2.2. Di sản văn hóa phi vật thể
2.2.1. Phong tục, lễ hội
Luận văn sử dụng hướng hậu hiện đại đểphân tích các giá trị văn học, nghệ thuật... có đóng góp tạo dựng phần hồn cho chuyến hành trình, là những giá trị cốt lõi tạo nên sự thành công cho du lịch thời hậu hiện đại. Đô thị hóa đang lên, cơ hội để giới trẻ tiếp xúc, trải nghiệm các thực hành văn hóa cụ thể rất hạn chế, ngành du lịch thời hậu hiện đại phải đáp ứng nhu cầu này.
2.2.1.1. Lễ hội
Lễ hội cổ truyền là một trong các hình thái biểu hiện tập trung nhất của các giá trị văn hóa phi vật thể do đặc trưng tính kế thừa lịch sử, tính cộng đồng của nó xoay quanh cái trục cấu trúc thiêng và tục. Thông qua lễ hội, các giá trị xã hội của một cộng đồng được biểu hiện và tái xác định những mối liên hệ đã gắn bó các
nhóm lại với nhau. Ở các làng của người Việt, thường thì mỗi làng có một lễ hội riêng.
Vĩnh Long có các lễ hội đặc sắc có thể đưa vào khai thác du lịch, trong đó có cả các lễ hội của người Việt, người Hoa, người Khmer, đặc biệt trong từng lễ hội của dân tộc này đều có thể tìm thấy dấu ấn văn hóa của các dân tộc kia.
(1) Lễ hội của người Việt
Lễ hội người Việt ở Vĩnh Long phong phú, được phân theo nhóm lễ hội theo thời gian (tết Xuân, tết Đoan ngọ, Rằm), theo không gian (lễ hội đình làng, lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa: đền, miếu, lăng), trong đó tiêu biểu có:
Lễ cúng đình, điển hình phải kể đến đình Long Thanh và đình Tân Hoa.
Hàng năm ở hai ngôi đình cổ này đều có hai lễ lễ Hạ điền và lễ Thượng điền.
Đình Long Thanh tổ chức lễ Hạ điền vào ngày 14,15 tháng 3 âm lịch; lễ Thượng điền vào ngày 14,15 tháng 3 âm lịch. Đình Tân Hoa tổ chức lễ Hạ điền vào ngày 14,15 tháng 3 âm lịch; lễ Thượng điền vào ngày 11,12 tháng 9 âm lịch. Lễ Thượng điền, Hạ điền được tổ chức nhằm cầu nguyện cho mùa vụ và báo ơn thần khi mùa vụ sắp có kết quả, lễ hội thường diễn ra trong 3,4 ngày. Đình Long Thanh có bài văn tế do cử nhân Lê Quang Nguyên (Tuần phủ Hà Tiên) biên soạn vào thời Tự Đức.
Đình Tân Hoa còn có lễ vía Thành Hoàng (ngày lễ kỷ niệm lễ KỳYên cũ): lễ tế Xuân đinh và Thu đinh tại Văn Thánh Miếu vào ngày đinh đầu tháng 2 và ngày đinh cuối tháng 8 hàng năm. Lễ xuân tế năm Ất Mùi sẽ diễn ra tại Công Thần Miếu vào các ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch.
Lễ hội Lăng ông Điều Bát: ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất là ngày giỗ ông vào mồng 3, mồng 4 tháng Giêng, ngay sau tết Âm lịch. Phần hội có múa lân, hát bội, bà con người Khmer trình diễn nhạc ngũ âm và trò chơi dân gian. Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn là vị phúc thần của người Khmer thời Nguyễn, song mang dấu ấn văn hóa dung hợp Khmer, Việt, Hoa tại Trà Ôn.
Ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương: thường tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương đặt trong khuôn viên Bảo Tàng tỉnh Vĩnh
Long. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các đoàn đại biểu của các huyện, thành phố, thị xã, các sở ban ngành, tỉnh và đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ đến cội nguồn dân tộc và cùng tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.
Tương tự, các lễ cúng đình, đền, miếu các địa phương diễn ra rải rác trong năm, chắc chắn sẽ là những dấu ấn quan trọng trong lòng du khách.
(2) Lễ hội của người Khmer
Hàng năm người Khmer Vĩnh Long có 8 lần lễ hội tập trung tại các ngôi chùa trong phum sóc, có 3 lễ quan trọng hơn cả là lễ Cholchnamthmây, Đôlta và Ok Om Bok. Trong đó, lễ Ok Om Bok thu hút nhiều khách du lịch nhất, trong dịp lễ hội này thường tổ chức đua ghe ngo giữa các chùa, các địa phương với nhau.
Hiện tại, tỉnh đã có tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao Khmer luân phiên giữa các huyện tập trung đông đồng bào Khmer trong tỉnh vào dịp lễ Cholchnamthmay. Ngày hội chủ yếu tập trung tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi, ẩm thực cho người Khmer cần có thêm các hoạt động đa dạng hơn cũng như quảng bá để thu hút du khách.
(3) Lễ hội của người Hoa
Trong năm, bà con người Hoa thường đến đền miếu cầu nguyện vào đầu năm và thường trả lễ vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, khách đến đền, miếu đông hơn vào ngày lễ của cộng đồng tức là ngày vía vị thần được tôn thờ. Hàng năm, bà con người Hoa thường tổ chức các lễ vía Quan Công Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chánh thần, Kim Hoa Nương Nương, Tài Bạch Tinh quân diễn ra trong các đền miếu rải rác ở thành phố Vĩnh Long, Trà Ôn, Bình Minh, Mang Thít, Tam Bình và hệ thống các chợ phố ven sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít-Trà Ôn.
Trong lễ hội thường có các chương trình biểu biễn văn nghệ của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
2.2.1.2. Phong tục
Phong tục là một hình thái của văn hóa phi vật thể được cộng đồng sáng tạo
và gìn giữ theo thời gian, là một tài nguyên không thể thiếu của du lịch cộng đồng.
Thông qua các phong tục, các mối quan hệ cộng đồng trong làng được điều tiết.
Trong đời sống dân gian, phong tục như là một bộ luật bất thành văn quy định những điều nên làm, những điều nên tránh trong ứng xử của người dân trong cộng đồng làng. Trải qua thời gian, việc bảo lưu tốt các phong tục thể hiện sự cố kết vững vàng của cộng đồng làng truyền thống.
Theo thống kê kết quả khảo sát trên địa bàn 08 huyện, thành phố của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long năm 2013, một số phong tục đến nay vẫn còn nhiều người theo:
1. Lễ thôi nôi (97,5%) 2. Lễ đầy tháng (97,0%) 3. Cúng gia tiên (94,5%)
4. Xem ngày cưới vợ gả chồng (89,5%) 5. Tết Đoan ngọ (89,0%)
6. Xem phong thủy cất nhà, xây mộ, khai trương (88,4%)
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long 2013: 44).
Phong tục tập quán ở tỉnh Vĩnh Long vẫn được bảo lưu được những thành tố cơ bản nhất của truyền thống. Một số phong tục vẫn còn được thực hành ở mức độ cao (lễ thôi nôi, đầy tháng, cúng gia tiên...). Đây là những nét văn hóa cổ truyền tương đối bền vững. Tuy nhiên, những phong tục trên đây cũng có những thay đổi nhất định để phù hợp sự phát triển của xã hội.