhà, tặng quà cho học sinh, làm cầu, xây đường...
(2) Sản phẩm du lịch văn hóa
Thành phố Vĩnh Long được xem là một trong những đô thị xanh và có nét cổ kính còn lưu lại của đồng bằng sông Cửu Long, để khai thác lợi thế trên, tỉnh cần ban hành những chính sách có liên quan để giữ lại những giá trị độc đáo đó7. Ngoài ra sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng tạo nên nét đặc trưng của nền văn hóa đa sắc tộc, đây là điều kiện tốt để phát triển loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa. Ở một khía cạnh nhất định, việc khai thác tốt nhóm sản phẩm du lịch này sẽ giúp làm sống dậy các tri thức văn hóa địa phương.
Với các lễ hội diễn ra quanh năm và nhiều di tích lịch sử văn hóa cũng như cơ sở thờ tự tín ngưỡng của tôn giáo và dân tộc, hướng tới cần chú trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
7Quy định chiều cao công trình xây dựng, khuyến khích người dân xây nhà có kiến trúc phù hợp.
Về hoạt động lễ hội, ở tỉnh Vĩnh Long phong phú và đa dạng về loại hình, mang những nét độc đáo riêng của từng dân tộc. Lễ Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta, lễ Okombok của người Khmer. Lễ vía bà Chúa Xứ (24/4 âm lịch), vía bà Thiên Hậu (23/3 âm lịch), vía Quan Công (24/6 âm lịch) của người Hoa. Lễ giỗ Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn của người Kinh và người Khmer ở Trà Ôn...Về khai thác các di tích lịch sử văn hóa, các điểm di tích lịch sử văn hóa được Bộ xếp hạng như chùa Phước Hậu, chùa Tiên Châu, đình Long Thanh, Văn Thánh Miếu, Công Thần Miếu, Lăng ông Tiền quân Thống Chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn... hay Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện các công tác chuẩn bị để hoàn thiện các yêu cầu, điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, hứa hẹn là một địa điểm nổi bật trong tour du lịch văn hóa Vĩnh Long.Về chợ nổi Trà Ôn, đây là chợ có từ lâu đời, hoạt động buôn bán tấp nập vào buổi sáng sớm, chuyên bán các mặt hàng nông sản theo dạng bán sỉ. Nếu được chú ý phát triển, có chính sách hỗ trợ cho các tiểu thương sẽ góp phần khôi phục chợ sinh hoạt buôn bán sầm uất hơn tạo điều kiện phát triển du lịch địa phương.
Từ các điểm nổi bật trên xây dựng các chương trình tham quan các di tích lịch sử, tham gia các lễ hội của người Kinh, Hoa, Khmer để du khách có thể hiểu hơn về lịch sử, con người Vĩnh Long. Các khu lưu niệm vừa được xây dựng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về quy mô, kiến trúc để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước (không chỉ giới hạn các đoàn khách của tỉnh, học sinh sinh viên về nguồn). Tuy nhiên, cần bổ sung các dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, mua sắm của du khách.
Tuy nhiên, cũng cần kết hợp với sinh thái. Tham quan các di tích lịch sử, nhà cổ, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử… kết hợp tham quan vườn trái cây, chèo xuồng, đạp xe quanh đường làng.
Hiện tại Vĩnh Long đang phát triển loại hình du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn
có sự kết hợp giữa yếu tố tự nhiên và nhân văn nhưng chưa phát huy hết tiềm năng của việc kết hợp với tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.
