Văn học dân gian và nghệ thuật

Một phần của tài liệu Giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng tỉnh vĩnh long (Trang 77 - 83)

2.2. Di sản văn hóa phi vật thể

2.2.2. Văn học dân gian và nghệ thuật

Văn học dân gian chiếm một vị trí khá quan trọng, bởi nó không chỉ đóng vai trò là cơ sở, là nền tảng để phát triển nền văn học hiện đại, mà qua năm tháng tự bản thân nó còn trở thành một loại hình nghệ thuật và độc đáo, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật vốn rất đa dạng và phong phú của con người. Văn học dân gian Vĩnh Long bao gồm ba bộ phận, đó là ca dao, dân ca, giai thoại và chuyện dân gian. Trong đó ca dao là bộ phận ra đời đầu tiên và gần như cùng lúc

với dân ca. Từ ca dao, dân ca ra đời, sau đó tiến dần đến các loại hình nghệ thuật khác rất đặc trưng và rất độc đáo của người phương Nam như ca ra bộ, đờn ca tài tử, cải lương…

Nội dung của ca dao rất đa dạng và phong phú. Khởi đầu, ca dao phản ánh quá trình khai hoang lập ấp, một quá trình không ít khó khăn, gian khổ của lưu dân để thích nghi với cuộc sống trên vùng đất mới:

"Xứ đâu có xứ lạ lùng; Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh".

"Chèo ghe sợ sấu cắn chưn; Xuống sông đỉa cắn, lên rừng cọp ăn".

Hình ảnh vùng đất tươi đẹp :

"Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh; Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm Bà Phong, Bà Phận, Ông Cớ, Ông Nam; Dưới sông cá bạc, tôm vàng

Ruộng đồng lúa trúng, nhiều bạn hàng tới lui".

Với hơn 100 con sông và rạch lớn nhỏ, Vĩnh Long là tỉnh có mật độ sông rạch vào loại cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

"Sông Mang Thít có dòng nước xoáy; Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung Người đi mang nỗi nhớ nhung; Sông này vẫn giữ thủy chung với người".

“Bình Lương là chốn náo nương; An Bình là chỗ tình thương đậm đà”

Hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, đình miếu… của miền quê sông nước Nam Bộ nói chung, của Vĩnh Long nói riêng được thể hiện khá đậm nét trong ca dao:

'An Bình đất mẹ cù lao; Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.

Khách về nhớ mãi trong lòng; Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang' Đò dọc rồi lại đò ngang; Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình'

Không chỉ nổi tiếng là một vùng đất tươi đẹp và trù phú, ở Vĩnh Long còn có câu rằng "Long Hồ là xứ địa linh/ Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng".

Ca dao còn ghi:

"Vĩnh Long có cặp rồng vàng; Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Luân Thần"

hay:"Ai về thăm lại Trà Ôn;Tháng giêng mùng bốn giỗ ông Ngọc Hầu"

Đất Vĩnh Long xưa thường được mệnh danh là nơi văn hiến, là vùng đất hiếu học. Trong đó, cụ Phan Thanh Giản (Phan Công Thần) là người miền Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ, từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long (phụ tá Nguyễn Tri Phương), về sau là Kinh lược đại sứ. Còn cụ Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa) hiện đang được nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) thờ kính rất tôn nghiêm và long trọng.

Ca dao Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét tâm tư tình cảm của người Việt nói chung, người Vĩnh Long nói riêng, bởi lẽ các tác giả dân gian cũng chính là người Vĩnh Long - những con người lao động hiền lành. Gắn liền với ca dao, thành ngữ, tục ngữ là địa danh, mỗi địa danh đi qua là một kho tàng tri thức bản địa. Ca dao, dân ca Vĩnh Long trong đó có đồng dao là vốn quý văn hóa phi vật thể của tỉnh đã tồn tại ngót 300 năm nay, thuộc nền văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc từ thời khai hoang mở cõi. Đồng dao- hát ru Vĩnh Long mang đậm dấu ấn đặc trưng của hát ru Nam Bộ. Phổ biến các điệu ầu ơ, ví dầu :

Ơ ầu ơ… ơ ầu ơ Ví dầu ví dẫu ví dâu; “Chiều chiều đi dạo vườn cà Cà xanh chấm mắm, cà già muối dưa; Muối dưa ba bữa cho chua

Chị kia xách dĩa lại mua ba đồng; Ba đồng mắc lắm chị ơi Cho thêm ít nữa cho rồi bữa cơm”.

Những làn điệu do chính người dân sáng tác,đó chính là tiếng nói của họ;một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong cộng đồng, cũng là một sản phẩm du lịch đặc thù của cộng đồng. Đi sâu vào lòng người nhanh nhất và “thẩm thấu” nhanh nhất, du khách hiểu hơn về vùng đất con người đó là qua những điệu hát câu hò, chuyện kể. Du khách hiểu được tính cách con người, văn hóa Nam Bộ, biết được thời khai hoang mở cõi với biết bao khó khăn khắc nghiệt, cách người xưa đối phó, hòa nhập với thiên nhiên vùng đất mới như thế nào. Đây là nét văn hóa

riêng biệt cần được lưu giữ và phát huy đồng thời một sản phẩm du lịch đặc sắc, tiềm năng quan trọng để phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng.

