3.3. Ý nghĩa văn hóa của xu hướng khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng
3.3.4. Phương thức cải thiện đời sống vật chất bền vững
Phát triển loại hình du lịch văn hóa - cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao lòng tự hào và tình yêu quê hương của dân địa phương, giúp du lịch phát triển bền vững.
Bằng cách tham gia sống, ăn, ở và sinh hoạt như thành viên trong gia đình bản địa không những là một trải nghiệm thú vị mà còn tạo cơ hội để khách quốc tế kết bạn với người bản xứ. Tình bạn này có thể được duy trì bền vững ngay cả sau chuyến đi, giúp mang cả hai bên chủ - khách đến với căn nhà chung thế giới. Hiện tại, Vĩnh Long đã phát triển khá tốt loại hình du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn với các hoạt động trải nghiệm cuộc sống làng quê, nấu ăn, tát mương bắt cá, làm vườn, tham quan nhà cổ, thưởng thức đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa như chùa, nhà cổ, làng nghề, các khu tưởng niệm, có thể phát triển thu hút khách du lịch nhiều hơn hiện tại nếu có những chính sách, kế hoạch hợp lý, đúng đắn. Sản phẩm du lịch không mang đi mà phải đến tận nơi để cảm nhận, phát triển du lịch cộng đồng thực sự sẽ không chỉ là “xuất khẩu tại chỗ” mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân hơn thế khi người dân chủ động làm chủ sản phẩm của mình thì lợi ích mang lại lớn hơn nhiều lần. Thực tế, có hộ kinh doanh homestay tại cù lao An Bình (huyện Long Hồ) thời gian đầu khi phát triển du lịch cộng đồng tại đây, người dân chủ yếu hợp đồng với các công ty du lịch, cung cấp những dịch vụ do công ty yêu cầu. Mức độ tham gia thụ động chỉ dừng lại ở mức “du lịch tham quan cộng đồng”. Trong những năm gần đây, hình thức hoạt động của các cơ sở thay đổi, đăng ký kinh doanh riêng, hợp đồng với nhiều công ty, trước hết đầu tư lại cơ sở vật chất trang thiết bị, tham gia các lớp tập huấn của Sở, tạo ra các sản phẩm du lịch tại cơ sở. Đồng thời, xây dựng website, quảng bá tại agoda... để khách có thể tự liên hệ trực tiếp với cơ sở. Từ đó giá dịch vụ tăng hơn, phù hợp với dịch vụ cung cấp cho khách, trước đây (những năm 2005) khi hợp đồng với công ty, người dân sẽ
được trả 16, 17USD/ khách gồm 01 đêm ngủ, một bữa ăn tối và sáng,tham gia các hoạt động nghe đờn ca tài tử, chiên bánh xèo, đi xe đạp trả thêm phí dịch vụ, 20USD/ show đờn ca tài tử kèm dịch vụ xe đạp, đò chèo. Năm 2015 là 18 USD/
khách gồm 01 đêm ngủ, một bữa ăn tối và sáng,tham gia các hoạt động nghe đờn ca tài tử, chiên bánh xèo, đi xe đạp trả thêm phí dịch vụ, 30 USD/ show đờn ca tài tử kèm dịch vụ xe đạp, đò chèo. Tuy nhiên, khi người dân tự kinh doanh họ sẽ lấy được giá 20- 22USD/khách với những dịch vụ tương tự. Hai Đào Homestay (Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long) do vợ chồng anh Nguyễn Thanh Điền làm chủ, trước đây hợp đồng với Công ty cổ phần du lịch Cửu Long, hiện tại đã tự hoạt động và là đối tác của công ty. Tranh thủ những khách cũ, hướng dẫn viên du lịch cũ bên cạnh đó, anh tự quảng cáo dịch vụ đến khách thông qua website, facebook… Ngoài những dịch vụ hiện có, anh tạo nét riêng cho điểm homestay của mình thông qua truyền thống gia đình như những bữa cơm gia đình, nghi thức cúng, giỗ ông bà (cách ăn mặc, cúng kiến theo đạo tứ ân hiếu nghĩa truyền thống của gia đình)… đội đờn ca tài tử là những cô chú trong xóm thích ca hát, giao lưu họ không hoạt động chuyên nghiệp. Từ đó khi hoạt động với hình thức hộ kinh doanh 2010, gia đình anh đã mở rộng thêm được 08 phòng nghỉ, cất thêm gian nhà dưới, sân vườn để phục vụ khách đến. Đây chỉ là một trong số 27 điểm homestay tại cù lao An Bình, sự thành công này sẽ tạo ra những kinh nghiệm để tiếp tục phát triển mô hình này đến các cù lao khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cù lao Lục Sỹ Thành (huyện Trà Ôn) và manh nha tại cù lao Thanh Bình, cù lao Quới Thiện (huyện Vũng Liêm) khi cầu Cổ Chiên hoàn thành tạo cung đường du lịch từ Sài Gòn- Bến Tre- Vĩnh Long (Vũng Liêm)- Trà Vinh. Sự năng động kinh doanh của người dân, làm chủ sản phẩm xây dựng sản phẩm cải thiện đời sống gia đình, góp phần giải quyết việc làm, tạo diện mạo mới cho nông thôn Vĩnh Long. Đồng thời, mang hình ảnh văn hóa, con người Vĩnh Long đến bạn bè quốc tế.
