Phương thức mưu sinh vùng sông nước

Một phần của tài liệu Giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng tỉnh vĩnh long (Trang 68 - 73)

2.1. Di sản văn hóa vật thể

2.1.4. Phương thức mưu sinh vùng sông nước

Với loại hình du lịch homestay có giá trị văn hóa trong đời sống được trở thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Những đặc điểm cư trú, ẩm thực, sinh hoạt, vui chơi giải trí, phương thức mưu sinh vùng sông nước... Qua đây, đề tài đề cập đến các giá trị di sản văn hóa đang được sử dụng để phát triển du lịch.

2.1.4.1. Loại hình cư trú và nhà cửa

Vĩnh Long là một trong những tỉnh của Nam bộ, được mệnh danh làmiệt vườn,là “miệt vườn sông nước trái cây ngọt lành”, dân cư có nếp sống phong lưu.

Vĩnh Long còn khá nhiều nhà cổ xưa. Các loại hình cư trú này tạo nên những khung cảnh thiên nhiên thu hút khách tham quan.

Cư trú kiểu nhà vườn vùng nội ô: đặc điểm không gian cư trú, nhà ở tại Vĩnh Long là loại hình nhà vườn còn theo phong cách miền Trung, mang vẻ êm đềm, tĩnh lặng. Đó là những căn nhà ba gian truyền thống, mái ngói rêu phong nằm lẫn giữa khu vườn trồng nhiều cây xanh sum xuê, có sân trước trồng hoa, cây kiểng, vừa là một thú chơi thanh nhã, vừa tạo kiểng thành bức “bình phong” thiên nhiên nơi mặt tiền nhà trên theo phong cách Huế để che tầm nhìn thẳng vào nhà. Quanh nhà có hàng rào hoa dâm bụt, hoặc xương rồng. Từ cổng vào nhà thường có lối đi lát đá xanh hay gạch tàu.

Cư trú kiểu nhà miệt vườn tại nông thôn: nhà cửa vùng “miệt vườn” của Vĩnh Long nằm yên bình giữa thiên nhiên trong lành đầy cây xanh. Địa thế theo thuật phong thủy “có cây có nước” (tả thanh long, hữu bạch hổ). Rất đặc trưng của vùng nông thôn các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít…

Cư trú tại cù lao: Vĩnh Long có nhiều cù lao như cù lao Lục Sĩ Thành (xưa gọi là cù lao Mây - Vân Châu) ở Trà Ôn, cù lao Năm Thôn (cù lao Dài - Trường Châu) ở Vũng Liêm, cù lao An Bình, cù lao Bình Hòa Phước ở Long Hồ... Cư trú tại vùng cù lao là dạng cư trú khá đặc trưng tại Vĩnh Long. Trước các cụm nhà ven sông ở cù lao có bến dùng để neo ghe, xuồng với những biệt thự bề thế, cổ xưa tại cù lao Bình Hòa Phước thì có nhà cầu mát neo ghe thường có kiểu như nhà thủy tạ, xây dựng bằng vật liệu kiên cố, mái lợp ngói âm dương. Nhà cửa tại cù lao ở Vĩnh Long đều mang một phong cách riêng, hầu hết đều là nhà vườn, cổng ngõ dù vững chắc hay thô sơ cũng ít khi đóng chặt theo kiểu “kín cổng cao tường”, mà luôn mở, thể hiện tấm lòng hiếu khách.

Cư trú ven sông: dạng cư trú tiêu biểu nhất của vùng sông nước Nam bộ là những làng - xã phân bố dài ven sông. Người ta lấn diện tích ra sát bờ sông, hình thành dạng nhà cửa nửa trên bờ, nửa dưới sông. Các trại ghe, lò gạch thi nhau chiếm lĩnh bờ sông để thuận tiện cho sản xuất. Tuy nhiên tình trạng này lâu dần sẽ làm mất đi vẻ đẹp của những xóm làng.

