1.2. Tổng quan hoạt động du lịch tỉnh Vĩnh Long hiện nay
1.2.2. Tổng quan tài nguyên du lịch Vĩnh Long
Trong tiểu mục này chúng tôi chọn khảo sát một số loại hình tài nguyên tiêu biểu bao gồm tài nguyên tự nhiên - sinh thái và tài nguyên văn hóa. Trong phần tài nguyên văn hóa chúng tôi khảo sát các lĩnh vực lễ hội, di tích lịch sử văn hóa và tổ hợp các làng nghề.
1.2.2.1. Tài nguyên tự nhiên - sinh thái
Tỉnh Vĩnh Long không giáp biển mang đầy đủ tính chất của một tỉnh đồng bằng châu thổ điển hình với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, những vườn cây trái sum xuê, ruộng lúa bạt ngàn do sự bồi đắp phù sa của hai hệ thống sông Tiền, sông Hậu. Địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo ở giữa trung tâm và cao dần về hai bên, tức hướng bờ các con sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít và ven các sông rạch lớn. Địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, có cao trình khá thấp so với mực nước biển (cao trình < 1,0m chiếm 62,85% diện tích). Được ưu đãi về điều kiện khí hậu nắng nhiều, ít thiên tai và hiếm có các hiện tượng thời tiết bất thường, tỉnh Vĩnh Long nhìn chung có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Trong toàn tỉnh có 04 vùng sinh thái nông nghiệp trong đó vùng phù sa cao ven sông phân bố ven sông Tiền, sông Hậu và các cù lao, có lợi thế phát triển cây ăn trái đặc sản như bưởi 5 roi (xã Mỹ Hòa, Thị xã Bình Minh), chôm chôm Java (cù lao Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn), màu chuyên canh (khoai lang Bình Tân, xà lách xoong, củ ấu...), nuôi trồng thủy sản trong mương vườn, trong bãi bồi ven sông hoặc nuôi cá bè trên sông. Tiểu vùng này khá phù hợp với loại hình du lịch xanh, phù hợp với thành phần du khách đến từ các vùng đô thị (thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ), các
vùng đất ngoài Nam Bộ và du khách quốc tế. Vùng ảnh hưởng của lũ, trũng phèn có lợi thế phát triển lúa và màu lương thực phân bố ở phía bắc quốc lộ 1A. Vùng đất trũng phèn có lợi thế phát triển lúa- thủy sản phân bố ở trung tâm tỉnh, từ phía bắc sông Mang Thít đến phía nam quốc lộ 1A thuận lợi phát triển lúa chuyên canh chất lượng cao, lúa- thủy sản riêng khu vực ven sông Hậu và sông Mang Thít của huyện Tam Bình có tiềm năng phát triển cây ăn quả đặc sản (cam sành Tam Bình, quýt).
Các sản phẩm nông nghiệp khu vực này khá đa dạng, đặc trưng là nguồn nguyên liệu góp phần tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho giao thông thủy, đồng thời cung cấp lượng nước dồi dào tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, lượng phù sa sông ngòi lớn, dồi dào chất hữu cơ phân hủy do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp là nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy sinh, đồng thời cũng làm tăng hương vị, màu sắc cho loại hình du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn. Nguồn lợi thủy sản của tỉnh Vĩnh Long phụ thuộc chính vào dòng chảy của hai con sông Tiền và sông Hậu từ thượng nguồn sông Mê-kong đổ về vốn rất phong phú.
Trong mối quan hệ so sánh với các tỉnh lân cận, Vĩnh Long chia sẻ nhiều đặc trưng với các huyện thị phía tây của tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho, Cái Bè, Cai Lậy) và vùng phía Đông tỉnh Đồng Tháp (Cao Lãnh, Châu Thành, Sa Đéc…). Xét trên phương diện khoảng cách địa lý so với thành phố Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế, cửa ngõ giao lưu quốc tế) thì Tiền Giang có lợi thế hơn cả (khoảng cách 70 km);
song chính lợi thế ấy lại trở thành bất lợi bởi du khách có xu hướng đi tham quan rồi quay về trong đêm thay vì ở lại để có thể hưởng thụ trọn vẹn các sản phẩm du lịch. Tỉnh Đồng Tháp xét về khoảng cách thì khá tương đồng với Vĩnh Long nhưng thiếu lợi thế cạnh tranh do không nằm sát quốc lộ 1A và hệ thống các cù lao trên sông không điển hình (trừ khu vực Sa Đéc có tài nguyên nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và các đình chùa miếu tự của hai dân tộc Việt, Hoa). Tỉnh Vĩnh Long nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh vừa phải (130 km), lại hội tụ đầy đủ các đặc trưng sinh thái đồng bằng châu thổ, nếu biết khai thác chắc chắn sẽ xây dựng được một hệ thống các sản phẩm du lịch tiêu biểu.
