3.1.1.1. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa ở Vĩnh Long
Việc phát triển du lịch sinh thái-văn hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ việc tiếp xúc với du khách nhất là khách quốc tế tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư có cơ hội tiếp xúc với văn hóa các nơi khác, tạo thêm thu
nhập, kích thích người dân suy nghĩ tạo ra những dịch vụ thu hút khách. Môi trường cảnh quan tại nơi đến được chú ý đầu tư hơn, nguồn thu từ du lịch có thể góp phần tái sử dụng vào việc bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng tại một khu vực địa lý góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo, tạo ra các dịch vụ hình thành các doanh nghiệp buôn bán hàng hóa, tạo việc làm. Những sáng kiến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du khách đồng thời thúc đẩy đa dạng các dịch vụ tại các điểm tham quan, các hoạt động giải trí địa phương, ở trình độ cao nó góp phần tạo sự thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, trước hết văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế. Những chính sách, biện pháp kinh tế đều vì lợi ích của con người. Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch, đồng thời cũng là cơ sở nền tảng đề ra những chiến lược kế hoạch phù hợp. Việc phát triển du lịch cộng đồng trước hết là vì lợi ích của cộng đồng cư dân bản địa, thu được lợi nhuận về kinh tế, nâng cao đời sống, không chỉ dừng ở lợi ích kinh tế mà qua đó còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và di sản, không chỉ khai thác mà phải đề cao việc bảo tồn di sản đồng thời giới thiệu những nét đẹp của di sản văn hóa đến với du khách. Qua việc phát triển du lịch cộng đồng, một số nhân lực địa phương cũng được đào tạo để phục vụ cho du lịch từ đó mang lại công việc cho cộng đồng, ý thức bảo vệ di sản được truyền thụ từ chính trong những người dân tại chỗ. Bên cạnh những lợi ích mang lại, khi phát triển loại hình du lịch cộng đồng cần phải chú ý đến việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Việc chạy theo nhu cầu du khách, phát triển không đúng hướng sẽ dẫn đến phát triển không bền vững, hủy hoại tài nguyên hoặc làm biến tướng văn hóa truyền thống.
3.1.1.2. Giá trị gắn kết và phát triển cộng đồng
Hiện tại, du lịch Vĩnh Long chủ yếu nổi bật với sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, sử dụng chủ yếu những giá trị văn hóa sinh hoạt ứng xử,
phong tục… tại địa phương. Đối tượng khách chủ yếu là thành phần trí thức trong nước và khách quốc tế. Các di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc gắn với tín ngưỡng tôn giáo chủ yếu là khách phổ thông nội địa.
Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho các dịch vụ phát triển, điển hình như: phục vụ ăn uống, bán hàng thủ công mỹ nghệ, các đặc sản trái cây địa phương đã tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng trưởng kinh tế địa phương. Các điểm du lịch vườn phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi đi kèm các dịch vụ như đạp xe quanh đường làng, sinh hoạt cùng nhà vườn... đang phát triển nổi bật nhất là tại cù lao An Bình (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Tính đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 điểm du lịch (loại hình homestay) trong đó tại cù lao An Bình là 22 điểm homestay, tuy nhiên các điểm homestay này chưa tập trung hình thành mạng lưới có hệ thống. Hầu hết tại các điểm du lịch này sử dụng lao động tại địa phương thực hiện hoạt động kinh doanh phục vụ khách, được đào tạo chuyên môn tại địa phương. Các dịch vụ đò chèo nhằm khắc phục việc lưu thông trong mùa nước cạn, tạo thêm nét đặc sắc cho chương trình du lịch, đồng thời giải quyết việc làm cho các hộ nghèo tại cù lao. Số lượng đò chèo khoảng 50 chiếc, bên cạnh đó Vĩnh Long có hơn 100 phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch các tài công, người phục vụ trên tàu du lịch chủ yếu là người dân địa phương. Đội ngũ lao động tại các khu di tích, làng nghề, các dịch vụ bổ trợ sử dụng khá nhiều lao động tại địa phương. Thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch góp phần nâng cao kiến thức, tay nghề cho lao động địa phương, trong năm 2015 tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch, 02 lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Tính đến tháng 9/2016 đã tổ chức 05 lớp với khoảng 150 học viên gồm lớp tập huấn nghiệp vụ định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch, lớp thiết kế sản phẩm du lịch (cơ bản và nâng cao), lớp nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú du lịch, lớp nghiệp vụ lễ tân khách sạn, và dự kiến tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển
khách du lịch.