Phát triển du lịch giúp quảng bá hình ảnh về đất nước và con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau từ các nước. Tuy nhiên,
để phát triển loại hình du lịch này cần có sự đồng thuận rất lớn giữa Nhà nước, chính quyền địa phương, người dân, các tổ chức du lịch và du khách.
Tiểu kết chương 3
Mục đích của du lịch cộng đồng là tạo điều kiện cho mọi thành viên trong cộng đồng được tham gia vào hoạt động du lịch, phát triển đời sống vật chất và tinh thần, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và có ý nghĩa lớn trong việc xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng lại khai thác các thế mạnh về văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc nhằm cung cấp cho du khách những trải nghiệm mới nên nếu phát triển đúng cách sẽ góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn những giá trị văn hóa vốn có của các dân tộc bản địa. Phát triển du lịch cộng đồng chỉ có thể thực sự thành công khi có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ có hiệu quả vì mục tiêu chung của các bên liên quan như: cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, khách du lịch và các tổ chức có liên quan. Vì thế, để phát triển loại hình du lịch này tại Vĩnh Long tương xứng với tiềm năng và thích ứng với được với thời cơ và xu hướng phát triển du lịch hiện đại, ngành du lịch Vĩnh Long cần tranh thủ sự hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh nhà. Xem xét lại việc quy hoạch đầu tư phát triển các điểm du lịch, huy động sự tham gia giám sát của nhân dân thông qua chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Vĩnh Long có nhiều lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên của địa phương- một địa điểm du lịch thu nhỏ của vùng đồng bằng sông Cửu Long vì vậy ngành du lịch Vĩnh Long cần có một chiến lược định vị sản phẩm du lịch thái gắn với cộng đồng dựa trên những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên du lịch. Tăng cường khuyến khích xã hội hóa hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển các khu điểm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, các cơ sở dịch vụ xung quanh khu vực di tích. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự phân chia lợi ích hợp lý giữa
các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương, nâng cao đời sống dân cư và góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường sự liên kết các điểm du lịch trong địa bàn tỉnh trên cơ sở tạo nét đặc thù về sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa thỏa thuận hợp tác về mức giá cũng như chất lượng phục vụ; cùng hợp tác phát triển theo quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Tăng cường liên kết du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng sản phẩm đa dạng, tránh trùng lặp đồng thời phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong quản lý. Hợp tác liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Thường xuyên thống kê nguồn nhân lực trong ngành, nắm bắt những nhu cầu để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn phù hợp, sát thực tế. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Long trong và ngoài nước. Thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm, đầu tư nâng cấp hệ thống website du lịch. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức cho cộng đồng địa phương, các tổ chức tham gia vào hoạt động du lịch phải tích cực bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, cư xử hiếu khách của người dânđồng bằng.