(3) Sản phẩm du lịch làng nghề
Nghề, làng nghề truyền thống luôn được du khách ưa thích nhất là khách quốc tế. Đây là mô hình cần được chú trọng khai thác, phát triển. Góp phần tạo kinh tế nông thôn, cũng như duy trì hoạt động của các làng nghề, nghề thủ công tại địa phương. Các làng nghề được chú ý, có khả năng là điểm đến trong tour du lịch như:
làng nghề gạch gốm mỹ nghệ, làng nghề đan đát - dệt chiếu, làng bánh tráng cù lao Mây, làng Mai vàng Phước Định... Hơn thế nữa, hệ thống giá trị văn hóa làng nghề là cơ sở để thiết kế những sản phẩm du lịch trong chương trình du lịch, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà các làng nghề phục vụ cho phát triển du lịch có thể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề nói riêng và văn hóa truyền thống địa phương nói chung. Làng nghề là một phần trong nhóm tài nguyên du lịch nhân văn, đây là tài nguyên khá đặc biệt vì có thể thích hợp với nhiều loại hình du lịch và nhiều hình thức tổ chức du lịch khác nhau. Làng nghề bản thân đem lại giá trị kinh tế cho con người; trong quá trình hoạt sáng tạo ra sản phẩm nghệ nhân, môi trường làng nghề mang những giá trị văn hóa làng nghề, làng nghề là một thực thể xã hội mang bản chất kinh tế - văn hóa rõ nét. Loại hình du lịch làng nghề đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách cụ thể tham quan phong cảnh, nếp sống sinh hoạt làng nghề, công nghệ sản xuất sản phẩm, sự khéo léo của nghệ nhân và tận tay làm ra sản phẩm đồng thời có thể mua sắm các sản phẩm để làm quà lưu niệm. Khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của làng nghề cũng như giá trị trong hiện tại mang đến du khách. Với những đặc trưng riêng, chúng ta tách riêng loại hình du lịch làng nghề khỏi loại hình du lịch văn hóa.
Làng nghề tại Vĩnh Long chưa đủ sức để trở thành “điểm nhấn” của chương trình thì trước hết có thể dùng là điểm bổ trợ trong chương trình tham quan Vĩnh Long bên cạnh ngủ đêm ở cù lao, tham quan nhà xưa. Để thực sự tạo được thu nhập cho cộng đồng địa phương tại làng nghề, cần tạo ra các sản phẩm làng nghề: mặt
hàng lưu niệm hay sản phẩm ẩm thực có thể cung cấp cho du khách. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tùy điều kiện, của từng địa phương có thể thiết kế một nơi trưng bày các sản phẩm làng nghề, mô hình, trình diễn cách thức thực hiện...
giới thiệu về lịch sử làng nghề và các sản phẩm của làng nghề đến với du khách trước khi trực tiếp tham quan tại các cơ sở.
3.2.2.2. Sản phẩm cho du lịch cộng đồng Vĩnh Long theo phân bố không gian Sản phẩm du lịch không phải là những “bao tải khoai tây rời rạc” của các sản phẩm mà phải là sự kết hợp có tính hệ thống giữa chuỗi các loại hình (sinh thái sông - đồng - cù lao - nhà vườn), văn hóa - nhân văn - nhân danh; di sản văn hóa người Việt, người Hoa và người Khmer. Dĩ nhiên, sự kết hợp đa loại hình này lại với nhau vừa phải đáp ứng lịch trình, nhu cầu, đối tượng du khách có thể xây dựng các cụm du lịch vừa tuân thủ phương pháp luận và các phương pháp cụ thể của du lịch văn hóa - sinh thái.
Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 06/11/2015, của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xác định bốn cụm du lịch chủ yếu của tỉnh từ đó xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, kêu gọi đầu tư, các dịch vụ du lịch… ở từng cụm. Hình thành các tuyến du lịch theo đường sông và đường bộ sử dụng kết hợp các sản phẩm du lịch của các cụm, kết hợp du lịch văn hóa - sinh thái - làng nghề. Từ định hướng 04 cụm du lịch theo Nghị quyết số 01 gồm: (1) Cụm du lịch trung tâm thành phố Vĩnh Long và phụ cận;
(2) Cụm du lịch sinh thái các xã cù lao An Bình, Đồng Phú; (3) Cụm du lịch Mỹ Hòa thị xã Bình Minh - Phú Thành Trà Ôn; (4) Cụm du lịch cù lao Dài - Thị trấn Vũng Liêm, xây dựng các cụm du lịch cộng đồng như sau:
(1) Cụm du lịch trung tâm thành phố Vĩnh Long- cù lao An Bình
Kêu gọi đầu tư khu du lịch cộng đồng An Bình (ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ) diện tích 500 ha, khoảng 200 hộ dân. Hiện tại, khu vực này đã có khu du lịch Vinh Sang(ấp An Thuận) và 05 điểm homestay (ấp An Thạnh, ấp Bình Lương). Tiếp tục các sản phẩm homestay, sinh hoạt nhà dân, làm vườn, tham quan
vườn trái cây… Từ đây, sẽ phối hợp các điểm di tích tại thành phố Vĩnh Long như Bảo tàng, Văn Thánh Miếu, Minh Hương hội quán, làng nghề gạch gốm phường 5, đan đát đường Ngô Quyền- phường 2 và các xóm nghề phụ cận như xóm làm nón lá, chằm lá ở xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít); lò hủ tíu,…
Đây là cụm du lịch trọng tâm và là đầu mối điều hành hoạt động du lịch của tỉnh. Về không gian, cụm du lịch này bao gồm các điểm du lịch trong thành phố và lân cận như: Khách sạn Cửu Long, Khu du lịch Trường An, Khu dịch du lịch sinh Vĩnh Long, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng... Tài nguyên du lịch của cụm đa dạng, từ các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, đến các điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Các sản phẩm như: tham quan các di tích lịch sử, văn hóa; vui chơi giải trí, thư giãn; tham quan thành phố; hội nghị, hội thảo.