2.2.2.2. Chuyện kể dân gian

(1) Chuyện về những anh hùng hào kiệt

Chuyện Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao:hai vị hào kiệt chống Pháp với vụ

“Giặc Cầu Vông”. Khoảng năm 1872, cuộc khởi nghĩa ở Vũng Liêm bừng dậy, lãnh đạo phong trào kháng Pháp này là Lê Cẩn và Nguyễn Giao. Với suy nghĩ trá hàng với quan tham biện Bồi Xê (Alix Salivetti), phục kích giết giặt. Đốc binh Lê Cẩn dùng tầm vông, vật tham biện và rơi xuống nước. Cả hai đều chết dưới nước, Nguyễn Giao cắt lấy đầu Salicetti. Sau đó, tên Trần Bá Lộc đem một đội quân bắt hết dân trong ấp mà giết. Thây người chết lấp cả “Vũng Linh” mà ngày nay người dân đọc trại là Vũng Liêm.

Chuyện ông Bõ giúp vua Gia Long trên đường bôn tẩu vào Nam: (ông Bõ coi như là cha nuôi). Ông tên Nguyễn Văn Mậu, kêu là Hậu, quê quán làng Tân Long (Nước Xoáy) (nay là Long Hưng), làm Tri thâu(thâu các sắc thuế) trong làng và làm đến chức Trùm Cả. Khoảng năm 1787, Chúa Nguyễn Lữ đã chiếm Gia Định và thâu tóm nhiều nơi trong Nam, Nguyễn Ánh từ nước Xiêm trở về, dung thân ở một góc trời Nước Xoáy. Khi đó, ông Nguyễn Văn Mậu vốn là nhà hào phú trong làng, tuổi cả, đức cao lại hiền lành, hay giúp người hoạn nạn, ông xuất tài sản chu cấp cho binh sĩ của Nguyễn Ánh và vận động người làng theo ủng hộ. Ông tự nấu sẵn cơm cháo cho ghe chở ra đến vàm Nước Xoáy tiếp tế cho quân đội ròng rõ ba tháng.

Niệm ơn ông, Nguyễn Ánh cung kính gọi ông là ông Bõ, tức là ông như cha nuôi.

Sau này, khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế đã phong thưởng cho ông Bõ Nguyễn Văn Hậu rất trọng [Huỳnh Minh, 2002: 227].

Chuyện các sĩ tử dời về Vĩnh Long xây Văn Miếu Vĩnh Long: cụ Phan Thanh Giản (1796- 1867) nam kỳ kinh lược đại thần: khi cụ là Kinh lược trấn nhậm tỉnh Vĩnh Long có lập miếu thờ Đức Khổng Tử do đề học Nguyễn Thông trông nom, khởi công năm Giáp Tý 1864, cuối năm 1866 hoàn thành và đồng thời cất tòa nhà

Văn Xương Các chung cho đất Văn Thánh tại làng Long Hồ. Văn Thánh miếu Vĩnh Long là Văn Miếu được xây dựng sau cùng ở Nam kỳ dưới thời Nguyễn. Văn Miếu Vĩnh Long được xây dựng trong một tình thế đặc biệt: Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ; tỉnh Vĩnh Long bị chiếm đóng nhưng sau đó được trao trả theo Hoà ước Nhâm Tuất (1862). Khi Vĩnh Long được trả, nhiều trí thức Nam kỳ ở Biên Hòa, Gia Định và Định Tường đã quy tụ về đây. Quan Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông đã hợp với các sĩ phu gấp rút xây dựng Văn Thánh Miếu làm nơi ôn tập cho các sĩ tử và cũng là trung tâm hoạt động văn hóa, đề cao Đức Khổng Tử và các bậc tiền hiền nhằm giáo dục lễ nghĩa và duy trì “đạo học”. Năm 1867, thực dân Pháp đem chiến thuyền uy hiếp và đánh chiếm Vĩnh Long. Thực dân lấy cớ cần có gỗ để xây dựng dinh Tham biện định phá Thánh Miếu. Bá hộ Trương Ngọc Lang được dân cử đứng ra điều đình với Pháp để giữ lại.

Nhận thức của du khách ngày càng thay đổi cùng với sự phát triển, nhu cầu và thị hiếu của họ cũng thay đổi đòi hỏi chiều sâu, sự tham dự thông qua sự trải nghiệm những hoạt động sống tại địa phương mà họ đến. Những câu chuyện kể dân gian về con người, vùng đất... góp phần tăng tính hấp dẫn cho điểm đến cũng như cung cấp những thông tin về nơi đến cho khách du lịch. Tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách, bảo tồn và giới thiệu giá trị hình ảnh vùng đất, con người bản địa.