1.2.2.2. Lễ hội dân gian
Với đặc trưng của một tỉnh đồng bằng châu thổ miệt vườn điển hình, cuộc sống và sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương vì thế cũng mang nét điển hình của văn minh miệt vườn, với nhiều loại hình tạo sự hấp dẫn đối với du khách tham quan như: thuyền chài lưới, dỡ chà, đám cưới trên sông, ca tài tử, hò vè, văn hóa ẩm thực, lễ hội của các dân tộc... vừa có thể trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách vừa góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Tín ngưỡng - tôn giáo ở Vĩnh Long cũng mang tính điển hình của vùng đất miệt vườn, một mặt nó vừa là những đặc trưng riêng vốn có ở miền đất miệt vườn châu thổ này, đồng thời lại có cả những nét giao thoa, tiếp biến văn hóa tín ngưỡng, phong tục - tập quán các tộc người thiểu số (Hoa, Khmer), của các dân tộc đang sinh sống, sự giao thoa vùng miền, quốc gia tạo nên, đã làm phong phú thêm truyền thống văn hóa, tập quán và tín ngưỡng địa phương (do nằm trên trục quốc lộ). Nhờ vậy, không gian tôn giáo, tín ngưỡng khá rộng rãi, cởi mở và dễ chia sẻ, cảm nhận đối với người bên ngoài (người ngoài cộng đồng, khách du lịch).
Về lễ hội, theo ước tính, hiện nay Vĩnh Long có hàng trăm lễ hội truyền thống lớn nhỏ, được tổ chức để khắp các mùa trong năm. Bên cạnh Tết Nguyên Đán, người Kinh còn tổ chức một số lễ hội khác như: lễ hội Kỳ Yên, lễ Hạ Điền, lễ Thượng Điền ở các đình miếu, chủ yếu là tế thần Thành hoàng, thần Nông, các vị thần mây, mưa, sấm, chớp cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng như cầu cho quốc thái dân an, xóm làng ấm no thịnh vượng. Dù cũng đang trong quá trình đô thị hóa, tỉnh Vĩnh Long nhờ được ngành quản lý văn hóa và quản lý di sản văn hóa quan tâm và đầu tư, các lễ hội này về cơ bản có sự thay đổi về hình thức (theo hướng hiện đại hóa), song vẫn giữ được linh hồn của lễ hội dân gian miệt vườn.
Dân tộc Hoa ở Vĩnh Long chủ yếu là nhóm Hoa Triều Châu cũng đóng góp vào kho tàng lễ hội Vĩnh Long những di sản lễ hội phong phú, chẳng hạn lễ vía Bà Thiên Hậu (23/3 âm lịch), vía Phước Đức Chánh Thần (2/2 âm lịch). Đặc biệt, là
ngày lễ vía Quan Thánh Đế Quân (vào ngày 13 tháng giêng và ngày 13 tháng năm hàng năm), lễ tất niên diễn ra vào ngày 15/12, các ý nghĩa văn hóa dân gian được thể hiện rất sinh động và lý thú. Trong thời gian diễn ra lễ hội, cơ hầu không có sự phân biệt ranh giới tộc người Việt, Hoa bởi lẽ ai cũng hòa mình đồng điệu trong không gian cộng đồng lấy cái thiêng (thần thánh) làm trung tâm. Đối với đồng bào Khmer ở Vĩnh Long tuy số lượng không lớn song họ có đầy đủ các lễ hội Khmer truyền thống, từ các lễ hội lớn mang tính truyền thống và giàu bản sắc như tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Sen Dolta và lễ hội Okombok cũng như các sinh hoạt văn hóa độc đáo khác như đua ghe ngo, hát dù-kê, lễ dâng y Kathina, các lễ nghi nông nghiệp... Các tôn giáo địa phương cũng đóng góp không ít các giá trị văn hóa tâm linh trong bức tranh lễ hội dân gian Vĩnh Long đầy màu sắc. Đối với những tín đồ theo đạo Phật, trong năm họ tổ chức ba lễ lớn (lễ Tam Nguyên) gồm Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, và Rằm tháng Mười (âm lịch). Các lễ nghi Phật giáo này thu hút các tín đồ, phật tử vàbà con quanh vùng đến chiêm bái nhằm cầu phúc, cầu an và cầu làm ăn được phát đạt.