Về loại hình nhà, Vĩnh Long là một trong những tỉnh của Nam Bộ được mệnh danh là “miệt vườn”. Vĩnh Long còn khá nhiều nhà cổ xưa. Phong cách kiến trúc nhà tại Vĩnh Long qua các loại hình nhà truyền thống đã thể hiện khá rõ sắc thái nhà của miền Trung. Vào đầu thế kỷ XX, phong cách, kỹ thuật kiến trúc Pháp để lại dấu ấn khá đậm nét trong không gian kiến trúc tại Vĩnh Long. Nhà xưa bằng gỗ ở Vĩnh Long được xây dựng bằng danh mộc: lim, căm xe, cà chất...Toàn bộ gỗ của sườn nhà đều được lắp ghép tự nhiên bằng kỹ thuật cao, không dùng đinh. Các bức vách gỗ, kèo hoành phi, câu đối bàn thờ, bao lam đều được chạm trổ tinh xảo.

Nhà chữ đinh: về cấu trúc, hai cây đòn dông của nhà trên và nhà dưới thẳng

gốc với nhau. Nhà dưới nằm ngang hàng với nhà trên, xoay đầu hồi ra phía trước và có lối vào riêng cũng hướng ra phía trước như nhà trên. Đa số dạng nhà chữ đinh có cầu nối đặc trưng của miền Trung, tức là có phần nối (nối vách lẫn nối mái) giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể nhà không tách rời nhau.

Nhà chữ đinh dưới thời Pháp thuộc, pha trộn kiến trúc Pháp: hành lang hiên trước chạy dọc từ nhà trên cho tới nhà dưới được xây hàng lang can gạch cùng với cột hàng hiên có hoa văn theo kiến trúc Pháp.

Nhà nối đọi (xếp đọi, sắp đọi, sóc đọi, nhà chữ nhị): thường có một nhà trên (nhà trước) và một nhà dưới (nhà sau) sắp liền kề, cây đòn dông của nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau. Phần lớn nhà xếp đọi truyền thống là nhà ba gian.

Nhà ba gian: thường chỉ có 02 mái còn hai đầu hồi bịt kín vách. Thường được xây từ những thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX. Tại nội ô, nhà ba gian đa phần mang mang phong cách nửa Việt nửa Pháp như lợp mái bằng ngói âm dương, cửa song, vách thảo bạt, khung cửa dạng quay rương có trang trí họa tiết lá phiên thảo bằng xi măng đúc và đều có lang can.

Nhà có chái: thường là một nhà chính có kèm thêm một hoặc hai chái ở hai đầu hồi. Nhà chính có số gian thường là số lẻ (1,3,5), nhưng thông thường là 3 gian với 1 hoặc 2 chái, gian giữa có thể lớn hơn hai gian bên độ vài centimet. Nhà thuộc loại cổ kính, hầu hết được xây dựng trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Nhà được xây dựng phối hợp kiến trúc nửa Việt nửa Pháp. Thường kiểu nhà này có vật liệu xây dựng và trang trí ảnh hưởng Pháp, nhưng kỹ thuật lại là kiểu nhà rường truyền thống.

Nhà bát dần (tám đấm tám quyết): cũng tương tự như nhà 3 gian hoặc 5 gian hai chái, là loại nhà hoàn chỉnh về kết cấu, thường thực hiện kỹ lưỡng, quy mô lớn.

Nhà thảo bạt: xây dựng theo phong cách pha trộn kiến trúc nửa Việt nửa Pháp, tức là nhà có gian thảo bạt với vách mặt tiền nhà cùng kiểu mái nhà xây theo kiến trúc Pháp, còn nội thất bên trong thì theo kiểu Việt với cấu trúc kỹ thuật nhà trính trỏng, có đủ hàng cột cái cùng hoành phi, câu đối, bao lam.