2.2.2.3. Đờn ca tài tử

Vĩnh Long là một tỉnh có phong trào đờn ca tài tử phát triển sớm và mạnh mẽ ở miền Tây Nam Bộ. Cùng với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long là một trong những nơi tiêu biểu cho lối chơi nhạc tài tử mang phong cách Tây Nam Bộ song hành cùng phong cách Tây Nam Bộ. Từ đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đờn ca tài tử, Vĩnh Long cũng là nơi đầu tiên khai sinh ra hình thức “ca ra bộ”- tiền thân của nghệ thuật cải lương.

Nhạc tài tử ở Vĩnh Long có tất cả 20 bài căn bản, tục gọi là 20 bài tổ, chia ra 4 nhóm: bắc, oán, bài và nam. Quê hương Vĩnh Long cũng có rất nhiều nhân tài đã

cống hiến nhiều công sức cho nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc như: Thầy phó Mười Hai, mỹ danh là Tống Hữu Định quê ở Vũng Liêm, là người đầu tiên khởi xướng phong cách ca ra bộ, và ông Trần Quang Quờn (Ký Quờn) người sáng tác bản Văn Thiên Tường Lý Bá Hề năm 1916 và là người có ngón đờn ca tài tử đặc sắc (quê ở làng Thiềng Đức, Vĩnh Long, người đặt bài ca tài tử cũng là người góp công hình thành nghệ thuật cải lương hiện nay). Ngoài ra còn có những nghệ sĩ mà tên tuổi của họ rất thân quen đối với khán giả mộ điệu cả nước như: nghệ sĩ Thành Tôn, “vua vọng cổ” Út Trà Ôn, Út Hậu, Trường Xuân, Lệ Thủy, Chí Tâm. Về nghệ thuật sân khấu tại Vĩnh Long tiêu biểu là gánh hát bội Đồng Thinh ra đời và tồn tại hơn 100 năm, năm 2007, gánh hát bội Đồng Thinh vinh dự được mời biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian thế giới tại Hoa Kỳ (Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại Washington DC); năm 2010, tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Đờn ca tài tử là một trong những sản phẩm du lịch thu hút cả khách quốc tế và nội địa, làm phong phú sản phẩm du lịch, phong phú thêm nội dung, đa dạng các dịch vụ du lịch trong chương trình phục vụ du khách. Đồng thời, thỏa mãn cho nhu cầu thư giãn và thưởng thức nghệ thuật của du khách, kích thích sự phát triển hơn nữa của ngành du lịch. Đờn ca tài tử kết hợp các dịch vụ khác góp phần hoàn thiện hơn diện mạo đời sống sinh hoạt vùng sông nước, không gian văn hóa, không gian sống của người dân Nam Bộ nói chung và con người Vĩnh Long nói riêng. Đờn ca tài tử nếu giữ đúng “chất” của nó, mộc mạc, gần gũi, thể hiện tính phóng khoáng mà tình cảm của con người miệt vườn sông nước chắc chắn sẽ tạo ra sự gắn kết, ấn tượng khó phai giữa “điểm đến” với du khách. Ngược lại, khi du lịch phát triển không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương mà còn bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này, thông qua các buổi biểu diễn phục vụ du khách nâng cao nhận thức của người dân địa phương và du khách về loại hình âm nhạc truyền thống, sự hiểu biết về nếp sống và nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ.

Bên cạnh loại hình đờn ca tài tử thì hát bội cũng là một loại hình nghệ thuật có thể phát triển để phục vụ du lịch. Hát bội là loại hình nghệ thuật hình thành sớm nhất ở vùng đất phương Nam, trong quá trình Nam tiến ông cha đã mang loại hình hát bộ cung đình vào nam – nguồn gốc của hát bội. Trong thời kỳ vàng son, hát bội rất được người dân ủng hộ tuy nhiên vào khoảng cuối thế kỷ trước loại hình này dần mất đi khán giả. Năm 2007, hát bội Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cử tham dự lễ hội Smithsonian chủ đề “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa” tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ). Trong vài năm gần đây, các đình làng tổ chức cúng đình có phần long trọng hơn, nhờ đó hát bội có cơ hội quay trở lại. Hiện tại, Vĩnh Long có khoảng hơn 10 nghệ sĩ hát bội của gánh hát bội Đồng Thinh, để duy trì cuộc sống họ phải làm nhiều việc khác để mưu sinh tuy nhiên nhiệt huyết với nghề luôn được gìn giữ. Để phục vụ du lịch, lớp diễn được dàn dựng trong thời gian 20- 30 phút tại đình làng (đình Long Thanh, Công Thần miếu,…), tạo nên một sản phẩm mới thu hút khách du lịch cũng như góp phần duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Một phần của tài liệu Giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng tỉnh vĩnh long (Trang 77 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)