Ngoài các lễ hội quy mô tại địa phương thì tỉnh Vĩnh Long hiện nay có một số lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh và trở thành lễ hội mang tính vùng của nhiều địa phương, nhiều tỉnh lân cận. Điển hình nhất phải kể Lễ giỗ tại Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tại huyện Trà Ôn. Vào ngày mùng 3, mùng 4 tết Nguyên Đán hàng năm, tại Lăng Ông diễn ra lễ giỗ quy mô lớn với nhiều lễ nghi, sinh hoạt mang đủ màu sắc văn hóa của đồng bào ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer toàn tỉnh Vĩnh Long và khu vực lân cận. Đây là một lễ hội hấp dẫn, với nhiều hoạt động phong phú đa dạng như đọc kinh cầu quốc thái dân an, thực hiện lễ khai nhựt nguyệt, lễ điền hương, điền hoa, cử nhạc lễ của dân tộc Kinh, nhạc Ngũ âm và múa trống Sa-dăm của đồng bào Khmer…
Có thể thấy, các lễ hội dân gian Vĩnh Long là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các tinh hoa văn hóa phi vật thể các dân tộc Vĩnh Long có thể khai thác thành tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển kinh tế du lịch, một mặt khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển kinh tế. Mặt khác, nếu biết quy hoạch và quản lý, việc
khai thác giá trị tài nguyên nhân văn ấy sẽ trực tiếp gắn hơi thở cuộc sống đương đại vào nguyên di sản văn hóa. Song song với hệ thống các lễ hội thì ca dao - dân ca - văn học dân gian, làng nghề, tri thức bản địa trong ứng xử với sông nước, đồng ruộng, mùa nước lũ... cũng có thể đóng góp thêm sự phong phú của tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
1.2.2.3. Di tích lịch sử văn hóa
Đến năm 2015, tỉnh Vĩnh Long có 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh. Các di tích điển hình gồm có:
(1) Hệ thống các ngôi chùa cổ và miếu cổ theo kiến trúc Phật giáo và tín ngưỡng dân gian: các cơ sở của người Việt có chùa Tiên Châu (Long Hồ), chùa Phước Hậu (Trà Ôn), chùa Long Khánh (thành phố Vĩnh Long)...; nhóm cơ sở tôn giáo của người Hoa thì có Thất Phủ Miếu, Chùa Bà, Minh Hương hội quán, miếu Thiên Hậu; nhóm các ngôi chùa Khmer nổi bật có chùa Phù Ly (Bình Minh), chùa Kỳ Son (Tam Bình), các chùa ở huyện Vũng Liêm, huyện Trà Ôn…
(2) Hệ thống các ngôi nhà cổ với kiến trúc nhà Nam Bộ thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX(không bị chiến tranh tàn phá) như: nhà xưa Cai Cường, Trương Phủ Đường (huyện Long Hồ), nhà ông Đốc Phủ Bảo (thành phố Vĩnh Long), nhà các phú hộ miệt vườn xưa với không gian bố trí, phong cách kiến trúc, mỹ thuật đậm chất Nam Bộ là những tinh hoa không thể thiếu của tài nguyên văn hóa Vĩnh Long.
(3) Hệ thống các công trình kiến trúc lịch sử như: Văn Thánh Miếu, di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, di tích cây đa Cửa Hữu, khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, khu tưởng niệm cố giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa…, sẽ hợp thành phức hợp quan trọng cho loại hình du khảo tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tư tưởng của giới trí thức, học sinh - sinh viên. Trong đó, Văn Thánh Miếu là Văn miếu đầu tiên (năm 1866) và duy nhất của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
1.2.2.4. Nghề và làng nghề truyền thống
Là vùng đất châu thổ điển hình, Vĩnh Long sở hữu tổ hợp các làng nghề truyền thống gắn với hệ sinh thái đặc hữu của địa phương với hệ thống các giá trị tri
thức thú vị cho hoạt động du lịch thời hiện đại và hậu hiện đại. Các nghề và làng nghề thủ công truyền thống có thể kể: nghề đan đát và dệt chiếu: dệt chiếu ở cù lao Dài (huyện Vũng Liêm); đan đát ở xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít; phường 2, thành phố Vĩnh Long; xóm nghề chằm nón, chằm lá: nghề chằm nón lá ở khóm 5, khóm 6, thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long); xóm chằm lá Long Mỹ (xã Long Mỹ, huyện Mang Thít);nghề gạch- gốm mỹ nghệ: các sản phẩm gạch, gốm khá nổi tiếng (nhát là gốm đỏ). Tập trung và phát triển mạnh trên địa bàn huyện Long Hồ, huyện Mang Thít và thành phố Vĩnh Long; nghề làm tàu hũ ky: nổi bật xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh cù lao Mỹ Hòa; nghề đan thảm lục bình: tập trung tại xã Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ và Hậu Lộc, huyện Tam Bình; làng nghề bánh tráng nem cù lao Mây- xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn: được công nhận làng nghề truyền thống năm 2009; làng nghề Mai Vàng Phước Định: thuộc ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long).
Ngoài ra, tài nguyên nghề và làng nghề Vĩnh Long có thể kết nối với làng nghề cây cảnh Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) và nghề nung gạch Sa Đéc (Đồng Tháp) lân cận, xâu chuỗi thành hệ cung đường làng nghề truyền thống đồng bằng sông Cửu Long.