(2) Cụm du lịch cù lao Mây- Thị trấn Trà Ôn và lân cận
Các điểm du lịch vườn thuộc cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành và xã Phú Thành), hiện nay đã có 03 điểm homestay hoạt động khá lâu, tuy nhiên quy mô nhỏ, chưa chủ động nguồn khách. Khu vực cù lao Mây có nhiều thuận lợi như hoang sơ, nằm tuyến đường sông sang Cần Thơ và ngược lại. Kết hợp tham quan chùa Phước Hậu (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình), nhà truyền thống Đảng Vĩnh Xuân, di tích lịch sử Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, sinh hoạt văn hóa của người Khmer ở xã Tân Mỹ... Các sản phẩm phục vụ ăn hóa lễ hội, làng nghề, tham quan chợ nổi, thưởng thức trái cây miệt vườn; thăm di tích lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch tìm hiểu đời sống người dân.
(3) Cụm du lịch Mỹ Hòa- Thị xã Bình Minh
Hiện tại đã có quy hoạch Khu du lịch Mỹ Hòa, 01 điểm homestay đang hoạt động, làng nghề tàu hũ ky, làm lu kết hợp tham quan vườn trái cây (thanh trà, bưởi năm roi). Sự phát triển năng động của thị xã Bình Minh trong thời gian tới, cũng như vị trí thuận lợi (sang thành phố Cần Thơ và ngược lại) có thể nhận nguồn khách từthành phố Cần Thơ sang. Đa dạng các sản phẩm tàu hủ ky, chế biến các loại thực phẩm đơn giản phục vụ khách, kết hợp tham quan vườn trái cây, tham quan chùa của người Khmer, nghỉ tại nhà dân... Các sản phẩm của cụm này gồm có văn hóa lễ
hội, thưởng thức trái cây miệt vườn; thăm di tích lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch tìm hiểu đời sống người dân.
(4) Cụm du lịch cù lao Dài- Thị trấn Vũng Liêm
Tham quan vườn trái cây tại cù lao Dài (còn gọi là cù lao Quới Thiện thuộc hai xã Quới Thiện, Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), Khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại ở xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm đã có 01 điểm du lịch Coco Riverside Logde (vườn dừa) xây dựng dạng resort ven sông có 04 phòng nghỉ rất đẹp, chương trình xe đạp trên đường làng, ngắm bình minh buổi sáng ở cống Rạch Bàng (ghe chở dừa qua lại tấp nập khi cống mở vào buổi sáng sớm), vườn thanh long, lò làm cốm gạo, buổi tối nghe đờn ca tài tử tại nhà dân.
Sản phẩm của cụm này gồm: tham quan các di tích lịch sử, văn hóa;trải nghiệm đời sống sinh hoạt của người dân.
3.2.2.3. Xây dựng nhóm các giải pháp
(1) Chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm du lịch thu hút du khách theo định hướng du lịch cộng đồng
Nhóm này bao gồm việc xây dựng các chương trình du lịch gắn với cộng đồng để khai thác được những giá trị văn hóa bản địa góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch. Ngoài việc hướng dẫn người dân làm du lịch, tiếp tục tập trung vào khai thác những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng, thu hút ngày càng đông du khách tham quan. Phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn thì du lịch văn hóa, du lịch làng nghề cũng cần được chú ý. Đối với thị trường khách quốc tế, bên cạnh phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ cho loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, sống sinh hoạt tại nhà dân cần tích cực khai thác nhiều hơn các hoạt động, phương thức sản xuất tại địa phương để du khách có thể tự trải nghiệm, tự thực hiện công việc như gặt lúa, làm vườn, thu hoạch trái cây... Có thể xây dựng chương trình tour di sản - làng nghề: tham quan nhà xưa, xóm chằm nón, chằm lá;