Nhà xưa nơi đây lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử, kiến

trúc là tài nguyên hữu ích để phát triển du lịch. Mỗi một ngôi nhà chứa đựng đặc điểm riêng của vùng miền, một tộc người, một gia đình nào đó, gắn chặt với đời sống của cộng đồng địa phương. Ngôi nhà là tổ ấm, là “lịch sử” của gia đình, dòng tộc nói riêng và văn hóa địa phương nói chung. Khi khai thác du lịch phát triển dựa vào giá trị này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn những giá trịtruyền thống của địaphương. Thông qua, trang trí, kiến thúc ngôi nhà, câu đối, bàn thờ gia tiên... những hình ảnh cẩn xà cừ trên tủ, bàn ghế xưa... thể hiện sự tiếp biến văn hóa của vùng đất “mới” Nam Bộ. Du khách đến nơi đây, được giới thiệu, chiêm ngưỡng kiến trúc mang đậm phong cách Nam Bộ, hiểu được văn hóa của điểm đến, cách sống, sinh hoạt của cư dân địa phương.

2.1.4.2. Ẩm thực

Ẩm thực là tiếng dùng chung cho việc ăn và uống. Văn hóa ẩm thực bao gồm cả cách sống, cách nghĩ của con người nơi đó, cách chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức uống. Văn hóa ẩm thực của vùng miền thể hiện những đặc điểm xã hội nhất là đặc điểm về tự nhiên của nơi đó, hình thành nên những bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng, miền. Ở Miền Tây nói chung và ở Vĩnh Long nói riêng nơi đâu cũng có sông ngòi, kênh rạch, hồ, bưng… nhiều cá, tôm, rắn, cua... các loại rau vườn, rau rừng, rau đồng, trái cây. Có thể nói vùng đất lành, những người miền Tây vẫn rất sáng tạo làm cho văn hóa ẩm thực ở miền Tây ngày càng phong phú, không cầu kỳ như Huế nhưng có sự kết hợp màu sắc, hương vị, nguyên liệu đặc sản địa phương cũng khá đặc biệt. Cách ăn uống không cầu kỳ hình thức mà là rất nhiệt tình, thoải mái. Với phong cách thưởng thức “mùa nào thức nấy” và quan niệm “ăn để mà sống” để có đủ dưỡng chất tái tạo sức lao động. Nơi ăn, với những bữa cơm thường ngày trong gia đình thì tùy điều kiện không gian căn nhà rộng hay hẹp mà bố trí hợp lý: hoặc trên bàn, hoặc ngay trên sàn nhà. Nếu là bạn thân rủ nhau nhậu chơi thì có thể trải đệm dưới gốc cây trong sân vườn hay ngoài đồng, hay trên xuồng ghe tùy thích. Nhưng khi nhà có đám tiệc thì không xuề xòa mà bày biện cỗ bàn rất nghiêm chỉnh trong tinh thần quý trọng khách mời, tạo nên nét văn hóa rất riêng mà cũng rất chung, hài hòa giữa phong tục truyền thống với đặc điểm văn

minh vùng sông nước.

2.1.4.3. Đi lại

Ghe chèo là một trong những nhân tố chính góp phần làm cuộc sống vùng sông nước Cửu Long thêm sinh động. Nó đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của bà con, có mặt trong mọi công việc của họ: chở hàng ra chợ, chở lúa, đi công chuyện, đặt lờ, thăm lưới, thả câu… Nó không đơn thuần chỉ là phương tiện giao thông mà còn là một đặc trưng văn hóa. Phổ biến ở Vĩnh Long là ghe tam bản thuộc loại ghe nhỏ, trọng tải dưới 1 tấn, chở được khoảng 25 giạ lúa. Ghe tam bản tại Vĩnh Long không phải được ghép bởi 3 miếng ván như tên gọi của nó, mà là nhiều miếng ván.

Tại Vĩnh Long, ghe tam bản có loại mũi bằng và loại mũi hơi nhọn, hơi cất lên, lái của nó tròn trĩnh, không có góc cạnh như ghe tam bản ở các vùng khác. Ưu điểm của ghe này là di chuyển ra vào kênh rạch rất dễ dàng dù chở nhiều đồ đạc trên ghe.

Đặc biệt là chiếc xuồng ba lá. Xuồng ba lá được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.

Chợ nổi Trà Ôn là một không gian văn hóa điển hình của cuộc sống sinh hoạt thương hồ và giao thương miền sông nước. Trong công trình Văn hóa người Việt ở miền Tây Nam Bộ, tác giả Trần Ngọc Thêm cho biết: “Môi trường tự nhiên, xã hội đặc thù của Tây Nam Bộ đã sản sinh ra nghề thương hồ và cũng chính nghề thương hồ sản sinh ra chợ nổi - một sản phẩm văn hóa kinh doanh độc đáo của Tây Nam Bộ… Chợ nổi là chợ mà mọi hoạt động, di chuyển và giao dịch mua bán đều diễn ra trên mặt sông với phương tiện là các ghe xuồng” [Trần Ngọc Thêm, 2013:382].

Nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, các loại hàng hóa nông sản của chợ đều được buôn bán theo nhóm hàng, hàng hóa được phân phối từ các ghe vườn theo dạng bán sỉ. Nét độc đáo này tạo cho chợ nổi Trà Ôn một nét hấp dẫn riêng, sẽ có sức cuốn hút khách. Do vậy, chợ nổi Trà Ôn ở một chừng mực nhất định phản ánh nhịp nhàng nét sinh hoạt địa phương của người dân địa phương, một bức tranh sống có ý nghĩa trong việc tìm hiểu các

mạng lưới kinh tế - xã hội gắn liền với các yếu tố đồng - vườn - sông nước Nam Bộ.

2.1.4.4. Nông ngư cụ truyền thống

Tính đến năm 2014, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã sưu tầm được 438 hiện vật nông ngư cụ được lập thành các bộ sưu tập khác nhau. Bộ sưu tập hiện vật sử dụng trong hoạt động canh tác lúa nước như nông cụ phát hoang, làm cỏ, làm đất, cấy lúa; bộ sưu tập dùng để đánh bắt cá trên đồng ruộng, dưới sông, rạch. Những bộ sưu tập này được chuẩn bị để phục vụ cho việc đề nghị xây dựng Bảo tàng nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Đôi nét về các loại nhóm ngư cụ truyền thống được người Vĩnh Long sử dụng. Nhóm ngư cụ dùng trên ruộng như lọp, lờ, nơm, ống trúm, hầu hết được làm bằng nan tre, mỏng dùng để cá, tôm, tép, lươn... Tùy địa điểm như lờ được đặt cố định ở khu vực có dòng chảy nhỏ để khai thác cá người ta đặt lờ ở chỗ có cá, còn nơm thì dùng để bắt cá trực tiếp trên ruộng. Tương tự nhóm ngư cụ trên ruộng, người nông dân Vĩnh Long còn sử dụng những ngư cụ dưới sông như chài, đóng đáy, lưới, đăng, vó, bung, lờ, lọp, cất chà.

Ngoài nhiều gia đình nông dân có một vài ngư cụ để bắt cá thì ở Vĩnh Long còn có những xóm nghề chuyên đánh bắt cá như xóm chài, xóm đáy, xóm lưới. Ngày nay, một số ngư cụ khai thác truyền thống không còn được sử dụng hoặc thỉnh thoảng sử dụng do không đem lại hiệu quả kinh tế. Những bộ ngư cụ phản ảnh những kinh nghiệm khai thác của ông cha ta truyền từ đời này sang đời khác, chứa đựng những nét văn hóa dân gian.

Hiện tại, Vĩnh Long mới chỉ khai thác sản phẩm tát mương bắt cá có sử dụng nơm tại các ao trong vườn nhà dân. Các ngư cụ khác như chài, đóng đáy, lưới, đăng, vó, bung, lờ, lọp, cất chà… có thể đưa vào khai thác để du khách tham gia hoặc quan sát sẽ đa dạng hơn các hoạt động trong chương trình du lịch, tuy nhiên cần chú ý vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách.

Một phần của tài liệu Giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng tỉnh vĩnh long (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)